Ở ngay trung tâm thành phố Ninh Bình có một không gian nghệ thuật lý thú, dành cho những người đam mê và yêu thích cổ vật. – đó là Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên được thành lập ở Ninh Bình, có tên gọi: Bảo tàng cổ vật Võ Hằng Gia.
Ông Nguyễn Thế Võ. Ảnh Phạm Trường.
Từ thú sưu tầm và quá trình 30 năm lặn lội tìm kiếm những món đồ mang dấu ấn lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc của ông Nguyễn Thế Võ, đến nay, tại công trình Bảo tàng Võ Hằng Gia, hàng nghìn cổ vật với sự đa dạng, phong phú bởi các chủng loại, niên hiệu, thời kỳ sắp ra mắt người xem như một món quà chào mừng lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư và hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội…
7 lần bán nhà… vì thú sưu tầm cổ vật
Đến tận bây giờ, khi đã sở hữu trong tay hàng nghìn cổ vật có giá trị cả về mặt nghệ thuật và kinh tế được trưng bày trong chính ngôi nhà, cũng là địa điểm của Bảo tàng cổ vật Võ Hằng Gia tại khu biệt thự nhà vườn (phường Đông Thành- thành phố Ninh Bình), ông Nguyễn Thế Võ vẫn chưa quên về những ngày đầu tiên “khởi nghiệp” đến với nghề sưu tầm cổ vật.
Ông kể: Cách đây hơn 30 năm, sau khi trở về từ chiến trường miền Nam, trong một dịp cùng hàn huyên, tâm sự với người đồng đội cũ quê ở Nam Định có thú sưu tầm đồ cổ, tôi như lạc vào một thế giới hết sức hấp dẫn, đầy “ma lực”. Khi được nghe, kể rồi tận tay, tận mắt nhìn vào, sờ thấy những món đồ cổ tưởng như vô tri, vô giác mà lại “nói” lên được tiếng nói của lịch sử, của văn hóa khi bắt gặp con mắt và tâm hồn nghệ sỹ của người thưởng thức, cộng thêm gia đình từ thời ông nội đã có thú vui sưu tầm đồ cổ, nên ông Võ như được đánh thức niềm yêu thích sưu tầm đồ cổ.Nếu như bây giờ, phương tiện tàu, xe thuận lợi, có thông tin về cổ vật, chỉ cần lên xe, lên máy bay… vài tiếng đồng hồ là đến. Còn cách đây 20, 30 năm đó là điều xa xỉ. Có được chiếc babetta như ông thời đó đã là của hiếm. Còn phần lớn dân sưu tầm đồ cổ phải gò lưng trên chiếc xe đạp, vào Nam, ra Bắc là chuyện thường. Có những chuyến đi phải mất 6 tháng lặn lội tìm kiếm mà nhiều khi thu được không đáng gì. Chuyến đi vào tận Khe Kiền (cách Đô Lương- Nghệ An) hơn 60 km, giáp Lào là chuyến đi ông Võ nhớ nhất vì khi vào thì thuận, nhưng lúc về mưa lũ ngập băng đường, ông phải ở nhờ một bản của người dân tộc thiểu số, 7 ngày ăn cơm nếp liền khiến ông phát sợ.
Hành trình đi tìm và sưu tầm cổ vật vất vả, gian nan như vậy nên dân đồ cổ thường gọi những chuyến đi như thế là “đi xứ” để so sánh với những gian nan không kém của những quan triều đình ngày xưa đi xứ ở nước ngoài. Khó khăn, gian nan là vậy nhưng tìm được cổ vật lại là cái duyên của người đi sưu tầm đối với cổ vật. Có người hàng mấy chục năm lặn lội, dành bao công sức và tiền bạc mà đồ sưu tầm được lại không đáng giá. Nhưng có những người mà dân chơi đồ cổ gọi nôm na là “sát đồ” nghĩa là đi đến đâu, đồ dậy lên đến đấy.
Một góc Bảo tàng cổ vật tư nhân Võ Hằng Gia
Trong cuộc đời sưu tầm đồ cổ của mình, ông Võ là một trong những người có duyên với cổ vật. Hơn 30 năm dầy công sưu tầm, ông đã có trong tay hàng nghìn cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm như: bộ vòng đá ngọc của người Việt cổ, con dao đồng thời Đông Sơn, bộ gương Hán Việt… Vậy nhưng, để trở thành chủ nhân của hàng nghìn cổ vật mang đậm giá trị nghệ thuật, lịch sử văn hóa và kinh tế như hiện nay, ông Võ đã không ít lần phải trả “học phí” quá đắt, bởi…. 7 lần ông phải bán nhà vì sự nhầm lẫn khi thẩm định món đồ, hoặc gặp đồ giả, bị lừa…
Bảo tàng tư nhân đầu tiên về cổ vật
Hơn 30 năm gắn bó và theo đuổi nghề sưu tầm cổ vật, với những gì đã đạt được, ông luôn nung nấu ý định thành lập một bảo tàng tư nhân để giữa cổ vật và người thưởng lãm có sự giao lưu, tạo cơ hội cho người dân thành phố và trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Để có được Bảo tàng như ngày nay, ngay từ nhiều năm trước ông đã dày công sắp xếp các món đồ theo từng niên đại, nội dung, độ tuổi…
Tiêu chuẩn lựa chọn cổ vật của ông là “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, “non kỹ hơn già rối” để đảm bảo mỗi cổ vật khi được đưa về trưng bày phải thể hiện được những điều mà người làm ra tác phẩm đó, dù cách đây hàng nghìn năm đã gửi gắm. Trong các bộ các cổ vật được trưng bày trong 4 tầng nhà, có tới 90% cổ vật là của người Việt cổ ở thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, Chămpa, Đông Sơn…
Theo sự giới thiệu của ông, cổ vật có tuổi thọ lớn nhất là 4.500 năm và thấp nhất là 100 năm. Khi Luật Di sản có hiệu lực, quyết tâm thành lập bảo tàng càng thôi thúc ông nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về: kinh tế, số lượng cổ vật, xây dựng địa điểm… Ông Võ đã đưa toàn bộ số cổ vật đi giám định để có sự công nhận chính thức từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện 100% cổ vật của ông đã qua thẩm định của Sở VH-TT&DL, 50% trong số đó được Hội đồng tư vấn và giám định cổ vật (Bảo tàng lịch sử Việt Nam) thẩm định.Tuy chưa chính thức khai trương bảo tàng, nhưng với sự đồng ý của UBND tỉnh, ngay trong dịp lễ hội Cố đô Hoa Lư, Bảo tàng cổ vật Võ Hằng Gia phối hợp cùng Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tổ chức trưng bày cổ vật với sự tham gia của Hội cổ vật 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, có khoảng 1.000 cổ vật từ khắp các tỉnh, thành góp mặt. Bên cạnh đó, có sẽ hơn 100 cá nhân yêu thích và có thú sưu tầm cổ vật trong tỉnh cũng đem về hàng trăm cổ vật để làm phong phú thêm cho cuộc trưng bày.
Nói về buổi trưng bày cổ vật sắp diễn ra, ông Nguyễn Thế Võ chia sẻ: Đây là ý định tôi đã nung nấu từ lâu. Năm nay đúng vào năm Ninh Bình và cả nước có nhiều sự kiện trọng đại nên càng thôi thúc tôi phải cố gắng thực hiện bằng cả tình cảm và tấm lòng của một người con quê hương Ninh Bình chào mừng lễ hội cố đô Hoa Lư và hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Ông Võ cho biết, ông rất vui là cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, buổi trưng bày cổ vật còn nhận được nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung sở thích sưu tầm cổ vật như: doanh nghiệp Hùng Vương, Hoàng Phố, Nguyễn Chính, Xuân Mai…
Phan Hiếu
Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn/tham-bao-tang-co-vat-tu-nhan-vo-hang-gia-20100414024000000p3c23.htm