Trong các loại mũ miện của triều Nguyễn, chưa có loại mũ nào phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở nhiều tầng lớp trong xã hội như là mũ Xuân Thu. Trong đó có cả vua, quan, cho tới người nhạc công, tất nhiên là đã có quy định cụ thể bằng sự khác nhau về chất liệu cùng trang sức, số lượng trang sức ở trên mũ. Riêng về mũ của vua, quy định được ghi trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” như sau: “Mũ làm bằng sa nhiễu sắc đen, đính 1 hoa bạc, khảm 1 viên pha lê sáng…” Đây là mũ Lễ phục Xuân Thu, được vua sử dụng vào các dịp tế lễ, ngày kỵ.
Thế nhưng trong “Đại Nam thực lục” lại cho biết, thời vua Gia Long mũ Xuân Thu có ba loại, và khác với quy định nêu trên: 1/ bằng sa trắng, 2/ bằng sa thâm, 3/ bằng nhiễu thâm, ba loại này được sử dụng cho các tế lễ khác nhau (1).
mũ Xuân Thu của vua Gia Long
Cùng với sự khác biệt quy định, đó là bức tranh về vua Gia Long thể hiện vua đội một chiếc mũ mà tôi cho là mũ Xuân Thu, nhưng rất khác với trong quy định nêu trên. Bức tranh này, có một thời được thờ trong Thế Miếu, nhưng do thể hiện vua nhìn ngang và không đồng bộ với tranh ảnh các vua khác được thể hiện nhìn thẳng (cũng ở trong Thế Miếu), nên Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã thay bằng bức tranh khác.
Được biết một số nhà nghiên cứu về trang phục cho rằng, bức tranh này là do người Pháp khi được tiếp xúc với vua rồi về sau hồi tưởng vẽ lại, vì có phần không đúng về kiểu áo. Tất nhiên đây cũng chỉ là giả thiết, nhưng điều tôi quan tâm ở đây là chiếc mũ vua đội. Với góc độ chuyên môn của người phục dựng, tôi nhận thấy chiếc mũ vua đội là mũ Xuân Thu có cùng kiểu dáng với mũ Xuân Thu của quan lại và kể cả bản vẽ về mũ Xuân Thu của họa sĩ Tôn Thất Sa, nhưng khác ở chỗ là không có 2 dải ở hai bên và miếng che phủ ở phía sau mũ. Về trang sức được thể hiện: Tại giữa trán mũ là 1 trang sức to và gần tròn, phía trên là 1 hình lửa nhỏ, mặt bên phải là 1 hình rồng lớn chầu vào trang sức to ở trán mũ, tức là cũng cho biết mặt bên trái cũng có 1 rồng tương tự theo luật đối xứng. Kiểu thức trang trí hai rồng lớn ở hai bên mũ cho thấy còn ảnh hưởng của mũ Xung thiên của nhà Minh – Trung Hoa (ảnh…). Trên chỏm mũ, các trang sức được trang trí gần như dày đặc, với các loại hình trông như hoa, lửa, mây. Nhìn chung đây là mũ Xuân Thu có nhiều trang sức và hoàn toàn khác với quy định.
mũ Xuân Thu của họa sĩ Tôn Thất Sa
Như vậy, có hai chứng cứ khác với quy định là ba loại mũ Xuân Thu được ghi ở thời vua Gia Long, và chiếc mũ Xuân Thu vua đội trong bức tranh. Về hiện tượng này, có thể giải thích dựa theo sử liệu vào năm Minh Mạng thứ 2, có ghi về một sự kiện: “Vua bàn với Bộ Lễ định lại về lễ phục” (2). Rất tiếc là sử liệu không ghi rõ định lại lễ phục như thế nào, nhưng sự khác biệt với quy định ở hai chứng cứ nêu trên đã cho thấy, rất có thể quy định về mũ Xuân Thu nêu trên đã được ra đời từ đây, và người họa sĩ vẽ bức tranh chân dung này đã thể hiện có phần đúng với sự thật.
Kỳ sau tôi sẽ đăng bài “TIN VUI VỀ MŨ XUÂN THU CỦA VUA TRIỀU NGUYỄN”, một phát hiện cực kỳ lý thú.
Chú thích.
1/ Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục, tập 1, tr 896.
2/ Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục, tập 2, tr 156.
Minh Mệnh chính yếu (tr 784, 785).
TG: Nhà phục chế Vũ Kim Lộc
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=881531048710188&id=100005599038998&__tn__=K-R
hay quá