Đối với người Việt, con rồng đã ăn sâu trong tâm trí của mỗi người, rồng được xem là thủy tổ của dân tộc. Người dân Việt dù đi bất cứ nơi đâu cũng tự hào mình là con rồng cháu tiên. Còn theo truyền thuyết của người Hoa, rồng là con vật rất cổ xưa và linh thiêng. Rồng tượng trưng cho vận may và là biểu tượng của sức mạnh và uy quyền. Các triều đại phong kiến Trung Quốc đã lấy con rồng làm biểu tượng cho các bậc quân vương từ rất sớm, thời Trần Thủy Hoàng và họ cho rằng vua chúa là sự hoá thân của rồng nơi trần gian.
Trong cuộc sống người Hoa cũng thích rồng, hình tượng rồng có nhiều trong các trò chơi dân gian vào những dịp lễ tết, hội hè, khai trương như múa lân, rồng…với hy vọng Lân, rồng mang lại mang lại vận may trong làm ăn, mua bán, mang lại hạnh phúc ấm no cho gia đình. Con rồng trong dân gian của người Trung Quốc là sự kết hợp 36 bộ phận tiêu biểu của 36 con vật có gốc Totem của các bộ tộc người Trung Hoa cổ xưa.
Riêng ngừơi Việt, rồng là con vật gắn liền với thực tại, đem lại mưa thuận gió hòa, đem lại sự màu mỡ, phì nhiêu cho đất đai. Rồng được xem là con vật linh thiêng, biểu trưng cho uy quyền và hạnh phúc. Trong việc xây dựng cung điện, lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo…đều được các nhà địa lý xem xét tới long mạch và được trang trí nhiều rồng. Trong chế độ phong kiến, rồng có liên quan đến vua chúa như Long bào, Long sàng…nhiều địa danh sông núi cũng được gắn liền với rồng như: Thăng Long, cầu Hàm Rồng, Cửu Long Giang…
Rồng là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa… Hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử qua các triều đại. Việc xác định phong cách thể hiện con rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó.
Trong thời đại phong kiến Việt Nam nối tiếp nhau cũng đều lấy rồng làm biểu tượng cho thế lực và uy quyền của quân vương. Do vậy, hình tượng rồng không ngừng được sáng tạo, thay đổi kiểu dáng…trong qúa trình ấy rồng cũng luôn gắn bó với dân tộc trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Hình tượng con rồng của người Việt qua mỗi triều đại có những nét riêng, phong cách riêng. Điều đó thể hiện rất rõ trên tranh vẽ, gốm, điêu khắc, sơn mài…
Hình tượng rồng thời Lý
Nhiều người thường gọi là “Rồng đất”, vì về căn bản giống con rắn nước hay con giun đất ….Riêng các nhà nghiên cứu gọi đây là rồng hình giun hay hình dây và điều đập vào mắt mọi người là nó mang hình dạng của một con rắn. Rồng thường được trang trí với dáng vẻ hiền từ, uyển chuyển . Rồng không có vảy, không sừng, đuôi tròn, to, được tạo trên nền hoàn toàn là dây, lá chứ không trên nền mây và sóng nước.
Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng thì há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc.
Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phiá trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.
Hình tượng rồng thời Trần
Rồng thời Trần có vẻ dũng mãnh hơn, đầy sức sống, thân rồng mập, uốn lượn không đều, có vây, có vảy bụng chứ chưa có trên thân, đầu chỉ có 2 bờm, chân 3 móng….ẩn hiện sau rồng là mây
Thân rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như rồng thời Lý. Có khi vảy lưng có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Chân rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu. Và có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tay.Đầu rồng không có nhiều phức tạp như rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp quả cầu.
Rồng thời Trần uốn lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Cách thể hiện rồng không chịu những quy định khắc khe như thời Lý.
Hình tượng rồng thời Lê
Đến thời Lê, rồng có sự thay đổi hẳn, rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông mày vẫn giữ hình dáng biểu tượng ômêga, nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thướng thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó. Rồng có mắt to, sừng lớn, chân rồng có 8 móng.
Hình tượng rồng thời Nguyễn
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Nhìn chung Rồng thời này trông mạnh mẽ, uy nghi, biểu trưng cho vương quyền. Rồng có thân dài, đầu ngắn, mắt to, đen, vòm thưa có tia bờm dựng đứng, đuôi xoắn theo hình trôn ốc.
Rồng trong quan niệm của người Việt hay người Hoa đều là một loài có từ lâu đời. Rồng trong cuộc sống hay biểu tượng trong mỹ thuật cũng đều mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà. Chúng đều có điểm chung là mãi mãi ảnh hưởng đến tâm linh, cuộc sống và suy nghĩ của mọi người.
Có thể thấy, hình tượng rồng đã hiện diện như là một cơ thể sống đã và đang tồn tại qua các tác phẩm dân dụng và nghệ thuật. Hình tượng rồng đã góp phần tạo nên một niềm tin cội nguồn, một sức mạnh quyền uy của các đấng Quân vương, là niềm tin, là ước mơ và hy vọng của nhiều tầng lớp nhân dân lao động.
Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con rồng không còn mang ý nghĩa thiêng liêng, tối thượng nữa, nhưng nó vẫn là đề tài sáng tác trong các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, hội họa, mỹ nghệ…
Dù ở bất cứ thời điểm nào, rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.
Gia Bảo
Bảo tàng Bình Dương
Tài liệu tham khảo:
– Sử học trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI- Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia năm 1997
– Thông báo khoa học- Bảo tàng lịch sử Việt Nam năm 2003
– Theo Non nước Việt Nam– XB 2006 -Tổng Cục du lịch Việt Nam
– Từ Internet khanhhoathuynga về Hình tượng rồng trong các triều đại Lý,Trần, Lê, Nguyễn
Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương
Nguồn: http://www.sugia.vn/portfolio/detail/132/tim_hieu_ve_hinh_tuong_rong.html