Tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có một bảo tàng tư nhân độc đáo, lưu giữ, trưng bày các di sản văn hóa Mường, trong đó nhiều hiện vật có niên đại hàng ngàn năm. Đây là công trình chứa đựng biết bao tâm huyết, công sức của ông Bùi Thanh Bình, một người con xứ Mường.
Anh Bùi Chí Lương giới thiệu về bộ lịch tre của người Mường xưa – Ảnh: YÊN LAN
Ông Bình sinh năm 1953, quê ở Mường Động – là một trong bốn vùng Mường, học đại học Văn hóa. Tốt nghiệp ra trường, ông có gần 10 năm làm việc trong ngành Công an. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Công ty Du lịch Hà Sơn Bình. Trong thời gian làm du lịch, ông đã tạo lập một điểm du lịch nổi tiếng ở Kim Bôi. Cũng từ đấy, ông bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm các cổ vật của người Mường.
“Lúc đầu, ý định của bác tôi là có một bộ sưu tập nho nhỏ, trưng bày trong phòng. Càng nghiên cứu, sưu tầm, đam mê càng lớn. Và khi đi đến các vùng Mường, bác tôi nhận thấy các vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình đang mất dần, thay vào đó là những vật dụng bằng nhựa, những đồ dùng của đời sống công nghiệp. Thế là bác tôi cố gắng sưu tầm. Bộ sưu tập của bác ngày càng lớn. Bạn bè anh em nói rằng nhiều hiện vật như thế thì nên mở một bảo tàng để trưng bày, để mọi người đến tham quan, tìm hiểu. Và bác thành lập bảo tàng này từ số tiền kiếm được nhờ kinh doanh dịch vụ du lịch”, anh Bùi Chí Lương, cháu gọi ông Bình bằng bác, hướng dẫn viên ở Bảo tàng di sản văn hóa Mường, kể lại.
Bảo tàng tư nhân của ông Bình rộng 4.200m2, lưu giữ, trưng bày trên 6.000 hiện vật do ông Bình cất công sưu tầm trong hơn 40 năm qua. Bảo tàng có 6 ngôi nhà chính được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Mường, trưng bày các hiện vật gắn liền với văn hóa Hòa Bình, từ thời kỳ đồ đá. Ngoài ra còn có thư viện, nhà ẩm thực – nơi truyền dạy ẩm thực của người Mường cho con cháu và kho cổ vật.
Bảo tàng di sản văn hóa Mường có quyết định thành lập vào năm 2014, do ông Bùi Thanh Bình làm giám đốc. Đến tháng 4/2015, bảo tàng bắt đầu mở cửa đón khách.
Tại bảo tàng tư nhân này, trong số các hiện vật thu hút sự quan tâm của du khách có bộ lịch tre – bộ lịch được người Mường sử dụng từ hàng ngàn năm trước, và có phiên bản với kích cỡ lớn hơn bản gốc rất nhiều để du khách dễ dàng xem các ký hiệu trên 12 thanh tre tương ứng 12 tháng trong năm. Xem bộ lịch này và nghe thuyết minh mới biết quan niệm về ngày của người Mường xưa gắn liền với cuộc sống phụ thuộc vào việc đánh bắt của họ lúc bấy giờ: ngày lỗ, ngày cá, ngày thú…
Nhà quan lang là nơi du khách không thể bỏ qua. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật là đồ gia dụng của quan lang, trong đó có bộ lịch cổ, có bát thử độc mà quan lang thường xuyên sử dụng để biết trong thức ăn có độc hay không. Nếu thức ăn của quan lang có độc thì bát sẽ đổi màu.
Bên trên vách nhà quan lang có 4 thanh kiếm, tượng trưng 4 vùng Mường lớn của người Mường xưa kia: Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc), Mường Vang (nay là huyện Lạc Sơn), Mường Thàng (nay là huyện Cao Phong) và Mường Động (nay là huyện Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong một tủ kính, nhiều vật dụng của các bà nàng (còn gọi là nàng ả, tức vợ quan lang) được trưng bày, như những món đồ trang sức bằng bạc, dao bằng sừng dùng để bổ trầu…
Trên bàn nước, ngoài bộ ấm trà (một ấm một chén), tẩu thuốc… còn trưng bày thạp hoa sen được chế tác rất tinh xảo từ thế kỷ thứ XV. Quan lang cho làm các thạp hoa sen để phát cho nhà dân, mỗi nhà một cái, được xem như… sổ hộ khẩu bây giờ.
Vào nhà chiêng cổ của người Mường, du khách yêu âm nhạc truyền thống sẽ thích thú với những bộ chiêng được trưng bày tại đây. Trong nhà chiêng cổ có 2 chiếc chiêng trên dưới 2.000 năm tuổi, được phát hiện khi khai quật mộ Thổ lang Mường Bi, trong đó có một chiêng 5 nốt, đánh một nốt ở giữa và bốn nốt chung quanh, âm thanh đều khác nhau. Lương nói chiếc chiêng 5 nốt đó là tiền thân của dàn chiêng 12 chiếc của người Mường.
Bảo tàng trưng bày một ngôi nhà sàn cổ của người Mường xưa, bên trong có bàn thờ và các vật dụng sinh hoạt, có cả những khẩu súng kíp do người Mường chế tạo. “Chiến lợi phẩm” của bà con Mường lúc bấy giờ khi đi săn bắn được trưng bày kèm theo, là răng nanh “khủng” của heo rừng, mỏ của đại bàng đất… Có một chi tiết thú vị: Ngày xưa, khi chưa có thuốc súng, người Mường lấy phân dê phơi khô rồi giã cho thật mủn để làm… thuốc súng!
Sau khi giúp khách tham quan tìm hiểu đôi nét về đời sống văn hóa của người Mường xưa, Lương đưa khách phương xa đến bàn nước, mời uống rượu được ủ bằng men lá. Nghe nói loại rượu này của người Mường mỗi lần nấu chỉ được khoảng 4 lít, và chỉ có mùa hè mới nấu được. Có phải vì điểm đặc biệt đó mà ly rượu men lá làm du khách bâng khuâng khi rời đi.
YÊN LAN
Nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/93/228195/tham-bao-tang-di-san-van-hoa-muong.html