Phát triển du lịch tại các bảo tàng tư nhân: Cái khó vẫn bó cái khôn

(HNMCT) – Hà Nội có hệ thống bảo tàng tư nhân lớn nhất cả nước với 14 bảo tàng phân bố ở khắp các quận, huyện. Để thành lập một bảo tàng tư nhân vốn đã khó trăm bề, nhưng để duy trì hoạt động với lượng khách tham quan thường xuyên còn khó gấp nhiều lần. Đó chính là bài toán khó đối với các bảo tàng tư nhân. Nhưng nếu có cơ chế tốt, cách làm hay, đây sẽ là những điểm đến thú vị, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho Hà Nội.

Du khách tham quan Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Những mô hình độc đáo

Nằm trong khuôn viên 1,5ha, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, Khu du lịch Long Việt (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) giống như một “quần thể bảo tàng” được chia thành hai mảng rõ rệt. Đó là khu trưng bày, tuyên truyền tác hại về ma túy có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hàng chục nghìn hiện vật được sưu tầm ở trong nước và hơn 40 quốc gia trên thế giới trong suốt gần 20 năm. Cùng với đó là khu trưng bày, tái hiện đời sống người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ qua các thời kỳ. Tổng số tài liệu, hiện vật, cổ vật trong “quần thể bảo tàng” này có thể chạm đến con số trăm nghìn. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống trưng bày và cơ sở vật chất cực kỳ hiện đại mà bất kỳ bảo tàng nào cũng phải ghen tị. Tất cả đều được đầu tư xây dựng với mục đích hướng giới trẻ đến một lối sống lành mạnh và biết trân quý hơn những di sản văn hóa mà cha ông để lại. Chính vì thế, nơi đây xứng đáng được coi là một bảo tàng đúng nghĩa.

Mặc dù không có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ như Khu du lịch Long Việt, nhưng người dân thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) lại cho thấy sức mạnh từ chính người dân và cộng đồng. Vốn là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội có nghề truyền thống là nhiếp ảnh được trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ trong suốt một thế kỷ qua, người dân nơi đây đã tiên phong đi đầu trong việc xây dựng một bảo tàng cộng đồng để làm nơi lưu giữ lịch sử làng nghề.

Cái quý của bảo tàng này là hoàn toàn do người dân chung tay xây dựng trên nền đất chung của cả làng, kinh phí do các hộ dân đóng góp và người điều hành, trông coi, hướng dẫn viên… cũng đều là người làng. Cùng với số lượng tài liệu hiện vật phong phú, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã đưa đến cho người xem cái nhìn chân thực về lịch sử hình thành, quá trình tiếp nối, gìn giữ nghề truyền thống của các thế hệ sau. Chẳng thế mà chỉ sau hai năm, nơi đây đã trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Không những thế, người dân Lai Xá còn đang ấp ủ dự định thành lập một bảo tàng trưng bày các hiện vật khai quật được tại Di chỉ Vườn Chuối có niên đại cách nay khoảng 3.000 năm…

Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 14 trong tổng số 31 bảo tàng tư nhân của cả nước. Rất nhiều trong số đó thực sự mang tầm vóc của một bảo tàng với số lượng tài liệu hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng, thể hiện tâm huyết, công sức của chủ nhân các bảo tàng này. Có thể kể đến những cái tên như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên)… Mỗi bảo tàng đều mang trong mình một “linh hồn” riêng với những giá trị đặc trưng của các cổ vật, hiện vật, tài liệu được lưu giữ và sưu tầm. Hệ thống bảo tàng tư nhân này thực sự là di sản tinh thần của những người sáng lập và là những sản phẩm du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội.

Giải bài toán khó

Việc thành lập một bảo tàng tư nhân vốn đã không hề đơn giản, bởi đó không chỉ là cả một quá trình tích lũy thời gian, kinh tế và trí lực để có được những hiện vật, tài liệu quý mà còn là những khó khăn, bất cập trong quá trình “nuôi” bảo tàng hoạt động. Làm thế nào để bảo tàng tư nhân có thể thu hút khách khi còn cả hệ thống bảo tàng công lập mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng? Làm sao để các hiện vật phát huy được giá trị của mình, mang đến cho người xem những tầng sâu văn hóa – lịch sử ẩn chứa trong đó? Đó là những câu hỏi của một bài toán khó, không dễ tìm lời giải.

Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, hệ thống bảo tàng tư nhân bộc lộ nhiều bất cập trong những năm qua. Đó là sự thiếu chuyên môn của đội ngũ nhân viên bảo tàng khiến hoạt động trưng bày kém hấp dẫn. Hơn nữa, với nguồn kinh phí eo hẹp nên đa phần các bảo tàng không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng và quy trình bảo quản hiện vật thường xuyên, dẫn đến hiện vật bị hư hại, xuống cấp. Những nguyên nhân trên khiến cho bảo tàng tư nhân khó thu hút khách đến, trong khi du khách mới chính là động lực, là sức sống cho mỗi bảo tàng. “Thiếu điều kiện này sẽ khiến bảo tàng bị thui chột và mất dần sự tâm huyết của những người tạo lập nên các bảo tàng ấy” – TS Phạm Quốc Quân chia sẻ.

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt cho rằng, để duy trì hoạt động của hệ thống bảo tàng tư nhân rất cần có sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách, giúp các bảo tàng tư nhân quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trang web của địa phương, đóng vai trò là “cầu nối” liên kết xúc tiến với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch để xây dựng sản phẩm và đưa khách đến… Cùng với đó, các bảo tàng tư nhân cũng phải luôn đổi mới, chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động trưng bày, hướng dẫn, thuyết minh để tạo sức hấp dẫn đối với du khách.

Quan trọng nhất trong số các việc cần làm là các bảo tàng tư nhân phải “bắt tay” được với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch để đưa khách đến. Đó chính là lời giải cho bài toán khó để hệ thống bảo tàng tư nhân trụ vững, phát triển và trở thành những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/936958/phat-trien-du-lich-tai-cac-bao-tang-tu-nhan-cai-kho-van-bo-cai-khon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.