Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ thứ 8 – 7 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 1 – 2 sau Công Nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, bắc Trung bộ Việt Nam.
So với các nền văn hóa đồng đại khác ở Miền Trung Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Đông Sơn nổi trội hơn cả ở bộ sưu tập hiện vật đồng thau, mặc dù đồ sắt cũng đã xuất hiện trong nền văn hóa này. Qua thống kê, tỷ lệ đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn chiếm tới gần 90% trong tổng số hiện vật các chất liệu. Số lượng hiện vật đồng được tìm thấy cũng đã lên tới hàng vạn tiêu bản, thuộc nhiều loại hình khác nhau, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sản xuất, đời sống của cư dân Đông Sơn.
Đồ dùng sinh hoạt có thạp, thố, bình, lọ, âu, ấm, muôi, thìa, bát, đĩa, đèn thắp sáng,… Công cụ làm nông nghiệp, trồng lúa nước có các loại rìu để khai hoang và các loại lưỡi cày, cuốc, xẻng, mai, thuổng… để làm đất. Đặc biệt, người Đông Sơn đã biết làm ra những chiếc liềm để gặt hái cho năng suất cao hơn hẳn những chiếc nhíp thời tiền Đông Sơn chỉ ngắt được từng bông lúa một. Đối với nghề mộc thì có các loại đục vũm, đục bẹt với nhiều kiểu dáng dài ngắn, thon bè thích hợp với từng kỹ thuật đục chạm khác nhau,…
Khảo cổ học cũng đã chứng minh nghề dệt vải khá phát triển khi tìm thấy dấu tích vải và công cụ dệt vải. Bên cạnh những chiếc dọi xe chỉ bằng gốm là một số loại công cụ chuyên dụng bằng đồng như các loại dao, bàn chải. Đáng chú ý có những chiếc dao găm chuôi bẹt, trên một mặt chuôi có những gai nổi nhỏ giống như gai trên bàn chải. Có thể nói, đây là loại công cụ chuyên dùng trong nghề dệt kết hợp cả hai chức năng chải, cắt… Bộ sưu tập dụng cụ săn bắn và vũ khí đồng Đông Sơn có đầy đủ các loại vũ khí tấn công, phòng ngự, đánh xa, đánh gần như giáo, dao găm, rìu chiến, lao, mũi tên, lẫy nỏ, tấm che ngực,… Các loại khác như nhạc khí, vật dụng nghi lễ, đồ trang sức, nghệ thuật tượng tròn,… cũng không những nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình, kiểu dáng, hình thức thể hiện,…
Lưỡi cày đồng Cổ Loa
Một câu hỏi được đặt ra là, đồ đồng Đông Sơn là sản phẩm chế tác của chính cư dân Đông Sơn hay được du nhập từ bên ngoài? Cho tới nay, nhiều bằng chứng khảo cổ học thuyết phục chứng minh việc đúc đồng tại chỗ của cư dân Đông Sơn đã được tìm thấy. Đó là những chiếc khuôn đúc đồng bằng đá cát, đất nung và nồi nấu đồng bằng đất sét trộn vỏ trấu, bã thực vật phát hiện được ở Làng Cả (Phú Thọ), Làng Vạc (Nghệ An) và nhiều di tích khác,… Khuôn đúc hở (một mang) dùng để đúc hình động vật đã tìm thấy ở Lãng Ngâm (Bắc Ninh). Đồ đồng nhỏ thì được làm từ khuôn 2 mang như khuôn đúc chuông, dao găm, rìu, giáo đồng,…
Trong khu vực Thành Cổ Loa, Hà Nội cũng đã tìm thấy hàng trăm mảnh khuôn đúc mũi tên cùng dấu vết lò đúc. Riêng trống đồng được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp 3 mang, sử dụng một lần, đúc xong phá khuôn để lấy sản phẩm nên dấu tích loại khuôn này rất hiếm gặp. Hiện mới phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng giai đoạn muộn ở Luy Lâu, Bắc Ninh.
Dấu vết lò đúc đồng ở Thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội
Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt tới trình độ cao đáng kinh ngạc mà những chiếc trống đồng, thạp đồng với kích thước lớn, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí hoàn hảo, sắc nét đến từng chi tiết,… là những minh chứng tiêu biểu nhất. Cho tới nay, hàng trăm chiếc trống đồng đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn. Đồng thời, một số trống đồng Đông Sơn điển hình cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nhưng những chiếc trống đẹp nhất, hoàn hảo nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa chỉ mới phát hiện được ở Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn với những nét đặc sắc nói trên, không chỉ là biểu hiện cao nhất của công nghệ đúc đồng mà còn là sản phẩm lao động, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Đông Sơn.
Nếu như các văn hóa tiền Đông Sơn như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun chủ yếu mới dừng lại ở giai đoạn hợp kim 2 thành phần là đồng, thiếc thì tới Đông Sơn đã có bước chuyển biến mang tính đột phá. Họ đã tạo ra cả chục loại hợp kim nhiều thành phần với 3 kim loại chính là đồng, chì, thiếc. Sự có mặt của chì đã làm cho nước đồng láng đều và điền đầy vào mọi ngóc ngách của khuôn, giúp cho cư dân Đông sơn đúc được nhiều loại sản phẩm ưu việt hơn các giai đoạn trước cả về kích thước, kiểu dáng, hoa văn trang trí… Hơn nữa, người Đông Sơn đã biết gia giảm số lượng, tỷ lệ thành phần kim loại trong hợp kim cho phù hợp với từng loại hình sản phẩm, công năng sử dụng. Chẳng hạn, những vật dụng sắc nhọn như đục, rìu, mũi tên, dao găm thì sử dụng hợp kim đồng thiếc. Những hiện vật lớn, hoa văn mảnh mai, tinh xảo đòi hỏi kỹ thuật cao thì đều được đúc bằng hợp kim có chì.
Bộ dụng cụ đúc đồng tìm thấy tại Làng Cả, Phú Thọ
Với sự phát triển đột biến, mạnh mẽ như vậy, ngành luyện kim đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn hẳn phải là một ngành kinh tế độc lập, đòi hỏi sự chuyên môn hóa và có sự phân công lao động rõ ràng. Một bộ phận cư dân tách khỏi nông nghiệp để chuyên đi khai mỏ, luyện quặng hoặc đúc đồng. Bằng chứng về sự chuyên môn hóa này là tại khu mộ Làng Cả đã phát hiện ngôi mộ của một thợ đúc đồng, được chôn theo 4 khuôn đúc, gồm 1 khuôn đúc chuông, 1 khuôn đúc rìu gót vuông, 1 khuôn đúc giáo và 1 khuôn đúc chuôi kiếm ngắn. Ngoài ra còn có nồi nấu và rót đồng. Trong lòng chiếc trống đồng Cổ Loa tìm thấy tại cánh đồng Mả Tre, Cổ Loa, Hà Nội năm 1982 được chôn theo rất nhiều lưỡi cày và hàng trăm mảnh đồng vụn cùng nhiều phế phẩm, mảnh vỡ đồ đồng được thu thập lại để tái đúc. Trống Cổ Loa là một trong những chiếc trống đẹp nhất. Từ đó có thể thấy, chủ nhân trống Cổ Loa phải là người có quyền lực, giàu có và có thể là một thủ lĩnh luyện kim đúc đồng.
Khi nghề luyện kim phát triển lại tác động tích cực, thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác phát triển theo khi cung cấp các bộ dụng cụ lao động tiên tiến, có hiệu năng cao. Như vậy, có thể nói nghề luyện kim đúc đồng là ngành kinh tế động lực đã tạo ra bước phát triển đột phá về kinh tế, xã hội làm cho văn hóa Đông Sơn thay đổi hẳn về chất, vượt lên hẳn cái nền của các nền văn hóa tiền Đông Sơn. Sự đột phá này là động lực giúp cho kinh tế phát triển, gia tăng giá trị thặng dư dẫn đến nhiều biến đổi sâu sắc về thượng tầng kiến trúc của xã hội Đông Sơn, làm tiền đề hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia