Đây là bài dịch từ kinh nghiệm của ông Jan-Erik Nilsson chia sẻ lại.
Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) “thủ phủ gốm sứ” của thế giới và là nơi mà những món đồ chúng ta vẫn gọi là “gốm sứ Trung Quốc” được sản xuất trong vòng một ngàn năm trở lại đây. Chúng tôi đã đến đây với tư cách là khách mời của Học viện Khảo cổ, nên được phép tham quan và hỏi han tất cả những gì chúng tôi muốn hỏi.
Có một điều mà tôi đã thấy ở Cảnh Đức Trấn, đó là họ quả thật họ có những xưởng gốm đặc biệt chuyên làm ra những bản sao “y như thật” (replica) của đồ gốm sứ cổ. Lời thanh minh cho hiện tượng này là lịch sử gốm sứ có một vai trò rất quan trọng đối với người Trung Quốc, và đất nước này thì rộng lớn, cho nên họ phải làm những bản sao vì lẽ những món đồ nguyên bản còn lại quá hiếm hoi.
Những xưởng gốm này hoạt động giống y như quy trình của những thợ gốm thời xa xưa. Họ phải đi vào những cách thức hay thủ thuật cần thiết, bao gồm cả khả năng phải nung đồ trong những lò gốm đốt bằng củi. Nhưng điều chúng ta có thể kiểm soát và chấp nhận ở đây là những người thợ này làm ra những “bản sao” chứ không phải là những đồ giả mạo. Ít nhất là trong suốt những giờ làm việc chính thức.
Gốm sứ Trung Quốc giả mạo được sản xuất ở khắp nơi chứ không chỉ ở Trung Quốc. Có rất nhiều xưởng gốm làm đồ cổ giả mạo trong và ngoài Trung Quốc. Đáng lưu ý như vài nơi ở Hồng Kông. Nhiều đồ giả đến từ Nhật Bản, Singapore và những nơi khác ở Đông Nam Á. May mắn là những xưởng gốm này bỏ sót rất nhiều chi tiết. Vài nơi thậm chí còn không thèm quan tâm đến những mẫu đồ nguyên bản và làm giả những mẫu đồ cổ …chưa tồn tại trước đó bao giờ. Có những vũ công Đường múa bên mình ngựa, những nhân vật bằng đất tạc bên ngoài những viên gạch Hán có thể trải qua một kỹ thuật kiểm tra TL (thermoluminescence:nhiệt từ – SFA) và cả những chiếc đĩa Dòng bông hồng (Famille rose: phấn thái – SFA) đẹp đến nỗi không chiếc đĩa cổ nào sánh nổi.
Một vài năm trước, đồ gốm giả đồ đầu đời Minh quay trở lại. Chúng thật sự hoàn hảo, chỉ trừ chất liệu bên trong. Khi nào bị vỡ, có thể thấy ngay chúng là gì, nhưng ai có thể bỏ công tìm mua và làm vỡ một chiếc đĩa đầu đời Minh để xem bên trong nó là gì? Bên cạnh đó là những đồ giả “bán cổ” (semi-antique fakes) tuổi khoảng 50 năm hoặc già hơn. Tôi không thể chỉ ra cái nào, nhưng tôi biết chúng có ở đó trên thị trường.
Một khía cạnh quan trọng để có một cái nhìn đa chiều là xếp loại những bản sao đồ cổ. Vài bản sao trông rất lâu đời, chỉ không thật sự già như dáng vẻ của nó. Những người Trung Quốc đi làm bản sao, copy và phỏng mẫu theo những món đồ mà họ đang có. Thậm chí, có những món đồ được đặt làm bảo sao theo mệnh lệnh của hoàng gia. Ngay cả những thỏi cao lanh ẩm đôi khi được sao chép trước cả khi chúng được sử dụng để làm đồ sứ. Ngay sau khi một lò gốm của một tỉnh nào đó thời Tống hay Minh xuất hiện một mẫu mã mới, mọi người lập tức muốn có một bản sao. Cả vùng dường như sao chép lẫn nhau khi mẫu mã trở nên phổ biến – hoặc cùng một lúc, một số lượng đơn đặt hàng lớn được gửi tới nhiều lò gốm khác nhau. Theo chiều hướng này, sự khác biệt giữa hai món đồ có thể hiểu theo hướng do các lò khác nhau làm, hơn là sự phát triển từng bước về mẫu mã của một lò riêng biệt nào đó.
Tôi đã từng tìm đến nhiều địa danh trong quá khứ từng là các lò gốm thời nhà Tống và nhà Minh, nghiên cứu những mảnh gốm vỡ còn lại trên mặt đất, và nhận thấy rằng đôi khi không thể nhận ra sự khác biệt giữa hai loại lò gốm khác nhau. Theo như tôi đã thấy, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua hàng trăm năm trong việc định tuổi, và có khả năng nhầm lẫn giữa đồ gốm miền Nam với đồ gốm miền Bắc Trung Quốc. Mọi thứ dường như đều được sản xuất ở khắp nơi, ít nhất là trong một vài thời điểm.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là đồ gốm sứ Trung Quốc sản xuất cho thị trường xuất khẩu của Nhật bản trong suốt thời Thiên Khải (1621-1627) triều nhà Minh. Và bước vào đời Khang Hi triều nhà Thanh (1662-1722). Chúng là những món đồ độc đáo làm theo từng series nhỏ. Chúng thường bị cong vênh và không đồng dạng, với những nét vẽ khá cẩu thả nhưng lôi cuốn. Chúng thường có vài mạt đá dính chặt trên vành đế. Men gốm như rơi lỗ chỗ ở miệng bình, và những dấu nhãn xộc xệch dưới đáy; tất cả cho thấy đó là những sản phẩm sơ sài ít được trau chuốt. Vấn đề là người Nhật lại thích chúng đến nỗi bắt đầu tự mình sản xuất. Cho đến bây giờ họ vẫn còn sản xuất, và luôn đạt đến một chất lượng hoàn hảo.
Nếu bạn muốn nhận ra một món đồ gốm Trung Quốc đời Minh, điều trước tiên hãy tìm một đường viền màu nâu hơi đỏ ở nơi kết thúc lớp men, bắt đầu phần không tráng men ở chân đáy. Nếu ở đó không có dấu vết của một đường viền nâu đỏ, bạn có thể cho rằng món đồ này là của Nhật và có thể non tuổi hơn dáng vẻ của nó. Nếu bạn xem ánh sáng phản chiếu lên bề mặt lớp men và thấy nó bằng phẳng, và thân gốm có một độ nhẵn hoàn hảo với lớp men sáng bóng, nó chỉ có thể là đồ Nhật và cũng là đồ mới nốt. Tuy nhiên, bằng cách đó, có thể bạn sẽ làm cho không ít người bán đồ gốm cáu tiết. Vì thế nên im lặng suy nghĩ một chút, ngừng lại một chút trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì khiến bạn không thấy hoàn toàn thoải mái. Đồ Nhật mới cũng rất đẹp, nhưng giá cả thì khác hẳn.
Khoảng những năm 1920 có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của những sản phẩm hoàng gia và xuất khẩu theo phong cách Dòng bông hồng “Famille rose” (Famille rose: phấn thái – SFA). Chúng cũng rất khó nhận biết. Chúng ta có vài manh mối nhờ vào thực tế thị trường thế kỷ 18 do công ty Đông Ấn xuất khẩu và có hàng triệu mẫu vật để so sánh.
Thật ra, thời trang, hay nhu cầu vào thời điểm đó quyết định việc các lò gốm sẽ sản xuất cái gì. “Các nhà sưu tầm” là một thị trường nhỏ so với khả năng sản xuất của các lò gốm kinh doanh thời cổ. Tôi chỉ xin nêu ra một vài gợi ý nhỏ, một vài nguyên tắc cơ bản nếu bạn muốn không phải vác về một thứ đố gốm giả mạo mà hoàn toàn không nhận thức được điều đó:
Nguyên tắc 1. Nếu bạn muốn chơi trong vòng an toàn, chỉ nên mua từ những nhà bán buôn nổi tiếng uy tín hoặc những nhà đấu giá.
Có rất nhiều người trên thế giới có uy tín lớn lao phải gìn giữ. Bạn phải đi một con đường khá xa mới bằng được họ. Họ sẽ cung cấp cho bạn những cơ hội để hoàn trả hay trao đổi nếu bạn không thấy vừa lòng với những gì mình đã mua. Nguyên nhân rất đơn giản. Giá của một món đồ thật đa số đều tăng lên theo thời gian. Nếu họ nhận lại món đồ từ tay bạn, họ hoàn toàn có thể bán lại với giá cao hơn bạn đã trả. Nguyên nhân thứ hai, chỉ cần bạn tin rằng bạn đã mua một món đồ giả từ họ, bạn giả vờ say xỉn và “thổ lộ tâm sự” với mọi người, chắc chắn công việc làm ăn của họ sẽ không suôn sẻ.
Nguyên tắc 2. Thận trọng khi mua đồ.
Nếu bạn thích săn lùng và mặc cả với E-bay, ở chợ, hay trong những cửa hàng nhỏ thì lại là chuyện khác. Giá cả hầu như luôn rẻ hơn. Họ sẽ bán những đồ phế phẩm của các lò gốm, những đồ tân trang lại, đồ giả mạo, và đôi khi, cả những báu vật mà chính họ cũng không ngờ tới. Lúc này, bạn phải hỏi chính bạn: mình đang có số hên chăng? Mình có tin người bán này chăng? Anh ta sẽ bịp bợm nếu anh ta có thể chăng? Anh ta có hay không những món đồ giả mạo mà bạn không mua vì bạn biết chắc đó là đồ giả? Trong trường hợp này, thông thường anh ta lại có nhiều đồ giả hơn mà bạn không nhận ra hơn. Khi đó, tốt hơn là nên giao dịch với người khác.
Nguyên tắc 3. Tìm kiếm những khiếm khuyết.
Những người sao chép hiếm khi được tiếp cận trực tiếp với nguyên bản mà thường làm việc với những ảnh chụp. Vấn đề chính là họ không biết mặt sau của chiếc bình vẽ cái gì, hoặc chân đế của đồ vật trông như thế nào hoặc có cảm giác ra sao khi sờ vào. Họ không biết dấu nhãn trông ra sao, một món đồ nặng bao nhiêu hay dày bao nhiêu. Có thể anh ta sẽ không thể bắt chước những người thợ thời xưa cách thức làm ra những món đồ mà anh ta đang sao chép. Có thể anh ta phối hợp 2 bức ảnh và trước tiên thêm vào một đường viền không thuộc về thời đại xưa để trang trí. Và anh ta bỏ qua rất nhiều chi tiết nhỏ như thế.
Nguyên tắc 4. Cẩn thận khi thấy trên thị trường xuất hiện quá nhiều mẫu đồ mà bạn biết là hiện rất hiếm có.
Hiện tượng này xuất hiện với vài đồ xanh trắng rất đẹp có hiệu đời Càn Long. Và những chiếc cốc rượu có chân có hình dáng, đất và men hoàn hảo, với những chi tiết trang trí nhỏ xíu nhưng vô cùng tinh tế. Ngày nay, nó có thể được mua bởi những nhà sưu tập quan tâm đến thị trường đồ cổ Trung Quốc với giá 5 đô một chiếc hoặc rẻ hơn. Ít có nhà sưu tập nào chịu trả nhiều tiền hơn thế.
Nguyên tắc 5. Cố gắng phát hiện ra các nhóm đồ.
Những xưởng gốm sản xuất đồ giả có lẽ sung sướng về những tác phẩm riêng của mình đến nỗi chẳng mấy chốc họ chẳng còn quan tâm đến những nguyên bản nữa. Những “bản sao” có đời sống riêng của chúng. Thậm chí chúng còn làm thành một nhóm “đồ thật” sống rất lâu trên thị trường. Một khi bạn đã phát hiện ra một món trong nhóm này, bạn sẽ không bao giờ bị lừa lần nữa. Nhưng bạn có thể nghĩ lại. Một “bản sao” khá già tuổi của Nhật đôi khi đáng giá hơn cả nguyên bản của Trung Quốc. Một món đồ mới, chính hiệu triều Hồng Hiến (Viên Thế Khải) ra đời năm 1915-1916, có thể có giá 10. 000 đô hoặc hơn và có thể tìm thấy ở bất cứ đâu…
Nguyên tắc 6. Kiểm tra bằng tay.
Cầm tận tay các món đồ là chìa khoá của mọi sự khám phá. Nếu bạn chạm vào nhiều món đồ, đến một lúc nào đó bạn sẽ biết đủ để nhận ra sự khác biệt. Một người nông dân không bao giờ phải dùng răng cắn thử mới phân biệt được một củ khoai tây và một hòn đá lẫn trong đất. Đơn giản là anh ta nhặt nó lên, chạm tay vào và biết.
Nguyên tắc 7. Thăm bảo tàng và mua sách.
Sự thật là không có cách nào dễ dàng để biết được là bạn đang cầm chính xác cái gì trong tay mình. Sách báo là phương tiện tốt. Những danh mục triển lãm ở bảo tàng còn tốt hơn. Chúng thường được bán giảm giá sau các cuộc triển lãm và chứa những thông tin mới nhất về những món đồ được triển lãm. Có thể khuyên một cách nghiêm túc rằng bạn nên dành cho sách ít nhất 10% những gì bạn định đầu tư vào đồ gốm. Đừng quan tâm đến ngôn ngữ vì hình ảnh có thể nói lên 90% nội dung.
Nguyên tắc 8. Đừng chú ý nhiều đến các “chuyên gia”.
Rất nhiều những người quản lý bảo tàng ở châu Âu và châu Á thật sự rất giỏi, nhưng họ có rất ít thời gian dành cho bạn. Một chuyên gia thật sự nên có mặt tại những cuộc khai quật các lò gốm xưa ở Trung Quốc. Lúc đó ông ta sẽ biết nhiều về điều đó, nhưng không nhất thiết là biết nhiều về những thứ khác. Chắc chắn chỉ là hy vọng hão huyền nếu cho rằng các chuyên gia sẽ sẵn lòng trả lời tường tận và chính xác tất cả những thắc mắc của bạn. Vì lợi ích của chính bạn, nên tự hỏi mình “tại sao phải cần đến ông ta” trước khi đặt câu hỏi khác cho chuyên gia.
Nguyên tắc 9. Một lúc nào đó, hãy cố bán đi một món đồ.
Đó là điều mà J. P. Barnum đã nói “một thằng ngốc và tiền của hắn sẽ sớm chia tay nhau thôi”. Nó vẫn là một sự thật. Có thể bạn cần một cuộc rà soát nhanh một khi chuẩn bị bán một món đồ cổ quý giá nào đó. Biết đâu, bạn sẽ nhận được từ người mua những câu hỏi mà bạn nên hỏi về món đồ đó.
Nguyên tắc 10. Phạm sai lầm – nó cũng là một phần của hiểu biết.
Nguồn: http://danhgiadoco.com/threads/24206-Muoi-nguyen-tac-doi-pho-voi-do-gia-co.html