Hơn 4.000 cổ vật quý còn nguyên vẹn từ 9 con tàu đắm trên khắp các vùng biển Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế và du khách.
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh ngày 19-6, Quảng Ngãi trưng bày “kho cổ vật” của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam.
Hiện vật trưng bày được khai quật từ các tàu cổ đắm trên các vùng biển từ Quảng Nam đến Cà Mau.
Đĩa gốm vẽ men trắng xanh mang biểu tượng linh vật trong lòng đĩa. Số hiện vật này được khai quật từ tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm.
Bánh lái và một phần mảnh gỗ từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm. Các nhà khảo cổ cho rằng tàu đắm còn nguyên vẹn, vận chuyển lô hàng gốm sứ đi qua vùng biển này thì gặp nạn chìm ở độ sâu 72 m. Tàu dài 30 m, rộng 6 m gồm 19 khoang chứa hàng hóa.
Tượng gốm sứ “cô gái quý tộc” trong con tàu chìm ở vùng biển Cù Lao Chàm. Các chuyên gia khảo cổ học nhận định bức tượng mô tả một cô gái họ Bùi ở làng gốm Chu Đậu (Hải Dương) xưa.
Gốm sứ do ngư dân tìm thấy trong con tàu đắm ở độ sâu 62 m tại vùng biển Lagi (Bình Thuận) có niên đại khoảng thế kỷ XV.
Hiện vật gốm sứ gồm nắp ấm, chén, lọ nhỏ với men trắng mỏng, men xanh trắng được phát hiện trong tàu cổ đắm ở vùng biển Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) niên đại thế kỷ XVII.
Cụm tượng phật và chén vàng được phát hiện trong các tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) và vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang) niên đại thế kỷ XVII đến XVIII.
Vật dụng gốm sứ thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) có niên đại thế kỷ XIII-XIV tìm thấy trong các tàu chìm ở vùng biển Bình Định.
Số cổ vật có niên đại thế kỷ XVIII do hai ngư dân Bình Thuận tình cờ phát hiện trong con tàu chìm cách mũi Cà Mau 90 hải lý về phía Nam. Các chuyên gia phỏng đoán đây là tàu chở hàng từ Trung Quốc tới Hà Lan gặp hỏa hoạn, chìm tại vùng biển Việt Nam.
Hơn 400 hiện vật của tàu đắm ở vùng biển Hòn Dầm (Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang, có niên đại khoảng thế kỷ XV.
Hiện vật trong con tàu đắm ở Phú Quốc – Kiên Giang nổi bật là gốm Chu Đậu (Hải Dương), các loại bình gốm có nhiều hình dáng với men ngọc xanh trắng, cồng chiêng… Đặc biệt, trên tàu còn có một khối cháy kết dính ba loại gốm men xanh ngọc (Trung Quốc), gốm Chu Đậu (Việt Nam) và gốm Sê Khok (Thái Lan).
Tiền cổ được phát hiện trong tàu đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi).
Các nhà khảo cổ cho rằng tàu đắm ở vùng biển Bình Châu có niên đại cổ nhất (khoảng 700 năm) và cũng là con tàu còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trên vùng biển Việt Nam.
Bà Đoàn Vũ Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi cho hay, kho cổ vật được trưng bày nhằm chia sẻ câu chuyện từ các con tàu đắm như cuộc du ngoạn về quá khứ của “con đường gốm sứ trên biển”.
Theo bà Dương, Quảng Ngãi có “thương cảng cổ” ở vùng biển Bình Châu nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh. Đây là một trong những minh chứng sống động về giá trị di sản văn hóa độc đáo để Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh sớm được UNESCO xem xét công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. |
Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn/kho-co-vat-trong-9-con-tau-dam_252514.html