Chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019) và Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, sáng 22-5, tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Gốm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại”.
Tham dự có ông Nguyễn Văn Lộc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, Bảo tàng các tỉnh Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp.
Đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề “Gồm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại”
Nghề gốm sứ được ghi nhận đã có trên vùng đất Bình Dương từ hàng ngàn năm trước, qua việc khai quật hàng loạt các di tích khảo cổ như Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa, Phú Chánh … có niên đại cách ngày nay từ 2.000 đến 3.500 năm. Đến giữa thế kỷ XIX, gốm sứ Bình Dương với danh xưng gốm Lái Thiêu đã theo những thương thuyền đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ và sang tận Campuchia. Những trung tâm gốm sứ thời thịnh đó là Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên), Lái Thiêu (thị xã Thuận An) và Phú Cường, Chánh Nghĩa (thành phố Thủ Dầu Một). Đây là 03 trung tâm dược xem là cái nôi gốm sứ truyền thống ở Bình Dương, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Dương. Vào những thập niên giữa thế kỷ XX, gốm sứ, sơn mài Bình Dương nổi tiếng với thương hiệu Thành Lễ mang phong cách mỹ thuật hiện đại, đậm chất văn hóa Việt. Gốm sứ Thành Lễ đã tạo thêm một nét son cho gốm sứ Bình Dương. Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, gốm sứ Bình Dương bước vào thời kỳ công nghiệp hiện đại, đổi mới công nghệ-kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế. Xuất phát từ những cái nôi gốm sứ truyền thống đã tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng … không những chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Trưng bày chuyên đề “Gốm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại” nhằm giới thiệu đến khách tham quan các sản phẩm gốm sứ được làm từ các làng nghề gốm sứ truyền thống cho đến các lò gốm hiện đại. Qua đó nhằm quảng bá hình ảnh gốm sứ Bình Dương đến với khách tham quan trong và ngoài nước; bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống-chế tác gốm ở Bình Dương; tôn vinh giá trị, vai trò của sản phẩm gốm sứ trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam nói chung và của cư dân Bình Dương nói riêng.
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2019/05/579-khai-mac-trung-bay-chuyen-de-gom-su-binh-duong-truyen-thong-va-hien-dai