Hình tượng rắn trên gốm cổ Chu Đậu

Bấy lâu nay dòng gốm Chu Đậu luôn đem lại cho những người quan tâm, yêu thích gốm cổ nhiều điều thú vị về nguồn gốc, lai lịch cũng như sự hình thành, phát triển và lụi tàn một cách nghiệt ngã của nó. Điều gì khiến cho dòng gốm này trở nên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới vào những TK XV-XVI? Có lẽ, chính các đề tài trang trí cùng các hoa văn độc đáo đã đem đến cho gốm Chu Đậu một chỗ đứng không thể lẫn với các loại gốm cùng thời.

Trong rất nhiều đồ án trang trí của gốm Chu Đậu, ngoài những đề tài thực vật, kết hợp thực vật với động vật, phong cảnh, con người,…, còn có mảng đề tài động vật rất phong phú. Trong mảng này, bên cạnh đề tài tứ linh, những con vật trong cuộc sống đời thường đã được nghệ nhân Chu Đậu xưa khéo léo và tinh tế đưa vào sản phẩm bằng những cảm xúc chân thật của mình, lúc bay bổng, thoát tục, khi đơn sơ, mộc mạc trước cuộc sống, trước thiên nhiên tươi đẹp của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Những hình ảnh động vật đời thường như chim, cá, tôm, cua, ngựa, nai, voi, báo, trâu, dê, gà, chuột, ong, bướm, chuồn chuồn,…, đã đi vào gốm một cách tự nhiên, sống động qua nét vẽ phóng bút, linh hoạt. Trong số đó có một loại động vật tuy ít khi được sử dụng như những đồ án trang trí nghệ thuật nhưng đã được nghệ nhân xưa chọn lựa và vẽ trên gốm Chu Đậu: rắn, một động vật thuộc loài bò sát máu lạnh.

Hẳn là rắn vô cùng quen thuộc với đời sống của con người từ bao đời nay. Loài rắn được cho là tiến hóa từ tổ tiên của loài thằn lằn, chúng cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè, cá sấu… nhưng không có chân. Rắn có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Môi trường sống của rắn gần như ở khắp các địa hình, từ các sa mạc, rừng rậm, biển cho đến suối, hồ, trên cây, dưới mặt đất… Nước ta thuộc vùng nhiệt đới, thích hợp cho sự phát triển của các loài biến nhiệt nên có rất nhiều loại rắn. Thông thường, loài rắn không tấn công con người nếu chúng không bị làm giật mình, khiêu khích hay bị làm đau. Nọc của rắn độc có thể gây tê liệt và giết chết con mồi nhanh chóng. Đối với con người, rắn là một động vật vừa có lợi lại vừa có hại. Chúng là thiên địch của loài gặm nhấm, là thuốc để chữa bệnh…

Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong nhiều nền văn hóa mà trong tâm thức nhân loại, nó còn mang rất nhiều biểu hiện khác nhau và thậm chí trái ngược nhau. Rắn hiện thân là một vị thần sáng thế, biểu trưng cho vũ trụ thời hỗn mang nhưng đôi khi lại là một thành viên hay vị thần bảo hộ của gia đình, là nguồn nước và cũng là lửa, là vị phúc thần và ác thần, điều tốt và cái xấu, tượng trưng cho sự sống bất tử và cái chết… Con người vừa ghét rắn, giết rắn nhưng cũng sợ rắn, thờ rắn. Văn hóa nhân loại hầu như đều thể hiện tính nước đôi với loài bò sát này.

Phần lớn các nền văn hóa từ Đông sang Tây đều có thái độ kiêng dè đối với loài rắn. Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến trong các cư dân sống xung quanh những con sông ở Hy Lạp dưới nhiều hình dáng khác nhau như rắn mang thêm sức mạnh của bò đực, rắn có đầu của cừu đực… Trong tôn giáo của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản… (1).

Tại Ấn Độ, rắn được xem như biểu tượng của sự bất tử. Trong tiếng Phạn rắn được gọi là Naga. Tín ngưỡng thờ rắn đã ăn sâu trong đời sống văn hóa của cư dân nước này. Hình ảnh rắn hiện diện trên khắp không gian và thời gian của Ấn Độ. Đạo Hindu luôn gắn hình ảnh các vị thần với loài rắn: Vasuki (hay Nagaraja) – vua rắn là người cai quản các vùng dưới thấp và thường được mô tả là đang đội cả thế giới trên đầu; thần Vishnu hay nằm tựa trên rắn ngàn đầu Sesha, tượng trưng cho sự vô tận, chiếc bụng phệ đặc trưng của thần Ganesha được quấn xung quanh bởi một con rắn hổ mang, có tác dụng như một sợi chỉ thiêng của một tín đồ Hindu thành tâm.

Ở Trung Quốc, tín ngưỡng thờ rắn cũng được biết đến khá sớm và còn lưu lại dấu tích trên các vách đá hay qua một số truyền thuyết về những vị thần sáng tạo nên thế giới loài người với hình dạng đầu người đuôi rắn là Phục Hy, Nữ Oa… Suốt từ Bắc tới Nam của Trung Quốc, các đền miếu thờ rắn được lập nên rất nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông thuộc miền duyên hải Hoa Đông và vùng Lĩnh Nam Trung Quốc (2).

Cũng như nhiều nền văn hóa khác, rắn trong văn hóa Việt Nam cũng có xuất phát là một vị thần khởi nguyên. Do hình dáng và cách thức di chuyển uốn mình trườn lượn của rắn mà hình ảnh ban đầu đó gợi lên trong trí tưởng tượng của con người những con sông, dòng suối. Hình ảnh ấy cũng đi vào những truyền thuyết, cổ tích với nhiều màu sắc huyền bí – một đặc điểm mang tính phổ quát trong nhiều nền văn hóa. Đối với người Việt, ngay từ khởi thủy đã gắn với huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn cha để trở thành mẹ Tiên Âu Cơ và cha rồng Lạc Long Quân. Hay những sự tích ông Dài ông Cộcthần nướcnúi Ngũ hành đều có bóng hình của rắn thiêng.

Xuất phát từ nỗi sợ hãi của con người về loài rắn nên rắn cũng là đối tượng hiện diện rất nhiều trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Có thể thấy tục thờ rắn ở các đền dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống… và các di tích, lễ hội. Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, mà còn ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Tây Nam Bộ.

Trong nghệ thuật tạo hình, trước gốm Chu Đậu, hình tượng rắn đã để lại sớm nhất có thể vào thời văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2.500 năm) trên những trống đồng, thạp đồng với hình các thuyền chiến, thuyền đua được cách điệu theo dáng của loài rắn. Trên những cán dao găm đồng là một cặp rắn hay trăn xoắn lấy nhau, đầu ngả ra ngoạm các cặp chân voi hoặc hổ. Bước vào thời kỳ quân chủ phong kiến, hình tượng rắn xuất hiện chủ yếu trên những tác phẩm điêu khắc đá tìm thấy ở một số di tích tại Bắc Ninh, đó vẫn là hình rắn cách điệu có chân được tìm thấy trong khu đền thờ Lê Văn Thịnh – vị trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam, trên núi Thiên Thai, mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Hay cảnh những đôi rắn đầu có mào quấn nhau giữa sóng nước mênh mông trên bệ tượng Phật chùa Ngọc Khám thuộc thời Trần và đôi rắn cũng trên một bệ tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Cung Kiệm có niên đại vào năm 1449 (3). Có lẽ những con rắn này đều gắn với thần tích trong Phật giáo.

Sưu tập gốm cổ khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho thấy hình họa rắn trên đồ gốm Chu Đậu không nhiều và chủ yếu được vẽ trên những chiếc đĩa lớn. Trong đó có một tiêu bản đáng chú ý bởi bố cục rất ấn tượng, khác hẳn và không trùng lắp với những môtip có tính quy luật so với những sản phẩm Chu Đậu khác. Đó là một con rắn thân tròn uốn khúc ẩn mình trong đầm nước bên những bông sen, lá sen và quả sen chen chúc nhau dày đặc, gợi nên một khung cảnh đồng quê đầy sự sống sôi động dưới một mùa hạ rực rỡ và cũng là mùa sinh sôi nảy nở của các loài sinh vật đầm lầy. Mùa hạ trên đồng không chỉ là mùa châu chấu bắt cặp, ếch nhái tìm đôi mà rắn cũng đang độ cặp đôi, sinh sản và tìm mồi.

Chiếc đĩa có đường kính 34,7 cm được vẽ bằng màu xanh lam dưới men và màu vàng kim trên men. Màu vàng ấy càng làm cho hình họa chính của chiếc đĩa trở nên phù hợp với không gian của một mùa hè oi ả bởi ánh nắng mặt trời chói chang và cũng màu vàng lấp lánh ấy làm cho bức tranh đượm vẻ huyền bí của xứ sở phương Đông. Do bị ngâm dưới nước biển lâu ngày, lớp màu vàng kim loại đã bị bong tróc nhiều, trong khi đó, những đường nét màu xanh lam vẫn còn tươi nguyên. Kỹ thuật trang trí chiếc đĩa này khá phức tạp và công phu, điều này chỉ có thể nhìn thấy ở những sản phẩm xuất khẩu cao cấp, tạo vẻ sang trọng của món đồ cũng như địa vị của người chủ sở hữu chúng.

Trên một chiếc đĩa khác kích thước nhỏ hơn, có một đoạn cảnh độc đáo như một thước phim về đời sống tự nhiên của các loài động vật hoang dã. Hình ảnh một con rắn đang đối mặt với chúa tể của bầu trời – một chú đại bàng với đôi mắt tinh anh và đôi chân đầy móng vuốt sắc nhọn, một chân đang bấu chặt vào thân của một con rắn to lớn nhưng rắn có vẻ vẫn không khuất phục, há miệng nhe những chiếc răng đầy thách thức. Quả là một trận giao tranh ngang tài ngang sức, không phân thắng bại giữa một loài máu lạnh sống trên mặt đất có nọc độc gây chết người và một loài là sát thủ sống trên không trung, là nỗi đe dọa và khiếp sợ của nhiều muông thú. Tất cả cảnh tượng ấy cách đây năm, sáu thế kỷ vẫn vô cùng sống động như hiện thực của thế giới động vật ngày nay vậy.

Hình họa rắn và đại bàng trên đồ gốm Chu Đậu TK XV cũng gợi lên những liên tưởng về hình ảnh rắn Naga và chim thần Garuda, hai kẻ thù truyền kiếp của nhau trong Hindu giáo. Trên những điêu khắc đá thuộc phong cách Tháp Mẫm của văn hóa Champa TK XII – XIII, hai hình ảnh trên luôn được thể hiện trong tư thế Garuda quắp và giẫm lên mình Naga.

Chiếc đĩa cỡ nhỏ này có men tam thái với màu xanh lam, xanh lục và đỏ. Nước biển đã vô tình xóa đi hai màu xanh lục và đỏ khiến những hình họa trang trí không còn được rõ nét. Đĩa được vẽ bằng kỹ thuật công bút, với hình họa chính được đặc tả chi tiết và phần hoa văn phụ trợ là những cánh sen viền xung quanh thành trong chiếc đĩa – một môtip quen thuộc thường bắt gặp trên những chiếc đĩa kích thước lớn nhưng ở đĩa nhỏ này, chúng trông rất đẹp mắt và ít nhiều cầu kỳ hơn.

Hai chiếc đĩa trong sưu tập này đều là những chiếc đĩa men xanh trắng kết hợp với men màu, một kỹ thuật hoàn toàn mới. Màu xanh lam được vẽ dưới men nung nặng lửa; sau đó, các màu sắc còn lại được vẽ trên men và lại đem nung nhẹ lửa tựa như hấp để có được hiệu quả màu sắc ấn tượng. Kỹ thuật này đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của gốm Việt Nam. Đây cũng là một sưu tập phong phú và độc đáo về loại hình, đặc biệt nhất là hoa văn trang trí với bút pháp vẽ kết hợp cả công bút và phóng bút một cách nhuần nhị.

Rắn có mặt trong nhiều nền văn hóa và với nhiều biểu tượng khác nhau nên cũng có thể đề tài này được sản xuất theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu đồ gốm phục vụ tôn giáo hoặc sinh hoạt.

Khác với những biểu tượng thường mang ý nghĩa nhân văn, hình tượng rắn khắc họa một con vật với nhiều ý nghĩa tốt – xấu theo từng cung bậc cảm xúc của con người dành cho nó; khi thì tuyệt đối hóa rắn như một thần linh đầy quyền năng, khi thì xem nó là loài độc ác, nham hiểm… Một con vật xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, trở nên quen thuộc với cuộc sống con người và trong văn hóa Việt Nam với sự thử nghiệm trên đồ gốm cổ Chu Đậu đã phác họa phần nào cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên cùng những quan niệm về loài rắn ở xã hội Đại Việt thời Lê sơ, TK XV, một thiên nhiên thuần hậu, phóng khoáng. Chính đôi bàn tay khéo léo cùng tâm hồn Việt Nam của người thợ xưa đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến các vùng đất xa xôi trên thế giới. Điều đó đã làm cho gốm Chu Đậu trở nên riêng biệt, độc đáo và là niềm tự hào của gốm Việt một thời.

_______________

  1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant,T đin biu tượng văn hóa thế gii, Nxb Đà Nng, 1997, tr.764.
  2. Clio Whit Taker,n hóa phương Đông  Nhng huyn thoi (Trần Văn Huân dịch), Nxb Mỹ thuật, 2002, tr.22; và Trần Minh Hường, Hình tượng rn qua tc th và huyn thoi, www.vanhoahoc.edu.vn, 2011.
  3. Chu Quang Trứ,n hóa Vit Nam nhìn tm thut, tập 1, Nxb Mỹ thut, 2002.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

Tác giả: Phạm Ngọc Uyên

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.