Sở hữu được một món đồ mà mình yêu thích là cơ duyên.
Tôi có may mắn, từ lâu, đã sở hữu được một chiếc bình men ngọc (celadon) dáng bí vẽ thạch – cúc – hồ điệp.
Rồi một lần tình cờ phát hiện ra còn một chiếc như thế nhưng vẽ đối với với chiếc bình của mình, cho dù nó có khác màu men.
Theo đuổi gần hai năm ròng, người chủ – một nhà sưu tầm lớn – đã động lòng mà nhượng cho tôi để hai chiếc được tương hợp.
Tuy đây không phải một cặp như khi chúng được sinh ra, nhưng trong cái còn và mất của cổ vật với thời gian, được như vậy có lẽ là hi hữu lắm rồi! Chẳng những thế, khi ghép đôi, chúng còn gây ấn tượng mạnh hơn, như một sự phá cách trong thi ca, hội hoạ… Một khía cạnh nào đó, sự sắp đặt này sẽ không khiến đơn điệu như một đôi cùng màu men đăng đối.
Ở đây, ta bắt gặp một món màu xanh nước biển (celadon) đối một món màu xanh da trời (vũ quá thiên thanh) gợi ra sự liên tưởng đến sự tương quan giữa trời – đất – con người và bao la hơn là vũ trụ.
Một cách nhìn khác, hai chiếc bình như gợi lên triết lý Âm/ Dương, như vợ/chồng, như trai/gái; như nước/lửa… vừa tương sinh vừa tương khắc.
Có thể nói, trong thú chơi này, tiền bạc không phải là cái quyết định, nó chỉ là điều kiện cần, mà quan trọng hơn cả vẫn là chữ Duyên. Hay nói đúng hơn là Duyên Lành. Vậy, duyên bắt đầu từ đâu? Tại sao mỗi người lại có cái duyên khác nhau? Đó là những câu hỏi mà tôi chưa tìm ra được lời giải thực sự. Nhưng có một điều mà bản thân trải nghiệm rất rõ – khi ta mong ước điều gì thì điều đó sẽ đến với chúng ta dễ dàng hơn.
Nói một cách khác, nếu như tâm ta chưa khởi phát, chưa mường tượng ra cái mà mình cần, mình thích thì khó lòng mà cái duyên đưa đẩy ta đến gặp một món đồ. Phải chăng ông bà ta đã dạy rằng “cầu được ước thấy”, “vật tìm người” hay “đồng thanh tương ứng ; đồng khí tương cầu” là đây?
Chút chia sẻ về thú chơi cổ ngoạn cùng anh em đam mê 🙂
Nguồn: https://www.facebook.com/groups/707592299386721/permalink/1332006010278677/