Chính quyền phong kiến phương Bắc với 3 chính sách nhằm đồng hóa nước ta

Thời Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, trải qua các triều đại: Triệu, Hán (Tây Hán và Đông Hán), Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm và đô hộ, biến Âu Lạc thành quận, huyện, đồng hóa dân tộc, bóc lột tàn tệ và triệt để nhân dân ta.

  1. Tổ chức cai trị

Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ (bao gồm vùng Bắc Bộ ngày nay) và Cửu Chân (gồm vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), sáp nhập vào nước Nam Việt.

Năm 111 TCN, nhà Hán đánh chiếm Nam Việt và chia nước ta thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Nhà Hán vẫn duy trì phương thức cai trị: Dùng người Việt trị người Việt của nhà Triệu.

Sau nhà Hán là các triều đại Ngô, Ngụy, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường cùng với việc thay đổi các đơn vị hành chính là việc tổ chức chặt chẽ hơn bộ máy thống trị của chính quyền đô hộ. Tuy nhiên, việc thiết lập chính quyền đô hộ vẫn chỉ nằm ở các phủ, châu, chưa xuống tới các làng, xã.

  1. Vơ vét, bóc lột tàn bạo nhân dân bản xứ

Dựa vào một tổ chức quan lại, quân đội tương đối chặt chẽ và khá mạnh, chính quyền đô hộ đã ra sức bóc lột và đàn áp nhân dân các châu, quận. Chúng ra sức chiếm đất xây dựng cơ sở kinh tế riêng, thực hiện chính sách đồn điền nhằm giữ đất đai mới chiếm được của nhân dân ta.

Chúng bắt nhân dân ta phải cống nạp, nộp tô thuế và chịu lao dịch cho chính quyền đô hộ. Ngoài ra chúng còn nắm độc quyền sản xuất và mua bán muối và sắt, để bắt nhân dân ta nộp thuế và lệ thuộc chặt chẽ vào chính quyền đô hộ của chúng.

  1. Đồng hóa dân tộc, khủng bố và đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta

Để nô dịch nhân dân ta về tư tưởng, tinh thần, ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo đã được chính quyền đô hộ truyền bá vào nước ta. Tiếng Hán và chữ Hán cũng được chính quyền đô hộ phổ biến ở Giao Châu nhằm làm công cụ thực hiện chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán.

Bên cạnh đó chúng còn đẩy mạnh việc di dân Hán đến ở lẫn với người Việt, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục tập quán theo người Hán.

                                     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.