- Chức năng trang trí
Nếu tiếp xúc với đồ gốm mà không tìm hiểu sự khởi nguồn, khởi nghiệp, về lịch sử thăng trầm của nó, chúng ta sẽ nghĩ, chúng sinh ra dường như để làm đẹp. Ngay từ những mảnh gốm thô trang trí hoa văn lược hoặc văn chải tìm thấy trong di chỉ văn hóa Hòa Bình đã thể hiện một trong những đặc trưng và ưu thế của đồ gốm là tính trang trí, cho dù những hoa văn này được giải thích là mang tính công năng (tăng cường ma sát khi vận chuyển) nhiều hơn là tính thẩm mỹ. Những nhà nghiên cứu mỹ thuật thường nói, nghiên cứu lịch sử đồ gốm cũng là nghiên cứu lịch sử của những dạng, những loại hình hoa văn với những đồ án phong phú, đa dạng, phát triển từ thô sơ đến phức tạp, thể hiện trình độ tư duy và mỹ cảm của người đương thời. Cùng với khả năng sáng tạo ra đồ gốm, người Việt cũng sáng tạo ra những thủ pháp tạo hình và trang trí trên gốm, để loại vật dụng này ngày càng làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Ngay từ thời Đại Việt, bên cạnh các chức năng là đồ dùng sinh hoạt hoặc vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm đã được bày đặt (ở một vị trí cố định) trong nội thất hoàng cung với chức năng làm đẹp, làm sang cho gia chủ như một bức tranh quý hay một vật trang sức. Ở vị trí này, chức năng thực dụng của đồ gốm dường như bị triệt tiêu, nhưng giá trị của đồ gốm được nâng cao, mang ý nghĩa như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này giải thích tại sao từ thời Lê sơ, đồ gốm đã được triều đình dùng làm cống phẩm và hàng hóa trao đổi trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và các nước khác. Cùng với các sản phẩm được chế tác từ kim loại quý như vương miện, ấn, ngọc tỷ, đồ trang sức (bằng vàng, bạc, kim cương), nhiều đồ gốm được sưu tầm, gìn giữ và trao truyền như những báu vật quốc gia. Bằng con đường này, gốm cổ của nước ta đang được tàng trữ tại nhiều bảo tàng trên thế giới.
Gốm trang trí có nhiều thể loại, phổ biến là những chiếc đĩa men trắng vẽ lam với các đề tài lấy từ điển tích được bày đặt trang trọng ở bàn khách hoặc treo lên tường, những chiếc lọ lục bình có kích thước lớn trang trí hoa văn dày đặc, hay những bức tượng gốm mỹ nghệ tạo hình người và con giống… Ngoài ra, còn có các loại bể cá cảnh, nậm rượu, lọ cắm hoa, đôn, bình, chum, chậu cảnh… Với những gia đình bình dân, thay vì những sản phẩm gốm men đắt tiền, họ có thể dùng đồ sành thay thế để trang trí nội ngoại thất tư gia như sân, cổng, hiên, vườn… Vào những thập niên cuối TK XX, có thêm các loại tranh gốm (tranh đơn, tranh đôi, hoặc tứ bình) là một trong những sản phẩm rất được ưa chuộng. Việc dùng đồ gốm để trang trí tư gia, nhà hàng, khách sạn, công ty thường gắn với vấn đề phong thủy. Người ta tin rằng, với cách thức tạo hình độc đáo, cùng với màu men và hoa văn trang trí, nếu được bày đặt đúng chỗ, đồ gốm sẽ mang đến sự may mắn, an bình và thịnh vượng.
Trên thực tế, đồ gốm vừa có những phẩm chất của hội họa, vừa có ưu thế của thể loại điêu khắc. Vì vậy, chức năng trang trí, bày đặt của đồ gốm được phát huy hơn bao giờ hết trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay.
- Chức năng nghi lễ
Ngoài chức năng mai táng hài cốt, đồ gốm còn có chức năng là đồ nghi lễ, đồ thờ từ rất sớm. Theo Bùi Vinh, vào giai đoạn cuối của văn hóa đá mới, đã xuất hiện các loại mâm bồng bằng đất nung phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, thờ cúng. Chính chức năng độc đáo và quan trọng này của đồ gốm đã dẫn đến việc hình thành một loại hình sản phẩm đặc trưng – gốm thờ. Trải qua thời gian, các đồ thờ bằng gốm được thay đổi từ chất liệu đất nung sang dạng sành, rồi gốm men và sứ. Hiện nay, gốm thờ với đa dạng thể loại có mặt ở hầu hết những nơi thờ tự, từ các công trình kiến trúc tôn giáo công cộng như đình, chùa, đền, miếu, lăng, phủ… đến ban thờ tư gia.
Đồ gốm được dùng thường xuyên với tư cách là vật dụng được bày biện cố định trên ban thờ, điện thờ, hoặc nếu không đặt để trên ban thờ thì cũng chỉ được mang dùng vào những dịp đặc biệt. Bình hương bằng sành hoặc bằng gốm men là vật nghi lễ mang tính phổ cập ở các dân tộc châu Á. Bên cạnh bình hương còn có lư hương, đỉnh, chân đèn, chân nến, đĩa quả, lọ hoa, ống đựng hương… đặc biệt là chiếc chén đựng nước thờ, được thay thường xuyên vào các ngày sóc, vọng hoặc ngày giỗ. Một đôi lọ lục bình (hoặc độc bình) chỉ dùng để cắm hoa trên ban thờ mà không được dùng vào việc khác. Ngoài chức năng đồ thờ, chúng còn mang ý nghĩa là chiếc bình hứng lộc, chứa lộc cho bản đền, bản gia… Tất cả đều được trang trí rồng phượng, sen cúc, mây lửa, sóng nước, những môtip mang tính biểu trưng cao và được chạm trổ công phu.
Chóe là một vật thiêng không thể thiếu trong nghi lễ rước nước của người Việt. Vào ngày rước nước, người ta chuẩn bị một thuyền rồng chở 12 cô thôn nữ ra giữa sông. Các cô thay nhau khiêng một chóe lớn được trang trí bằng dây điều, miệng chóe cũng được phủ một khăn điều. Người đứng đầu cuộc rước quăng một chiếc vòng tre xuống lòng sông rồi từ từ múc nước (trong vòng tre) đổ đầy vào chóe thờ. Nước này được dùng làm nước thờ quanh năm và dùng trong nghi thức mộc dục – một nghi lễ truyền thống hiện vẫn được bảo tồn trong các hội hè, lễ thức ở hầu hết các làng quê Việt.
Không chỉ gắn bó với cuộc sống đời thường, đồ gốm là một trong những vật dụng luôn có mặt trong các nghi lễ vòng đời. Người Việt cổ có tập quán chôn nhau (rau) của đứa trẻ mới sinh. Nhau được đặt trong một chiếc nồi (đất nung hoặc sành) rồi đem chôn ở ngoài vườn. Và đến khi về với đất, xương cốt con người lại được vùi sâu trong chiếc tiểu sành. Trong tang ma, người Việt cho đến giờ vẫn còn lưu giữ một tập tục lâu đời là nghi thức đặt một chiếc bát đựng đầy cơm, bên trên có một quả trứng được kẹp giữa hai đũa tre vót rối (vót bông) lên quan tài người chết và sau đó, được chôn cùng với quan tài. Hiện tượng này được các nhà văn hóa dân gian lý giải theo hai cách: thứ nhất, phản ánh (hoặc là dư ảnh) tư duy phồn thực; thứ hai, phản ánh quan niệm luân hồi. Theo chúng tôi, cũng có thể là cả hai. Bởi nhìn ở khía cạnh nào đó, giữa quan niệm luân hồi và tư duy phồn thực có những điểm giao thoa. Tín ngưỡng phồn thực thuở nguyên sơ gắn bó chặt chẽ với tư duy nông nghiệp. Đây là tín ngưỡng cơ bản nhất của cư dân trồng trọt. Nó phong phú và ảnh hưởng sâu đậm tới các sinh hoạt văn hóa xã hội ở nông thôn. Tín ngưỡng phồn thực thể hiện ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của họ. Biểu tượng của nghi lễ phồn thực là sinh thực khí (ở đây là hình tượng quả trứng kẹp giữa hai đũa tre vót bông) với mong ước giống nòi sinh sôi nảy nở. Còn luân hồi là sự chuyển hóa sự sống của một sinh vật qua nhiều kiếp theo sự tái sinh. Đây là triết thuyết tôn giáo được phát triển cách đây nhiều nghìn năm và lan truyền ra hầu hết các nước châu Á. Lễ vật dâng cúng cho người chết (thức ăn, đồ dùng) là tiền đề vật chất giúp họ tiếp tục đầu thai, tái sinh trong vòng xoay (luân hồi) của muôn loài. Có thể thấy tính nhân văn của thuyết luân hồi và tín ngưỡng phồn thực đều được thể hiện rõ trong nghi thức này. Tuy vậy, trong dân gian còn lưu truyền một cách giải thích khác: bát cơm, quả trứng là bữa ăn để linh hồn khỏi trở thành ma đói, còn đôi đũa (vót bông, có gai nhọn) là bùa trừ ma quỷ.
Thời tiền, sơ sử, đồ dùng cho nghi lễ có thể được làm bằng gốm đất nung. Thời Đại Việt, đồ thờ, đồ nghi lễ phần lớn được làm bằng gốm men (như gốm hoa lam, gốm hoa nâu, gốm men trắng ngà hoặc gốm men xanh đồng), nhưng vào thời Hậu Lê, nhiều đồ thờ được làm bằng sành (có men hoặc không) như các lư sành chạm lộng của Hương Canh, Phù Lãng, bát hương hình cánh sen của Thổ Hà là những sản phẩm mang đậm sắc thái địa phương. Sưu tập gốm men Phù Lãng của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một minh chứng cho giai đoạn thịnh vượng của dạng sản phẩm này.
- Chức năng xây dựng
Đồ gốm còn được dùng khá phổ biến trong xây dựng. Chức năng này xuất hiện muộn nhất cũng từ thời Bắc thuộc với những viên gạch đất nung cỡ to dùng để xây mộ (mộ gạch Hán). Trong các di chỉ lò nung gốm ở 10 thế kỷ đầu sau CN, gạch là một trong những sản phẩm chiếm số lượng lớn, được nung cùng với các sản phẩm khác và đã được dùng để xây lò. Thậm chí, giai đoạn này đã có những khu lò chuyên sản xuất gạch, ngói (như khu lò Bãi Định, Thuận Thành, Bắc Ninh, gồm có bốn lò, có chung niên đại từ TK VII – X); các lò khác như Tam Thọ (Thanh Hóa), Tam Sơn, Gia Lương (Bắc Ninh), Đồng Đậu, Thanh Lãng (Vĩnh Phúc) đều là những lò kết hợp nung gốm gia dụng với gốm xây dựng. “Việc nung kết hợp nhiều loại sản phẩm trong lò (tuy vẫn có loại sản phẩm chính) là một đặc điểm của các khu lò gốm giai đoạn này” (9). Nguyễn Văn Y, khi khảo sát đồ gốm tại một di chỉ khảo cổ có niên đại vào những thế kỷ đầu CN, đã viết: “Một viên gạch dày (chiều dài 60cm), độ nung già đã trở thành sành nâu. Bề mặt viên gạch khắc những nét hồi văn công phu, kiểu hồi văn trên trống đồng, điển hình là hình tròn tiếp tuyến…” (10). Các sản phẩm xây dựng được chạm khắc trang trí vào thời kỳ này cho chúng ta liên tưởng tới loại gạch hoa chanh bằng đất nung được dùng khá phổ biến vào những thế kỷ đầu thời Đại Việt. Bên cạnh chức năng vật liệu xây dựng, đồ gốm còn có chức năng tô điểm cho các công trình kiến trúc. Điều đó cho thấy đồ gốm trở nên thiết yếu trong nhu cầu xây dựng và ổn định xã hội.
Thời Đại Việt là thời kỳ phồn thịnh nhất của loại hình gốm xây dựng, bởi Thăng Long là nơi tập trung rất nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ. Đó là những lâu đài, cung điện, tường thành uy nghi, tráng lệ. Những công trình ấy đòi hỏi phải được xây dựng bằng những vật liệu đất nung – chủ yếu là gạch và ngói bền chắc, có những hình chạm khắc trang trí tinh xảo. Khi di tích Hoàng thành Thăng Long được phát lộ, bên cạnh các loại gốm sứ cao cấp dành cho sinh hoạt hoàng cung, người ta đã tìm thấy một khối lượng đồ sộ các loại hình gốm đất nung và gốm men trang trí bờ nóc, bờ dải, đài tháp, những viên gạch hoa, gạch trổ thủng dùng để trang trí, rồi gạch xây tường, bó thềm, lát sân, lát nền…
Vào thời Lý, Trần, gạch ngói được chạm trổ rất nghệ thuật. Hình tượng lá đề – biểu tượng của nhà Phật – được sử dụng tương đối phổ biến do lòng mộ đạo của các nhà vua thời kỳ này. Gạch thời Lý có hình chữ nhật, hình vuông, chạm trổ hình kỷ hà hoặc chữ Hán. Tùy từng vị trí đặt gạch mà gạch xây tường được trang trí bằng hình chạm rồng vờn mây ở bốn góc, hay chạm hình quả trám giữa bông hoa, chạm hình tượng mặt đất vuông với bầu trời tròn… Cả gạch xây nhà và gạch xây tường đều được chế tạo sao cho khi xây, chỉ cần chồng khít lên nhau, không cần dùng đến vôi vữa. Điều này cho thấy, khả năng chế tác gạch của thợ thủ công thời kỳ này đã đạt trình độ tinh xảo. Ngói lợp các công trình trong khu vực Hoàng thành được chia làm nhiều loại: ngói ống, ngói bịt đầu, ngói bò… được chạm trổ hình lá đề với rồng cuộn, chim phượng hay hoa hồng… “Do là gạch ngói xây dựng hoàng cung nên phần lớn chúng đều được tráng men quý, hoặc mạ vàng, bạc bên ngoài, tạo thành sự lấp lánh kỳ ảo cho các công trình lâu đài, cung điện. Những loại gạch, ngói này thường được các phường thợ chế tác ngay tại Thăng Long, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu xây dựng của triều đình” (11).
Thời Lê, Mạc, Nho giáo được triều đình trọng vọng, do vậy, những hình tượng trang trí có liên quan đến đạo Phật, như đài sen, cánh sen, lá đề không còn phổ biến trong nghệ thuật trang trí. Gạch ngói thời này thường được trang trí bằng hình tròn vòng ngoài bông hoa cúc, dây cúc và rồng cuốn. Hình tượng rồng thời Lê cũng có sự thay đổi lớn so với rồng thời Lý và thời Trần: mào lửa mất hẳn, thay vào đó là chiếc bờm dài uốn lượn ra sau, đầu to hơn, mũi to, mắt lồi và năm móng chân sắc nhọn đầy uy lực. Hình tượng rồng thời Lê thể hiện rất rõ uy quyền của nhà vua. Bắt đầu từ thời nhà Lê, bộ tứ linh chính thức xuất hiện với ngôi vị dẫn đầu là rồng, tiếp đó lần lượt là lân, quy và phượng. Bởi vậy, vật liệu xây dựng bằng đất nung cũng xuất hiện tương đối đầy đủ hình tượng trang trí của bộ tứ linh này (12).
Từ thời Nguyễn trở về sau, đồ gốm có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kiến thiết, trang trí đền đài, thành quách, cung điện, lăng tẩm và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. … Có thể nói, chức năng xây dựng và trang trí kiến trúc của đồ gốm ngày càng đa dạng và sự phát triển của đồ gốm trong một vài thập kỷ gần đây cho thấy tính phổ cập và vai trò vô cùng lớn lao của gốm trong đời sống xã hội.
- Một số chức năng khác
Có ý kiến cho rằng, một trong những chức năng độc đáo của đồ gốm mà chúng ta còn thấy lưu truyền đến ngày nay là chức năngthực phẩm: “Tục ăn đất không những hiện còn ở người Việt và nhiều dân tộc anh em trên đất nước ta mà còn phổ biến ở vùng Đông Nam Á…”, “Đứng dưới quan điểm lịch sử mà xét, những người biết ăn đất là những người làm nghề nông cổ đại, thường là những người đầu tiên trong lịch sử đi từ kinh tế tước đoạt sang kinh tế sản xuất…” (13). Một tư liệu cho biết thêm, vào thời văn hóa Đông Sơn, khi người Việt cổ cưới nhau, trước khi động phòng, cả hai phải cùng ăn chung một gói muối, gói đất nung. Cho đến khoảng trước sau Cách mạng tháng Tám (1945), nhiều chợ ở vùng Đất Tổ (Phú Thọ) có bán một loại bánh gói lá, giá rẻ, gọi là bánh ngói. Mở gói lá ra, đó là một miếng đất nung (ở dạng nung non), thường có hình chữ nhật (dẹt phẳng), giống bánh bích quy. Người mua, nhất là đàn bà đang mang thai – đứng ngồi nhai rau ráu và nuốt trửng, có vẻ ngon lành lắm (14). Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nên xếp loại bánh ngói,bánh đất nung nói trên là một loại bánh, thức ăn hay quà gì đó. Trần Quốc Vượng giải thích, người phụ nữ mang thai thường thiếu các chất như canxi, sắt, đặc biệt là trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu dinh dưỡng thời trước, nên thèm và ăn các chất đó (có trong bánh ngói, bánh đất nung) cốt để con sinh ra được khỏe mạnh, cứng cáp, đỡ còi xương. Thực ra, loại thức ăn đặc biệt này liên quan đến một tập tục tối cổ thời Hùng Vương, và ở một số vùng nông thôn hiện nay, nó vẫn là thứ dành cho những người ăn dở – thường là phụ nữ mang thai. Một người thợ gốm cao tuổi người Thổ Hà, cụ Nguyễn Trọng Oánh đã rất dí dỏm khi so sánh độ cứng (độ sành hóa) của Thổ Hà và Phù Lãng rằng, gốm Phù Lãng (mềm đến mức) những người đàn bà ăn dở (đàn bà mang thai) có thể ăn được vài miếng.
Vậy, đồ gốm có chức năng thực phẩm không? Mặc dù đã có một số thông tin phản ánh chức năng này thông qua các nghiên cứu dân tộc học và khảo cổ học (như tục ăn đất nung của một số dân tộc, hoặc trường hợp đất nung trở thành một trong những món ăn (bánh ngói) của người ăn dở và tập tục hai vợ chồng mới cưới ăn chung một gói đất nung trước khi động phòng,…, nhưng để khẳng định, đã có một thời kỳ và ở một số vùng, đồ đất nung có vai trò như một loại lương thực, thực phẩm… cần phải có những nghiên cứu sâu hơn và những dẫn liệu thuyết phục hơn. Đây là một vấn đề rất thú vị, vì vậy, dù chưa có những thông tin đầy đủ và chắc chắn, chúng tôi vẫn đề cập ở đây như một gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo.
Dường như chưa có nghiên cứu nào thống kê một cách đầy đủ công dụng của đồ gốm trong lịch sử. Bên cạnh một số chức năng vừa nêu, đồ gốm còn có nhiều chức năng khác. Từ thời tiền sử, đồ gốm đã từng được dùng làm đồ trang sức (như những vòng tay, khuyên tai bằng đất nung thời tiền Đông Sơn), vũ khí (đạn đất nung hoặc chông ba chạc theo kiểu củ ấu) (15). Ngoài đồ trang sức và vũ khí, đồ gốm còn có chức năng vận tải từ rất sớm. Ta thường gặp một hình ảnh khá phổ biến là cảnh những người phụ nữ ở nhiều vùng trên thế giới với chiếc vò trên đầu đang kín nước từ sông về. Chức năng này hiện không còn phổ biến nữa, vì những chiếc thùng gánh nước bằng sắt tây hay tôn, hay nhựa đã dần thay thế những đồ gốm nặng và dễ vỡ.
Đồ gốm còn được dùng để cất giữ của (tiền, vàng, bạc, ngọc trai, đá quý, đồ gia bảo…) bằng cách chôn dưới đất. Tại sao người ta đựng của bằng đồ gốm mà không phải đồ đồng, sắt hoặc đá? Ngoài cách lý giải bằng tính năng bền vững với thời tiết, thời gian, khí hậu của các đồ sành chôn sâu dưới đất có thể còn những nguyên nhân khác nữa mà chúng ta chưa được biết.
Một hiện vật khá phổ biến nhưng cũng đầy bí ẩn xuất hiện từ giai đoạn đồ đồng đến sơ kỳ đồ sắt được gọi là những chân giò, chạc gốm hay chân chạc. Vào thập kỷ 70, thế kỷ XX, khi mới được các nhà khảo cổ học phát hiện, chưa có báo cáo nào giải thích công dụng của nó một cách thỏa đáng. Cho đến năm 1985, trong một bài viết đăng trên tạp chí Khảo cổ học, Ngô Sĩ Hồng, căn cứ vào đặc điểm cấu tạo, kỹ thuật chế tác, chất liệu và hoa văn của những chạc gốm đã lý giải một cách rất thuyết phục, chức năng của chạc gốm là dùng để giữ lửa (bao hàm cả việc di chuyển lửa). Đây là loại hiện vật độc đáo, tồn tại trong suốt quá trình tạo dựng văn hóa của người Việt cổ, thường được phát hiện trong các di chỉ văn hóa và đôi khi được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ với chức năng là đồ tùy táng. Trong quá trình tồn tại, chạc gốm đã có sự biến đổi về hình dạng nhưng những đặc trưng cơ bản về cấu tạo của nó hầu như không thay đổi. Theo Ngô Sĩ Hồng, những vật giữ lửa này tìm thấy ở mọi giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, “sự gắn bó của loại di vật này với con người xét đến cùng cũng chỉ là sự thể hiện mối quan hệ khăng khít với lửa cũng như vai trò của lửa trong đời sống con người thời cổ đại mà thôi” (16).
Ngay từ khi xuất hiện, đồ gốm đã trở thành một vật dụng thiết yếu và ngày càng gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Chúng ta có thể bắt gặp gốm ở bất kỳ đâu, từ chốn cung đình nguy nga, lộng lẫy đến nơi quê mùa, dân dã; từ miền núi đến miền xuôi, miền biển, miền rừng…, nơi nào cũng có nhu cầu sử dụng gốm. Trong một khoảng thời gian khá dài, đồ gốm chiếm tỷ lệ cao nhất và thay thế vị trí cho rất nhiều các vật dụng bằng đá, đồng, sơn, gỗ… vốn đắt tiền và chế tác kì công hơn. Từ những chiếc bát đĩa men ngọc, những âu, liễn men trắng hoa nâu phù hợp với những bữa yến tiệc thịnh soạn đến những chiếc bát đàn, nồi đất giản dị dành cho bữa cơm bình dân (với cơm, rau, cà, cá); từ những viên ngói pha lê thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí trong hoàng cung triều đình Nguyễn ở Huế đến những viên gạch bát dân dã lát sân, ngõ, kè ao, xây giếng, hay những mảnh sành vỡ được tận dụng để xây tường, đổ móng nhà. Chưa có ai thống kê được một cách đầy đủ công dụng của đồ gốm trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, nhưng chắc chắn, không có thứ vật dụng nào có chức năng đa dạng, phong phú và chiếm lĩnh nhiều vị trí quan trọng trong đời sống xã hội như đồ gốm. Tính phổ dụng của đồ gốm thể hiện ở việc con người có thể sử dụng các loại hình của nó vào những mục đích khác nhau, song, đó cũng là quá trình trải nghiệm, tìm tòi lâu dài của cộng đồng cư dân Việt trong lịch sử.
_______________
- Trần Anh Dũng, Lò gốm thế kỷ I – thế kỷ X, Khảo cổ học (2), 1986, tr.46.
- Nguyễn Văn Y, Nghệ thuật gốm Việt Nam, đặc điểm truyền thống và hướng phát triển, trong Nguyễn Văn Y với mỹ thuật ứng dụng, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000, tr.240.
11, 12. hoangthanhthanglong.vn
13, 15. Phạm Minh Huyền, Tính độc đáo của người Việt cổ qua việc sử dụng đồ gốm, Tạp chí Dân tộc học, số 3 – 1975, tr.34, 41.
- Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Bảy, sđd, tr.25.
- Ngô Sĩ Hồng, Góp bàn về chức năng của chạc gốm, Tạp chí Khảo cổ học số 1 – 1985, tr.27.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012
Tác giả: Trương Minh Hằng