Bảo vật quốc gia: “Rồng đá” (Xà Thần) ở đền thờ Lê Văn Thịnh

Đền thờ Lê Văn Thịnh tọa lạc ở sườn phía nam núi Thiên Thai, nay thuộc thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Đây là nơi tôn thờ, tưởng niệm sâu sắc về Trạng nguyên khai khoa-Thái sư Lê Văn Thịnh, một danh nhân tiêu biểu có công lao to lớn đối với vương triều Lý và đất nước ta
Ngôi đền được xây dựng từ lâu đời bên cạnh chùa Thiên Thư, trên mảnh đất vốn là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh. Hiện trong khu di tích còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh trong đó có tượng “rồng đá”, được các nhà nghiên cứu đánh giá là “độc nhất vô nhị” chưa từng có trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Tượng tìm thấy vào năm 1991, khi nhân dân địa phương tiến hành tu sửa đền, ẩn dưới đám cây dại, ngay phía lối lên đền. Sau khi phát hiện khối tượng lạ, người dân trong làng đã xây một ngôi miếu nhỏ, đưa tượng vào thờ và gọi bằng cái tên cung kính “ông rồng”. Hiện miếu ông rồng được đặt phía bên hồi phải của đền thờ Lê Văn Thịnh. Toàn thân tượng được tạc bằng khối đá sa thạch (đá cát) nặng gần 3 tấn, màu vàng cát với hình dáng độc đáo “nửa rồng, nửa rắn” trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”.

Hình ảnh “miệng cắn thân, chân xé mình” của “rồng đá”

Thân rồng hình tròn phủ một lớp như vẩy cá, không liền nhau mà được chia thành 2 phần đan chéo khá cân đối. Phần thân đầu nằm phía dưới, qua đoạn giao cắt với thân trên, đầu rồng vươn lên uốn cong rồi cúi xuống cắn chặt vào phần thân đuôi phía trên (đoạn giao cắt giữa hai phần). Phần thân đuôi thon dần như mình rắn, phía cuối, đuôi rồng uốn cong hình xoắn ốc như đang vận hết công lực để ghì chặt lấy phần thân đầu.

Vết đứt của hai phần thân rồng khá phẳng, gọn và cân đối, cho ta cảm giác đây là một tác phẩm hoàn chỉnh; là chủ ý của tác giả chứ không phải là phần đứt gẫy bị mất chưa tìm thấy như nhiều người suy luận. Chỗ giao nhau giữa phần thân đầu và phần thân đuôi liền nhau tạo thành một khối thống nhất. Hình dáng được độc đáo nửa là mình rắn, nửa lại mang tư thế và móng vuốt của rồng: Phần thân đuôi thon dần về cuối cuộn tròn kiểu xoắn ốc như đuôi rắn: đầu to, không râu, không bờm, lỗ mũi nhỏ, hai mang phình ra, miệng há rộng với hàm răng sắc nhọn trông giống một con mãng xà lớn. Tuy nhiên đôi mắt rồng lại rất to, trợn tròn, lồi ra ngoài trông dữ tợn, hai chân trước “mọc” ra ở phía dưới cổ, khuỳnh rộng sang hai bên, gân guốc với những móng vuốt nhọn hoắt cào xé vào thân mình, mang tư thế của một con rồng. Đặc biệt hai vành tai rồng nổi lên hai bên đầu phía trên mang, tai bên phải thì kín đặc còn tai trái thông với một lỗ nhỏ khá sâu.

Tổng thể tượng “rồng đá” ở đền thờ Lê Văn Thịnh, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình

Sau hơn hai mươi năm trôi qua kể từ khi phát hiện, pho tượng “rồng đá” ở đền thờ Lê Văn Thịnh đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, xem xét cùng với những dấu tích vật chất như thần tích, sắc phong, bia đá, dấu vết nền móng và hàng loạt di vật của ngôi đền vào thời Hậu Lê được tìm thấy trong các đợt khai quật khảo cổ những năm qua. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất: tượng “rồng đá” ở đền thờ Lê Văn Thịnh là pho tượng có hình dạng độc đáo, cho đến nay chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Với giá trị tiêu biểu độc đáo đó, tượng “rồng đá” ở đền thờ Lê Văn Thịnh đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tác giả: Nguyễn Thị Trọng – Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh

Nguồn: http://baotangbacninh.vn/bao-vat-quoc-gia-rong-da-xa-than-o-den-tho-le-van-thinh/

One thought on “Bảo vật quốc gia: “Rồng đá” (Xà Thần) ở đền thờ Lê Văn Thịnh

  1. Thái sư Lê Văn Thịnh là vị Trạng Nguyên đầu tiên của khoa bảng Đại Việt Triều Nhà Lý . Là thầy dạy Vua Lý Thần Tông, sau vụ án triều đình Lê Văn Thịnh không bị xử trảm mà bị đi đày và mất . Tượng Rồng độc bản miệng cắn thân, chân xé mình chưa có nghiên cứu khả thi, nhưng chung quy đây là bức tương đá nguyên khối cổ độc nhất có được . Căn cứ vào từng chi tiết tỉ mỹ của tượng lột tả. Là một thông điệp cho muôn đời sau ; Rổng thể hiện tầng lớp vương triều , rồng năm móng thể hiện là Vua , Tai một bên tổ , một bên tịt có nghĩa phải biết nghe cả hai tai . Mắt to đỏ là bậc vương triều phải nhìn rõ trông rộng. Và không tự làm hại mình .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.