Trong tháng 6/2019, truyền hình Vĩnh Long chính thức cho lên sóng chương trình ký sự truyền hình đặc biệt mang tên “Bảo tàng tự nhiên miền Tây” với chuỗi phim tài liệu đặc sắc về sinh cảnh tự nhiên, trù phú của miền Tây, khắc họa những tấm lòng nhiệt thành, đáng quý của người dân miền châu thổ trong việc gìn giữ, bảo tồn những món quà thiên nhiên ban tặng cho miền sông nước. “Bảo tàng tự nhiên miền Tây” được phát sóng trên THVL1 HD – kênh số 21 và THVL2 HD – kênh số 22, bộ thu VTC HD kể từ tháng 6/2019.
Miền Tây vốn được biết đến là vùng đất bao đời trù phú, cảnh quan tươi thắm, nơi đất lành chim đậu, tôm cá đầy sông. Nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, cảnh quan và thiên nhiên nơi đây đã và đang có nhiều thay đổi. Người miền Tây hôm nay đang phải ra sức bảo tồn hệ sinh thái tự bao đời.
Chuỗi ký sự “Bảo tàng tự nhiên miền Tây” sẽ đưa người xem đến với những hệ sinh cảnh động thực vật nổi tiếng của miền Tây để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, cũng như để cảm nhận và trân quý hơn công sức lao động, mồ hôi nước mắt của những con người miền châu thổ đang ngày đêm ra sức bảo tồn thiên nhiên nơi đây.
Cùng Truyền hình số vệ tinh VTC theo dõi 03 tập đầu tiên của chuỗi ký sự trong tháng 6 này trên THVL1 HD và THVL2 HD:
Tập 1 – Trên đồng cỏ bàng
Phần đầu tiên của “Bảo tàng tự nhiên miền Tây” đưa khán giả đến với Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây được xem là đồng cỏ bàng tự nhiên lớn nhất ở Nam Bộ, đồng thời là sinh cảnh của khá nhiều loài động thực vật khác nhau. Đồng cỏ bàng Phú Mỹ cũng là nơi cung cấp nguyên liệu cho bà con trong khu vực để phát triển nghề đan thủ công.
Cỏ bàng, một loài cây mọc hoang, là chỉ dấu của vùng đất phèn, do được tự do khai thác nên qua thời gian, cánh đồng lộc trời dần bị thu hẹp, hệ lụy kéo theo là sinh cảnh bị thay đổi, dẫn tới hệ động thực vật có nguy cơ bị tận diệt.
Từ mười mấy năm qua, nhiều dự án bảo tồn loài cây dại trên đất phèn này đã được triển khai, không chỉ đảm bảo mục tiêu bảo vệ sinh thái tự nhiên mà còn biến cỏ bàng trở thành loài cây hữu ích, phục vụ cho đời sống con người. Hệ sinh thái đồng cỏ bàng được bảo tồn chắc chắn sẽ giúp con người tăng khả năng chống chịu trước mọi sức ép và tác động của biến đổi khí hậu. Đời sống của Phú Mỹ đang hồi sinh, cuộc sống của bà con nơi đây cũng ngày một thêm sung túc.
Tập 2 – Độc đáo vườn cò
Phần thứ hai của chuỗi ký sự sẽ đưa người xem đến với một số vườn cò nổi tiếng ở miền Tây để không chỉ thấy được sự đa dạng, phong phú của các loài chim cò mà còn được hòa mình vào không gian xanh mát và yên bình. Đặc biệt, trong hành trình này, người xem cũng sẽ thấy được tâm huyết của những người dân miền Tây đối với việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình này là vườn cò Bằng Lăng thuộc quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, vốn là cái nôi thuở ban đầu của một đàn cò tự nhiên tìm về nơi đất lành chim đậu. Vốn được biết đến là loài chim vừa chịu thương chịu khó lại chung thủy, lại được duyên trời của ông chủ yêu thiên nhiên, nên mấy chục năm năm qua, đàn cò này chỉ quanh quẩn nơi đó, tuyệt nhiên không héo lánh sang kế bên.
Ngày nay, vườn cò Bằng Lăng đã thành nơi tham quan lý tưởng cho du khách yêu thích thiên nhiên, là nơi để được ngắm nhìn từng đàn chim chao lượn nối đuôi nhau bay về tổ ấm, cảm nhận sự hào phóng mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất phương Nam.
Không thể không nói đến vườn cò tại Chùa Hang – một ngôi chùa của người Khmer nổi tiếng ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nơi đây là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái; đặc biệt là vườn sau của chùa là nơi trú ngụ của nhiều loại chim cò. Cũng như ở vườn cò Bằng Lăng, chỉ thấy chúng tự nhiên xuất hiện và mỗi năm càng tăng thêm đến tận bây giờ.
Không huyên náo rộn ràng như vườn cò Bằng Lăng, vườn cò chùa Hang yên bình hơn khi loài cò đang vào mùa xây tổ ấm, được con người yêu thương bảo vệ, chúng cũng trở nên dạn dĩ hơn và là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh để để tạo nên những triển lãm ảnh nghệ thuật về cò, và coi đây là một trong những cách thức hiệu quả để kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Nhiều người tới nơi đây đã thốt lên rằng: Miền Tây, nơi đất lành chim đậu. Miền Tây, nơi lòng người nhân hậu bao dung đã cho chim trời một tổ ấm để an thân.
Tập 3 – Ngôi nhà cá sông
Từ xưa đến nay, miền Tây sông nước luôn được mệnh danh là vùng đất với nhiều cá tôm, nhưng gần đây thì số lượng các loài thủy sản ngày một ít dần do việc khai thác để phục vụ nhu cầu của con người. Câu chuyện trong phần 3 của “Bảo tàng thiên nhiên miền Tây” là câu chuyện về những người miền Tây chân chất, luôn nỗ lực hết sức mình để bảo tồn những loài cá sông tự nhiên. Nhà của họ cũng chính là nhà của những loài cá sông đó.
Không phải đơn giản khi người dân nơi đây có thể biến thiên nhiên trù phú, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn thành một mục đích sống giản dị mà cao cả của mình. Những ngôi nhà cá sông hình thành với ý định ban đầu là nuôi đàn cá làm kinh tế, nhưng rồi người với cá thành bạn của nhau từ lúc nào và ngôi nhà của người bỗng thành ngôi nhà chung nơi mà chúng ăn ngon, ngủ yên một cách an lành, tiếp tục sinh trưởng, hình thành nên bao thế hệ của hàng chục loài cá.
Về ngôi nhà cá sông, ngồi bên dòng sông quê, du khách có thể chuyện trò thư thả, hòa mình vào thiên nhiên và bao nỗi vất vả đời thường dường như vơi bớt.
Để có được thành quả này, người dân nơi đây cũng phải chịu thương, chịu khó, đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để chăm sóc đàn cá, khi đã bén duyên với tình “người-cá”, coi chúng là một phần trong cuộc sống còn rất nhiều khó khăn này. Ngày qua ngày, việc ngắm nhìn đàn cá trưởng thành khỏe mạnh đã trở thành niềm vui, là lẽ sống của họ.
Người miền Tây bao đời vốn hào sảng trọng nghĩa tình. Nhưng sự hào sảng đó không chỉ là cách thức đối đãi với con người, mà còn thể hiện ở cách thức đối đãi với tự nhiên. Người miền Tây hiểu được rằng, được mẹ thiên nhiên ban tặng cho hệ động thực vật phong phú, cho biết bao sơn hào hải vị thì cũng cần phải trả lại cho mẹ thiên nhiên môi trường vốn dĩ đã là tự nhiên và ngày hôm nay họ cũng đang chung sức chung lòng cùng cộng đồng để bảo vệ những tài sản vô giá từ thiên nhiên của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long này.
Mời quý khán giả của truyền hình số vệ tinh VTC cùng đi thăm “Bảo tàng tự nhiên miền Tây” qua màn ảnh nhỏ trên THVL1 HD – kênh số 21 và THVL2 HD – kênh số 22, bộ thu VTC HD kể từ tháng 6/2019. Những phần tiếp theo của chuỗi ký sự đặc biệt này cũng sẽ tiếp tục được truyền hình số VTC cập nhật tới quý khán giả trong tháng 7 sắp tới.
Nguồn: http://truyenhinhso.vn/tin-tuc-bao-tang-tu-nhien-mien-tay—chuoi-ky-su-dac-biet-tren-truyen-hinh-vinh-long-491.htm