Bảo tàng Lâm Đồng điểm đến của khách du lịch

Những năm gần đây, lượng khách du lịch tham quan, nghiên cứu Bảo tàng Lâm Đồng liên tục tăng cao; đây là kết quả của việc lựa chọn đầu tư vào những khâu mang tính “đột phá” đúng hướng của Bảo tàng…
Nỗ lực tự “làm mới”

Sau nhiều lần chuyển dời địa điểm, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Lâm Đồng yên vị tại số 4 – Hùng Vương – Phường 10 – Đà Lạt. Khuôn viên rộng hơn 3.000m2, có vị trí cao nhất TP. Đà Lạt (1.532m so với mực nước biển) – một thiết chế văn hóa quan trọng của khu vực Nam Tây Nguyên, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo và lịch sử của một vùng đất anh hùng.

Ông Phạm Hữu Thọ – Giám đốc Bảo tàng chia sẻ, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các khu trưng bày hiện đại; cán bộ Bảo tàng nhiều năm tích cực sưu tầm, bổ sung các hiện vật văn hóa, lịch sử và giới thiệu phục vụ khách tham quan, nghiên cứu…Song, dường như tâm lý nhiều người “ngại” và cho rằng bảo tàng là nơi cũ kỹ, “khô khan”… nên những năm qua rất ít du khách chọn lựa, tìm đến.

Làm gì để thu hút khách tham quan, du lịch, thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ? Là niềm trăn trở, tâm huyết của cán bộ, viên chức Bảo tàng Lâm Đồng…

Điều kiện về vị trí, cơ sở vật chất, kỹ thuật…đã có, điều cốt lõi là phải “tự thân” nỗ lực “làm mới” từ những điều người ta cho là “cũ kỹ” và khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Từ nhận thức này, Bảo tàng Lâm Đồng đã tập trung đầu tư vào các khâu có tính “đột phá”; đó là: quy hoạch lại mô hình trưng bày, chú trọng công tác quảng bá, kết nối giới thiệu và bồi dưỡng, phát huy năng lực – nhân tố con người tại chỗ.

Về quy hoạch trưng bày, với hơn 15.000 hiện vật Bảo tàng quản lý (và 113 hiện vật liên quan đến triều Nguyễn được tỉnh chuyển sang năm 2017), những năm trước, Bảo tàng trưng bày 2 cụm chuyên đề; hiện nay thiết kế trưng bày thành 6 cụm chủ đề (thiên nhiên, Đà Lạt xưa, khảo cổ học tiền sử, văn hóa bản địa, phong trào cách mạng và thành tựu KT-XH Lâm Đồng từ năm 1975 đến nay). Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày chuyên đề phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra hàng năm…Đặc biệt, nhằm đáp ứng thị hiếu của khách du lịch, Bảo tàng đã xây dựng và trưng bày riêng (trên 300 hiện vật) liên quan đến Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại) tại ngôi nhà 3 tầng kiến trúc Pháp có tên: “Cung Nam Phương Hoàng Hậu”.

Theo ông Phạm Hữu Thọ, du khách thường đi theo đoàn, chủ yếu 03 nhóm là học sinh, sinh viên, khách du lịch trong nước và khách quốc tế. Việc chọn triển lãm theo chủ đề để khách chọn lựa; ví như học sinh, sinh viên thường chọn tham quan chủ đề văn hóa, thiên nhiên, Đà Lạt xưa; giới nghiên cứu, khách quốc tế: khảo cổ học, dân tộc…Đặc biệt, từ khi trưng bày “Cung Nam Phương Hoàng Hậu” thu hút rất đông du khách khi đến đây, trở thành “điểm nhấn” mới của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay.

Công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối, giới thiệu Bảo tàng nhằm thu hút khách du lịch là viêc quan trọng nhất. Trên cơ sở khảo sát nắm bắt nhu cầu của đối tượng khách du lịch, lãnh đạo Bảo tàng chỉ đạo cán bộ, viên chức thực hiện “đồng loạt” các nhiệm vụ; ngoài giới thiệu trên các tài liệu, tờ gấp, website của Bảo tàng, lãnh đạo Bảo tàng trực tiếp làm việc với Sở GD-ĐT phối hợp triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời”. Thông qua Sở GD-ĐT, Bảo tàng đã gởi thư ngỏ, tờ gấp giới thiệu về Bảo tàng đến các phòng giáo dục, triển khai đến tất cả các trường học; hàng năm, cử cán bộ đi về các tỉnh, thành phố làm việc với các doanh nghiệp để kết tour khi đưa khách du lịch đến Đà Lạt, tham quan Bảo tàng Lâm Đồng…

Công tác “nhân lực” được Bảo tàng chú trọng bồi dưỡng từ khâu đón khách, thuyết minh, giới thiệu khách tham quan Bảo tàng cho đến cung cách ứng xử với khách du lịch…Cán bộ chuyên môn (12 người) đều được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước và lý luận chính trị. Đặc biệt, đội ngũ thuyết minh đều có trình độ đại học chính quy; hàng năm, ngoài tham gia các khóa tập huấn do Bộ VH,TT-DL tổ chức, còn thường xuyên sinh hoạt chuyên đề để phục vụ tốt khách du lịch…

Điểm đến hấp dẫn

Năm 2018, (3 địa điểm: Bảo tàng Lâm Đồng, Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà lạt và Di tích Cát Tiên) đã đón 50.801 lượt khách tham quan; trong đó, 27.637 lượt khách du lịch, 21.260 lượt học sinh, sinh viên và 1.904 khách quốc tế. 6 tháng đầu năm 2019, có 38.474 lượt khách tham quan (24.161 học sinh, sinh viên, 13.411 khách du lịch và 902 khách quốc tế). So với các năm trước, lượng khách tham quan Bảo tàng tăng khá cao – là tín hiệu vui, khẳng định chủ trương của Bảo tàng Lâm Đồng đi đúng hướng !

Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng đã kết nối với trên 40 doanh nghiệp, công ty lữ hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên…Khi các công ty này tổ chức tour du lịch Đà Lạt đều đưa khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng. Bảo tàng cũng đã kết nối giới thiệu đến hơn 400 trường học trong cả nước qua làm việc trực tiếp, ký kết văn bản phối hợp giữa Bảo tàng với các nhà trường về việc đưa học sinh, sinh viên đến Bảo tàng tham quan, nghiên cứu, học tập; hoặc gởi tờ gấp, thư ngỏ quảng bá, giới thiệu đến các nhà trường, cơ sở giáo dục…

Bảo tàng cũng đã thực hiện giảm vé tham quan (từ 30 – 50%) cho mỗi đoàn khách; tổ chức sân chơi dành cho học sinh, thiếu nhi với các trò chơi dân gian: ném còn, nhún đu, bịt mắt đánh chiêng… Xây dựng khu nhà sàn truyền thống các dân tộc bản địa tại khuôn viên Bảo tàng, kết nối với các Làng nghề triển lãm các sản phẩm: dệt thổ cẩm, đan lát, nghề gốm… phục vụ du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch hàng năm, nhất là vào dịp lễ, tết, nghỉ hè tham quan Bảo tàng Lâm Đồng liên tục tăng.

Triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” của Bộ VH,TT-DL, ngoài thực hiện các khâu “đột phá”, Bảo tàng Lâm Đồng đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở giữ liệu trong việc quản lý hiện vật, sơ đồ các khu trưng bày trên một hệ điệu hành mới; cài đặt ký hiệu và ngôn ngữ của các nước (Anh, Pháp, Hàn Quốc…), khách du lịch “kích” vào hệ điều hành này có thể theo dõi, thuận lợi chọn lựa tham quan, nghiên cứu hệ thống hiện vật của Bảo tàng. Đồng thời, Bảo tàng cũng đã áp dụng công nghệ 4.0 trong việc trang bị hệ thống điện tử phục vụ công tác thuyết minh; công nghệ này đã hỗ trợ đắc lực cho các thuyết minh viên trong quá trình thao tác, thực hiện nghiệp vụ khá thuận lợi…

Giám đốc Thọ tâm sự, ngoài phát huy các điều kiện thuận lợi, anh em Bảo tàng tích cực học hỏi, nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách; trình độ thuyết minh, thái độ ứng xử với khách du lịch phải lịch sự, thân thiện để du khách thực sự thấy thỏa mái, yêu thích khi tham quan Bảo tàng Lâm Đồng…

Đó chỉ là tiểu tiết, nhưng theo chúng tôi, cũng là bí quyết, kinh nghiệm quan trọng để “níu chân” du khách thập phương lưu luyến có dịp quay trở lại Bảo tàng…

T.D.H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.