QĐND – Hầu hết bảo tàng ở các tỉnh nước ta đều đang trong tình trạng vắng khách, hoạt động kém hiệu quả. Trước thực trạng đó, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng lâu nay, bảo tàng chưa được ứng xử đúng mực, mà nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức của lãnh đạo địa phương về ngành bảo tàng chưa đầy đủ.
Phóng viên (PV): Thưa ông, hoạt động của bảo tàng địa phương lâu nay vẫn được đánh giá là kém hiệu quả, còn nhiều bất cập. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng hoạt động của bảo tàng địa phương hiện nay?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Hiện nay, bảo tàng ở các địa phương đang có nhiều vấn đề, nhưng nổi lên là hai tình trạng chính. Thứ nhất là địa phương có tòa nhà bảo tàng, với cơ sở vật chất tương đối tốt nhưng tổ chức hệ thống trưng bày kém, không phát huy được tác dụng, hiệu quả đầu tư. Ví dụ Bảo tàng Hùng Vương (mới) của tỉnh Phú Thọ được đầu tư tòa nhà rất tốt, nhưng gần 10 năm nay dù vẫn có trưng bày nhưng không hiệu quả, không có mấy khách, quản lý thì kém. Bảo tàng Nghệ An hay một số bảo tàng các tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
PGS,TS Nguyễn Văn Huy
Thực trạng thứ hai là có tên bảo tàng nhưng thực tế không đủ cơ sở vật chất để hoạt động, không có tòa nhà, nơi trưng bày. Ví dụ Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa có tòa nhà cũ hai tầng nhưng vừa làm kho, vừa trưng bày, vừa là nơi làm việc nên trưng bày không thực mang tính bảo tàng, giống như triển lãm, không hấp dẫn, không được đầu tư một cách thích đáng, đầy đủ.Đối với bảo tàng, khi nhìn vào thì có hai vấn đề cơ bản nhất là bộ sưu tầm, lưu giữ hiện vật và trưng bày, có khách hay không. Hiện nay ở nhiều địa phương, bảo tàng được đầu tư rất nhiều tiền nhưng hoạt động không hiệu quả, vấn đề quản lý cũng không tốt nên không có khách. Điều đó rất đáng tiếc.
Ngoài ra, nhiều địa phương có tòa nhà bảo tàng, có hoạt động trưng bày nhưng rất cầm chừng.
PV: Thực tế, hoạt động của bảo tàng hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Tổ chức hoạt động quan trọng nhất của các bảo tàng là trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề và các trưng bày đó phải có khách, nhưng đa số hiện nay các bảo tàng ít có khách. Đó là băn khoăn, trăn trở lâu nay của nhiều người. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra vấn đề các bảo tàng tiến tới tự chủ tài chính. Tự chủ không phải là sử dụng không gian bảo tàng cho thuê để có tiền mà trước tiên phải là tổ chức được những trưng bày chất lượng cao, thực sự hấp dẫn khách; nhưng thực tế các “món ăn” tạo ra, các hoạt động để hấp dẫn khách của bảo tàng lại không tốt nên vắng khách. Tuy nhiên, một số địa phương lại có xu hướng lãnh đạo không muốn, cấm mở các dịch vụ ở bảo tàng thì đó lại là quan điểm tả khuynh. Bởi với bảo tàng làm dịch vụ thỏa mãn nhu cầu khách là cần thiết, quan trọng; nhưng đầu tiên và chủ yếu phải là phục vụ khách tham quan, chứ không phải như các hàng quán khác bên ngoài. Hai câu chuyện rất khác nhau nhưng nhiều khi ở các địa phương còn không rõ ràng. Không ít bảo tàng mở quán để thu hút khách các nơi đến mà không quan tâm việc phục vụ khách tham quan như thế nào cho tốt. Vậy nên lãnh đạo tỉnh cấm mở dịch vụ vì thấy không phục vụ tốt được khách tham quan, trong khi đó bảo tàng rất cần thêm thu nhập. Ở đây, bảo tàng sai khi làm dịch vụ không nhằm phục vụ khách tham quan nhưng lãnh đạo tỉnh sai vì cấm. Vì thế, bảo tàng phải kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa vừa phục vụ tốt khách tham quan, đồng thời mở cửa sao để mời mọi người đến bảo tàng, đó lại là nghệ thuật.
Tất nhiên, việc đầu tiên, quan trọng nhất là bảo tàng các địa phương phải tổ chức tốt hoạt động trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề ở mức chất lượng cao. Bởi với trình độ dân trí, nhu cầu du lịch như hiện nay thì những bảo tàng chất lượng thấp vắng khách là điều đương nhiên. Nhiều tỉnh có đông khách du lịch nhưng không kéo được khách đến bảo tàng. Ví dụ cho việc này không hiếm. Ở Khánh Hòa, trong khi Bảo tàng Viện Hải dương học rất đông khách vì trưng bày, bộ sưu tập hấp dẫn thì Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa lại “chết yểu”. Nhiều năm nay, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa không làm được việc trưng bày tốt vì cứ nhùng nhằng giữa việc chuyển địa điểm khác hay ở lại nên không có sự đầu tư. Mặc dù vẫn có hoạt động trưng bày nhưng với tôi, những trưng bày đó làm mất uy tín của bảo tàng.
PV: Việc bảo tàng địa phương hoạt động kém hiệu quả, theo ông nguyên nhân chính là do đâu?
Bảo tàng Quảng Ninh là một trong số ít bảo tàng tỉnh được đầu tư tốt
Vừa rồi chúng tôi làm trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 -1966” ở TP Hồ Chí Minh trong một biệt thự hai tầng mà đầu tư 15 tỷ đồng, mời các chuyên gia nước ngoài cùng các chuyên gia trong nước tham gia trong thời gian dài, nhưng kết quả thực sự ra tấm ra món, khách đến rất đông và người ta tính chỉ vài năm có thể thu hồi vốn. Bỏ ra một số tiền lớn nhưng thu hồi được vốn lại vừa phát triển bảo tàng.PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Nói thẳng ra các bảo tàng hoạt động không đảm bảo chất lượng phụ thuộc đầu tiên vào nhận thức, tầm nhìn của lãnh đạo địa phương, không thấy bảo tàng là nghề chuyên nghiệp với 3 thành tố: Khoa học (lịch sử, dân tộc học, khảo cổ, thiên nhiên… ); nghệ thuật (trưng bày phải đẹp mắt, ánh sáng, thiết kế, đồ họa…); và công nghệ. Đó là 3 thành tố cơ bản để đổi mới hoạt động bảo tàng. Muốn đổi mới, lãnh đạo tỉnh phải hiểu, nhìn bằng cái nhìn mới để đầu tư và đầu tư một cách nghiêm túc. Nhiều người nhận thức không đầy đủ về công tác bảo tàng, nghĩ rất đơn giản là cất giữ rồi mang đồ ra bày, mỗi năm cấp cho bảo tàng vài trăm triệu là tốt rồi. Nhưng như vậy thì làm sao thuê được những chuyên gia, nhà thiết kế giỏi, sao bảo tàng phát triển được.
Nếu nhận thức được đúng giá trị của bảo tàng, đầu tư thích đáng thì bảo tàng sẽ quay lại phát triển kinh tế địa phương. Nhiều tỉnh hiện nay lấy du lịch làm mũi nhọn nên hãy nhìn bảo tàng như một thiết chế để ra tiền bằng thu hút du lịch, nhưng muốn vậy phải ứng xử, đầu tư cho nó thích đáng. Bảo tàng Quảng Ninh cũng là mô hình mà lãnh đạo các tỉnh nên nhìn vào học tập. Chưa nói đến chất lượng hoạt động cụ thể nhưng bảo tàng được đầu tư ban đầu rất tốt, thuê chuyên gia Tây Ban Nha thiết kế tòa nhà, thiết kế trưng bày, đầu tư về khoa học, công nghệ, nghệ thuật…
Vấn đề cấp thiết hiện nay là nhận thức của lãnh đạo địa phương phải thay đổi và nhận thức đúng ở hai khía cạnh: Đầu tư kinh phí và tổ chức đầu tư về nội dung cho tốt. Thực tế việc quản lý tổ chức bảo tàng ở nhiều địa phương đang làm sai, thậm chí giao việc tổ chức trưng bày cho sở xây dựng lo, trong khi những người làm bảo tàng không tham gia gì. Xong xuôi, giao chìa khóa cho lãnh đạo bảo tàng. Công việc làm nội dung bảo tàng rất cần chuyên môn cao nên đó phải là câu chuyện của những người làm bảo tàng, không phải ai làm cũng được.
PV: Điều đó yêu cầu đội ngũ nhân lực cho ngành bảo tàng cũng cần nâng cao chất lượng, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Muốn làm bảo tàng tốt cần đội ngũ cán bộ tốt, thật sự chuyên nghiệp. Nếu những người làm bảo tàng không phải là những nhà khoa học, nghệ thuật, công nghệ (tất nhiên công nghệ không phải là máy móc thiết bị hiện đại mà là phải biết xây dựng nội dung để kể câu chuyện qua công nghệ như thế nào) thì không thể có bảo tàng tốt được.
Lâu nay nhân lực ngành bảo tàng nước ta yếu, đào tạo cơ bản ở các trường đại học văn hóa không đáp ứng nhu cầu hiện nay của bảo tàng. Hiện nhiều trường đại học đã đào tạo nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Với ngành bảo tàng cũng phải theo hướng đó.
Nhưng khi đào tạo chưa đủ thì làm sao để ta cất cánh? Chúng ta phải học hỏi, phải mời chuyên gia. Chẳng hạn, mời các chuyên gia quốc tế đến bảo tàng làm việc, họ giúp ta những mặt ta còn yếu kém, trong quá trình làm họ cầm tay chỉ việc, giúp nhân lực của ta đi lên. Bản thân tôi cũng không được học, nhưng qua làm việc với các chuyên gia nước ngoài đã học hỏi được rất nhiều, dần dần tự thay đổi tư duy, nhận thức về công tác bảo tàng.
Một điều nữa ở các địa phương là lãnh đạo bảo tàng thường không phải chuyên ngành bảo tàng. Vì vậy các địa phương phải làm sao tạo ra đội ngũ từ lãnh đạo bảo tàng đến nhân viên chuyên nghiệp, bằng mọi cách tạo điều kiện cho họ học, qua cầm tay chỉ việc, đào tạo nước ngoài. Hằng năm đều có các lớp tập huấn quốc tế cho ngành bảo tàng, đội ngũ này phải tự trang bị ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội.
Cùng với thay đổi nhận thức lãnh đạo các địa phương, nâng cao được chất lượng nhân lực, chúng ta sẽ có những bảo tàng hoạt động tốt.
PV: Chúng ta đang nói nhiều đến việc gắn hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch. Theo ông, với thực tế hiện nay, chúng ta có thể làm tốt việc này?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Gắn hoạt động bảo tàng với du lịch là vấn đề hạ hồi. Đừng nói đến du lịch khi bảo tàng còn chưa có hoạt động tốt. Hãy tạo ra món ăn ngon, khách sẽ tự đến. Tôi đã phát biểu nhiều lần, phát triển du lịch, gắn kết du lịch chỉ trên nền tảng có những trưng bày chất lượng cao, dịch vụ chất lượng cao. Còn nếu bảo tàng vẫn ở đường bay thấp lè tè sát mặt đất thì chưa nên nói đến du lịch. Bảo tàng cần được đầu tư thích đáng thì mới trở thành thiết chế quay lại giúp phát triển du lịch địa phương được. Tôi nghĩ các địa phương cũng không ngại đầu tư cho bảo tàng, nhưng đầu tư liệu có hiệu quả!? Trong giai đoạn hiện nay, tốt nhất hãy mạnh dạn thuê các tư vấn, thiết kế nước ngoài. Bên cạnh đó, khi thuê đối tác nước ngoài cũng sẽ khiến các đơn vị tư vấn thiết kế bảo tàng trong nước giật mình, phải đổi mới, trưởng thành hơn, tạo sự cạnh tranh giữa đơn vị trong nước với quốc tế để tạo các sản phẩm giá trị.
Làm bảo tàng rất dễ để tạo ra những bảo tàng không ai xem, nhưng rất khó để bảo tàng gây xúc động lòng người. Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay phải thay đổi giống như chuyển từ mô hình mậu dịch quốc doanh sang siêu thị hiện đại vậy.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÒA (thực hiện)
Nguồn: https://ct.qdnd.vn/phong-van-trao-doi/bao-tang-chua-duoc-ung-xu-dung-muc-523983