Bà chủ gia tài cổ vật Việt Nam ở Pháp

Đọc tạp bút năm 1994 của ông Vương Hồng Sển, tôi thấy những dòng đầy nuối tiếc: “(…) tiễn khách ra về rồi tôi ăn năn không kịp… (…) thiếu nữ này là nhân viên đặc cách (chargée de mission) của viện bảo tàng trứ danh Musée Guimet ở Paris của Pháp… (…) và tôi nói hối hận vì không được tiếp xúc lâu với thiếu nữ này để học mới thêm chút ít về chuyên môn khảo cứu…”. Mãi đầu tháng 1 năm 2014 tôi mới bất ngờ biết được người con gái làm già Vương ăn năn, tiếc nuối ấy chính là chị Loan de Fontbrune – người đang ngồi trò chuyện với mình.

Nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá văn hóa Việt Nam là niềm đam mê của chị Loan de Fontbrune. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Đều là cơ duyên

Con đường trở thành chuyên gia nghiên cứu và sưu tầm nghệ thuật của chị Loan de Fontbrune dệt đầy đam mê. Ham đọc sách, chị khám phá trong sách thế giới của nghệ thuật. Chị học tiếng Pháp từ hồi học mẫu giáo ở Trường Fraternité (Chợ Lớn), rồi học trung học ở Trường Marie Curie (Sài Gòn), đỗ tú tài Pháp năm 1977. Năm 1979, cả nhà chị sang Pháp sinh sống. Hành trang quý nhất của cô thiếu nữ tuổi hai mươi ấy là ba bức tranh lụa của họa sĩ Tú Duyên và bốn bức tranh nhỏ chạm ngà của họa sĩ Đới Ngoạn Quân.

Sang Pháp, chị học 7 năm ở Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông. Tốt nghiệp, chị lấy thêm bằng tiếng Việt, Hoa, Nhật và tiếp tục theo học mỹ thuật châu Á tại Trường nghệ thuật Louvre, Viện Nghệ thuật và khảo cổ Michelet, Đại học Sorbonne… Vừa học chị vừa tìm tòi, sưu tầm và nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam. Lúc đó ở Pháp không có nhiều người chuyên môn về văn hóa Việt Nam, đồ cổ của Việt Nam cũng ít ai để ý nên chị Loan đành mày mò tự học bằng cách thu thập sách, báo, tài liệu rồi đọc, ghi chép. Thấy ở đâu triển lãm hay bán tranh, cổ vật là chị đến xem để học hỏi. Dần dà chị trở thành chuyên gia về lĩnh vực này cộng với sự thông thạo tiếng nhiều ngoại ngữ nên sau khi tốt nghiệp, chị được tuyển dụng vào làm việc tại phòng Trung Hoa và Đông Nam Á của Bảo tàng Guimet.

Như cá gặp nước. Tại đây nhờ được đào xới trong kho, chị phát hiện nhiều tượng gỗ sơn son thếp vàng, bàn thờ, chuông đồng, khánh đồng… của Việt Nam nhưng bảo tàng không rõ xuất xứ. Thế là chị đưa chúng ra để trùng tu, rồi trưng bày. Tiếng lành đồn xa, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris, Bảo tàng quốc gia về gốm sứ Sèvres, Bảo tàng Limoges… cũng mời chị vào kho để giám định hiện vật. Tại đó, chị đã tìm được nhiều món gốm có giá trị của Việt Nam. Thời gian này, chị đã viết nhiều bài về đồ sứ ký kiểu cung đình Huế, các lăng tẩm triều Nguyễn… cũng như đi thuyết trình ở nhiều nơi về văn hóa Việt Nam. Chị còn giúp bảo tàng hoàng gia Bỉ tổ chức triển lãm đầu tiên ở nước ngoài về mỹ thuật Việt Nam. Dự án này làm ròng rã suốt 10 năm mới thành công, nhưng nhờ thế mà ngày 29-6-2001, Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội Việt Nam thông qua để cho phép mang hiện vật ra nước ngoài triển lãm… Nhờ làm việc ở đây, chị có cơ hội đến thăm các nhà sưu tầm tư nhân để khảo sát các hiện vật Việt Nam – phần lớn do ông bà, cha mẹ khi xưa sống ở Việt Nam sưu tầm – mà họ muốn tặng Bảo tàng Guimet. Năm 1989, khi Bảo tàng Guimet đóng cửa để sửa chữa, chị trở về sống ở Việt Nam trong 7 năm. Thời gian này, chị tham gia khai quật các lò gốm cổ ở Bình Định (gò Hời) do bảo tàng hoàng gia Bỉ tài trợ, Viện Khảo cổ học Việt Nam và bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức.

Cổ ngoạn là niềm say mê của chị. Khi thấy đồ quý của Việt Nam ở Pháp, từ cái khay đựng trầu, cái đĩa sứ men lam, bức tranh… chị như gặp được người đồng hương, người bạn. Mỗi hiện vật đối với chị đều có linh hồn, có chuyện kể. Khi có hiện vật trong tay, chị tìm hiểu sâu hơn để khám phá ra nhiều điều thú vị về chúng.

Sống ở Paris, được thấy nhiều bức tranh đẹp của các họa sĩ nổi tiếng, chị rất mê nhưng khi là sinh viên không có tiền để mua. May mắn thay, sau này chị lập gia đình với ông Yves de Fontbrune, chủ phòng tranh Cahiers d’Art – chuyên về sách và mỹ thuật hiện đại – đã mở cho chị cơ hội sưu tầm tranh Việt Nam. Ở Pháp có rất nhiều tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương mà người Pháp mua từ những năm 1930. Thế là qua các cuộc đấu giá, chị bắt đầu mua tranh của các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Tạ Tỵ, Lương Xuân Nhị… Chị còn thường xuyên chị dạo chợ trời bán đồ cổ hoặc đến nhà các họa sĩ hay gia đình họ để mua tranh.

Chị Loan còn nổi danh với bộ sưu tập pháp lam Huế. Để sở hữu chúng, chị đã “mất gần 20 năm lang thang khắp nơi, dòm ngó nhiều sưu tập tư nhân, tham dự nhiều cuộc đấu giá cổ vật và phải tranh giành với nhiều người mới mua được”. Ông Trần Đức Anh Sơn, Tiến sĩ sử học –  phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng, thốt lên: “Tôi đã từng xem nhiều sưu tập pháp lam Huế của các nhà sưu tầm ở TPHCM, Hải Phòng, Đức, Pháp… nhưng phải công nhận rằng sưu tập pháp lam của Loan de Fontbrune xứng đáng xếp vào hàng thượng thặng. Tất cả những món pháp lam trong sưu tập của chị đều là “hàng độc”. Đó là vì tất cả những món pháp lam trong sưu tập này đều có ghi niên hiệu của các vua triều Nguyễn như: Minh Mạng, Minh Mạng niên chế, Minh Mạng niên tạo, Thiệu Trị niên chế, Thiệu Trị niên tạo, Tự Đức niên chế, Tự Đức niên tạo… Ngoài ra, chị Loan còn sở hữu khoảng hơn 200 bức ảnh xưa về Việt Nam còn bưu thiếp xưa, đồ cổ bằng gốm, đồng, gỗ… thì “nhiều không đếm xuể”. Chị mong muốn “giữ được chúng suốt đời thì sẽ cố gắng giữ để trao lại cho con cháu hoặc tặng một bảo tàng nào biết gìn giữ cả bộ sưu tập. Mỗi lần buộc phải bán món gì thì buồn lắm”.

Cầu nối văn hóa Pháp – Việt

Nhờ công bố nhiều bài nghiên cứu về mỹ thuật và văn hóa Việt Nam; nhờ có nhiều tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nên chị Loan được giới nghệ thuật ở Paris biết tiếng. Các nhà đấu giá, các bảo tàng thường nhờ chị thẩm định các bức tranh Việt Nam. Năm 2012, nhân năm chéo Pháp – Việt Nam 2012/2013, bảo tàng bà Christine Shimizu, Giám đốc bảo tàng, nhân lần về Việt Nam trong Hội nghiên cứu gốm châu Á đã nảy ra ý muốn triển lãm gốm Việt Nam. Được hỏi ý kiến, chị Loan đề nghị tổ chức triển lãm tranh của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương. Triển lãm “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long, những cách nhìn về Việt Nam” trưng bày hơn 70 hiện vật của 40 tác giả, phần lớn là tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng một số tác giả Pháp từng đến Việt Nam thời gian này như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, André Maire, Alix Aymé, Géo Michel…

Triển lãm đã thu hút rất đông người xem bởi tất cả là nguyên tác, trong đó có nhiều tác phẩm từ lâu biệt tăm, nay xuất hiện trở lại. Nhiều tranh đến từ các bộ sưu tập gia đình, như hai bức của họa sĩ Nam Sơn. Hay tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… mượn từ các bộ sưu tập tư nhân ở Paris. Nhiều bức vốn chỉ được biết qua ảnh chụp, nay được giới thiệu nguyên bản như hai bức tranh lụa Lên đồng, Thiếu nữ chải tóc của Nguyễn Phan Chánh; bức Những cô thợ thêu của Tô Ngọc Vân; tranh sơn dầu của Joseph Inguimberty vẽ phụ nữ Hà Nội…

Nhân năm giao lưu văn hóa Pháp – Việt Nam 2013/2014, Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp mời chị phụ trách triển lãm “Pháp – Việt Nam: Bốn thập kỷ quan hệ – Vai trò của các nhiếp ảnh gia tiên phong ở Việt Nam” phối hợp với Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Việt Nam tổ chức ở tại Hà Nội, TPHCM và tại Paris Triển lãm trưng bày 150 tấm ảnh, gồm 19 chủ đề phản ánh quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp trong các lĩnh vực văn hóa, thương mại, giáo dục, khoa học kỹ thuật… do các nhiếp ảnh gia người Pháp như Émile Gsell, Gustave Ernest Trumelet-Faber, Charles-Édouard Hocquard, Aurélien Pestel, Firmin-André Salles và Pierre Dieulefils chụp tại Việt Nam trong nhiều năm từ cuối thế kỷ thứ XIX tới đầu thế kỷ XX.

Chị Loan cho biết, nghệ thuật giúp mình nhận diện và đánh thức tình yêu quê hương luôn đau đáu trong lòng. Nhớ quê, chị đã có những bức tranh, những món đồ cổ Việt Nam chất đầy nhà để bầu bạn. Chị bảo, mình có duyên khi lấy được ông Yves de Fontbrune. Chồng mở phòng tranh, buôn bán sách nghệ thuật, nghiên cứu nghệ thuật châu Âu, vợ chuyên nghiên cứu nghệ thuật châu Á, hai người học hỏi, bổ sung cho nhau.

Mỗi năm gia đình chị vẫn về Việt Nam ba, bốn lần… để thăm thú, nghiên cứu, sưu tầm cổ vật. Chị bắt đầu sưu tầm nhiều đồ mỹ nghệ bằng bạc, bàn ghế gỗ xưa, đồ đồng, đồ cẩn xà cừ, đồ thêu, vải… “Mình tự tin thì phải đi trước vì đồ còn nhiều và mua mất ít tiền. Chứ đến lúc nó thành trào lưu rồi thì chạy sao kịp” –  chị tâm sự. Là một nhà sưu tầm có bản lĩnh, với chị: “Một món đồ đẹp không chỉ là nó có thẩm mỹ riêng mà quan trọng nhất là nó phải có ý nghĩa, nó hàm chứa điều gì”.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Nguon: http://www.sggp.org.vn/ba-chu-gia-tai-co-vat-viet-nam-o-phap-140461.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.