Thời kỳ phong kiến

– Nhà Ngô (938 – 965), kinh đô Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội)
– Nhà Đinh (968 – 980), quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình)
– Nhà Tiền Lê (980 – 1009), quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình)
– Nhà Lý (1009 – 1225), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Nhà Trần (1225 – 1400), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Nhà Hồ (1400 – 1407), quốc hiệu Đại Ngu, kinh đô Tây Đô (Thanh Hóa)
– Nhà Lê sơ (1428 – 1527), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Đông Kinh, Thăng Long, Hà Nội
– Nhà Mạc (1527 – 1592), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Đông Kinh (Hà Nội)
– Lê Trung Hưng (1533 – 1789), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (Hà Nội)
– Tây Sơn (1776 – 1802), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Phú Xuân (Huế)
– Nhà Nguyễn (1802 – 1945), quốc hiệu Đại Nam, kinh đô Phú Xuân (Huế)

 

1. Triều đại nhà Ngô (939 – 965) trị vì 25 năm

Sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Nhà vua đã bỏ Tống Bình (Đại La), thành phố do người Trung Quốc thiết lập và lên ngôi tại Cổ Loa (kinh đô của vương quốc Âu Lạc xưa). Nhà vua mới thiết lập một triều đình nhưng còn trong tình trạng trứng nước và vương quyền cũng mới chỉ là một tước hiệu hơn là một quyền lực.

Các lực lượng tồn tại dai dẳng ở địa phương luôn có khuynh hướng chia nhỏ lãnh thổ. Ngô Quyền đã phải mất 6 năm tại ngôi để đánh bại các cuộc nổi dậy của các sứ quân; và qua đời quá sớm vào năm 944, khi ấy nền hành chính chưa thống nhất, triều đình chưa được tổ chức xong; khắp nơi trong nước các tướng lĩnh nổi dậy và giao chiến với nhau dẫn đến việc thành lập 12 sứ quân. Đất nước bị xâu xé, dân chúng khát khao hòa bình và thống nhất cần thiết cho nông nghiệp. Ý chí của quần chúng nhân dân được thể hiện nơi Đinh Bộ Lĩnh.

2. Triều đại nhà Đinh (968 – 980) trị vì 12 năm

Đinh Bộ Lĩnh là con của một thứ sử ở Hoan Châu, người Hoa Lư (Ninh Bình). Hồi nhỏ ông đã khiến các trẻ chăn trâu phải kiêng nể và tôn làm thủ lĩnh của chúng. Lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ông ngồi; lấy bông lau làm cờ, lấy tre làm giáo, và dưới quyền điều khiển của ông, kéo nhau đi tấn công lũ trẻ con các làng bên cạnh. Lớn lên, ông tới phục vụ cho sứ quân ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Thấy ông là người thông minh và dũng cảm, vị sứ quân này giao cho ông nắm giữ binh quyền. Sau khi sứ quân mất, Đinh Bộ Lĩnh đóng binh vững chắc ở Hoa Lư và lần lượt bắt các sứ quân khác phải hàng phục.

Năm 968, sau khi tái thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lấy tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).

Sau khi thành lập vương triều, nhà vua cho xây dựng cung điện có tường hào và ụ bao quanh; thiết lập triều đình và định phẩm hàm quan văn quan võ. Để tái lập trật tự trong nước nhà vua đã ban hành một hình luật nghiêm khắc: các trọng phạm sẽ bị xử ném vào vạc dầu sôi hay làm thức ăn cho thú dữ nuôi trong ngự uyển. Đồng thời, quân đội được tổ chức một cách đều đặn và được chia thành mười đạo.

Nhưng vua Đinh Tiên Hoàng đã bị một viên thư lại trong cung điện ám sát năm 979 dẫn đến sự ra đời của nhà Tiền Lê.

3. Triều đại nhà Tiền Lê (980 – 1009) trị vì 29 năm

Do Vệ Vương (Đinh Toàn) là con trai của vua Đinh Tiên Hoàng lúc lên ngôi mới có 6 tuổi. Nên mọi quyền hành đều nằm trong tay Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhà Tống tính lợi dụng lúc vua còn nhỏ để lập nên ách đô hộ của Trung Quốc. Nhưng khi ấy những người theo phò tá Lê Hoàn đã tôn ông lên làm vua để chống lại quân giặc. Thái hậu Dương Vân Nga thể theo nguyện vọng của các tướng sĩ đã khoác áo bào cho Lê Hoàn.

Được sự tín nhiệm của đình thần, Lê Hoàn lấy tước hiệu là vua Lê Đại Hành đã cầm quân đánh thắng quân Tống vào năm 981. Nhưng thế lực của nhà Tống vẫn còn đáng sợ nên nhà vua đã xin cầu hòa với nhà nước Khai Phong và được Khai Phong chấp nhận.

Có được hòa bình với Trung Quốc, Lê Đại Hành đã tổ chức đạo quân sang đánh Chămpa. Sau khi có được sự kính nể của cả phía Bắc và phía Nam đối với Đại Cồ Việt vua Lê Đại Hành đã cho làm đường và đào kênh để phát triển giao thông và kinh tế. Theo gương các triều đại Trung Quốc, Lê Đại Hành lập lễ tịch điền bằng cách đích thân cày những luống cày đầu tiên để vỡ đất. Ông cũng là vị vua đầu tiên cho đúc tiền Thiên Phúc (trước đó nước ta đều sử dụng tiền của Trung Quốc).

Ông mất vào năm 1005 sau 24 năm trị vì và củng cố nền móng Việt Nam. Nhưng sau khi ông mất các con ông với quân đội riêng của mình đã nổi dậy tranh giành quyền lực. Lê Long Đĩnh là người chiến thắng, nhưng trên ngôi vua ông tỏ ra là một kẻ độc ác, khát máu, lấy việc chứng kiến cực hình làm thú tiêu khiển, thân tàn ma dại vì thói hư tật xấu và dâm đãng, ông phải nằm thị triều vì bệnh tật.

Bởi vậy, năm 1009 sau khi ông mất, con ông còn nhỏ, đình thần đã tôn một vị quan cao cấp là Lý Công Uẩn lên làm vua. Nhà Tiền Lê kết thúc.