Trong số những vật dụng dân gian, tôi yêu thích nhất cái bình vôi. Không có kỷ niệm đặc biệt liên hệ, nhưng hễ nhìn thấy gốc đa với những bình vôi lăn lóc, là lòng cứ bồi hồi không thôi với những xúc cảm dấy lên từ tận cùng máu xương da thịt.
Tôi cũng chẳng phải là một nhà khảo cổ, nhưng có tính xấu rất tò mò tìm hiểu những gì yêu thích. Thấy tài liệu nào liên hệ là ôm lấy ngấu nghiến nghiền ngẫm, và sau đó không cất giấu riêng, mà muốn chia s,ẻ với mọi người.
Trong số những sản phẩm đất nung, gọi chung là đồ gốm, phải nói rằng bình vôi có nét riêng rẽ độc lập mang cá tính rất Việt Nam, mặc dầu tục ăn cau trầu vôi lan rộng cả vùng Đông Nam Á, kể từ Quảng Đông Quảng Tây Vân Nam phía Nam Trung Hoa cho đến các nước láng giềng Miên Thái Lào Miến Điện, sang tận Mã Lai Tân Gia Ba Phi Luật Tân Nam Dương và Ấn Độ…
Bình vôi đơn giản chỉ là một bình nhỏ đựng vôi bột trắng nguyên chất có hoà nước sền sệt, có khi được tí phẩm hồng làm đẹp. Vôi phết lên lá trầu bằng cái chìa vôi, têm gọn, nhai chung với một miếng cau, theo tập tục ăn cau trầu tương truyền có từ đời Hùng Vương, tức là cả ngàn năm trước Thiên Chúa.
Bình vôi tìm được ở Nam Mỹ, xứ Ecuador, 1500 năm trước
Tại Việt Nam, bình vôi được tôn kính là Ông – Ông Vôi hoặc Ông Bình Vôi – được coi như một vị thần, được giữ gìn tôn trọng, để ở khay, ô, tráp, hộp, quả hộp, hay cơi cau trầu trên sập gụ hay trên bàn kê giữa nhà. Chiếc khay cũng được bảo trọng, thường được làm bằng gỗ quý chạm trổ hoặc cẩn xà cừ, cẩn ngà. Đi đôi với bộ khay cau trầu vôi trên sập gụ hay trên bàn, là một ống nhổ bằng đồng thau để dưới chân sập chân bàn, dùng đựng nước trầu và bã trầu.
Tuy được tôn kính bảo trọng, bình vôi không được để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên hương án, không để trên bàn thờ Thành hoàng hay Tổ đình, cũng không được để trên bàn Phật. Bình vôi có vị trí quan trọng nhưng chỉ trong phạm vi gia đình – như Ông Táo, Vua Bếp – liên hệ đến những sinh hoạt trong nhà.
Bình vôi cũ hoặc sứt mẻ không được vứt bỏ rác, mà được đem để dưới gốc đa trong làng hoặc dưới luỹ tre bên đình, là những nơi cũng được tôn kính, dân làng hay qua lại ngồi nghỉ mát hoặc họp chợ.
Về chuyện kể liên hệ đến bình vôi, xưa có một tên trộm chuyên nghiệp tài tình, khi về già ăn năn hối cải, bỏ nghề, xin vào chùa tá túc nghe kinh. Sư cụ trụ trì giao việc giữ lửa, gà gáy sáng có phận sự nấu nước pha trà cúng Phật. Tên trộm chăm lo giữ lửa và làm tất cả mọi việc nặng trong chùa, thành tâm tu tập, được sư cụ tin cậy.
Trong chùa có chú tiểu nhỏ không ưa tên trộm và sinh lòng ghét bỏ, ghen tỵ về lòng tin cậy của sư cụ. Một đêm, chú lén dập tắt lửa. Sáng dậy thấy không còn lửa đã vùi ủ kín đêm qua, tên trộm rầu rĩ chẳng biết cách xoay sở. Chú tiểu bèn bày mưu hại, bảo tên trộm leo lên cây đa thiêng bên chùa cầu Phật gia hộ. Chú bảo:
– Leo lên! Leo tuốt cao tận ngọn, buông tay buông chân như buông thả bản thân, buông thả ngũ uẩn. Phật sẽ gia hộ đưa đến nơi có lửa.
Tên trộm cả tin theo lời. Khi buông mình, thay vì rơi xuống đất chết, lại được một đám mây vàng nhẹ nhàng cứu độ đưa về cõi Niết bàn không sinh không diệt. Chú tiểu ngỡ ngàng, nhưng lòng tham sân si bùng mạnh, chú đi dập tắt lửa rồi leo lên tận ngọn đa, buông mình. Chú rơi nhanh. Một cành đa nhọn đâm xuyên thủng bụng. Chú chết, không được vãn sinh tịnh độ, mà biến thành một cái bình tròn bụng chứa đầy vôi nồng – tượng trưng lòng đố kỵ – và cành đa nhọn là chiếc dao nhỏ dùng quệt vôi têm trầu.
Truyền thuyết sự tích cau trầu vôi kể từ đời Hùng Vương thứ tư, nhưng các nhà khảo cổ không tìm được vết tích bình vôi thời các Vua Hùng của nền văn minh Đông Sơn. Tuy nhiên, sách An-Nam Chí- lược của Cao Hùng Trưng soạn năm 1691, được Trần Kinh Hoà Giáo sư Đại học Huế dịch ra tiếng Việt năm 1962, có trích đoạn Nam-Việt Ngoại-Ký chép: “… Người Giao Chỉ (người Việt) bới tóc cao, xăm vẽ mình, miệng đỏ răng đen, tồn ty đều ăn cau trầu …” Như vậy, tục ăn cau trầu có tự ngàn xưa.
Trong tác phẩm Gốm Việt Nam: Một Truyền thống Riêng – Vietnamese Ceramics: a Separate Tradition – của John Stevenson và John Guy, do Avery Press xuất bản năm 1997, có viết rõ bình vôi đầu tiên tìm được trong một ngôi mộ cổ ở Thanh Hoá, có tuổi khoảng thế kỷ thứ hai đến thứ năm sau Thiên Chúa. Bình dáng tròn có núm dẹp để cầm, lỗ tròn để lấy vôi, đế chân lận ra ngoài. Bình làm bằng đất nung tô điểm mấy đường chạy vòng, tráng men trắng ngà, phía sau còn vết hai giọt men bóng ngời.
Kiểu bình vôi núm này tồn tại ở Việt Nam cho đến thế kỷ 14, sau đó vẫn còn được làm bên Thái lan.
Bình vôi tân tạo dập khuôn đời Lý, núm dạng lá Sen,
men trắng đục da rạn ửng xanh và nâu nhạt.
Sưu tập tư nhân, Hoa Kỳ.
Bình vôi tân tạo dập khuôn thời Lý, núm búp Sen,
men da rạn xanh ngọc, xanh nâu và nâu nhạt, có quả cau đắp nổi.
Sưu tập tư nhân Hoa Kỳ.
Đời nhà Lý (1010-1225), bình vôi tròn rất thịnh hành, tuy còn thô sơ nhưng được trang trí thêm: núm cầm có dạng một hoa Sen. Sen tượng trưng sự thanh khiết của triết lý Phật giáo, là tôn giáo cực thịnh đời Lý. Bình vôi đời Lý có đế thấp, tráng men trắng đục thô gọi là gốm đàn.
Bình vôi Bát Tràng mới dập khuôn cũ,
không quai, đắp nổi dị dạng cóc nhái, men nâu và xanh.
Sưu tập tư nhân Hoa Kỳ.
Đời nhà Trần (1225-1400), đồ gốm tinh xảo hơn, dùng toàn đất sét nguyên chất trắng mịn, tráng men dày màu xanh sáng mát gọi là men ngọc. Ngoài ra còn màu men trắng ngà, vàng nhạt hay nâu bóng gọi là men da lươn, và còn làm men rạn. Gốm men ngọc rất đẹp, có thể sánh với gốm Long Tuyền đời Tống bên Tàu.
Bình vôi đời Trần có đế cao, bụng rộng từ 8 đến 35 phân tây. Bình lớn có núm cầm lớn dạng tròn hoặc hơi phồng như quả trứng. Đế bình tráng men nâu. Nghệ nhân cố đưa hình tượng thiên nhiên vào việc sáng tạo: bình có dạng như một cục đá vôi màu trắng ngà, quai cầm có dạng cây cau, có quả cau xanh, giây trầu lá lục vấn vít bao quanh.
Có những bình vôi nhỏ vừa tầm tay, bỏ vào đãy (túi gấm túi vải) đeo vắt vẻo trên vai hoặc lủng lẳng bên thắt lưng. Loại này vẫn được làm tại Bát Tràng cho đến thế kỷ 17, và được tráng men màu bạch kim sáng ngời.
Thời nhà Minh xâm chiếm nước ta (1413-1427), bình vôi không còn làm bằng đất sét trắng mịn nữa mà dùng đất sét nâu thô, nên dáng dấp nặng nề hơn. Thời này dùng nhiều men màu khác như xám, xanh nhạt xanh đậm, xanh dương, vàng.
Tác giả: Trần Thị Lai Hồng (Hoa Kỳ – Tháng 04/2004)
Nguồn: https://www.facebook.com/truong.vietanh.3367/posts/478814119187727