Tag Archive | Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Gò Mun!

Văn hoá Gò Mun lấy tên địa danh đầu tiên phát hiện được là Gò Mun- xã Tứ Xã- huyện Lâm Thao- tỉnh Phú Thọ.

Văn hoá Gò Mun có niên đại cách ngày nay 2500-3000 năm, là nền văn hóa hậu kỳ thời đại đồng thau và tiền Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt). Phân bố ở miền Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trùng với địa bàn phân bố của văn hoá Đồng Đậuvăn hóa Phùng Nguyên. Đó là các địa điểm Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm…thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội. Trên địa bàn Phú Thọ có 14 địa điểm di tích văn hoá Gò Mun như các di chỉ: Gò Mun, Gò Chiền, Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới… phân bố trong các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng….

Sự thống nhất và tương đồng về các mặt như cảnh quan nơi cư trú, phạm vi địa tầng, các di tích và di vật… đều phản ánh một cộng đồng cư dân tồn tại thực sự trong không gian và thời gian ở lưu vực sông Hồng. Điều đó trái với một số nhận định trước đây cho rằng văn hoá Gò Mun chỉ như một “bản lề”, một “khâu chuyển tiếp” hay một điểm “giao thời”, “đệm” cho văn hoá Phùng Nguyên – Đông Sơn.

Các hiện vật thu được tại di chỉ khảo cổ Gò Mun:

Tại di chỉ khảo cổ Gò Mun tiêu biểu nhất cho văn hóa Gò Mun, qua 4 lần khai quật vào các năm 1961, 1965, 1969, 1971 các nhà khảo cổ học đã thu được hàng vạn hiện vật bao gồm: đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm với đủ loại các loại hình khác nhau.

Hiện vật đá: qua 4 lần khai quật đã thu được 231 tiêu bản trong đó đáng chú ý là các loại hiện vật như rìu, đục, bàn mài, chì lưới, vòng tay, khuyên tai, khánh…;

Hiện vật đồng với tổng số 340 hiện vật là các loại hình như rìu, liềm, đục, mũi tên, mũi lao, giáo, lưỡi câu…; hiện vật gốm thời kì này có dọi se sợi, nồi, vò, mảnh gốm, chân chạc…

Hiện vật văn hóa Gò Mun khá đa dạng về loại hình và chất liệu như:

hiện vật công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến đấu, tác phẩm nghệ thuật; được làm từ chất liệu đồng, gốm, đá…Trong số đó các công cụ và vũ khí bằng đồng chiếm số lượng chủ yếu. Giai đoạn này, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã tìm thấy các loại mũi tên, mũi giáo, rìu lưỡi xéo, kim, dùi đục, lưỡi câu… qua đó cho chúng ta biết được người Gò Mun không chỉ có các công cụ phục vụ sản xuất mà còn có công cụ phục vụ chiến đấu, săn bắn. Giai đoạn Gò Mun lần đầu tiên xuất hiện mũi tên được làm bằng đồng thau, đa dạng về loại hình và giàu có về số lượng.

Thông quá đó cũng cho chúng ta thấy sự khéo léo của cư dân người Việt cổ trong kỹ thuật chế tác kim khí và cũng là tiền đề cho truyền thống nghệ thuật quân sự (sử dụng cung nỏ trong chiến đấu) mà các giai đoạn sau tiếp thu trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Nghề luyện kim đồng thau phát triển trong văn hóa Gò Mun:

Hơn thế nữa ở giai đoạn này còn ghi nhận sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau so với các giai đoạn trước. Đồ đồng trong văn hóa Gò Mun khá phong phú, gồm nhiều loại hình khác nhau.  Nguyên liệu chủ yếu là đồng và thiếc trong thành phần hợp kim. Ngoài ra còn có một số tạp chất khác. Do kỹ thuật luyện đồng của người Gò Mun chưa cao, chưa phân huỷ được những chất có tác dụng ăn mòn và ôxy hóa nên nhiều hiện vật bị hỏng, gỉ và thường mềm hơn so với hiện vật đồng của văn hóa Đông Sơn.

Cách chế tác đồ đồng chủ yếu là đúc bằng khuôn hai mang đối với hiện vật có kích cỡ lớn, cấu tạo phức tạp, nhiều chi tiết như: rìu, giáo, lao, mũi tên, tượng, nhạc… và sử dụng kỹ thuật gia công nguội, giũa đối với hiện vật nhỏ, đơn giản như: lưỡi câu, lao mũi nhọn nhỏ, kéo thành sợi.

Những sản phẩm bằng đồng của người Gò Mun do chính bàn tay, khối óc của họ tạo ra. Điều đó đã được minh chứng bằng sự có mặt của những khuôn đúc bằng đá, bằng đất nung, nồi nấu, bát rót và lò luyện tìm thấy trong tầng văn hóa với nơi họ cư trú mà họ để lại.

Tượng đồng thuộc Văn hóa Gò Mun

Sự đa dạng về loại hình đồ đồng là yếu tố quan trọng phân biệt văn hóa Gò Mun và văn hóa Đồng Đậu:

Trong giai đoạn văn hóa Gò Mun loại hình công cụ đồng đã bắt đầu đa dạng hóa. Nhiều loại hình mới xuất hiện và chức năng được xác định rõ ràng. Chính việc ổn định kiểu dáng đã dẫn đến việc sử dụng chuyên hóa chức năng công cụ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và chiến đấu. Song dù sao người Gò Mun vẫn chưa thể đạt tới trình độ điêu luyện về kỹ thuật, đa dạng phong phú về loại hình và nhất là về nghệ thuật trang trí, như trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn.

Hầu hết những công cụ và vũ khí bằng đồng của người Gò Mun: rìu, liềm, giáo, mũi tên, lao, búa… đều có họng, chuôi, hoặc khâu để lắp cán. Đây là những c«ng côcơ bản nhất đóng vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất, săn bắt và bảo vệ cuộc sống của cư dân Gò Mun thời bấy giờ.

Thông qua những hiện vật như lưỡi hái bằng đồng thau phát hiện ở nhiều nơi nói lên sự phát triển và hoàn thiện của nghề trồng lúa nước. Lưỡi hái cong, có gỗ tra cán cho thấy bước tiến bộ hơn trong nghệ thuật chế tác so với các giai đoạn trước.

Cư dân Gò Mun không chỉ dùng đồng để chế tác công cụ sản xuất, vũ khí mà người Gò Mun còn sáng tạo ra đồ trang sức làm bằng đồng thau như vòng tay làm từ dây đồng.

Bên cạnh hiện vật đồng thau, giai đoạn văn hóa Gò Mun cũng được ghi nhận sự phát triển mang tính tiếp nối của các hiện vật đồ gốm.

Hoa văn trang trí trên đồ gốm trong văn hóa Gò Mun:

Hoa văn trang trí trên đồ gốm Gò Mun rất phong phú và đa dạng. Người Gò Mun đã dùng đồ gốm để thể hiện tư duy thẩm mỹ của mình. Vị trí trang trí hoa văn trên đồ gốm dùng để đựng hoặc đun nấu của người Gò Mun chủ yếu ở mặt miệng, trong lòng, ngoài cổ, vai, thân hoặc ngoài chân đế.

Hoa văn gốm Gò Mun chủ yếu là văn thừng, văn nan chiếu, in ô vuông, chải được tạo nên do những bàn dập, bàn chải trong quá trình tạo xương gốm. Ngoài ra còn có hoa văn khắc vạch, in ấn, đắp nổi được trang trí sau khi kết thúc khâu tạo hình, cần cho đồ gốm có thẩm mỹ. Cả hai loại hoa văn này được người Gò Mun kết hợp một cách hài hòa trên một số đồ gốm cơ bản. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đó có từ giai đoạn Đồng Đậu. Miệng gốm bẻ loe ra nằm ngang, rộng bản.

Nếu như gốm Phùng Nguyên được nung ở nhiệt độ thấp khoảng 6000C và có lẫn nhiều tạp chất hữu cơ nên có gốm thường nhẹ, dễ thấm nước và bở hơn  thì đến giai đoạn này, gốm được nung ở nhiệt độ cao, tỉ lệ ôxít silic cao và được nung ở nhiệt độ từ 8000C đến 9000C vì thế mà gốm có độ cứng hơn, có những mảnh gốm như mảnh sành, ít thấm nước và màu gốm cũng thay đổi cơ bản, màu gốm chuyển sang màu xám tro, xám mốc chứ không tươi đỏ như thời kì trước.

Mảnh gốm – Văn hóa Gò Mun

Loại hình gốm trong văn hóa Gò Mun rất phong phú:

Sự đa dạng về loại hình đồ gốm bao gồm cả đồ dùng cho sản xuất và đồ đựng như: nồi, vò, âu, bát, bi, dọi xe chỉ, chì lưới cho thấy bước phát triển lớn trong đời sống sinh hoạt của cư dân Gò Mun.Qua đó  phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Gò Mun giúp ta khắc được họa bức tranh toàn cảnh về sự tụ cư thời đó. Đó là sự quần cư trong các xóm làng của các gia đình người Việt cổ, tiêu biểu như các làng Tứ Xã, Thanh Đình,  …, là sự hình thành tổ chức sản xuất theo hộ gia đình là chính…và sau này trải qua hàng ngàn năm đã hình thành nên văn hóa làng xã độc đáo ở Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng: giai đoạn này xã hội người Việt đã có những bước chuyển biến sâu sắc và rõ rệt. Người Gò Mun sinh sống bằng nghề trồng lúa nước là chính, người dân sống chủ yếu bằng sản phẩm của mình làm ra chứ không phải khai thác trong tự nhiên như trước kia nữa; bên cạnh đó còn chăn nuôi và săn bắt đánh cá. Chính vì có bước tiến bộ trong kĩ năng canh tác cũng như tổ chức cuộc sống mà người dân Gò Mun ngày càng dư giả, góp phần thúc đẩy sự ra đời nhà nước sơ khai đầu tiên của người Việt.

Với các giá trị quan trọng về khoa học và lịch sử, năm 2008, di chỉ Gò Mun – xã Tứ xã- huyện Lâm Thao đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Hiện nay tại bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật thuộc văn hóa Gò Mun như đồ đồng, gốm, đá thuộc loại hình công cụ sản xuất, vũ khí như: rìu có vai, rìu tứ giác, rìu tứ diện, bàn mài được làm từ chất liệu đá; một số mũi lao, mũi giáo làm từ chất liệu đồng; chân chạc gốm… tuy số lượng hiện vật còn hạn chế so với các giai đoạn lịch sử khác nhưng qua đó đã giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể và sinh động hơn về một thời kì có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình dựng nước của dân tộc. Đó cũng chính thời kỳ tạo cơ sở chủ yếu  cho nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/hien-vat-dac-sac/401-van-hoa-go-mun

Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối văn hóa Phùng Nguyên.

Văn hóa Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân- huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, được các cán bộ văn hóa của tỉnh phát hiện năm 1962. Qua 6 lần khai quật đã phát hiện hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, gốm, xương sừng… Nền văn hóa này có niên đại mở đầu vào khoảng thế kỷ XV- XIV trước công nguyên và chấm dứt thế kỷ X-IX trước công nguyên.

Dấu tích Lò – Văn hóa Đồng Đậu

Ở Phú Thọ có một số địa điểm thuộc nền văn hóa này. Đó là: Xóm Rền, Nội Gan- Kinh Kệ, Đồng Đậu con – Tứ Xã- Lâm Thao…Đây là nền văn hóa quan trọng tương ứng với thời đại tiền Hùng Vương ở Việt Nam. Việc phát hiện các di chỉ thuộc nền văn hóa này một lần nữa khẳng định Phú Thọ là một trong những cái nôi của nền văn minh trong lịch sử: văn minh Việt cổ.

Đồ gốm trong văn hóa Đồng Đậu:

Người Đồng Đậu tiếp thu những kỹ thuật, thành tựu của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá và làm gốm thành những sản phẩm bình, bát, nồi vò…nhưng khác biệt là ở chỗ người Đồng Đậu cải tiến trong loại hình đồ gốm miệng loe, bẻ xiên, vát mỏng hay trang trí hoa văn sóng nước bằng dụng cụ nhiều răng được gọi là “bút kẻ khuôn nhạc” trở thành đặc trưng không thể thiếu của văn hóa Đồng Đậu. Hoa văn trên gốm Đồng Đậu chủ yếu trang trí ở cổ hay ở vành mép miệng của đồ gốm.

Miệng bình gốm – văn hóa Đồng Đậu

Một đặc trưng khác của gốm Đồng Đậu khác so với gốm Phùng Nguyên và gốm Gò Mun là gốm Đồng Đậu thường có dấu in đan lóng mốt trong một số loại đồ đựng thuộc loại đáy bằng. Về chất liệu gốm, nếu như gốm Phùng Nguyên có màu đỏ, màu hồng nhạt thì gốm Đồng Đậu có màu xám và có độ nung cao hơn nhưng về cơ bản vẫn mang yếu tố truyền thống là đất sét pha cát và bã thực vật. Trong các di chỉ Đồng Đậu xuất hiện rất phổ biến tượng đất nung: tượng bò, tượng gà, tượng rùa…

Đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu:

Về đồ đá họ cũng biết làm rìu đá, đục đá, mũi lao xương, khuyên tai có mấu, vòng tay bằng đá ngọc nhưng đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu không chau chuốt bằng đá Phùng Nguyên và ở Đồng Đầu đồ đá xuất hiện mũi tên ba cạnh, mặt cắt tam giác hay hạt chuỗi hình “gối quạ”. Qua những lần khai quật tại các di chỉ, các nhà khảo cổ học nhận định rằng công cụ sản xuất đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu có chiều hướng giảm đi và được thay thế bằng đồ đồng.

Truyền thống cư dân vùng Phú Thọ trồng lúa nước có từ thời kỳ Phùng Nguyên thì đến Đồng Đậu một lần nữa lại khẳng định điều này. Nhiều thóc gạo đã được tìm thấy trong nhiều di chỉ và đặc biệt trong di chỉ Đồng Đậu đã tìm thấy dấu vết hạt gạo cháy.

Đồ đồng trong văn hóa Đồng Đậu:

Trong văn hóa Phùng Nguyên khai quật các di chỉ cho thấy xuất hiện nhiều những cục sỉ đồng nhỏ như hạt ngô ở Gò Bông và một số mảnh đồng nhỏ chưa định hình tại Đoan Thượng- …thì đến Đồng Đậu công cụ bằng đồng đạt đến trình độ cao. Một bước phát triển đột biến như là một cuộc cách mạng về luyện kim. Trong nhiều di chỉ phát hiện nồi nấu luyện đồng, lò nung, khuôn đúc các loại đơn hoặc kép. Hàng trăm mảnh khuôn, mảnh nồi nấu đồng, dấu vết của lò nung, nhiều tiêu bản được xem như lõi của khuôn đúc, cùng với các loại công cụ như: rìu xòe cân, giáo, lao, đao, mũi tên hai ngạnh, đũa, búa, lưỡi câu được chế tác hoàn chỉnh.

Đồ đồng – văn hóa Đồng Đậu

Qua 6 lần khai quật tại các di chỉ của Đồng Đậu đã tìm được rất nhiều loại lưỡi câu đồng, điều đó cho thấy cư dân Đồng Đậu là những người đánh cá rất giỏi vì bộ lưỡi câu đồng tìm được với các kỹ thuật phức tạp: từ đúc tạo que, đến gia công rèn nguội, chặt ngạnh, chặt mũi uốn lỗ xỏ dây đã tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh như chiếc lưỡi câu ngày nay. Tại một số di chỉ khác của Đồng Đậu tìm được rất nhiều xương răng của các loài cá như: cá quả, cá chép, cá trắm, cá chiên, cá chuối đã chứng tỏ ưu thế về phương thức khai thác thủy sản trong đó có nghề câu cá ở thời kỳ này.

Nông nghiệp Đồng Đậu:

Với một nền nông nghiệp phát triển, kế thừa thành tựu chế tác đá gốm của người Phùng Nguyên cùng với đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồng đã đánh dấu một bước phát triển của xã hội cư dân Đồng Đậu. Với việc khai thác các di chỉ mộ táng cho ta hiểu biết hơn về tổ chức xã hội cũng như thế giới tinh thần của cư dân Đồng Đậu như khai quật được một mộ táng đơn hay 1 mộ song táng (2 cá thể) dùng đất sét làm nền quan tài.

Dấu tích bếp nấu ăn – Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu được GS Hà Văn Tấn khẳng định:

“Đó là văn hóa của những người luyện kim, chế tác kim loại điêu luyện và lành nghề. Đó là văn hóa của những người thợ gốm tài hoa, tạo tác những khối lượng động vật độc đáo, chế tác được những đồ gốm kích thước lớn, trang trí hoa văn đẹp mang phong cách riêng của thời đại mình đang sống. Và đó cũng là văn hóa của những người biết phát huy, kế thừa những thành quả của cha ông thời Phùng Nguyên để bồi đắp, tạo lập một thế hệ mới phát triển cao hơn, biết chọn điểm nhấn quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của cộng đồng là luyện kim và đúc đồng bên cạnh nghề chế tác đá truyền thống….”

Hiện nay tại Bảo tàng Hùng Vương đang trưng bày giới thiệu một số bộ sưu tập hiện vật Đồng Đậu. Cùng với các vấn đề đã được làm sáng tỏ của văn hóa Đồng Đậu, còn rất nhiều câu hỏi mở như: Dấu vết cư trú của cư dân Đồng Đậu, vấn đề cư trú, vấn đề phân chia giai đoạn của nền văn hóa này…đang chờ các bạn tìm hiểu và giải đáp trong tương lai.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/nghien-cuu-suu-tam/400-van-hoa-dong-dau

Đề tài khoa học: Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu

Hoa văn gốm là nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu (3500 – 2900 năm cách nay). Khi nghiên cứu về ý nghĩa hoa văn gốm cổ, tác giả Hán Văn Khẩn cho rằng “Hoa văn gốm là một đặc trưng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất để xác định một nền văn hoá khảo cổ” [1] .
Tên đề tài: Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu
Chủ trì: ThS. Bùi Hữu Tiến
Cơ quan công tác: Bảo tàng Nhân học, ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu ngày 18 tháng 4 năm 2011.

Tóm tắt đề tài
Hoa văn gốm là nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu (3500 – 2900 năm cách nay). Khi nghiên cứu về ý nghĩa hoa văn gốm cổ, tác giả Hán Văn Khẩn cho rằng “Hoa văn gốm là một đặc trưng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất để xác định một nền văn hoá khảo cổ” [1].
Có thể nói, trong gần 50 năm nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu, việc nghiên cứu đồ gốm nói chung và hoa văn gốm nói riêng ngày càng được chú trọng, quan tâm và đã đạt được một số thành tựu. Ở khía cạnh nghiên cứu hoa văn, các nhà khoa học đã bước đầu làm rõ một số nét đặc trưng về mặt loại hình, kỹ thuật. Có thể nói, những thành tựu này đã góp phần quan trọng để xác định sự tồn tại của văn hóa Đồng Đậu cũng như góp phần làm rõ đặc trưng của văn hóa này. Nhìn chung, việc nghiên cứu về hoa văn gốm Đồng Đậu còn tản mạn, chưa mang tính tổng hợp, toàn diện, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu như việc phân loại hoa văn, sự biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn, các nét đặc trưng của hoa văn, giá trị của hoa văn gốm.

1. Nội dung nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính:
– Nghiên cứu về mặt loại hình, kỹ thuật, đặc trưng của hoa văn
– Nghiên cứu giá trị của hoa văn
Những nội dung này đã được tác gải trình bày trong chương 1 và 2 của đề tài.

2. Phương pháp nghiên cứu và hướng tiếp cận

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống: thống kê, mô tả, loại hình học, nghiên cứu so sánh đồng đại, lịch đại. Đề tài thử tiếp cận vấn đề từ hướng nghiên cứu mới như nghiên cứu biểu tượng.

3. Kết quả nghiên cứu của đề tài
Thứ nhất: Tập hợp nguồn tư liệu, nghiên cứu về hoa văn Đồng Đậu, từ đó giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu hoa văn Đồng Đậu trong gần 50 năm qua.
Thư hai: Phân loại chi tiết các loại hoa văn. Hoa văn trong văn hóa Đồng Đậu có nhiều loại như văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên, văn khuông nhạc, văn khắc vạch kiểu Gò Mun, văn in ô vuông, văn in hình chấm tròn cuống dạ, văn in dấu đan, văn in nan chiếu. Đối với những loại hoa văn chính, tiêu biểu, tác giả đã đi sâu vào phân định các phụ kiểu để thấy được tính đa dạng và đặc điểm của từng loại. Chặng hạn như văn khuông nhạc đã xác định được trên 20 phụ kiểu khác nhau. Trong mỗi phụ kiểu có thể có nhiều đồ án.
Thứ ba: Phân tích làm rõ những biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu, đặc biệt là loại văn khắc vạch và văn in chấm. Đây là những kỹ thuật trang trí đã có nguồn gốc từ văn hoá Phùng Nguyên nhưng đến giai đoạn Đồng Đậu đã có những cải biến. Chính sự thay đổi về mặt kỹ thuật này đã góp phần hình thành lên một phong cách hoa văn mới. Người Việt cổ đã sử dụng những kỹ thuật này để thể hiện những mô típ hoa văn truyền thống của mình.
Thứ tư: Xác định những nét đặc trưng của hoa văn Đồng Đậu.
+ Về mặt loại hình: Trong các loại hoa văn thì văn khuông nhạc, văn in hình hạt, văn đan là 3 loại hoa văn đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu. Trong các kiểu văn khuông nhạc Đồng Đậu thì văn chữ S, đường tròn xoăn, văn sóng nước là các kiểu đặc trưng nhất. Nhìn chung, trong trang trí hoa văn, người Đồng Đậu thích dụng các đường cong, có độ mở, không sử dụng các đường góc cạnh như gốm Phùng Nguyên hay gốm Gò Mun. Các đồ án hoa văn mang tính đơn giản, phóng khoáng, ít cầu kỳ. Các đồ án hoa văn mang tính đối xương cũng ít hơn so với giai đoạn Phùng Nguyên. Các họa tiết đệm cũng có nhiều biến đổi theo hướng đơn giản, thường là các đường khắc vạch ngắn, hay các đường tròn xoắn. Chính những khác biệt ở trên tạo lên nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu.


+ Về kỹ thuật trang trí: Để tạo ra các loại văn trang trí, người Đồng Đậu chủ yếu sử dụng kỹ thuật khắc vạch, in ấn. Trong đó, kỹ thuật vạch và in ấn bằng que nhiều răng là kỹ thuật đặc trưng của người Đồng Đậu. Họ sử dụng những que có nhiều đầu nhọn hoặc tù để tạo ra các loại văn khuông nhạc, văn in hình hạt. Đây là điểm khác biệt cơ bản của kỹ thuật tạo hoa văn gốm Đồng Đậu so với kỹ thuật tạo hoa văn gốm Phùng Nguyên và Gò Mun. Trong văn hóa Phùng Nguyên hoặc Gò Mun sau này, các đồ án hoa văn điển hình chủ yếu được tạo ra bằng cách sử dụng bút khắc vạch có một hoặc hai đầu nhọn.
+ Về các sắp xếp và trang trí trang trí: Hoa văn trang trí được kết hợp hài hòa với kiểu dáng đồ gốm. Đồ gốm Đồng Đậu thường có bụng nở, thấp, miệng loe cong, bản miệng rông, chân đế thấp hoặc đáy bằng. Vì vậy, hoa văn trang trí chủ yếu được bố trí ở vai, cổ, thành miệng và mặt trong miệng gốm, ít trang trí ở phần chân đế. Việc trang trí hoa văn bên trong miệng gốm là một nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu. Trong văn hóa Phùng Nguyên trước đó, hoa văn chủ yếu tập trung ở phần thân và cổ đồ gốm .
Trong văn hóa Đồng Đậu, đồ gốm có đáy bằng khá phổ biến. Do kỹ thuật làm gốm, ở mặt ngoài đáy của những đồ gốm có đáy bằng thường có dấu văn đan. Mặc dù, loại văn này đơn thuần mang tính kỹ thuật, không mang tính trang trí nhưng sự nở rộ của chúng đã góp phàn hình thành lên đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu.
Hoa văn gốm Đồng Đậu thường được trang trí theo băng dải nằm ngang quanh miệng, cổ hoặc thân gốm.
Trong phong cách trang trí hoa văn, người thợ gốm Đồng Đậu không sử dụng đơn điệu một kiểu loại hoặc một nhóm hoa văn nào. Họ thường dùng nhiều kiểu phối hợp làm tăng thêm sự phong phú của dạng hình hoa văn. Trong sự phối hợp, họ đã chủ ý xác định văn chủ đạo và văn phụ trợ, văn làm nền, nên đã tôn được cài gì là chủ đạo trong sự phối hợp nhiều kiểu dáng văn khác nhau.
Các mô típ hoa văn gốm Đồng Đậu được bài trí theo các quy luật đối xứng như đối xứng gương, đối xứng trục, đối xứng tịnh tiến. Những kiểu đối xứng này đã được sử dụng phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Trong khi người Phùng Nguyên thích dụng các loại đối xứng gương và đối xứng trục thì người Đồng Đậu sử dụng phổ biến kiểu đối xứng tịnh tiến.
+ Hoa văn gốm trong mối tương quan với chất liệu gốm
Những hoa văn mang tính mỹ thuật như văn khắc vạch, văn khuông nhạc, văn in ô vuông, chủ yếu trang trí trên gốm chắc, rất hiếm khi trang trí trên gốm xốp.
+ Hoa văn gốm trong mối quan hệ với chức năng, loại hình đồ gốm
Xét về mặt loại hình hiện vật, có thể thấy các loại hình thường được trang trí hoa văn gồm bình, nồi, bát, âu, chạc gốm, dọi xe chỉ, trong đó bình gốm là loại hình được trang trí hoa văn nhiều nhất. Các đồ án hoa văn cầu kỳ, phức tạp thường được người thợ thủ công dành để trang trí trên loại hình hiện vật này.
+ Diễn biến của hoa văn gốm trong quá trình phát triển của văn hóa Đồng Đậu
Các loại hình hoa văn gốm có xu hướng biến đổi khác nhau theo thời gian (ở phương diện loại hình, số lượng – mức độ phổ biến). Có loại xu hướng ngày càng tăng, loại hình ngày càng đa dạng hơn như văn khuông nhạc. Có loại có xu hướng biến đổi ngược lại, tiêu biểu là văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên.
Xu hướng biến đổi của hoa văn gốm phản ánh sự thay đổi về quan điểm thẩm mỹ của con người. Chính sự biến đổi này tạo thành đặc điểm của từng giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu, và cũng nhờ đó chúng ta có thể nhận ra và phân chia các giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu dễ dàng hơn và chính xác hơn.
Thứ năm: Đi sâu nghiên cứu làm rõ giá trị của hoa văn gốm Đồng Đậu.
+ Hoa văn thể hiện đặc trưng văn hóa của cư dân Đồng Đậu
Hoa văn gốm của văn hóa Đồng Đậu có đặc điểm riêng. Sự đồng nhất của hoa văn trang trí ở mấy chục các địa điểm khảo cổ học khác nhau thuộc văn hoá Đồng Đậu không phải là một sự trùng lặp ngẫu nhiên, sự đồng quy văn hoá mà thể hiện sự thống nhất cao về văn hoá giữa các thị tộc, bộ lạc trong cộng đồng dân tộc chung. Nó phản ánh mối quan hệ thuân thuộc giữa các thị tộc, bộ lạc. Như vậy, hoa văn gốm đã góp phần để hình thành lên đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu, giúp chúng ta phân biệt văn hóa Đồng Đậu với những văn hóa trước và sau nó trong truyền thống văn hoá Tiền Đông Sơn cũng như các văn hoá đồng đại ở khu vực.
+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh các hoạt động kinh tế và đời sống tinh thần phong phú của cư dân Đồng Đậu
Khía cạnh kinh tế: Hoa văn thể hiện sự phát triển của nghề làm gốm, nghề đan lát.


Khía cạnh tinh thần: hoa văn phản ánh khiếu thẩm mỹ phong phú của người Đồng Đậu. Một số loại hoa văn của văn hóa Đồng Đậu có thể là biểu tượng của mặt trời như văn chữ S, đường tròn xoắn, đường tròn đồng tâm. Thờ mặt trời là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp ở Đông Nam Á.


+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh môi trường sống của người Đồng Đậu
Trong các mô típ hoa văn trang trí trên gốm Đồng Đậu thì văn sóng nước rất phổ biến. Văn sóng nước phản ánh môi trường sông nước và ước vọng cầu nước của những cư dân trồng lúa nước.
+ Hoa văn gốm là một trong những cở sở quan trọng để phân chia các giai đoạn phát triển của văn hóa Đồng Đậu.
Trên cơ sở nghiên cứu diễn biến hoa văn gốm ở di tích Thành Dền và Đồng Đậu, kết hợp với các tài liệu địa tầng, chúng tôi nhất trí với quan điểm cho rằng văn hóa Đồng Đậu có 3 giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn Phùng Nguyên muộn – Đồng Đậu sớm; giai đoạn Đồng Đậu điển hình; giai đoạn Đồng Đậu muộn – Gò Mun sớm.
+ Hoa văn phản ánh mối quan hệ văn hóa.
Nghệ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu là kết quả của quá trình “hỗn dung” văn hoá. Nó được hình thành trên cơ sở kế thừa các yếu tố văn hoá Phùng Nguyên, hội nhập, tiếp thu các yếu tố của nhóm Mả Đống – Gò Con Lợn. Tất cả những yếu tố văn hoá cả cũ và mới khi được kế thừa, hội nhập không phải được bê nguyên si, các đồ án hoa văn được sao chép thuần tuý mà đều được tinh lọc và biến đổi để phù hợp với quan điểm thẩm mỹ mới. Để hình thành nền nghệ thuật Đồng Đậu, thì yếu tố Phùng Nguyên là nền tảng, nòng cốt quan trọng, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp rất to lớn của yếu tố Mả Đống – Gò Con Lợn.
+ Những đóng góp của nghệ thuật trang trí hoa văn giai đoạn Đồng Đậu vào sự phát triển của nghệ thuật trang trí thời Tiền Đông Sơn và Đông Sơn.
Người Đồng Đậu đã kế thừa, bảo lưu những mẫu, mô típ hoa văn truyền thống (như chữ S, đường tròn xoắn, văn khắc vạch cắt nhau, sóng nước,..), phát triển khiếu thẩm mỹ và tri thức về nhịp điệu (các kiểu đối xứng). Mặt khác không ngừng sáng tạo ra những mẫu, mô típ hoa văn và những cách thức, thủ pháp trang trí mới. Trong trang trí, chú trọng trang trí bên trong miệng gốm. Lối trang trí này sau này tiếp tục được người Gò Mun kế thừa và phát triển.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí thời Đồng Đậu đã có những đóng góp rất lớn trong việc hình thành lên một nền nghệ thuật Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng vừa mang tính thống nhất, vừa mang tính đa dạng.
Hoa văn gốm Đồng Đậu là sản phẩm kết tinh trong quá trình lao động sản xuất của người Việt cổ. Đó chính là nơi phản ánh cuộc sống chân thực và sống động nhất. Vì vậy, đó là kho báu vô giá đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về cuộc sống con người thời xưa.

Nguồn tin: Bảo tàng Nhân học

[1]Hán Văn Khẩn 1983, Xung quanh vấn đề ý nghĩa hoa văn gốm cổ, KCH, số 2, tr: 33.