Tag Archive | Văn hóa Bắc Sơn

Về những chiếc “Dấu Bắc Sơn”: Chức năng và niên đại

“Dấu Bắc Sơn” là tên gọi của một loại bàn mài được phát hiện đầu tiên trong các di tích hang động thuộc thời đại đồ đá ở dải núi đá vôi thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi này do hai nhà khảo cổ học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani xác định khi họ nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn – một văn hóa khảo cổ có niên đại cách ngày nay ước chừng 11.000 – 7.000 năm. Tên gọi “Văn hóa Bắc Sơn” và “Dấu Bắc Sơn” là do họ xác lập.

Về niên đại, Văn hóa Bắc Sơn có thời gian cuối của nó ở vào sơ kỳ thời đại đồ đá mới khoảng 7.000 năm với sự xuất hiện của công cụ cuội mài lưỡi là có thể tin được, song với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” cho đến nay vẫn là một tồn nghi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Tuy nhiên, giới khảo cổ học vẫn coi “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào văn hóa Bắc Sơn. Vậy có đích thực là những chiếc “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí xác định những di chỉ khảo cổ chứa đựng chúng thuộc thời đại đồ đá?

Trong cuộc khai quật hang Ngườm Vài (Thông Nông, Cao Bằng), một di chỉ được xếp vào Văn hóa Bắc Sơn, cũng tìm thấy loại di vật này tuy số lượng so với tổng số di vật đá không nhiều (53/2.040). Cùng với “Dấu Bắc Sơn”, tại đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm vỡ thuộc thời kim khí, mảnh vỡ của công cụ đá mài, chì lưới đánh cá (chế tạo bằng cách khoan – mài), đá có vết và nhiều viên cuội nhỏ có vết mài.

Quan sát “Dấu Bắc Sơn”, ta sẽ thấy chúng là một loại bàn mài dùng vào việc chế tác hay làm sắc rìa lưỡi của một loại công cụ khác có độ cứng cao hơn chúng. Về chất liệu, các “Dấu Bắc Sơn” thường là những viên cuội mỏng dẹt, dài chủ yếu là cuội sét kết hay cát kết mịn có độ cứng không cao lắm, tuy nhiên cũng có những chiếc làm bằng cuội silic hoặc bán quartz có độ cứng cao. Vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” có hình cong khum, một số ít có hình chữ V ngược. Điều đó cho biết loại công cụ được mài có rìa lưỡi vũm với kích thước nhỏ bởi các vết mài chỉ rộng từ 0,5cm đến xấp xỉ 1,0cm, thông thường chỉ trong khoảng 0,5 – 0,7cm. Vết mài trên di vật này thẳng, nhẵn bóng, rìa cạnh của vết mài (kể cả ở hai đầu) sắc gọn. Chất liệu và dấu vết kỹ thuật trên di vật cho hay chúng là những chiếc bàn mài đánh bóng hay “lấy lưỡi” của vật được mài, tức là chúng chỉ dùng vào việc làm tăng độ sắc bén của rìa lưỡi công cụ mà thôi và loại công cụ được mài có độ cứng cao hơn những chiếc “Dấu Bắc Sơn” rất nhiều.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có loại di vật nào tìm thấy trong các hang động thuộc Văn hóa Bắc Sơn có rìa lưỡi vũm tương đương với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” đã được phát hiện. Một số người cho những chiếc bàn mài này dùng để mài công cụ xương bởi chỉ có công cụ làm bằng xương mới có hình cong khum mà thôi. Song loại xương có thể sử dụng làm công cụ lại thường là xương ống của động vật lớn như trâu, bò hay hươu, nai nên vết mài vũm nếu có cũng lớn hơn vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” nhiều lần (chỉ có xương ống chân chim hoặc gà mới có kích thước gần tương đương với vết mài của “Dấu Bắc Sơn”). Nên, theo chúng tôi, ý kiến trên khó mà đứng vững được.

Từ dấu vết kỹ thuật còn lưu lại trên các “Dấu Bắc Sơn”, chúng tôi cho rằng chúng được dùng để mài công cụ kim loại. Bởi chỉ có kim loại mới có thể để lại vết mài sắc gọn, nhẵn bóng trên loại di vật này được mà thôi. Và, những chiếc “Dấu Bắc Sơn” ở Ngườm Vài cũng như trong các di chỉ chứa chúng khác không phải là loại công cụ gia công của thời đại đồ đá mà là sản phẩm của thời kim khí. Do vậy, “Dấu Bắc Sơn”, cuội nhỏ có vết mài là những tiêu chí có thể sử dụng để xếp những di tích khảo cổ chứa chúng vào thời kim khí.

(Tác giả: Đào Quý Cảnh)

Nguồn: http://khaocohoc.gov.vn/ve-nhung-chiec-dau-bac-son-chuc-nang-va-nien-dai

 

Văn hóa Bắc Sơn

Văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đá mới của người nguyên thủy nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình.

Image

Văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đá mới của người nguyên thủy nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình. Các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện trong các núi đá vôi Bắc Sơn (thuộc tỉnh Lạng Sơn) và tỉnh Bắc Cạn. Các di tích này cũng tìm thấy trong vùng phân bố của văn hóa Hòa Bình như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,…

Cư dân Bắc Sơn mặc dù đã biết đến nông nghiệp nhưng nguồn sống chính vẫn là nhờ săn bắt và hái lượm. Một thành tựu kỹ thuật mới của cư dân Bắc Sơn là đã biết chế tác đồ gốm. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy tròn. Độ nung của gốm chưa cao. Mặc dù văn hóa Bắc Sơn đã đạt đến trình độ cao hơn văn hóa Hòa Bình, đã là một văn hóa mới có gốm sơ kỳ, nhưng cấu trúc xã hội của cư dân Bắc Sơn vẫn nằm trong khuôn khổ công xã thị tộc mẫu hệ.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&Itemid=33&id=594

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.