Những di cốt đầu tiên của con người được tìm thấy từ năm 1955 trong các hang ở Ninh Bình và Lạng Sơn là những chiếc răng và xương sọ được cho là của người tối cổ Archanthropien gần với người vượn Trung Quốc ở Lam Điền (khoảng 600.000 năm trước công nguyên). Người ta cũng tìm thấy ở Ninh Bình một số đá cuội được gia công, đó là những công cụ thô sơ để chặt của người tối cổ, được ghè đẽo một mặt và các dụng cụ để cắt chặt được ghè đẽo ở cả hai mặt, thuộc loại Abbeville (điểm khảo cổ ở Pháp) và Claton (điểm khảo cổ học ở Anh). Loại công cụ này có thể gắn với loại Anyathi của Miến Điện, với loại Soani của Ấn Độ. Continue reading
Tag Archive | thời kỳ tiền sử
Hang Thẩm Khuyên (Lạng Sơn) – Di chỉ thời đại đồ đá cũ
- Tên di tích: Hang Thẩm Khuyên
- Loại công trình: Hang động – cổ sinh
- Loại di tích: Di chỉ khảo cổ
- Quyết định: Đã xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 2015 QĐ/BT ngày 16 tháng 12 năm 1993 của Bộ văn hóa – Thông tin.
- Địa chỉ di tích: Thôn Còn Nưa – xã Tân Văn – huyện Bình Gia – tỉnh Lạng Sơn
- Tóm lược thông tin về di tích:
Khu di tích Thẩm Khuyên là một di tích khảo cổ học cổ sinh dạng hang động, nơi phát hiện những dấu tích của người và động vật cổ ở nước ta. Di tích hang Thẩm Khuyên nằm trên dãy núi đá vôi tên địa phương là dãy Phia gà thuộc dãy núi đá vôi Điềm He – Bình Gia, cách thị trấn Bình Gia 7km, cách thành phố Lạng Sơn 68 km về hướng Đông nam, cửa hang hướng ra quốc lộ 1B về hướng Đông bắc. Chạy song song với dãy núi này là dãy núi đất cây cối mọc không rậm rạp lắm; khoảng cách giữa hai dãy núi khoảng 700m tạo nên một thung lũng và nhân dân địa phương đã khai phá làm những thửa ruộng bậc thang để trồng trọt. Quốc lộ 1B chạy xuyên qua thung lũng này và cách di tích chừng 100m. Du khách có thể đến với di tích bằng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp là thuận tiện nhất.
Cửa di tích cao hơn mặt thung lũng khoảng 21m, toàn bộ hang dài 30m; hang chia làm 2 phần rõ rệt có vách ngăn đôi; mặt nền giữa hai hang cao thấp khác nhau. Hang trên có cửa hang dài 9m, rộng 4m, cao 5m, hang dưới mặt cửa dài 20m, rộng 30m, cao 10m. Phần hang dưới có nhiều ngách ăn sâu vào trong lòng núi. Di tích này là nơi đã phát hiện ra những lớp trầm tích; những tầng văn hóa trong những giai đoạn khác nhau, phát hiện ra những mẫu hóa thạch tồn đọng của một số loại động vật và người nguyên thủy.
Năm 1964, cuộc điều tra hỗn hợp giữa cán bộ Viện khảo cổ Việt Nam và tiến sĩ HD Kahle Viện cổ sinh CHDC Đức (cũ) đã khai quật thám sát di tích này. Tháng 5 năm 1965 Tổ cổ sinh đệ tứ kì Viện khảo cổ học Việt Nam đã khai quật di tích. Tháng 12 năm 1965 cuộc khai quật kết thúc, kết quả đã thu được một số mẫu hóa thạch xương động vật trong lớp trầm tích đá nhạt và vàng nhạt nằm xen kẽ nhau, các hóa thạch thu được là những chiếc răng rời phần lớn chân răng đã bị hủy hoại do các loài gặm nhấm, vài chục chiếc răng hóa thạch của đười ươi voi răng kiếm, hàng trăm răng khỉ đuôi dài, 9 chiếc răng người vượn, 1 chiếc răng vượn khổng lồ. Hầu hết răng hóa thạch của người ở đây đều mang tính chất đặc tính nguyên thủy. Tháng 5 năm 1993 đoàn nghiên cứu cổ sinh hỗn hợp Mỹ – Úc đã tiến hành thám sát nghiên cứu và thu lượm một số mẫu trầm tích và hóa thạch mang về nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu có thể khẳng định di tích Thẩm Khuyên này đã có niên đại cách ngày nay vào khoảng 250.000 năm thuộc thời kỳ trung kỳ Cảnh Tân. Hiện nay tất cả các hiện vật hóa thạch này đang được lưu giữ và bảo quản tại kho và phòng lưu trữ Viện khảo cổ học Việt Nam tại Hà Nội, gồm: Răng đười ươi, bộ ăn thịt (họ mèo, họ gấu…), bộ có vòi (họ voi cổ, họ voi), bộ guốc lẻ (họ tê giác, họ lợn có vòi), bộ guốc chẵn (họ lợn, họ hươu),…
Phát hiện ra di tích cổ sinh Thẩm Khuyên là một bước tiến hết sức quan trọng và mang một giá trị lịch sử to lớn có ý nghĩa về mặt khoa học. Di tích này đã giúp các nhà nghiên cứu khoa học có được những lượng thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu xác định niên đại của lớp vỏ trái đất, sự phát sinh, phát triển cũng như sự diệt vong của các loài động vật qua từng thời kỳ địa chất khác nhau, góp phần cống hiến to lớn cho nghiên cứu cổ sinh, nhân chủng học. Về chính trị, di tích còn là niềm tự hào dân tộc và nâng cao địa vị Việt Nam trên chính trường quốc tế, vì hàng mấy chục vạn năm nay đã có con người cư trú trên đất nước Việt Nam này. Ngoài những ý nghĩa trên, di tích còn có giá trị lịch sử, giá trị tinh thần với người dân địa phương. Thẩm Khuyên là nơi từ bao đời nay có những sự tích, truyền thuyết tồn tại trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người già vẫn kể rằng: ngày xưa, khi giặc Phương Bắc sang xâm lược nước ta, khi chúng đến vùng đất Bản Hấu, dân làng đã rủ nhau vào trong hang Thẩm Khuyên trốn giặc. Giặc đã trèo lên đỉnh núi chặt cây xuống lấp miệng hang để khô rồi đốt cháy dân làng trong đó. Hầu hết dân làng đã bị chết thiêu, đa số là người già và trẻ em, trừ một số người tìm được ngách hang thông lên trên thì mới thoát nạn. Các cụ còn kể lại rằng, ngày trước khi đi vào hang tìm phân dơi còn thấy những lớp vỏ trấu cháy khô do thóc gạo dân làng đem vào hang tránh giặc bị đốt cháy. Hang Thẩm Khuyên đã trở thành một nơi linh thiêng đối với dân làng vì biết bao người con của làng đã chết ở đó. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hang là nơi trú ẩn, nơi che chở cho những người dân chạy nạn; hang còn là trường học của cả một thế hệ lớn lên trong chiến tranh. Nhiều người đã học tập và trưởng thành từ những lớp học như thế. Khu di tích Thẩm Khuyên còn có giá trị danh thắng. Đến thăm di tích này, du khách như được trở về với một vùng rừng núi tự nhiên nguyên thủy, hoang dã, với những dãy núi đá vôi và rừng trùng điệp của vòng cung Bắc Sơn.
Đến với hang Thẩm Khuyên, chúng ta có quyền tự hào rằng, chính nơi đây vào khoảng nửa triệu năm trước đã có những loài vượn người sinh sống. Đó là những người vượn đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, là minh chứng lịch sử Lạng Sơn là một trong những chiếc nôi sinh ra loài người. Tháng 12 – 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định cấp bằng công nhận di tích hang Thẩm Khuyên là di tích khảo cổ học loại đặc biệt quan trọng. Bất kì người con nào của địa phương cũng có thể cất vang lời hát “Tự hào Bình Gia”: “Bình Gia đây cội nguồn Tổ quốc ta, hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai còn đây, vết chân người xưa còn in…”.
Nguồn: http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/HANG-THAM-KHUYEN-a631.html