Tag Archive | sưu tập

Sưu tập công cụ cuội văn hoá Sơn Vi

Văn hóa Sơn Vi là di chỉ văn hóa được lấy tên theo địa phận xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là nơi đã phát hiện đầu tiên các công cụ cuội ghè, đẽo. Tập trung chủ yếu tại các di chỉ: Sơn Vi, Vườn Sậu, Sóc Lọi, Làng Nghìa, Núi Thắm, Phân Đậu, Phân Muồi, Núi Nỏn,…

Cho đến nay các nhà khảo cổ học đã phát hiện 105 địa điểm của địa bàn tỉnh Phú Thọ, trên 230 địa điểm Sơn Vi trong cả nước. Nhiều nhất là ở tỉnh Phú Thọ 105 địa điểm, Yên Bái 39 địa điểm, Sơn La 22 địa điểm, Lai Châu 18 địa điểm, Bắc Giang 13, Lâm Đồng 2, Quảng Trị 1,… Qua các hiện vật thu được trên địa bàn cả nước cũng như trong tỉnh Phú Thọ các nhà nghiên cứu xác định rằng văn hóa Sơn Vi thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới. “Văn hóa Sơn Vi có niên đại mở đầu vào khoảng 23.000 năm chấm dứt vào khoảng 11.000 năm cách ngày nay” (Hà VănTấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình năng Chung, 1999);

 

Địa bàn phân bố Sơn Vi khá rộng, không chỉ ở phía Bắc mà còn ở Bắc Trung Bộ, phân bố không đồng đều trên hai loại hình cơ bản: Loại hình hang động – mái đá phân bố rải rác, đan xen ở vùng núi đá vôi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, ở những hang cao và đầu nguồn các con suối. Và loại hình đồi gò – thềm sông: Các địa điểm Sơn Vi tập trung thành 4 vùng hay 4 nhóm lớn: Trung lưu sông Hồng; thượng lưu sông Đà; thượng lưu sông Lục Nam và thượng lưu sông Cả.

Từ trước đến nay các nhà khoa học đã chứng minh một trong những nguồn hợp hình thành văn hóa thời Hùng Vương là các văn hóa tiền Đông Sơn kế tiếp nhau ở lưu vực sông Hồng, với các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Việc phát hiện văn hóa Sơn Vi cho chúng ta biết được tổ tiên xa xăm hơn trên đất tổ Vua Hùng dựng nước.

Từ khi phát hiện ra nền văn hóa này vào năm 1968, các nhà khoa học có rất nhiều điều phải bàn như: Niên đại văn hóa Sơn Vi, địa bàn cư trú, sự có mặt của văn hóa Sơn Vi trong hệ thống di chỉ thuộc khu vực Đông Nam Á, vấn đề mảnh tước trong văn hóa Sơn Vi, dấu tích di cốt động vật,… Ở đây thông qua bộ sưu tập này Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu với người xem về loại hình công cụ, nguyên liệu, chất liệu, kỹ thuật chế tác, chức năng sử dụng các công cụ của cư dân Sơn Vi đó là một trong những cách thức trong việc xác định mối quan hệ về bước chuyển biến từ văn hóa Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) lên văn hóa Hòa Bình (Sơ kỳ đá mới).

Trong hơn một thế kỷ qua ngành khảo cổ học đã có những đóng góp không nhỏ trên địa bàn vùng đất tổ với những phát hiện khảo cổ: Văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 11 vạn năm), Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn (đến 2000 năm). Hiện nay trong kho hiện vật Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đang lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập quý giá là các văn hóa sơ sử kế tiếp nhau tương ứng với thời kỳ Hùng Vương ở lưu vực sông Hồng và có một bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc, đó chính là bộ sưu tập công cụ cuội của nền văn hóa Sơn Vi được trưng bày trong hai tủ với số lượng hơn 40 công cụ với đầy đủ các loại hình.

Các nhà khảo cổ khẳng định: “Đặc trưng nổi bật trong công cụ đá văn hóa Sơn Vi là việc sử dụng cuội sông, suối để chế tác công cụ. Đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ được người xưa tuyển chọn có hình dáng khá ổn định đối với từng loại hình và từng nhóm di vật cụ thể.” (Hà Văn Tấn – Nguyễn Khắc Sử – Trình Năng Chung 1999, 129). Về chất liệu các loại đá trong sưu tập Sơn Vi thường được xác định dựa vào màu sắc để đoán nhận. Theo các công trình đã công bố đều thống nhất chất liệu được người Sơn Vi sử dụng là đá Quartzite đôi khi có cả đá cát kết, basalte, porphyrite, phtanite, bộ sưu tập Sơn Vi trong Bảo tàng tỉnh Phú Thọ được xác định là đá Quartzite.

Về loại hình và kỹ thuật chế tác: Công cụ đặc trưng của loại hình văn hóa Sơn Vi được chia làm hai nhóm: công cụ cuội nguyên bao gồm chày, bàn nghiền, hòn ghè và nhóm công cụ cuội ghè đẽo. Trong các sưu tập Sơn Vi nhóm công cụ cuội nguyên rất ít, nhóm công cụ cuội ghè đẽo có số lượng nhiều và loại hình phong phú, sưu tập công cụ cuội trong Bảo tàng chủ yếu là nhóm công cụ cuội ghè đẽo bao gồm:

Những công cụ rìa lưỡi ngang: Kích thước trung bình chiều dài từ 9cm đến 12cm, chiều rộng từ 7cm đến 9cm, lưỡi hẹp, thân dài ghè ít lớp, góc lưỡi nhỏ. Với loại hình công cụ này cho thấy đã được cư dân Sơn Vi sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu, những loại công cụ này thường được ghè vài nhát, ghè một lớp theo hướng, có đốc cầm dài. Cũng vẫn loại hình công cụ rìa ngang nhưng thân cuội cực ngắn, ghè sát đến phần đầu hẹp viên cuội được gọi là núm cuội, khiến cho viên cuội có đốc cầm cực ngắn (10,5 x 6,5 cm).

Những công cụ rìa lưỡi dọc với lưỡi dài, thân ngắn, ghè ít hoặc nhiều lớp, góc lưỡi hẹp hoặc lớn, loại công cụ này được làm từ loại cuội bầu dục dẹt, mỏng. Kỹ thuật ghè tạo một lớp lưỡi ghè mỏng chạy dọc theo chiều dài của viên cuội. Kích thước chiều dài từ 11cm đến 13cm, chiều rộng từ 3cm đến 6cm.

Công cụ phần tư viên cuội được sử dụng kỹ thuật bổ cuội, chặt bẻ sau đó các loại công cụ này được sử dụng kỹ thuật ghè, đẽo tạo rìa tác dụng từ cuội bổ. Kỹ thuật chặt bẻ trong Sơn Vi tạo ra công cụ phần tư viên cuội (chiều dài từ 9cm đến 13cm, chiều rộng từ 5cm đến 8cm), còn trong văn hóa Hòa Bình tạo công cụ rìu ngắn. Sử dụng công cụ từ cuội bổ chính là tận dụng nguồn nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm và giảm thiểu quy trình ghè đẽo tạo rìa tác dụng.

Bộ công cụ rìa lưỡi xiên tại Bảo tàng có kích thước (chiều dài từ 7cm đến 15cm, chiều rộng từ 4,7cm đến 12cm) làm từ cuội dẹt, ghè một mặt, thường cuội mỏng ghè ít lớp, cuội dày ghè nhiều lớp. Loại công cụ này còn được gọi là công cụ lưỡi lệch.

Ngoài ra trong bộ sưu tập này còn có các loại công cụ hai rìa, ba rìa, công cụ mũi nhọn, công cụ đa rìa, một số mảnh tước, vẫn sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu. Trong loại hình công cụ đa rìa kỹ thuật ghè được sử dụng để ghè hết một mặt lớn của vỏ cuội tự nhiên, được ghè từ một lớp đến nhiều lớp khác nhau tạo thành rìa cạnh sắc.

Như vậy trong văn hóa Sơn Vi kỹ thuật ghè đẽo được sử dụng chủ yếu trên hòn cuội tự nhiên, kết hợp với bổ cuội để tạo phần tư viên cuội làm công cụ trong điều kiện tận dụng nguyên liệu tại chỗ và kỹ thuật chặt bẻ là một thủ pháp đặc thù trong kỹ thuật Sơn Vi. Chặt bẻ là khâu thứ hai tiếp theo sau khi đã tạo ra được công cụ có rìa lưỡi. Chặt đôi công cụ rìa dọc để tạo ra được công cụ phần tư cuội, chặt đốc công cụ rìa lưỡi hẹp để tạo ra những chopper đốc ngắn và phẳng. Cũng vẫn sử dụng các kỹ thuật ấy đến văn hóa hòa Bình đã có một bước phát triển hơn tạo thành rìu đá kết hợp với kỹ thuật mài.

Về công dụng: Các loại công cụ trên được cư dân Sơn Vi sử dụng hàng ngày như những loại dụng cụ chặt, cắt, đập, giã, nghiền trên các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như rau, cỏ, thịt thú rừng,… Từ những chứng tích về văn hóa Sơn Vi ta có thể hình dung đôi nét về cuộc sống của cư dân lúc đó: họ sống trên những hang cao, đầu nguồn các con suối và đồi gò thấp, ven sông, dựa vào kinh tế săn bắt hái lượm, chưa có kinh tế sản xuất nông nghiệp, chưa biết làm đồ gốm. Tại Phú Thọ văn hóa Sơn Vi tập trung chủ yếu tại vùng ngã ba sông, đồi gò của huyện Lâm Thao, ngoài ra còn có ở vùng đồi gò dọc bờ sông Thao và sông Lô thuộc các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông,…

Thông qua bộ sưu tập này chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc về một nền văn hóa xa xôi mà Phú Thọ vinh dự, tự hào mang tên nền văn hóa đó, văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ là một trong những trung tâm thời đại đá cũ của Việt Nam, lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới, giúp các nhà khoa học khẳng định một cách chắc chắn về nguồn gốc của con người thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương trên vùng đất cổ của Tổ quốc.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/hien-vat-dac-sac/396-suu-t-p-cong-c-cu-i-van-hoa-son-vi

Núi Đọ – Di chỉ Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ

Núi Đọ thuộc địa phận 2 xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa), ngay bên bờ hữu ngạn nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu, cách bờ biển Sầm Sơn 22km. Núi Đọ nằm trong vùng đồng bằng do bồi tích của sông Chu và sông Mã tạo nên, cách thành phố Thanh Hóa 7km về phía Bắc – Tây Bắc.

Đá ở núi Đọ có tinh thể rất kết thực, hạt rất mịn, màu xanh xám, khá cứng, rất khó ghè vỡ, nhưng khi ghè vỡ lại tạo nên những cạnh rất sắc. Đây là một vật liệu rất tốt, phù hợp trong việc chế tác công cụ, khi mà con người chưa tìm ra những loại vật liệu khác có nhiều ưu điểm hơn.

Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski phát hiện, nghiên cứu và chứng minh rằng, nơi đây đã tồn tại một nền văn hoá sơ kỳ thời đại đá cũ. Người nguyên thuỷ đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm.

Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu như so sánh, thực nghiệm… các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng để tạo ra được mảnh tước, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá đẽo đá: phải có một vật có độ cứng tương đương, có trọng lượng tương đối nặng mới ghè được đá. Đá là vật liệu tốt nhất để người nguyên thuỷ ở núi Đọ vừa chế tác công cụ, vừa dùng nó để tạo ra những công cụ. Phương pháp ghè đá là phương pháp ghè trực tiếp: người nguyên thuỷ hoặc cầm hạch đá trên tay, hoặc đặt hạch đá xuống đất và cũng có thể họ đặt trên một hòn đá khác, còn tay kia cầm hòn ghè bằng đá trực tiếp bổ xuống theo hướng đã định sẵn, để tách ra những mảnh tước. Ở núi Đọ, mảnh tước chiếm đa số di vật mà người ta đã tìm thấy.

Công cụ đá núi Đọ

Hình dáng, kích thước của các mảnh tước ở núi Đọ cũng rất khác nhau: có mảnh rất lớn (chiều dài tới 14.7cm, rộng 17cm, dày 6.2cm), đồng thời lại có mảnh nhỏ nhắn hơn (dài 4cm, rộng 5cm, dày 1cm). Diện ghè của các mảnh tước cũng rất khác nhau: có diện ghè rất rộng (dài 16.5cm, rộng 4.5cm) nhưng cũng có diện ghè rất nhỏ (dài 3.2cm, rộng 0.5cm).

Sưu tập mảnh tước

Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng nó mang đầy đủ tính chất đặc trưng của mảnh tước Clắctôn điển hình. Đây là đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của con người thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Cũng căn cứ vào dấu vết kỹ thuật, dấu vết sử dụng để lại trên các mảnh tước, các nhà nghiên cứu cho biết rằng không phải tất cả những mảnh tước đều bị vứt bỏ, đều là phế liệu, mà có thể một số mảnh tước đã được người xưa sử dụng để cắt, nạo, hoặc chặt những cây mềm và nhỏ. Nhiều mảnh tước ở núi Đọ, vì vậy đã được sử dụng như một loại công cụ chân chính.

Bên cạnh mảnh tước là những hạch đá, tức là những hòn đá mà từ đó người ta ghè ra các mảnh tước. Những hạch đá này thường không có hình dáng nhất định, là những khối đá lớn, nặng nề, kích thước không giống nhau. Hạch đá không được sửa sang trước khi đem ghè đẽo ra mảnh tước – tức là không được định hình sẵn. Dấu vết của các nhát ghè để lại trên hạch đá cho thấy người núi Đọ khi ghè đá thường lấy mặt lõm của vết ghè trước làm diện ghè cho nhát ghè sau.

Ở núi Đọ, còn có khá nhiều công cụ được ghè đẽo qua loa, thường có một rìa lưỡi dày, mép uốn sóng, do những nhát ghè lớn chênh nhau ở hai mặt. Các nhà khảo cổ học gọi chúng là những công cụ chặt thô hay chopper. Đây là loại công cụ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số công cụ của người nguyên thuỷ ở núi Đọ. Tuy nhiên rìu tay mới là những công cụ đẹp nhất của họ. Hình dáng và kỹ thuật, về tư duy của người nguyên thuỷ núi Đọ. Các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng rìu tay là loại công cụ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Sen – A sơn (Chelléen – Acheuléen). Đó là loại công cụ duy nhất có hình dáng khá hoàn chỉnh và tương đối chính xác. Rìu tay ở núi Đọ khá hiếm. Đó là những công cụ có hình hạnh nhân, hình bầu dục. Một đầu rìu tay có hình gần mũi nhọn và đầu đối diện là đốc cầm. Đốc cầm thường to, dày, gần thành khối, cầm lọt lòng bàn tay. Rìu tay ở núi Đọ được ghè đẽo nhiều nhất trên cả hai mặt, có hình dạng cân xứng, có rìa lưỡi chạy xung quanh.

Rìu tay

Ngoài những loại hình công cụ trên, ở núi Đọ còn một loại công cụ nữa mà nhà khảo cổ học gọi là công cụ gần rìu. Đây là loại công cụ có hình dáng gần giống như những chiếc rìu tứ diện, nhưng có số lượng rất lớn và nhiều chiếc được ghè đẽo cả hai mặt. So với tất cả các loại công cụ khác ở núi Đọ, loại công cụ này không khác gì về kỹ thuật chế tác, về chất liệu, màu sắc mặt ngoài, độ phong hoá và cả kích thước.

Đa số công cụ gần hình rìu ở núi Đọ có dáng hình chữ nhật hoặc gần chữ nhật, mặt trên và mặt dưới thường song song với nhau. Một số công cụ này có rìa lưỡi ngang ở một đầu của hình chữ nhật, đồng thời hai cạnh dài của công cụ cũng được ghè đẽo cả hai mặt làm thành hai rìa tác dụng.

Nghiên cứu bộ di vật sưu tập được và hiện trạng của khu di tích, các nhà khảo cổ học nói với chúng ta rằng, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại núi Đọ để chế tác tất cả các loại công cụ tại chỗ; vì vậy các nhà khảo cổ học đã gọi di tích núi Đọ là một di chỉ – xưởng. Đây cũng là một điều thường thấy ở nhiều địa điểm khảo cổ khác thuộc sơ kỳ đá cũ trên thế giới.

Nguồn: http://baotang.thanhhoa.gov.vn

Đàm về thú chơi cổ vật

Thiết nghĩ để hình thành một sưu tập cổ vật người chơi thường trải qua 03 giai đoạn:

  1. Giai đoạn đầu: Hầu như ai cũng phải “trả học phí”, vì thấy cái gì có hơi hướng cổ vật là đều muốn đến xem để mua.
  2. Giai đoạn thứ hai: Do đam mê nhưng chưa có đủ kiến thức, chưa có tay nghề vững và kinh nghiệm trong cuộc chơi, dẫn đến thường thích mua các cổ vật có hình thức “hào nhoáng” mà chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí đặc trưng cũng như dấu tích văn hóa có giá trị của mỗi cổ vật. Đây là giai đoạn thường bị những người buôn bán cổ vật “chăm sóc, hướng đạo” nhiều nhất.
  3. Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian đam mê sưu tập cổ vật theo số lượng là quá trình tự lựa chọn rút gọn lại số lượng các cổ vật để lưu giữ, bởi vì lúc này “tay nghề” đã cao lên và quan hệ trong “làng đồ” cũng từng trải hơn, cho nên mới tự nhìn ra được những cái quý, cái đẹp của từng món cổ vật để tự nhận biết và so sánh về thẩm mỹ, về giá trị.

Một sưu tập cổ vật có giá trị là sưu tập đó có nhiều món cổ vật độc đáo, hiếm và đạt được nhiều tiêu chuẩn cao của cổ vật chứ không phải là số lượng hiện vật nhiều là quý. Vậy các tiêu chí để đánh giá chất lượng của từng cổ vật là gì? Những ai đã thạo cuộc chơi cổ ngoạn thì đều ngấm truyền khẩu về các tiêu chí để đánh giá cổ vật bằng một câu ngắn gọn các cụ để lại là “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, nhưng có lẽ chưa đủ, vì cần phải thêm hai tiêu chí nữa là “độc” và có “thân phận” rõ ràng.

“Dáng” được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao hay bình thường?

“Da” được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuât tạo ra từ bố cục, hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc v.v. trên món đồ và đặc biệt “da” còn là “nước men thời gian” được tạo ra tự nhiên trên bề mặt ngoài của cổ vật mà không do tác động của con người.

Chính 2 tiêu chí trên đã phản ánh được dấu ấn văn hóa để lại của người xưa, thể hiện trình độ chế tác, óc thẩm mỹ sáng tạo ra cổ vật.

“Toàn” xếp thứ ba để nói lên sự lành, vỡ, sứt mẻ, mất mảnh v.v. của mỗi món đồ. Nếu cùng là một loại cổ vật bình thường giống nhau, nhưng giá trị giữa món đồ lành cao gấp nhiều lần món bị dập chứ chưa nói đến bị vỡ mất mảnh đã qua sửa chữa.

“Tuổi” xếp cuối cùng chỉ nhằm xác định niên đại chế tác của món cổ vật. Thuần túy mang ý nghĩa khảo cổ học. Nhiều cổ vật mặc dù tuổi thấp, nhưng khi đấu giá thì lại rất nhiều tiền và ngược lại. Nhưng nếu chơi cổ vật mà coi nhẹ “tuổi” của chúng thì cũng không được.

Ngoài 04 tiêu chí thông thường trên, khi đánh giá chất lượng, giá trị của các cổ vật, người có nghề cao thường còn chú ý tới hai tiêu chí nữa là “Độc”, tức là rất hiếm và “Thân phận” tức là xuất xứ của ai, nơi nào đã sử dụng thời xa xưa? Các cổ vật của Vua, quan, danh nhân, nhà giầu đặt làm hoặc mua, tặng v.v. để sử dụng (thường gọi là đồ quan) thì có giá trị kinh tế cao khác hẳn những cổ vật của dân chúng bình thường sử dụng (thường gọi là đồ phố, đồ dân). Các cổ vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến v.v sẽ cho biết xuất xứ của cổ vật, tất nhiên chúng sẽ quý hơn các cổ vật không rõ “thân phận”.

Thiết nghĩ sưu tập cổ vật thành công chỉ khi hiểu ra: Sưu tập và nghiên cứu cổ vật là hai lĩnh vực không thể tách rời trong quá trình “chơi cổ vật”.

Có một số người với chuyên môn ngành học của mình nên họ rất mê cổ vật, nhưng do điều kiện khách quan nên họ chỉ có điều kiện sưu tầm các mẫu vật là mảnh, là đồ dập vỡ rồi phục dựng chơi thành một sưu tập riêng. Những bộ sưu tập ấy cũng rất đáng quý. Rồi cũng có một số người lại chỉ chuyên nghiên cứu, để có kiến thức viết sách giới thiệu những dòng cổ vật, nêu lên cái đẹp, cái quý của các cổ vật Việt Nam để giúp kiến thức cho cộng đồng, đó cũng là việc làm đáng trân trọng, thế nhưng họ chưa phải là những người sưu tập cổ vật đích thực.

Cạn nghĩ: Sưu tập cổ vật khác hẳn sưu tập khảo cổ học. Muốn thành người sưu tập cổ vật có tay nghề thì ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn hóa… cần tự học qua sách báo và sờ, xem thực tế các cổ vật. Có vậy mới có kiến thức để đủ nhận biết được giá trị cao, thấp của mỗi cổ vật. Hơn nữa một điều không thể thiếu khi muốn sưu tập cổ vật có giá trị cần đầu tư kinh tế mới có được những cổ vât quý, hiếm đắt tiền.

Đàm về chơi cổ vật thì còn nhiều chuyện, song chỉ biết nhiều thế hệ người Hà Thành đã rong ruổi tầm chơi cổ vật qua năm tháng rất thú vị, quên đi nhiều phiền muộn trong cuộc sống, song họ cũng đều tốn kém tiền bạc công sức mới mong có được một sưu tập cổ vật đích thực cho mình.

Thời gian qua đi không trở lại, tiền bạc bỏ ra mua đồ cổ về chơi cũng không lấy lại được. Ấy vậy mà lại đem về các món đồ giả cổ thì quá buồn. Giới chơi và sưu tập cổ vật ở nước ta hiện đang ngỡ ngàng trước các cuộc chơi cổ vật có các khuynh hướng chơi khác nhau. Để dẫn đề cho các khuynh hướng chơi đó là do các nhà buôn đồ cổ chuyên nghiệp chủ động “hướng dẫn” người chơi. Đáng ra những người mới có tiền của nhiều do làm ăn được trong thời buổi hiện nay khi muốn vào sân chơi cổ vật cần tìm đến những người sưu tập và kinh doanh cổ vật có kinh nghiệm, kiến thức để nghe tư vấn, thì họ lại “âm thầm” nghe các vị a,b,c nào đó “dẫn đường”. Cho nên 05 năm lại đây “các anh sứ tàu chung chiêng” đã thống lĩnh thị trường cổ vật Việt Nam. Nhưng cái gì rồi cũng có lúc thăng, lúc giáng cả. Hiện tại thì “các anh sứ tàu chung chiêng” đã bị “ắc” lại, vì các đại gia mới nổi đã “ngộ” ra sau khi đã mất nhiều tỷ đồng rước về đầy nhà để trưng một dòng “Văn hóa ngoại lai” chẳng có dấu ấn gì của dân tộc Việt cả.

Thiết nghĩ để lập được một bộ sưu tập cổ vật quý không dễ và muôn vàn khó khăn. Nhưng để lưu giữ được sưu tập của mình lâu dài lại là việc càng khó khăn hơn khi khả năng tài chính thì có hạn, tuổi tác thì ngày càng cao làm cho con người bất lực trước ước muốn lưu giữ sưu tập của mình lâu dài cho đời sau. Nói vui, đúng là “giành chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền mới là khó hơn nhiều”.

Lẽ đời đã chỉ rõ: Con người muốn sống sung sướng cũng cần có nhiều tiền bạc, rồi không ít kẻ cần vinh thăng với đời cũng tốn nhiều tiền bạc, nhưng rồi khối kẻ cũng đã chết trong tủi nhục, cô đơn cũng vì tiền bạc! Ấy vậy nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu và sưu tập cổ vật đã có nhiều bậc tiền bối chỉ ra rằng: Nếu chỉ đơn thuần sống vì tiền thì có lẽ chả bao giờ người đời có thể làm nên và lưu giữ được những sưu tập cổ vật có giá trị cho cộng đồng./.

 

Theo Đào Phan Long – Chủ tịch hội cổ vật Thăng Long – Hà Nội

Các văn bản pháp luật liên quan đến cổ vật và cổ vật tư nhân

Văn bản pháp luật liên quan đến cổ vật được ban hành khá nhiều. Dưới đây tôi lược dẫn các văn bản Luật liên quan đến quản lý cố vật và cổ vật tư nhân từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay:

1. SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 65 NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1945

Điều thứ tư: Cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn.

2. NGHỊ ĐỊNH SỐ 519/TTG, NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 1957 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ BẢO TỒN CỔ TÍCH

Điều 1: Tất cả những bất động sản và động sản có một giá trị lịch sử, hay nghệ thuật (kể cả bất động sản và động sản còn nằm ở dưới đất hay dưới nước và những danh lam thắng cảnh (danh thắng) ở trên lãnh thổ nước Việt Nam bất cứ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, hoặc một tư nhân, từ nay đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước quy định trong Nghị định này.

Điều 8: Nếu bất động sản hoặc động sản liệt hạng là của tư (cá nhân hay tập thể), thì người chủ có quyền nhượng bán, trao đổi hoặc truyền lại cho con cháu khi chia gia tài bất động sản hay động sản ấy. Khi nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài động sản hay bất động sản liệt hạng, thì người chủ phải tuân theo những điều quy định sau đây:

Phải báo trước cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết ý định muốn nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài. Chính quyền xã hoặc khu phố báo ngay cho Sở hoặc Ty Văn hóa biết để nếu cần thì đề nghị Bộ Văn hóa sử dụng kịp thời quyền mua ưu tiên.

Phải dành quyền ưu tiên cho Chính phủ, kể cả trường hợp bán đấu giá trong việc chia gia tài.

Phải nói cho người chủ mới biết rõ là bất động sản hay động sản của mình đã được liệt hạng để người chủ mới tiếp tục chấp hành các thể lệ về liệt hạng.

Sau khi nhượng bán, đổi chác hoặc phân chia xong, chậm nhất trong hạn mười lăm ngày, phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết để trình cơ quan phụ trách đăng ký liệt hạng sang tên cho chủ mới.

3. PHÁP LỆNH 14 LCT/HĐNN, NGÀY 04/04/1984 VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Điều 3: Di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân được Nhà nước bảo hộ.

Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ tập thể hoặc cá nhân là chủ sở hữu trong việc bảo quản và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa của mình.

Việc ký gửi, tặng di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân cho Nhà nước được khuyến khích.

Khi chuyển quyền sở hữu di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân, người chủ phải báo trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo kịp thời với Sở văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Trong trường hợp người chủ muốn bán di tích lịch sử, văn hóa thuộc sở hữu của mình thì Nhà nước được quyền mua ưu tiên.

Điều 4: Nghiêm cấm việc làm hư hại, tiêu huỷ, chiếm giữ trái phép di tích lịch sử, văn hóa hoặc danh lam, thắng cảnh.

Nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán trái phép di tích lịch sử, văn hóa.

Điều 22: Người sưu tập di tích lịch sử, văn hóa phải có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

4. LUẬT DI SẢN VĂN HÓA 2001 VÀ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  1. Sở hữu hợp pháp di sản văn hóa;
  2. Tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa;
  3. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  4. Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;
  5. Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.

Điều 22. Mua bán, bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận và bảo vệ, bảo quản tại các bảo tàng nhà nước, ngân hàng nhà nước hoặc kho bạc nhà nước với trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật bảo đảm an toàn.

Trong trường hợp bảo vật quốc gia được bán đấu giá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc mua, bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia.

Điều 23. Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm tổ chức đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong phạm vi địa phương mình.
  2. Chủ sở hữu bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa – Thông tin địa phương nơi mình cư trú. Trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia thì trong thời hạn 15ngày kể từ ngày thay đổi chủ sở hữu, chủ sở hữu cũ phải thông báo cho sở Văn hóa – Thông tin nơi đăng ký bảo vật quốc gia về họ, tên, địa chỉ chủ sở hữu mới.

Sau khi đăng ký bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – thông tin phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.

  1. Quyền của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký:
  2. Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. Được cơ quan chuyên môn của Nhà nước thẩm định miễn phí;
  4. Được hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của mình;
  5. Được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  6. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quy định trình tự chủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Chương V. VIỆC MUA BÁN DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Điều 28Quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật bảo vật quốc gia.

Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, các luật thuế, Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

  1. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.
  2. Nghiêm cấm muabán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp.
  3. Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để đưa ra nước ngoài.

Điều 29. Tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
  2. Là công dân có quốc tịch Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
  3. Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  4. Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bầy di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  5. Có đủ phương tiện trưng bầy, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  6. Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định sau đây:
  7. Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;
  8. Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơquan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Nghị định này cấp;
  9. Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia kế trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao vàphải có ký hiệu riêng để phân biệt với bản gốc;
  10. Thực hiện các thủ tục cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Nghị định này chuyển quyền sở hữu cho người mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc làm thủ tục xin giấy phép cho người mua mang di vật, cổ vật thuộc loại được phép đưa ra nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này;

đ. Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.

Điều 30. Điều kiện, thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. Có trình độ chuyên môn và am hiểu về di vật cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến di sản văn hóa theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không đang trong thời gian bị quản chế hình sự hoặc quản chế hành chính.
  4. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng không được phép mở cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:

Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin phải xét cấp chứng chỉ. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

  1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. Chủ cửa hàng phải gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa – Thông tin;
  3. Hồ sơ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm:

Đơn xin cấp chứng chỉ;

Bản sao hợp pháp các văn bằng chuyên môn có liên quan;

Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú.

Điều 31.Tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa – Thông tin địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  2. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định từ Điều 452 đến Điều 458 của Bộ Luật Dân sự.

Điều 36. Tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

  1. Bảo tàng tư nhân là bảo tàng thuộc sở hữu của một hoặc nhiều cá nhân hoặc liên kết giữa cá nhân với tổ chức có vốn đầu tư không phải vốn nhà nước.
  2. Bảo tàng tư nhân hoạt động theo quy định của pháp luật và phải phù hợp với truyền thống văn hóa,thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
  3. 3Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tinchịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của bảo tàng tư nhân:
  4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

Điều 37.Quyền và nghĩa vụ của bảo tàng tư nhân.

  1. Bảo tàng tư nhân có các quyền sau đây:
  2. Thực hiện việc sưu tầm để xây dựng sưu tập bằng các hình thức: mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  3. Sở hữu hợp pháp một hoặc nhiều sưu tập;
  4. Thu phí tham quan theo quy định của pháp luật;
  5. Thỏa thuận với bảo tàng nhà nước và bảo tàng tư nhân khác về việc sử dụng sưu tập di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để phục vụ cho hoạt động bảo tàng;

đ. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

  1. Bảo tàng tư nhân có các nghĩa vụ sau đây:
  2. Phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân;
  3. Thực hiện các yêu cầu về chuyên môn đối với bảo tàng;
  4. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin và các bảo tàng khác nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. THÔNG TƯ SỐ 07/2004/TT-BVHTT, NGÀY 19 THÁNG 02 NĂM 2004CỦA BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

6. QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG TƯ NHÂN (Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2004/ QĐ-BVHTTngày 24 tháng 02 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin)

7. NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HÓA VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (2009)

Điều 24. Quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuếvà các quy định pháp luật khác có liên quan.
  2. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.
  3. Nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.
  4. Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

Điều 25. Tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

  1. b) Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  2. c) Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. d) Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  4. Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định sau đây:a) Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;b) Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 23 của Nghị định này cấp;c) Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao;
  5. d) Thực hiện và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người mua tiến hành đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc xin giấy phép mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc loại được phép mang ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.

     Điều 26. Điều kiện, thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:
  2. a) Có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  3. b) Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến di sản văn hóa theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không đang trong thời gian bị quản chế hình sự hoặc quản chế hành chính.
  4. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành di sản văn hóa không được phép mở cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
  5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét cấp chứng chỉ. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
  6. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:a) Chủ cửa hàng phải gửi hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; b) Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm:Đơn xin cấp chứng chỉ;Bản sao hợp pháp các văn bằng chuyên môn có liên quan; Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn  nơi cư trú. 2. Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.3. Nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.4.Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

    Điều 27. Tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  2. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

8. THÔNG TƯ 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010  của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG

9. THÔNGTƯ số 22/2011/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật 

10. THÔNG TƯ số 19/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/11/2012 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Quy định loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài

11. THÔNG TƯ số 20/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia