Tag Archive | Ngô Quyền

CỔ LOA: MỘT KHÔNG GIAN LỊCH SỬ – VĂN HÓA

Công trình “Địa chí Cổ Loa” (Nxb Hà Nội, 2007) do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và PGS.TS Vũ Văn Quân đồng chủ biên với sự tham gia đông đảo các cán bộ khoa Lịch sử và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Sách được Hội Xuất bản Việt Nam trao Giải Bạc sách hay và Giải Đồng sách đẹp năm 2008. Xin giới thiệu với bạn đọc phần Mở đầu cuốn sách này.
Cổ Loa – địa danh thân thuộc với bất kỳ người Việt Nam nào, ngay từ khi còn là trẻ nhỏ mới đến trường với bài học đầu tiên về lịch sử dân tộc. Cổ Loa nay là một xã thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nhưng Cổ Loa được biết đến trước hết bởi đó là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương với toà Thành ốc nổi tiếng.
Thành Cổ Loa
Năm 208 TCN, nước Âu Lạc được thành lập trên cơ sở tiếp nối nước Văn Lang thời các vua Hùng – một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Nước Âu Lạc ra đời là sự hợp nhất của hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, thể hiện bước phát triển mới của quốc gia cổ đại người Việt. Thục Phán An Dương Vương – vua nước Âu Lạc, trong một bối cảnh và yêu cầu mới, đã thể hiện tầm nhìn của một nhà chính trị chiến lược khi quyết định dời vị trí trung tâm đất nước xuống vùng đồng bằng – chọn Cổ Loa làm nơi đóng đô.
Quyết định chọn vùng đất Cổ Loa làm kinh đô, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc bấy giờ cũng đồng thời bắt tay vào một nỗ lực phi thường: chỉ trong một thời gian ngắn, một toà thành đồ sộ và độc đáo đã được hoàn thành. Đó là thành Cổ Loa, “thành ốc”, có thành cao hào sâu, có thuỷ bộ liên hoàn, có trong ngoài phối hợp… Cùng sự đoàn kết quân dân trên dưới một lòng, toà thành vững chắc này đã khiến quân xâm lược Triệu Đà nhiều phen đại bại.
Nhưng rồi cuối cùng thành Cổ Loa – nước Âu Lạc đã không đứng vững được trước kẻ thù xâm lược ngoại bang. Thành chắc đấy, vũ khí lợi hại đấy, nhưng từ vua quan đến chúng dân Âu Lạc – tổ tiên ta buổi đầu dựng nước – vẫn còn quá chất phác, hồn nhiên, mà kẻ thù lại lắm xảo quyệt, mưu mô. Nguyên nhân mất nước dồn cả vào một lỗi lầm của Mỵ Châu nhẹ dạ tin người. An Dương Vương xé lòng khi phải tuốt gươm chém đầu con gái, nhưng đó cũng chính là thời điểm người Việt nhận thức sâu sắc phải làm gì để tồn tại và tiến lên trong một bối cảnh mà xâm lăng từ bên ngoài sớm trở thành áp lực. Chỉ có điều, cha ông ta đã phải trả giá quá đắt cho bài học lịch sử này. Nước mất, nhà tan, cơ đồ Âu Lạc chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc nghìn năm.
Hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Cổ Loa – Âu Lạc rơi vào tay đô hộ Trung Hoa. Chính quyền cai trị Trung Hoa, trong một thời gian dài, vẫn chọn Cổ Loa làm thủ phủ. Thành trì được gia cố phục vụ cho nhu cầu của bọn thống trị. Những khi người Việt vùng lên – thời Hai Bà Trưng, Lý Phật Tử – Cổ Loa thường được chọn làm điểm tựa, cả vật chất lẫn tinh thần. Song vì thế ta chưa mạnh, lực ta chưa đủ mà nền độc tập mong manh không giữ được. Nhưng Cổ Loa vẫn sừng sững đó một toà thành – chứng tích hào hùng của thời mở nước. Người Việt vẫn hướng về Cổ Loa mà tăng thêm nghị lực, tăng thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh bền bỉ khôi phục nền độc lập dân tộc.
Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938 đã kết thúc hơn một nghìn năm mất nước. Ngô Quyền, kế thừa thành quả của hơn ba mươi năm dựng nền tự chủ thời họ Khúc, họ Dương, đã có đủ sức mạnh nhấn chìm hàng vạn quân Nam Hán xuống sông Bạch Đằng và vứt bỏ danh hiệu Tiết độ sứ mà xưng vương, khẳng định dứt khoát nền độc lập của người Việt. Trở về Cổ Loa đóng đô, Ngô Quyền muốn nối lại quốc thống, chắp lại mạch dòng. Ý thức đó của Ngô Quyền đủ thấy dòng chảy tinh thần Việt không hề gián đoạn, trái lại nó càng được củng cố trước những thử thách khắc nghiệt trong hơn một nghìn năm mất nước. Thành trì được bồi trúc thêm, điện đài được xây dựng mới. Triều đình Cổ Loa tuy mới được thiết lập nhưng cũng đã hiện rõ vẻ bề thế đế vương.
Nhưng chính quyền nhà Ngô không duy trì được lâu dài. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình vắng đi người người đủ tài đủ đức, đủ công huân để các hào trưởng anh hùng nhất khoảnh tự nguyện thần phục. Chính quyền Cổ Loa tan rã (năm 965), đất nước loạn lạc, mười hai sứ quân tung tác khắp nơi. Nền độc lập vừa giành lại được có nguy cơ đổ vỡ khi phải đối diện với một Trung Quốc của nhà Tống vừa mới được tái thống nhất. Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn, thống nhất sơn hà, chuyển đô về Hoa Lư (năm 968). Trải các nhà Đinh – Tiền Lê, với nhiều nỗ lực lớn lao, quốc gia độc lập và thống nhất Đại Cồ Việt đã được xác lập vững chắc. Trên cơ sở đó, năm 1010 Lý Công Uẩn quyết định dời đô ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Một kỷ nguyên mới bắt đầu.
Cổ Loa, từ ngày chính quyền nhà Ngô tan rã đã dần mất đi dáng vẻ đế vương. Cổ Loa đã làm trọn vai trò lịch sử vĩ đại khơi dòng và nối dòng, để đất nước quá độ qua Hoa Lư, rồi vững vàng ở đất Thăng Long “long bàn hổ cứ”. Từ Cổ Loa đến Thăng Long vẫn một Hà Nội – thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, một hành trình lịch sử không phải chỉ một nghìn năm.
Từ đấy, Cổ Loa bước vào quá trình nông thôn hoá. Dân các vùng xung quanh và dân tứ xứ, xa xôi tận miền Thanh Nghệ, đổ về dựng nhà dựng cửa, vỡ đất trồng cây làm đồng cấy lúa. Các xóm làng dần hình thành trong và bên các vòng thành. Một Cổ Loa với diện mạo và sức sống mới ra đời. Nhưng một Cổ Loa kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương, của Ngô Quyền thời buổi đầu độc lập thì cũng vẫn còn đó. Người Việt Nam, người Cổ Loa lưu giữ và truyền nối toàn bộ di sản đó từ đời này qua đời khác. Các triều đình phong kiến Việt Nam cũng ý thức được sâu sắc vị trí lịch sử của Cổ Loa nên luôn có những chính sách đặc biệt đối với vùng đất này.
Sáu bảy chục năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, Cổ Loa cũng như những làng quê Việt Nam khác, chịu nhiều tầng áp bức bóc lột. Không cam chịu thân phận nô lệ, Cổ Loa sớm dấn mình vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc giành độc lập tự do. Trong những năm trước ngày Cách mạng tháng Tám, Cổ Loa là một cơ sở quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Cổ Loa cũng là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất của huyện Đông Anh và của Hà Nội.
Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Cổ Loa có ví trí chiến lược hết sức quan trọng mà kẻ địch tìm mọi cách chiếm lấy. Nhưng quân dân Cổ Loa đã chiến đấu kiên cường, bẻ gẫy nhiều đợt tấn công quy mô lớn với binh lực áp đảo của đối phương, làm thất bại âm mưu của chúng. Dù phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát, nhưng Cổ Loa vẫn đứng vững qua những tháng năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng quân dân cả nước đi đến trận đại thắng Điện Biên Phủ, đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng miền Bắc.
Hoà bình lập lại, Cổ Loa cùng miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng mới. Cổ Loa là một trong những đơn vị đi đầu của toàn huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội trên nhiều lĩnh vực. Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cổ Loa luôn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp thanh niên Cổ Loa lên đường nhập ngũ. Hàng trăm người con của Cổ Loa vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường. Trong chiến tranh phá hoại, Cổ Loa là nơi hứng chịu nhiều trận đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Hàng trăm người chết, nhiều nhà cửa bị đánh sập, tổn thất về người và của hết sức nặng nề. Vượt lên trên mất mát đau thương, cán bộ và nhân dân Cổ Loa đoàn kết một lòng, giữ vững sản xuất, làm tròn trách nhiệm hậu phương, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Vượt qua những tháng năm khó khăn sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Cổ Loa cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới. Thành tựu sau hai mươi năm thật lớn lao. Bộ mặt kinh tế Cổ Loa chuyển biến căn bản. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện, được nâng cao rõ rệt. Cùng với sự đầu tư của thành phố, của nhà nước, Cổ Loa đang chuẩn bị bước vào một thời kỳ mới, với những thay đổi to lớn. Toàn bộ quá khứ Cổ Loa sẽ sống dậy trong công cuộc phục hưng mới vùng đất này. Một Cổ Loa với dáng vẻ cổ kính của thành luỹ điện đài rồi đây sẽ hiện ra bên cạnh một Cổ Loa hiện đại trong một tổng thể hài hoà.
Cổ Loa mà chúng ta đang có là ngưng đọng của cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Toàn bộ lịch sử ấy kết tinh trong những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng to lớn của mảnh đất này.
Lòng đất Cổ Loa là nơi ẩn dấu nhiều tầng văn hoá, từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, trở thành nơi “hội tụ” của Văn minh sông Hồng, với hàng loạt di chỉ khảo cổ trên địa bàn Cổ Loa và vùng phụ cận, trong đó không ít đã đi vào bản đồ khảo cổ học Việt Nam nổi tiếng trong nước và thế giới. Cổ Loa và khu vực xung quanh đã và sẽ là mảnh đất hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ học để lật tìm về quá khứ xa xưa của vùng đất này, cũng là hình ảnh xa xưa của Việt Nam trong những ngày đầu của quá trình dựng nước. Tiềm ẩn mà cũng là tiềm năng, là di sản khi mỗi tấc đất Cổ Loa đều ẩn chứa những trang quá khứ kỳ bí và hấp dẫn.
Trên mặt đất Cổ Loa, đó là toà thành đồ sộ – kết lớp của đất đá mà cũng là kết lớp của mồ hôi, nước mắt, máu xương của bao thế hệ người Việt Nam, khi hăm hở thời buổi đầu dựng nước, khi tủi nhục thời đô hộ ngoại bang, khi hồ hởi ngày giành lại non sông. Không chỉ đồ sộ về quy mô, thành Cổ Loa còn độc đáo về kiểu thức với cấu trúc nhiều lớp thành uốn lượn, là toà thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam và toàn Đông Nam Á thời cổ đại. Bên cạnh toà thành, Cổ Loa còn cả một quần thể các công trình kiến trúc vô cùng phong phú bao gồm nhiều loại hình với nhiều chức năng khác nhau. Đó là những công trình tưởng niệm, những công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, từ đình đền đến chùa chiền, am lăng, đến điếm xóm điếm ngõ, từ những ngôi nhà gỗ kiểu cổ đến ngôi nhà trình tường độc đáo, điển hình của nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ…
Những giá trị văn hoá phi vật thể của vùng đất Cổ Loa cũng mang những ý nghĩa hết sức lớn lao. Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc chỉ có mấy chục năm, nhưng trong suốt hơn hai nghìn năm, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, người Việt Nam chưa khi nào quên Cổ Loa. Cổ Loa hằng tồn trong tâm thức của người dân vùng đất này, hằng tồn trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Đó là hình ảnh nước Âu Lạc buổi đầu dựng nước với biết bao câu chuyện nửa thực nửa hư mà đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức dân gian, ở từng tên xóm ngõ, ở từng tên xứ đồng. Đó là sức sống của bài học lịch sử sớm phải biết tự trưởng thành, nhưng cũng thấm đượm lòng nhân ái mênh mông..

Triều Ngô (938-965)

Triều Ngô: Ngô Vương (939-944) Hậu Ngô Vương (950-965) 

 Ngô Quyền phá quân Nam Hán: 

Đền Ngô Quyền

Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Ðình Nghệ sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ (897) ở Ðường Lâm (Ba Vì – Hà Tây). Cha của Ngô Quyền là Ngô Mâm, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sinh sản và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ trí khí phi thường hiếm thấy. Vốn thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư mô tả Ngô Quyền “vẻ khôi ngô, sức có thể nhấc vạc, giơ cao”. Vì có tài nên Dương Ðình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.

Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức. Khi Dương Ðình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để  trừ nội phản, diệt ngoại xâm. Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với Ngô Quyền. Ðầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bão vào Ðại La, bắt giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành. Thù trong đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài. Ðem quân xâm lược nước ta, chưa biết thắng bại ra sao, Lưu Cung đã vội phong cho con tước Giao Vương (tước vương đất Giao Chỉ). Lưu Cung còn đích thân đốc quân ra đóng ở trấn Hải Môn để sẵn sàng chi viện. Ðể chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bặch Ðằng khi nước triều lên ông cho quân ra khiêu chiến, quân Nam Hán đuổi theo, thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thuỷ triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn. Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Ðằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền. Bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Tháo cũng bị đâm chết tại trận. Tin thất trận ở sông Bạch Ðằng cùng với tên Hoằng Tháo bị giết khiến vua Nam Hán kinh hoàng phải khóc lên, thu nhặt tàn binh rút chạy.

Lăng Ngô Quyền

Vua Nam Hán trước tên là Nham sau đổi là Thiệp rồi sau đó “vì có rồng trắng hiện lên” nên đổi là Cung. Bị thất trận, vua Nam Hán cho tên Cung là xấu và đã đổi tên khác là Yểm tức Lưu Yểm.

Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng vương, bãi chức tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Ðể củng cố trật tự chiều chính triều Ngô, Ngô Quyền đặt ra các chức quan văn võ, quy định nghi lễ trong triều. Ðáng tiếc, thời gian trị vì của Ngô Quyền quá ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944) thì mất, thọ 47 tuổi.

 Dương Tam Kha:
Thời trẻ, Ngô Quyền lấy con gái Dương Ðình Nghệ. Khi Ngô Quyền lên ngôi vua, Dương Thị được lập làm Vương Hậu. Khi sắp mất, Ngô Vương uỷ thác con là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha là em Dương Hậu. Lợi dụng cháu nhỏ, Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập thấy biến, chạy trốn vào Nam Sách (Hải Dương) vào ở ẩn nhà Phạm Lệnh Công. Dương Tam Kha sai quân đi đuổi bắt, Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập trốn trong núi, Dương Tam Kha bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Năm Canh Tuất (950) nhân có loạn ở Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng tướng Dương Cát Lợi và Ðỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh. Ðến Từ Liêm, Ngô Xương Văn mưu với 2 tướng đem quân trở về bắt Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết chỉ giáng Tam Kha xuống làm Chương Dương Công.

 Hậu Ngô Vương (950-965): 
Ngô Xương Văn gạt bỏ Dương Tam Kha xưng là Nam Tấn Vương và sai người tâm phúc đi đón anh là Ngô Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Cả hai anh em đều làm vua, sử gọi là hậu Ngô Vương.

Làm vua được ít lâu, Thiên Sách Vương nghĩ cách trừ Nam Tấn Vương để một mình làm vua. Âm mưu đó chưa kịp thi hành thì năm Giáp Dần (954) Thiên Sách Vương mất. Ðến lúc này, thì lực triều Ngô ngày một suy yếu, thổ hào các nơi xưng là sứ quân ra sức chống đối buộc Nam Tấn Vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Năm Ất Sửu (965) trong một trận giao chiến ở Thái Bình (Đường Lâm, Sơn Tây), Nam Tấn Vương không may bị giặc bắn chết, làm vua được 15 năm. Con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí nối nghiệp lên làm vua về giữ đất Bình Kiều, Thanh Hoá. Như vậy, triều Ngô bắt đầu từ Ngô Quyền, qua Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, đến Ngô Xương Xí, truyền được 3 đời, kéo dài 26 năm. Ðến Ngô Xương Xí trong nước có cả thảy 12 sứ quân, gây ra loạn lạc nồi da nấu thịt kéo dài hơn 20 năm, 12 sứ quân đó là:

1. Ngô Xương Xí, giữ Bình Kiều (Triệu Sơn – Thanh Hoá).
2. Ðỗ Cảnh Thạc, giữ Ðỗ Ðộng Giang (Thanh Oai – Hà Tây).
3. Trần Lãm, giữ Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố, Thái Bình).
4. Kiều Công Hãn, giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ).
5. Nguyễn Khoan giữ Tam Ðái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
6. Ngô Nhật Khánh, giữ Ðường Lâm (Phúc Thọ, Hà Tây).
7. Lý Kê, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
8. Nguyễn Thủ Tiệp, giữ Tiên Du (Bắc Ninh).
9. Lữ Ðường, giữ Tên Giang (Vân Giang, Hưng Yên).
10. Nguyễn Siêu, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
11. Kiều Thuận, giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ).
12. Phạm Bạch Hổ, giữ Ðằng Châu (Hưng Yên).

Những sứ quân ấy cứ đánh lẫn nhau, nhằm bành trướng thế lực khiến cho nhân dân vô cùng khổ sở. Về sau Ðinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp loạn sứ quân, quy giang sơn về một mối lập lên cơ nghiệp nhà Ðinh.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1942