Môtip mây là biểu tượng không thể thiếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống. Sự xuất hiện hằng xuyên của môtip mây làm cho tác phẩm hay các công trình tôn giáo thêm giá trị thẩm mỹ, đồng thời cũng không làm mất đi tính dân tộc sẵn có. Chạm khắc môtip mây thời Lý – Trần không chỉ mang chức năng trang trí cho các công trình kiến trúc mà còn tạo điều kiện cho người đương thời và cả đời sau tiếp xúc và cảm nhận nghệ thuật chạm khắc này bằng mỹ cảm dân tộc, bằng sự duy trì phong cách tạo hình riêng biệt, tinh tế, khỏe, rõ ràng.
Mây là để chỉ hiện tượng thiên nhiên, mây với vai trò làm ra mưa nên liên quan đến hoạt động của trời. Đối với cư dân nông nghiệp, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc bởi mây là dấu hiệu, báo hiệu có mưa… Có lẽ từ những khái niệm về mây như vậy mà chúng ta thấy các nghệ nhân dân gian xưa ghép môtip mây vào cùng những đồ án trang trí mang tính linh thiêng như: mây – rồng, mây – tiên nữ, mây – phượng, mây – mặt trời, mây – lửa. Dân gian thường dùng hình tượng rồng, mây như rồng mây gặp hội (long vân khánh hội) để nói về cơ hội may mắn của con người, chỉ đến việc rồng gặp mây như sự đỗ đạt, vua sáng gặp tôi hiền. Continue reading