Tag Archive | Lạng Sơn

Mai Pha (Lạng Sơn) – nền văn hóa mang đậm giá trị nghệ thuật đặc sắc

LSO-Kế thừa Văn hóa Bắc Sơn là Văn hóa Mai Pha; cư dân của văn hóa Mai Pha thuộc hậu kỳ đá mới và tồn tại trong khung niên đại từ 5000 đến 3500 năm cách ngày nay. Văn hóa Mai Pha được gọi theo tên của di chỉ hang Mai Pha, nằm trong một núi đá nhỏ đơn độc giữa thung lũng ở phía Nam xã Mai Pha, tên ngọn núi chứa di chỉ hang Mai Pha theo tiếng địa phương là núi Phjia Nùn có nghĩa là Núi Tuyết. Di chỉ này có mối liên hệ mật thiết với núi Phia Điểm (Di chỉ khảo cổ học (KCH) phía Nam thành phố Lạng Sơn đã khai quật năm 1998).
Di chỉ KCH Mai Pha đã được nhiều nhà KCH, sử học tới đây khảo sát nhiều lần. Lần đầu do ông Retíp (một chủ đồn điền trồng chè của Pháp tại Lạng Sơn vào những năm 1920 do di chỉ nằm trong khu vực đồn điền chè của ông) đã khảo sát nhẹ lớp mặt hang và đã thu thập được một số di vật bằng gốm (bát bồng chân đế cao, âu gốm,…) cùng một số công cụ bằng đá (rìu đá, mảnh tước,…). Đến những năm sau này (năm 1921; 1923) thì có hai nhà sử học và nhà địa chất học người Pháp là H.Mansuy và M.Colani cũng đã tới đây khảo sát và đào thám nhỏ lại tại hang này và cũng đã thu thập được một số công cụ đá, gốm (giống như di vật của ông Retíp đã khảo sát và thu thập trước đó). Đến năm 1995 Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp tục khảo sát và đào thám sát hang này kết quả thu được rất khả quan. Năm 1996 địa chỉ di chỉ hang Mai Pha chính thức được khai quật KCH. Sau hơn 1 tháng khai quật, kết quả thu được rất tốt gồm: 123 hiện vật bằng đá, trong đó có 70 rìu, bôn, đục, bàn mài bằng đá và 12 đồ trang sức bằng đá như: vòng tay, khuyên tai và 23 hiện vật bằng xương cùng các đồ trang sức khác. Cũng tại đây đã phát hiện được dấu tích mộ kè đá; mộ vò (loại mộ được xếp chèn xung quanh bằng những chiếc bát gốm) cùng với xương bị đốt cháy, quanh khu vực di chỉ phát hiện được 5 bếp cùng nhiều mẫu tro, than, xương, vỏ ốc bị đốt cháy,…
Qua dấu tích của bếp lửa đã thể hiện rõ cư dân Mai Pha đã biết ăn chín, uống sôi (thông qua các loại đồ đựng bằng gốm như: bát bồng, nồi miệng loe,…) cùng rất nhiều các mảnh vỡ của gốm vương vãi khắp trong di chỉ, điều đó cho thấy lúc này đã có sự xuất hiện của tiểu thủ công nghiệp và trao đổi hàng hóa.
Cư dân văn hóa Mai Pha về kỹ thuật chế tác lúc này đã phát triển và kế thừa từ cư dân văn hóa Bắc Sơn, tuy nhiên cuộc sống của họ còn rất khó khăn và nơi cư trú của họ chủ yếu vẫn là trong các hang động và mái đá. Về cộng đồng xã hội lúc này chưa phát triển, họ sống quần cư tạo thành nhóm người hoặc tập thể hay bộ lạc, cuộc sống còn ăn hang ở hốc nhưng họ đã biết cảm thụ về nghệ thuật và có một cảm nhận nhất định về nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật trang trí. Về nghệ thuật tạo hình cư dân Mai Pha đã làm thay đổi hình dáng vật thể từ những hòn đá đơn thuần qua chế tác đã tạo thành những chiếc rìu rất đẹp như: rìu mài lưỡi, rìu tứ giác, rìu có vai,… Không những thế mà cư dân Mai Pha còn biết tạo ra một vật thể mới từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên đó là đồ gốm như: nồi, âu, bình, bát,… (đặc biệt là bát bồng chân đế cao). Chất liệu chủ yếu của gốm văn hóa Mai Pha là khá phổ biến và phong phú, hầu hết đều được làm từ đất sét. Đa số gốm văn hóa Mai Pha có màu gạch đỏ, một số có màu đen (do ám khói khi nung hoặc đun nấu) cũng có một số mảnh đen bóng có lẽ do được tạo bởi một loại nhựa từ vỏ cây hoặc một chất keo nào đó. Phần lớn chân đế của gốm Mai Pha là được trang trí nhiều nhất, còn phần thân thì chỉ được trang trí nhẹ như văn thừng trải, văn thừng mịn và văn thừng thô, cũng có loại để trơn không trang trí. Gốm khắc vạch kết hợp chỗ lỗ thủng ở chân đế bát bồng là nét nổi bật nhất trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí của gốm Mai Pha. Ngoài việc trang trí hoa văn trên gốm Mai Pha, cư dân văn hóa Mai Pha còn biết chế tác các đồ dùng, đồ trang sức, công cụ lao động sản xuất và vũ khí từ nhiều chất liệu khác nhau như: đá, xương, mảnh vỏ trai,…
Thông qua nền văn hóa Mai Pha và những hiện vật, di vật thu thập được tại di chỉ Mai Pha có thể khẳng định người tiền sử Mai Pha đã có những cảm nhận về mỹ thuật từ rất sớm, từ mỹ thuật chạm khắc cho đến mỹ thuật tạo hình. Họ đã biết tạo tác ra các loại công cụ sản xuất, đồ trang sức,… bằng đủ mọi chất liệu đạt được đến trình độ cao. Đồng thời họ đã biết bảo lưu và sáng tạo những họa tiết, hoa văn trên đồ dùng và chế tác ra những công cụ, đồ trang sức đẹp hơn, thẩm mỹ hơn.
Nguồn: http://baolangson.vn/tin-bai/Van-hoa-xa-hoi/van-hoa-mai-pha-nen-van-hoa-mang-dam-gia-tri-van-hoa–nghe-thuat-dac-sac/30-30-25692; covatvietnam.info chỉnh sửa