Tag Archive | Kinh thành Thăng Long

Kinh thành Thăng Long thời Trần

Kinh thành thời Trần và thời Lý về cơ bản không có nhiều khác biệt. Kế thừa thời Lý, thời Trần cũng chia Kinh thành làm 61 phường, bao gồm cả phường buôn bán, phường thợ và phường làm nông nghiệp. Bá quan văn võ, hoàng thân quốc thích cũng dựng phủ điện ở khu vực Kinh thành.

Về hệ thống cung điện của triều đình tại khu vực Kinh thành Thăng Long, năm 1237, vua Trần Thái Tông cho dời điện Linh Quang về bến Đông Bộ Đầu và đổi tên thành điện Phong Thủy. Điện này là nơi đón tiếp nhà vua đến xem đua thuyền, cũng là nơi dâng trà, trầu cau cho nhà vua. Vì thế, dân gian vẫn gọi đó là điện Hô Trà. Bến Đông Bộ Đầu vừa là bến cảng của quân đội, vừa là nơi diễn tập thủy chiến, lại là nơi diễn ra các cuộc đua thuyền vào mùa thu hằng năm. Vậy nên bến này được xây dựng thành cụm kiến trúc rất tráng lệ. Trạm Hoài Viễn của nhà Lý vẫn được nhà Trần tiếp dùng. Nhưng bên cạnh đó, nhà Trần cho xây dựng thêm sứ quán dành riêng cho sứ giả phương Bắc ở khu Quán Sứ (nay vẫn gọi là Quán Sứ), xây hành cung của nhà vua ở khu vực Gia Lâm ngày nay.

Tiếp nối truyền thống tôn sư, trọng đạo, năm 1243, vua Trần Thái Tông cho trùng tu Quốc Tử Giám. Năm 1253, Trần Thái Tông cho lập Viện Quốc học làm nơi sôi kinh nấu sử cho con em quý tộc và nho sĩ ưu tú của cả nước, đồng thời cho tô tượng Khổng Tử, Chu Công và vẽ hình 72 vị tiền bối của làng Nho để thờ phụng tại đây. Các đình, đền, chùa, miếu thời Trần hầu như không được xây mới, chủ yếu chỉ trùng tu lại các kiến trúc sẵn có từ thời Lý. Điều đó cho thấy, sang thời Trần, Nho giáo đã được triều đình trọng vọng hơn. Phật giáo tuy vẫn còn thịnh hành, nhưng không còn giữ được vị trí tối thượng như thời Lý.

Để đề cao tinh thần thượng võ, năm 1253, Trần Thái Tông cho xây dựng Giảng Võ đường làm nơi luyện rèn võ nghệ. Phàm là vương hầu, tôn thất đều phải trải qua quá trình rèn luyện võ nghệ ở đó.

Bên cạnh các công trình cung điện của triều đình, phủ đệ của bá quan văn võ và hoàng thân, quốc thích, khu vực Kinh thành Thăng Long còn bao gồm các phường cư dân thành thị chuyên việc buôn bán, làm nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp hay nông nghiệp. Lần đầu tiên, trong chính sử xuất hiện ghi chép về số lượng các phường ở Thăng Long. Cổ sử chép: “Bắt chước đời trước, chia làm 61 phường”. Với sử liệu này, có thể khẳng định việc chia Thăng Long làm 61 phường đã có từ đời Lý.

Hệ thống lại ghi chép từ cổ sử, có thể kể ra một số phường cổ thời nhà Trần như sau:

Phường An Hoa nằm bên bờ sông Cái (sông Hồng) là nơi hỏa táng linh cữu vua Lý Huệ Tông của nhà Lý. Sử chép rằng, dù nhà Trần đã thay nhà Lý trị vì thiên hạ, Lý Huệ Tông bị bức đi tu nhưng vẫn chưa dứt tục lụy, thường lân la dạo chơi ở các phường, chợ khiến dân chúng tụ tập xem mặt rất huyên náo. Trần Thủ Độ sợ có biến bèn ngầm sai giết Lý Huệ Tông, khoét một lối đi qua thành rồi đưa linh cữu Lý Huệ Tông đi hỏa táng tại phường An Hoa. Sự kiện này diễn ra vào mùa thu năm 1226.

Phường Hạc Kiều là nơi đặt cung Phụ Thiên. Phụ Thiên là nơi ở của Trần Thừa, bố của Trần Thái Tông và được phong làm Thượng hoàng vào tháng 10 âm lịch năm 1226.

Phường Giang Khẩu là nơi giam giữ Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ, kẻ mưu toan tiếm ngôi nhà Trần năm 1370.

Phường Cơ Xá là cảng và là nơi ở của cư dân vùng đất bãi. Năm 1265, nước dâng cao làm ngập toàn bộ phường này khiến cư dân và súc vật bị chết chìm rất nhiều. Vì lẽ này mà vua Trần Thánh Tông ban bố lệnh đại xá ngõ hầu giảm tai ương.

Phủ Phụng Thiên có các phường: Tàng Kiếm chuyên nghề làm kiệu, áo giáp, binh khí; Yên Thái chuyên làm giấy với nhịp chày làm giấy đã đi vào thơ ca dân gian; hai phường Thụy Chương và Nghi Tàm chuyên nghề dệt vải và dệt lụa; Hà Tân là nơi tập trung những người thợ nung vôi; Hàng Đào chuyên việc nhuộm điều; Tả Nhất làm quạt; Thịnh Quang chuyên nghề làm long nhãn; Đồng Nhân bán áo diệp y.

Ở phía Tây Kinh thành có phường Tây Nhai (nay thuộc khu Liễu Giai), phường Kiều Các Đài.

Phường Nhai Tuân là nơi vua Trần dành làm nơi ở cho đoàn người nhà Tống lưu vong sang nước ta do bị quân Nguyên xâm chiếm. Lại tạo điều kiện cho những người này làm ăn, buôn bán. Khi Hốt Tất Liệt đòi nhà Trần nộp những người này, vua Trần Thái Tông đã thẳng thắn bác bỏ.

Phía Bắc sông Tô Lịch là phường Toán Viên (vườn tỏi), là nơi vua Trần Dụ Tông sai người vỡ đất trồng tỏi và rau dưa. Phường này ở vị trí gần Cửa Bắc, bên kia đường Phan Đình Phùng (nơi trước đây có sông Tô Lịch chảy qua).

Kinh thành Thăng Long thời Lý (1009-1225)

Kinh thành Thăng Long

Từ thời Lý, cấu trúc “tam trung thành quách” đã định hình rõ ràng. Vòng thành trong cùng bao bọc nơi ở của vua, gọi là Cấm thành, vòng thành giữa bao bọc nơi nhà vua và triều đình làm việc, bao trọn cả Cấm thành, là Hoàng thành, hay còn gọi là Long thành. Vòng thành ngoài cùng bao bọc nơi ở của quan lại, thái tử, hoàng tử, anh em họ hàng nhà vua và dân chúng, gọi là Đại La thành. Vùng đất nằm giữa Hoàng thành và Đại La thành gọi là Kinh thành.

kinhthanhVới chủ trương không bao bọc thái tử và hoàng tử trong bốn bức tường Hoàng thành, các vua triều Lý luôn xây dựng cung điện ở ngoài thành cho các con trai của mình. Ngoài Hoàng thành là Kinh thành với muôn mặt đời sống thường nhật của người dân diễn ra mỗi ngày. Đó là cách tốt nhất để các thái tử và hoàng tử hiểu rõ việc đời, việc người, hiểu rõ về xã hội, dân chúng mà họ sẽ trị vì sau này.

Cung điện của Thái tử được gọi là cung Long Đức. Đây là cung điện cố định nhất trong số các cung điện dành cho con trai của nhà vua. Khi một hoàng tử được lập làm thái tử thì sẽ được dọn về ở tại cung này. Khi thái tử lên ngôi vua, cung này lại được dành cho thái tử thế hệ kế tiếp. Vì thế, chủ nhân của cung Long Đức có tính luân phiên.

Bên cạnh cung Long Đức, các phủ điện của các hoàng tử, hoàng thân quốc thích, các quan lại và doanh trại quân lính cũng tập trung tại khu vực Kinh thành. Đây là những công trình kỳ vĩ nằm xen kẽ với phố phường buôn bán và nơi ở, sản xuất của nhân dân, tạo thành tổ hợp phố phường thành thị sầm uất.

Thời Lý, Kinh thành Thăng Long được chia làm 61 phường là nơi ở, làm ăn, sản xuất và buôn bán của nhân dân. Nguyên nghĩa của chữ “phường” là “ô đất vuông”. 61 phường có từ thời Lý là 61 ô đất vuông tập hợp các hộ gia đình thành một đơn vị hành chính tương đương với một xã ở nông thôn. Các phường này được giới hạn với nhau bằng đường phố. Đây là kiểu quy hoạch kinh đô đặc trưng thời Trung đại. Tuy nhiên, Kinh đô Thăng Long lại có điểm đặc sắc riêng, ấy là mỗi phường đều là nơi tập trung các thợ thủ công làm chung một nghề và thường có chung một quê. Bởi vậy, người ta thường nói về “phường thợ xây”, “phường thợ mộc” hay “phường thợ hàn”. Phường từ một đơn vị hành chính đã gắn với nghề nghiệp chủ đạo của những người dân cư trú tại phường đó. Người dân thường mở cửa hàng bán sản phẩm của phường mình ở ven các con phố chạy qua phường, hình thành nên các con phố buôn bán chủ yếu chung một mặt hàng và phố được gọi tên theo mặt hàng kinh doanh từ đó. Điều này lý giải vì sao Thăng Long – Hà Nội cổ có những con phố mang tên Hàng Đồng, Hàng Nón, Hàng Tre

Trung tâm Kinh thành Thăng Long có Thái Hồ là nơi nhà Lý dựng Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám. Phía Nam Thái Hồ là hồ Chu Tước (sau gọi là hồ Bích Câu, sau nữa được tách thành hồ Bảy Mẫu và hồ Thuyền Quang). Năm 1154, vua Lý Anh Tông cho dựng đàn Viên Khâu cạnh hồ Chu Tước để làm lễ Tế Giao hằng năm.

Thời Lý, hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đã tách khỏi sông Hồng, nhưng hồ Lục Thủy (hồ Gươm) và hồ Chu Tước thì vẫn ăn thông với sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch – hai con sông uốn khúc chảy quanh trong nội thành Thăng Long. Trên đoạn sông Tô Lịch cổ chạy qua Kinh thành Thăng Long được dựng một vài cây cầu để cư dân hai bên bờ sông có thể qua lại, giao thương: cầu Đông xây bằng đá, cầu Thái Hòa dựng bằng gỗ, cầu Cau và cầu Tây Dương.

Cũng do Kinh đô Thăng Long có hệ thống sông hồ thông thoáng nên hình thành những bến thuyền (từ cổ gọi là “búa”) tấp nập thuyền bè vào ra buôn bán: bến Triều Đông (Hòe Nhai), bến Thái Cực (Hàng Đào), bến Thái Tổ (Nguyễn Du), bến Giang Tân (Nghĩa Đô), bến Thiên Thu, bến Đại Thông (hiện chưa xác định thuộc khu vực nào)… Thăng Long thời xưa chợ và bến thuyền thường song hành với nhau như thế nên mới hình thành cách gọi “chợ búa” như dân ta vẫn quen dùng cho đến nay.

kinhthanh1

Kinh thành Thăng Long

Kinh thành Thăng Long nằm ven sông Hồng (còn gọi là sông Nhị, hay Lô Giang thời Lý). Các nhà vua thời Lý cho dựng bốn cung điện ven sông này để nhà vua và tùy tùng, quan lại ra xem lễ hội đua thuyền hằng năm. Bốn cung điện đó là Hàm Quang (được xây dựng năm 1011), Linh Quang (được xây dựng năm 1058), Thủy Tinh và cung Thánh Từ (được xây dựng vào đầu thế kỷ XII). Trong đó, cung Thánh Từ cũng chính là nơi dành cho Thái Hậu ở. Các cung điện ở đây đều được xây dựng với quy mô rất lớn thành quần thể cung điện nguy nga, tráng lệ. Chẳng hạn, bên trái điện Linh Quang được dựng thêm điện Kiến Lễ, bên phải là điện Sùng Nghi, mặt tiền dựng lầu chuông một cột 6 cạnh hình hoa sen (thời Lý, Phật giáo trở nên thịnh hành và hình ảnh hoa sen được cách điệu thành những họa tiết trang trí và công trình xây dựng, làm nên những công trình lịch sử như Chùa Một Cột…)

chuamotcot

Chùa Một Cột

Bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây), các nhà vua triều Lý cũng cho xây nhiều cung điện làm hành cung hoặc quán quan ngự trên mặt nước để xem đánh cá, bơi thuyền. Đầu thế kỷ XIII, công chúa Từ Hoa, con gái của vua Lý Thần Tông, ở cung Từ Hoa ven hồ Dâm Đàm đã cùng các cung nữ mở nghề trồng dâu nuôi tằm. Vì thế, nơi này mới có tên là trại Tàm Tang, sau đổi thành Nghi Tàm.

Còn bên hồ Lục Thủy, nhà Lý cho dựng nhiều công trình quan trọng, như tháp Báo Thiên và chùa Báo Thiên được dựng để ghi công chiến thắng quân Chiêm Thành, cung Chiêm Nữ là nơi dành cho các cung nữ Chiêm Thành bị bắt tới ở.

Thời Lý, do đạo Phật thịnh hành nên trong Kinh thành Thăng Long được nhà vua cho dựng nhiều chùa chiền, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vạn Tuế, chùa Diên Hựu, chùa Ngọc Hồ.

Theo thuyết phong thủy, nhà Lý cũng cho đắp nhiều núi giả để vừa được vận nước vững bền, vừa làm nơi thắng cảnh thưởng ngoạn. Có thể kể đến một vài ngọn núi nhân tạo này, như: Tam Sơn, Ngũ Nhạc, Khán Sơn, Sư Sơn. Cũng có ý kiến cho rằng, Nùng Sơn là một trong những ngọn núi nhân tạo như thế. Tuy nhiên, ý kiến này còn nhiều tranh cãi do Nùng Sơn còn được đồng nhất với núi Long Đỗ (rốn rồng) tồn tại từ trước khi nhà Lý dời đô về Kinh thành Thăng Long.

Bên bờ Đông sông Hồng, đối diện với Kinh thành Thăng Long, vua Lý Anh Tông cho dựng trạm Hoài Viễn làm nơi tiếp đón sứ giả các nước và tù trưởng các miền thiểu số tới kinh triều kiến nhà vua.

Như vậy, từ thời nhà Lý, kinh thành Thăng Long đã trở thành không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, quân sự mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, với lối quy hoạch phố phường kiểu bàn cờ mang tính khoa học cao.

Nguồn: http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/kinh-thanh-thang-long-thoi-ly/650