“Cái đẹp, nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”
Tag Archive | hoa sen
Gốm men Ngọc!
Sau chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc , những người thợ gốm thời Lý Trần được cổ vũ bởi tinh thần dân tộc đã đưa kỹ thuật cũng như nghệ thuật sản xuất gốm lên một tầng cao mới mà tiêu biểu là đồ gốm men Ngọc và đồ gốm Hoa nâu !
TINH XẢO LÝ TRIỀU*
Triều Lý không chỉ mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho Đại Việt mà còn tạo dựng một nền văn hoá phát triển rực rỡ, từ văn thơ, điêu khắc, kiến trúc, đến thủ công mỹ nghệ…
VĂN HOÁ, NGHỆ THUẬT THỜI LÝ TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI!*
Đánh giá cao nghệ thuật gốm thời Lý, tiến sỹ Kenson Kwok, giám đốc Bảo tàng Văn minh châu Á, Singapre nhận định: Nghệ thuật thời Lý hiện diện ở rất nhiều công trình kiến trúc của các quốc gia châu Á. Đặc biệt ở Indonesia, rất dễ bắt gặp các hoa văn thời Lý của VN ở các SP gốm, bình vôi, lục bình…cho thấy sự sáng tạo của người thợ gốm Việt Nam rất tinh tế và có sức lan toả rộng.
Hoa sen trong nghệ thuật gốm Việt truyền thống
Không biết tự bao giờ, hoa sen, loài hoa đẹp có cốt cách trong sáng, xuất nê bất nhiễm, đã đi vào văn hóa của người Việt với nhiều ý nghĩa thâm thúy. Sen xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử đất nước như một biểu tượng cho phẩm chất thanh cao, tinh khiết và cao quý. Trong đời sống văn hóa của người Việt, hình ảnh hoa sen đặc biệt không thể thiếu trong trang trí các cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, trong nghệ thuật tạc tượng, trong những áng thơ văn… và riêng với nghệ thuật trang trí gốm sứ truyền thống, hoa sen dường như sống mãi với thời gian dù cho thế cuộc có trải qua bao bể dâu.
Qua mỗi giai đoạn của lịch sử phong kiến, hình họa hoa sen đã lưu lại những dấu ấn riêng, hơi thở riêng của thời đại trên những hiện vật gốm. Chúng luôn đánh dấu một sự kế thừa và sáng tạo không ngừng để luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc. Continue reading
Gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 2)
Gốm men trắng trên hiện vật bát, đĩa, chén:
Bát: Men trắng xám đường kính 16,5 cm, cao 6 cm, gờ miệng viền tròn, đế nhỏ, đáy lõm để mộc, trong lòng in nổi hoa lá và 5 dấu kê. Lại có bát men trắng xám, đường kính miệng 21 cm, cao 9,5 cm, gờ miệng vê tròn, thành ngoài chia múi hình cánh sen, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi rồng mây và hoa lá.
Chén: Có nắp gồm 3 chiếc dính nhau, 3 nắp chén cũng dính nhau, cao 4,7 cm. Trên mặt nắp chạm khắc 3 hình chim phượng bay, khuôn trong viền tròn, trên thân và nắp đắp nổi bông hoa nhỏ, lòng và đáy để mộc, men trắng ngà đã bong nhiều chỗ. Có lẽ đây là một loại chén thờ.
Đài sen: Men trắng xám cao 14 cm, đường kính miệng 11,5 cm cũng là một loại hình hiếm gặp. Cấu tạo đài sen gồm nhiều phần với miệng hình đĩa, lòng phẳng khắc hoa lá không men, xung quanh chạm nổi 4 băng cánh sen, chân cao hình con tiện nhiều cấp.
Đĩa sen:
Đều thuộc loại đồ thờ, lòng phẳng khắc hoa văn trang trí, không phủ men, thành ngoài chạm nổi 2 – 3 lớp cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ. Đĩa sen men trắng ngà, cao 2,3 cm, đường kính miệng 9,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một cành hoa lá sen không men, thành ngoài chạm 2 băng cánh sen nổi.
Có đĩa sen khác lớn hơn, cao 5,8 cm, đường kính miệng tới 15,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một hình rồng Lý và 2 cành lá cùng một băng hình xoắn. Thành ngoài chạm khắc 3 băng cánh sen. Chân đế cao, trổ thủng ô hình chữ nhật, chạm khắc những hình “em bé của thế giới cực lạc” với tư thế 2 chân quỳ, 2 tay nâng, đầu nghiêng. Đây là loại đĩa sen có kiểu dáng và trang trí tương tự loại đĩa sen gốm hoa nâu và đĩa sen men xanh lục.
Đĩa: Men trắng ngà cao 4 cm, đường kính miệng 14,8 cm, miệng loe, gờ uốn, thành vát, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi băng văn mây hình khánh với dải đuôi cong nhọn và 5 dấu kê.
Khuôn đúc: Ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, trước đây đã tìm thấy những khuôn đúc bằng gốm men trắng, có cả phần lõi và vỏ. Khuôn có vỏ hình hộp tròn, lõi hình bông hoa 6 cánh hay 8 cánh, in nổi hình rồng Lý và hoa chanh 4 cánh. Phần trong vỏ khuôn và lõi đều không men. Những khuôn gốm này chỉ cao 1,5 cm – 2 cm và đường kính từ 5,7 cm – 7,1 cm, nhưng hoa văn rồng và hoa chanh đều rất tinh xảo.
Gốm men trắng trên hiện vật Liễn, thạp, thủy chùy:
Liễn: Gốm men trắng có nắp tạo dáng hình quả dưa, thân chia múi nổi. Nắp liễn có chỏm hình búp sen. Trên nắp và vai chạm khắc băng cánh sen nổi và 6 núm ngang, cùng một băng các bông hoa tròn. Liễn men trắng ngà hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một đại diện tiêu biểu cho loại hình gốm men trắng, xương gốm mỏng, được lọc luyện kỹ, men phủ trắng ngà, lớp cánh sen nổi cũng là điển hình của phong cách trang trí thời Lý.
Thạp: Gốm men ngà rạn, hiện do Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, cao 37,5 cm, đường kính miệng 22 cm, có kiểu dáng giống như thạp gốm hoa nâu. Thạp có gờ miệng vát, vai xuôi, thân hình trụ trên to dưới nhỏ. Vai chạm khắc băng cánh sen nổi, cánh to xen nhỏ và 5 núm ngang, thân khắc chìm 2 băng sen dây kiểu hoa bổ dọc, các cặp cánh đối xứng.
Thủy chùy: Men ngà xám, là loại dùng đựng nước rửa bút lông sau khi viết, chỉ cao 4,5 cm và đường kính miệng 3,6 cm. Thủy chùy tạo hình một bông sen nở với 4 lớp cánh nổi, chân đế loe, đáy mộc.
Gốm men trắng trên các hiện vật khác:
Những đồ gốm men trắng thời Trần đã gặp các kiểu dáng tương tự thời Lý, ngoài ra còn thấy bình men trắng ngà, miệng loe, cổ cao, thân dáng choé, cổ có băng hoa nổi, viền đế tô men nâu, cao 40,6 cm, đường kính miệng 20,3 cm. Hũ có nắp, trang trí nổi băng cánh sen, vòng tròn nhỏ và 4 núm ngang với đặc trưng của hoa văn thời Lý – Trần.
Thống: Gốm men trắng ngà, hiện do Bảo tàng Nam Định lưu giữ, cao 45 cm, đường kính miệng 26,5 cm, gờ miệng tròn, thân tạo dáng bông hoa cúc, đáy bằng để mộc. Trên vai đắp nổi 2 băng cánh sen.
Trong các di tích, phế tích khai quật được ở khu vực thành Thăng Long, phần lớn chỉ là những mảnh của các loại đồ gốm gia dụng, ít gặp những tiêu bản nguyên lành. Song, đó chính là chứng tích về cuộc sống của con người thời Lý – Trần, cũng như những bằng chứng đích thực về dòng gốm men trắng dưới thời Lý-Trần. Gốm men trắng thời Lý – Trần có thể xem như dòng gốm bạch định ở Việt Nam và rất khác biệt so với Trung Quốc bởi xương gốm dày, thô, men không sáng bóng.
Các khu vực sản xuất gốm men trắng:
Khu vực sản xuất gốm men trắng có lẽ là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội. Gốm men trắng thời Lý thường được phủ dày và có màu trắng như nước gạo nếp nhưng sang thời Trần phổ biến là màu trắng ngà, lớp men mỏng không còn độ sâu lắng như trước nữa.
Gốm men trắng ngà thời Lý – Trần cũng chính là động lực cho sự phát triển đặc biệt của gốm men trắng thời Lê Sơ với những sản phẩm trang trí nổi hình rồng, phượng hay dây hoa lá,…. Gốm men trắng thời Lý-Trần đóng góp những minh chứng mới lạ về truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
9 điều cơ bản cần biết về dòng gốm hoa nâu
1. Gốm hoa nâu được các chuyên gia gốm sứ thống nhất để mô tả một loại đồ gốm có trang trí hoa văn bằng men mầu nâu.
Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)
2. Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dầy, xương gốm thô và nặng được nung từ 1000 đến 1300 độ C.
3. Xuất hiện từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) nhưng phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)
4. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn mầu nâu trên phần đã được cạo, hay vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền rồi đem nung.
5. Hai nơi sản xuất gốm hoa nâu chính là ở vùng Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng Thành Thăng Long.
6. Đề tài trang trí chủ đạo là sóng nước và hoa sen.
7. Nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu được vẽ theo lối tả thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh tư tưởng của thời đại.
Mảnh thạp trang trí cảnh tập luyện võ nghệ thời Trần
8. Vào cuối thời Trần sang đầu thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện loại gốm vẽ màu nâu lên xương gốm sau đó mới phủ men.
9. Là dòng gốm được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, được xem là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới.
Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần
Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..
Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế
Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.
Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo
Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.
Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát