Đoàn Anh Tuấn – “Vua” cổ vật hào hiệp
Ông Đoàn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam, người hiến tặng cổ vật nhiều nhất hiện nay được mệnh danh là “Vua từ thiện cổ vật”.
Dòng họ Đoàn của ông ở phố cổ Hà Nội nổi tiếng với thú mê cổ vật. Có lẽ vì thế mà “máu” cổ vật đã ngấm vào con người ông Tuấn từ khi còn rất trẻ. Năm 1998, khi Nhà nước ban hành Luật di sản thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về cổ vật, ông Tuấn đã bán căn nhà mặt phố Trương Định để dồn tiền mua cổ vật. Thậm chí, ông còn từng hành nghề bơm vá, sửa xe đạp, xe máy, mò lên các bãi vàng để kiếm tiền mua cổ vật.
Ông Đoàn Anh Tuấn ngồi giữa căn phòng ngập cổ vật
Cổ vật được ông Tuấn bày biện khắp nhà theo niên đại. Lâu đời nhất là chiếc tủ bày các công cụ lao động sản xuất, vũ khí của người xưa, kế đến là các trang sức của nền văn hóa Đông Sơn, nhà bằng đất nung từ thời kỳ đầu công nguyên, chum, thạp thời Lý, Trần,… Những chiếc trống đồng Đông Sơn, ấm rượu đồng rèn đầu rùa thế kỷ I – III; tượng Quan âm đồng thế kỷ I được chất đầy trong căn phòng ngót nghét trăm mét vuông trên tầng 2.
Ông Tuấn cho biết, ông mua đồ cổ chỉ để chơi và hiến tặng chứ chẳng bao giờ tính đến chuyện lời lỗ. Máu cổ vật là vậy, nhưng Đoàn Anh Tuấn không bao giờ “chơi” đồ trục vớt. Ông cũng “kỵ” cổ vật Trung Quốc, chỉ thích chơi những thứ đồ mà các cụ người Việt từng dùng.
Những cổ vật được trưng bày một cách gọn gàng ngăn nắp
Được phần đông giới chơi thừa nhận là một trong những người có nhiều cổ vật nhất, nhưng Đoàn Anh Tuấn chưa bao giờ nhận mình là “vua cổ vật”. Với ông, cổ vật chính là vật chứng lịch sử, phải mang lại lợi ích văn hóa cho cộng đồng, mới là chơi cổ vật, chứ không phải cứ lao vào những món đắt tiền. Vì thế, ông liên tục mua cổ vật rồi liên tục hiến tặng lại cho các bảo tàng. Theo ông, thực chất, khi tặng – cũng như khi giúp các bảo tàng tổ chức trưng bày, là chúng tôi gửi di sản về với cuộc sống để mọi người chiêm ngưỡng, bổ sung kiến thức văn hóa truyền thống. Như vậy thì có gì phải tiếc!
Nguyễn Thanh Đạm – “Vua cổ vật” đồ đồng
Nguyễn Thanh Đạm, sinh năm 1952, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là “vua” đồ đồng miền Trung. Hiện ông đang sở hữu nhiều cổ vật bằng đồng, trong đó có 200 chiếc mâm đồng đúc liền với những tuyệt tác được chạm khắc hết sức tinh vi, điêu luyện; bộ tượng bằng đồng, chuông đồng, khánh đồng, lư hương, đèn… có niên đại hàng trăm năm.
“Vua” đồ đồng Nguyễn Thanh Đạm luôn ý thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc
Ông Đạm cho hay, gia đình ông có “vật gia bảo” lưu truyền qua 5 đời đó là những chiếc mâm đồng, lư hương mà bố ông trước khi mất có căn dặn: “Dù có đói, có chết, con cũng không được bán, đổi nó đi”. Cũng chính từ đó, trách nhiệm thiêng liêng đã đánh thức ông Đạm về việc gìn giữ, bảo quản và bổ sung thêm cho bộ sưu tập đồ đồng. Thời gian ông làm công nhân hóa chất ở Nghệ An, ngoài đồng lương ít ỏi, ông còn dành dụm tiền “săn lùng” cổ vật khắp mọi miền đất nước.
Tránh kẻ xấu đánh cắp, ông Đạm đã xếp gọn đồ đồng trong hòm sắt giấu kỹ trong hầm kín bởi hiện giờ, tường rào nhà ông không thể đảm bảo an toàn cho những hiện vật quý hiếm này.
Hơn 40 năm gìn giữ, sở hữu số lượng lớn bộ đồ đồng, ông Đạm rất tự hào và hãnh diễn về tài sản quý giá này. “Tôi không dám nói trong tay có tiền tỉ, hoặc hàng trăm triệu đôla. Tôi dám khẳng định rằng giá trị cổ vật đổi ra bằng tiền ít đại gia nào theo kịp tôi. Nhưng tôi không bao giờ bán hay đổi lấy một thứ gì”.
Hồ Tấn Phan – “Vua cổ vật” xứ Huế
Người dân xứ Huế gọi ông là “nhà nghiên cứu Huế”, hay “vua cổ vật”. Nhưng, ông chỉ nhận mình là “người tiên phong tìm đồ cổ trên dòng Hương Giang”… Ông “vua cổ vật” ấy là Hồ Tấn Phan, năm nay ngoài 70 tuổi, ở phường Phú Hiệp, TP Huế, người sở hữu một kho sách cùng hàng ngàn cổ vật quý có niên đại hơn 2.500 năm.
Ông Phan kể, cuộc hành trình đi tìm đồ cổ ấy khiến ông phải sớm chia tay với bục giảng. Năm 49 tuổi, cuộc truy tìm cổ vật được ông đầu tư công sức hơn bao giờ hết. Để có được những cổ vật như bây giờ, ông Phan phải săn lùng ở khắp nơi và nhiều khi bỏ ra số tiền lớn để có được cổ vật mong muốn.
Cổ vật mà mấy chục năm qua ông Phan cất công tìm kiếm đến giờ này đã chất đầy từ trong nhà ra đến ngoài vườn
Theo ông Phan, để sở hữu một kho tàng cổ vật không dễ chút nào. Riêng chuyện phải “đối phó” với những tay anh chị chuyên đi buôn đồ cổ đã rất khó khăn. Song, sau nhiều năm gắn bó với người dân vạn đò, khi vớt được thứ gì họ cũng đem bán cho ông với giá vừa phải.
Ông Phan khẳng định, mỗi khi tìm được cổ vật mới là ông phải thức ngày thức đêm để nghiên cứu giá trị của triết lý văn hóa và niên đại của cổ vật
Những cổ vật của ông được trưng bày khắp nơi, vì trong nhà không còn chỗ để nên ông đành để ngoài vườn. Ông Phan tiết lộ, hiện ông có nhiều loại cổ vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử và khoa học. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.
Ông Phan khẳng định, người chơi cổ vật không chỉ cần tiền, cần sự nhẫn nại mà còn cần cả cái duyên, cũng giống như trai gái yêu nhau, sống với nhau cũng cần cái duyên vậy.
Hoàng Văn Cường – “Vua cổ vật” Sài thành
Dòng máu của đại gia đình buôn bán đồ cổ giúp Hoàng Văn Cường sớm nhận biết giá trị của cổ vật. Từ rất sớm, ông đã đam mê thú chơi tao nhã nhưng đầy giá trị nhân văn trên. Những ngày còn làm thầu phế liệu, Hoàng Văn Cường có cơ hội được tiếp xúc với những bảo vật mà không phải ai cũng có thể nhìn ra giá trị không tưởng của chúng. Dần dần, Cường nhận ra rằng, trong đám phế liệu mình thu gom có những thứ không thể bán đi mà phải cất giữ.
Ông “vua” đồ cổ cùng chiếc long sàng dành cho vua chúa thời Nguyễn
Khi căn nhà nhỏ 3 tầng trên phố Đông Du, (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) của ông chật cứng cổ vật, ông mua một căn nhà mới ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh để lưu giữ cổ vật ở đó. Hiện căn nhà này đang chứa tới 2.000 cổ vật. Các món cổ vật gốm sứ, từ những vật dụng bé ly ti đến kích thước lớn đều có tuổi thọ lên đến cả mấy ngàn năm. Ngoài ra, còn có những tượng phật, ống điếu, bình vôi và vô số ngọc ngà châu báu vô giá như cành vàng lá ngọc, ngọc bội, bình ngọc, có tuổi đời không dưới mấy trăm năm.
Ông thường tâm niệm: “Cổ vật là những di sản văn hóa ngàn đời của dân tộc. Nó không phải để bán mà để ngưỡng vọng, lưu giữ như một minh chứng cho nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Căn nhà của ông bây giờ trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, trong đó có cả những vị nguyên thủ quốc gia của các nước.
Trần Quốc Đoàn – “Vua cổ vật” miền Tây
Giới chơi đồ cổ gọi Trần Quốc Đoàn, người đang sở hữu hàng trăm món đồ cổ quý giá là “Vua bình vôi cổ đất miền Tây”. Đặc biệt, ông có bộ sưu tâp bình vôi cổ độc nhất vô nhị.
Ở tuổi 54, ông Đoàn như một nhà nghiên cứu về các các món đồ cổ đủ loại: từ bình đất nung cho đến gốm men xanh, nâu, vàng, trắng, từ bình Bát Tràng cho đến bình Trung Quốc, bình Chăm,…
Hiện nay bộ sưu tập “ông bình vôi” của ông Đoàn có trên 230 cái với đủ loại kích cỡ, màu sắc và chất liệu, hầu hết được sản xuất từ thế kỷ 18 và 19 ở Việt Nam, Trung Quốc, Chăm, Khmer,… Hầu hết các “ông bình vôi” đều có quai xách, được chạm vẽ họa tiết nhiều loài hoa, long, lân quy, phụng, hổ,… Bình vôi nào cũng có cái miệng để đổ vôi vào và lấy vôi ra ăn bằng cây chìa vôi (được làm bằng đồng, phía trên có nút gù, vừa để cầm, vừa để bịt kín miệng bình vôi không cho gió lọt vào làm đông vôi).
Ngoài ra, ông Đoàn còn sở hữu trên 100 tấm Sắc phong là những tấm văn bản do vua chúa triều Nguyễn phong thưởng cho các vị quan thần, bộ men Lâm Quế trên 100 món gồm: tô, chén, đĩa, tách,… có từ thời vua Gia Long, cùng vài trăm món cổ vật khác từ các loại chóe rượu, bình hoa, mặt rồng, đèn Tây.
Ông Đoàn chỉ có một nguyện vọng là sưu tầm và lưu giữ lại những cổ vật, kỷ vật gia truyền của người Nam Bộ xưa, góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống để con cháu thế hệ sau này biết đến.
Nguồn: baomoi.com