Tag Archive | gốm sứ Lý Trần

Gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 2)

Gốm men trắng trên hiện vật bát, đĩa, chén:

Bát: Men trắng xám đường kính 16,5 cm, cao 6 cm, gờ miệng viền tròn, đế nhỏ, đáy lõm để mộc, trong lòng in nổi hoa lá và 5 dấu kê. Lại có bát men trắng xám, đường kính miệng 21 cm, cao 9,5 cm, gờ miệng vê tròn, thành ngoài chia múi hình cánh sen, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi rồng mây và hoa lá.

Chén: Có nắp gồm 3 chiếc dính nhau, 3 nắp chén cũng dính nhau, cao 4,7 cm. Trên mặt nắp chạm khắc 3 hình chim phượng bay, khuôn trong viền tròn, trên thân và nắp đắp nổi bông hoa nhỏ, lòng và đáy để mộc, men trắng ngà đã bong nhiều chỗ. Có lẽ đây là một loại chén thờ.

Đài sen: Men trắng xám cao 14 cm, đường kính miệng 11,5 cm cũng là một loại hình hiếm gặp. Cấu tạo đài sen gồm nhiều phần với miệng hình đĩa, lòng phẳng khắc hoa lá không men, xung quanh chạm nổi 4 băng cánh sen, chân cao hình con tiện nhiều cấp.


Đĩa sen:

Đều thuộc loại đồ thờ, lòng phẳng khắc hoa văn trang trí, không phủ men, thành ngoài chạm nổi 2 – 3 lớp cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ. Đĩa sen men trắng ngà, cao 2,3 cm, đường kính miệng 9,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một cành hoa lá sen không men, thành ngoài chạm 2 băng cánh sen nổi.

Có đĩa sen khác lớn hơn, cao 5,8 cm, đường kính miệng tới 15,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một hình rồng Lý và 2 cành lá cùng một băng hình xoắn. Thành ngoài chạm khắc 3 băng cánh sen. Chân đế cao, trổ thủng ô hình chữ nhật, chạm khắc những hình “em bé của thế giới cực lạc” với tư thế 2 chân quỳ, 2 tay nâng, đầu nghiêng. Đây là loại đĩa sen có kiểu dáng và trang trí tương tự loại đĩa sen gốm hoa nâu và đĩa sen men xanh lục.

Đĩa: Men trắng ngà cao 4 cm, đường kính miệng 14,8 cm, miệng loe, gờ uốn, thành vát, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi băng văn mây hình khánh với dải đuôi cong nhọn và 5 dấu kê.

Khuôn đúc: Ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, trước đây đã tìm thấy những khuôn đúc bằng gốm men trắng, có cả phần lõi và vỏ. Khuôn có vỏ hình hộp tròn, lõi hình bông hoa 6 cánh hay 8 cánh, in nổi hình rồng Lý và hoa chanh 4 cánh. Phần trong vỏ khuôn và lõi đều không men. Những khuôn gốm này chỉ cao 1,5 cm – 2 cm và đường kính từ 5,7 cm – 7,1 cm, nhưng hoa văn rồng và hoa chanh đều rất tinh xảo.

Gốm men trắng trên hiện vật Liễn, thạp, thủy chùy:

Liễn: Gốm men trắng có nắp tạo dáng hình quả dưa, thân chia múi nổi. Nắp liễn có chỏm hình búp sen. Trên nắp và vai chạm khắc băng cánh sen nổi và 6 núm ngang, cùng một băng các bông hoa tròn. Liễn men trắng ngà hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một đại diện tiêu biểu cho loại hình gốm men trắng, xương gốm mỏng, được lọc luyện kỹ, men phủ trắng ngà, lớp cánh sen nổi cũng là điển hình của phong cách trang trí thời Lý.

Thạp: Gốm men ngà rạn, hiện do Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, cao 37,5 cm, đường kính miệng 22 cm, có kiểu dáng giống như thạp gốm hoa nâu. Thạp có gờ miệng vát, vai xuôi, thân hình trụ trên to dưới nhỏ. Vai chạm khắc băng cánh sen nổi, cánh to xen nhỏ và 5 núm ngang, thân khắc chìm 2 băng sen dây kiểu hoa bổ dọc, các cặp cánh đối xứng.

Thủy chùy: Men ngà xám, là loại dùng đựng nước rửa bút lông sau khi viết, chỉ cao 4,5 cm và đường kính miệng 3,6 cm. Thủy chùy tạo hình một bông sen nở với 4 lớp cánh nổi, chân đế loe, đáy mộc.

Gốm men trắng trên các hiện vật khác:

Những đồ gốm men trắng thời Trần đã gặp các kiểu dáng tương tự thời Lý, ngoài ra còn thấy bình men trắng ngà, miệng loe, cổ cao, thân dáng choé, cổ có băng hoa nổi, viền đế tô men nâu, cao 40,6 cm, đường kính miệng 20,3 cm. Hũ có nắp, trang trí nổi băng cánh sen, vòng tròn nhỏ và 4 núm ngang với đặc trưng của hoa văn thời Lý – Trần.

Thống: Gốm men trắng ngà, hiện do Bảo tàng Nam Định lưu giữ, cao 45 cm, đường kính miệng 26,5 cm, gờ miệng tròn, thân tạo dáng bông hoa cúc, đáy bằng để mộc. Trên vai đắp nổi 2 băng cánh sen.

Trong các di tích, phế tích khai quật được ở khu vực thành Thăng Long, phần lớn chỉ là những mảnh của các loại đồ gốm gia dụng, ít gặp những tiêu bản nguyên lành. Song, đó chính là chứng tích về cuộc sống của con người thời Lý – Trần, cũng như những bằng chứng đích thực về dòng gốm men trắng dưới thời Lý-Trần. Gốm men trắng thời Lý – Trần có thể xem như dòng gốm bạch định ở Việt Nam và rất khác biệt so với Trung Quốc bởi xương gốm dày, thô, men không sáng bóng.

Các khu vực sản xuất gốm men trắng:

Khu vực sản xuất gốm men trắng có lẽ là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội. Gốm men trắng thời Lý thường được phủ dày và có màu trắng như nước gạo nếp nhưng sang thời Trần phổ biến là màu trắng ngà, lớp men mỏng không còn độ sâu lắng như trước nữa.
Gốm men trắng ngà thời Lý – Trần cũng chính là động lực cho sự phát triển đặc biệt của gốm men trắng thời Lê Sơ với những sản phẩm trang trí nổi hình rồng, phượng hay dây hoa lá,…. Gốm men trắng thời Lý-Trần đóng góp những minh chứng mới lạ về truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đồ gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 1)

Gốm men trắng cùng các loại men khác tạo nên sự độc đáo của gốm thời Lý Trần:

Bên cạnh loại đồ gốm đất nung mang tính chất trang trí kiến trúc, thời Lý –Trần còn có nhiều loại hình thuộc các dòng gốm men khác như gốm men trắng, men ngọc, men nâu mà phần lớn là đồ gia dụng. Đây chính là loại sản phẩm lưu hành rộng khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của các tầng lớp cư dân, từ cung đình đến bình dân. Những đồ gốm này cũng thể hiện một trình độ cao, tiêu biểu về kỹ thuật cũng như chất lượng mỹ thuật trong khâu tạo hình và trang trí của nghề gốm ở nước ta.

Tại kinh thành Thăng Long, bên cạnh những lò gốm chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc còn có những lò gốm sản xuất đồ gốm men. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày nhiều loại phế vật lò gốm, trong đó có nhiều chồng dính bát đĩa gốm men ngọc, men trắng và nâu. Dựa trên các hiện vật đã thu thập được, có xuất xứ từ các di tích của thành Thăng Long, chúng ta hãy cùng xem về dòng gốm men trắng độc đáo này.

Gốm men trắng ngà:

có thể coi là một dòng gốm đặc sắc, loại hình và trang trí có nhiều trường hợp tương đồng với loại men nâu và men ngọc, niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Loại hình chính gồm có ấm, bát, bình, chén, đài sen, đĩa, khuôn đúc, hũ, lọ, liễn, thạp, thống,… Hoa văn trang trí thể hiện kết hợp giữa chạm đắp nổi và khắc chìm. Đề tài trang trí phổ biến có băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, băng hoa nổi, rồng giun uốn khúc kiểu thắt túi, hoa dây, hoa chanh, hình tháp, tiên nữ, phượng, sóng nước, vòng tròn nhỏ, vạch đứng song song, mây hình khánh.

Những đại diện tiêu biểu là loại ấm rượu men trắng ngà, cao 21,1 cm, miệng viền tròn, thân chia múi hình cánh hoa, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen đều đặn, cánh to xen cánh nhỏ.

Ấm rượu khác lại có dáng quả dưa, cao 20,4 cm, miệng loe cổ eo cao tạo nhiều ngấn, vòi ngắn, vai đắp nổi cánh sen, thành ngoài chạm khắc chìm hoa dây và chạm nổi băng sóng nước quanh chân, đáy lõm để mộc, men ngà rạn. Đây cũng là một trong số mẫu ấm thời Lý kết hợp tài khéo giữa tạo dáng và trang trí.

Chiếc ấm rượu khác lại có nắp đầy đủ, cao 22 cm, nắp có chỏm búp sen, còn ấm có gờ miệng tròn, thân hình cầu, đáy mộc, chân tạo ngấn con tiện, vòi ấm hình đầu rồng, quai hình chim vẹt, nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

Ấm trà chất liệu gốm men trắng ngà:

Chiếc ấm trà nhỏ thể hiện dáng tròn dẹt, cao 11,3 cm, thân tạo 8 múi nổi, chắc khoẻ tựa dáng quả bí ngô, vai và nắp chạm nổi băng cánh sen, men phủ trắng ngà. Cũng có loại ấm rượu với kích thước nhỏ, chỉ cao 7,6 cm, có miệng uốn, thân chia 8 múi dọc, chân đế thấp và rộng, vòi ngắn, quai hình chim vẹt, vai đắp nổi băng cánh sen, men trắng ngà.

Ngoài các dáng ấm kể trên còn xuất hiện loại ấm đặc biệt, tương đồng với ấm gốm hoa nâu cùng thời. Loại ấm này được tạo dáng giống như ghép một đĩa cao chân với một bát sâu lòng. Miệng ấm hình đĩa, cổ cao hình trụ với các đoạn hình đốt trúc, thân chia múi tạo hình bông sen nở, các đầu cánh vượt lên vai, uốn cong đều đặn. Vòi cao, quai cong hình khuyên, mặt nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

 

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

9 điều cơ bản cần biết về dòng gốm hoa nâu

1. Gốm hoa nâu được các chuyên gia gốm sứ thống nhất để mô tả một loại đồ gốm có trang trí hoa văn bằng men mầu nâu.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

 2. Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dầy, xương gốm thô và nặng được nung từ 1000 đến 1300 độ C.

3. Xuất hiện từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) nhưng phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

4. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn mầu nâu trên phần đã được cạo, hay vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền rồi đem nung.

5. Hai nơi sản xuất gốm hoa nâu chính là ở vùng Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng Thành Thăng Long.

6. Đề tài trang trí chủ đạo là sóng nước và hoa sen.

7. Nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu được vẽ theo lối tả thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh tư tưởng của thời đại.

Mảnh thạp trang trí cảnh tập luyện võ nghệ thời Trần

 8. Vào cuối thời Trần sang đầu thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện loại gốm vẽ màu nâu lên xương gốm sau đó mới phủ men.

 

9. Là dòng gốm được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, được xem là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới.

Những loại cổ vật Việt Nam là duy nhất trên thế giới

Jean Francois Hubert, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, cổ vật Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam, văn hóa Chămpa… đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cổ vật Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn về Việt Nam, ông Hubert cho biết: “Tôi vô cùng ấn tượng về đồ gốm Việt Nam. Những chiếc ấm, thạp thời Lý – Trần hay bình vôi, chum, hũ thời Lê… cả hình dạng, phong cách, họa tiết trang trí thì không lẫn vào đâu được. Tôi thường nói đùa những đồ vật này là 300%, thậm chí 500% là cổ vật Việt Nam, với nhiều đặc trưng mà đồ gốm các nước khác, kể cả Trung Quốc không hề có. Những dấu hiệu trên những cổ vật ấy mang dấu ấn của hội họa trừu tượng. Cách đây 10 thế kỷ mà người Việt đã nghĩ ra những họa tiết như vậy thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, những đồ gốm thời Lý – Trần là tuyệt tác. Văn hóa Đông Sơn độc đáo và duy nhất trên thế giới, xứng đáng để chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trong khi đó, người Trung Quốc khi viết về văn hóa Đông Sơn thì thường xem nền văn hóa này như một bộ phận của văn hóa Quảng Tây. Phía Trung Quốc, vẫn có những cuộc triển lãm về đồ Đông Sơn của Việt Nam và ghi chú giải thích bên dưới đó là thuộc văn hóa Trung Quốc. Theo tôi, nền văn hóa này là của Việt Nam 100%”…

* Thưa ông, cổ vật ở Việt Nam hiện đang thật giả lẫn lộn, không chỉ đồ giả mà còn làm giả trên chính đồ thật. Là một chuyên gia, ông làm thế nào để phát hiện sự thật – giả này? Có cách nào để phòng tránh?

Ở Việt Nam, một số thợ gốm ở Bát Tràng, thợ điêu khắc đá ở Đà Nẵng hay thợ đúc đồng ở Thanh Hóa… làm đồ giả cổ rất giỏi. Họ phỏng theo đồ thật và làm đồ giả giống như thật. Có trường hợp ở Thanh Hóa, người ta làm đồ giả cổ, phết thêm một lớp “ten” đồng của đồ thật ở bên ngoài rồi hô hoán đào được trong lòng đất, rồi có người đứng ra làm chứng hẳn hoi… Thật ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có chuyện làm giả như vậy chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Muốn phân biệt thật – giả trước tiên phải xem xét dấu vết thời gian đọng lại trên hiện vật. Công việc này chúng tôi làm hằng ngày và trong nhiều năm nên đã đúc rút thành kinh nghiệm để nhận diện. Muốn giám định đúng hiện vật phải thường xuyên tiếp cận, cọ xát từ ngày này sang ngày nọ, rất cần mẫn, công phu và mất nhiều thời gian. Với nghề này, càng tiếp cận nhiều với hiện vật càng dễ đi đúng hướng.

Thật ra trên thế giới chỉ có khoảng năm hay sáu người thật chuyên, thật giỏi, có thể hiểu được tường tận một số đồ vật. Nhưng trên thế giới cũng có những kẻ lừa đảo rất giỏi, có thể tồn tại trong nghề giả cổ này đến 20 năm.

Tôi học được rất nhiều từ những nhà sưu tập Việt Nam. Họ khá lạ, có người trong 20 năm ròng chỉ mân mê đồ vật mà tích lũy kinh nghiệm chứ không học từ sách vở hay trường lớp nào như các nhà giám định ở phương Tây. Lâu ngày tự nhiên có kiến thức, phân biệt rất già dặn. Họ kinh nghiệm đồ đồng Đông Sơn thật sẽ rất nhẹ. Còn tượng Chămpa thật nếu búng vào thì có tiếng “lanh canh, long cong”. Chỉ cần nhấc một tượng Phật gỗ Phù Nam lên, người giỏi biết ngay thật – giả.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới có nhiều đồ giả mà ngược lại phương Tây còn nhiều hơn. Thực trạng cổ vật ở Việt Nam cho thấy đó là một gia tài đồ sộ, và nghiên cứu của chúng ta về gia tài này thì chưa tới đâu.

* Ông có lời khuyên nào đối với người chơi cổ vật Việt Nam?

Nếu lao vào cuộc chơi này trước tiên nên tin tưởng ở mình và tự học, nên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với hiện vật. Nên đến các phòng triển lãm hoặc viện bảo tàng để xem và sau đó là tìm sách để đọc. Ở Việt Nam có nhiều cuốn sách viết về cổ vật rất tốt, nhiều công trình biên khảo về đồ gốm rất có giá trị.

Người chơi cũng nên chọn thái độ lương thiện, liêm sỉ trong cuộc chơi, vừa nhũn nhặn để học tập, nuôi cho mình sự đam mê mới đi được xa. Theo tôi, phải mất ít nhất 15 năm mới biết mình có trụ vững trong nghề hay không. Tất nhiên, khi đạt đến trình độ bình phẩm về cổ vật mới được coi là người có nghề. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu trong một thời gian dài.

Ngày xưa Henri Parmentier khởi đầu bằng việc khai quật ở Mỹ Sơn. Xem lại những cuộc khai quật tương tự, so với thế giới thì đúng là nước Pháp đi trước các nước khác cả 30 năm nhưng sau đó thì chững lại. Những viện bảo tàng Pháp sau những bước đi đầu rất đẹp, chỉ ôm khư khư những hiện vật cổ, cho đến nay chậm hơn không dưới 30 năm so với nhiều bảo tàng trên thế giới.

Từng có những sự kiện chấn động ở Pháp khi một chuyên gia về Chămpa công bố những khám phá mới và được giới nghiên cứu lắng nghe. Nhưng sau đó mới lòi ra đó là những món đồ sao chép khiến người ta rất hoang mang. Vì thế, nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết trong một thời gian dài mà không sờ đến hiện vật sẽ không phân biệt được thật – giả và sẽ có nhiều lỗ hổng trong giám định…

* Người Việt Nam đang có xu hướng giảm chơi đồ gốm Trung Quốc mà chuyển sang chơi đồ gốm Việt Nam. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Trước tiên phải thừa nhận đồ gốm Trung Quốc số lượng rất lớn và có lẽ mang một “thiên chức vương giả”. Đồ càng đẹp, càng uy nghi thì người Trung Quốc càng trọng. Trong khi đó người Việt Nam và Nhật Bản khi xem xét hiện vật thường có khuynh hướng nhân văn hơn, thường đặt trong một bối cảnh có nhiều mối tương quan với đất đai. Gặp những món đồ có vết rạn, người Trung Quốc thường vứt bỏ.

Người Việt Nam và Nhật Bản thì giữ lại. Họ thấy trong đó có hình ảnh, tiếng nói của đất. Tôi cảm thấy người Pháp chúng tôi cũng có tương quan về đất đai như thế nhưng ở tầm mức ít sâu sắc hơn. Điều này không hiểu sao ở người Việt lại mãnh liệt đến mức kỳ lạ. Theo tôi, trong 30 năm tới đây xu hướng này sẽ rõ nét hơn, và giới sưu tầm trên thế giới sẽ nghiêng hẳn về xu hướng này.

* Ở Việt Nam mới chỉ có các cuộc đấu giá cổ vật nghiệp dư và tự phát. Theo ông, vì sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá cổ vật? Phải chăng do luật pháp không đầy đủ, do người Việt không có kinh nghiệm hay do sức hút của thị trường kém?

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Philippines… cũng không có sàn đấu giá. Đấu giá cổ vật là một sự bảo đảm tính thật – giả rất tốt cho hiện vật. Nhưng chính vì tính phức tạp và cơ chế đấu giá cổ vật ở Việt Nam chưa rõ ràng cho nên người ta chưa tổ chức được. Trong cuộc bán đấu giá không thể phỉnh gạt, làm mờ mắt ai được. Đem một cái thố ra bán phải kèm theo bảo hiểm, rồi phê bình, miêu tả rất đầy đủ, từ xuất xứ, niên đại, tính chất, đặc điểm, rồi định giá…

Điều tôi thích ở các cuộc đấu giá là mọi chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ kẻ bán người mua cho đến giá cả, sự thật – giả… Chính vì vậy mà cuộc đấu giá có nhiều thủ tục phức tạp khiến nó chưa thể thực hiện ở Việt Nam. Các hãng đấu giá lớn trên thế giới cũng từng gặp những phiền toái như thế.

Có trường hợp khách hàng đưa 10 hiện vật đến hai hãng Christie’s và Sotheby’s để đấu giá. Qua thẩm tra, khảo cứu, các hãng đấu giá chỉ chọn được hai món để đưa ra đấu giá và cất đi tám món. Sau đó, hãng đấu giá trả lời rất khéo rằng họ chỉ bán được hai món. Vì thế, đôi khi những người có cổ vật bị từ chối thì sinh lòng trách giận hãng đấu giá.

* Dự đoán của ông về thị trường đấu giá cổ vật của Việt Nam?

Tôi chưa nhìn ra được thị trường này, kể cả trong nhiều năm nữa. Hai hãng đấu giá lớn là Christie’s và Sotheby’s đã suy nghĩ về việc này hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới khởi đầu trong một vài năm gần đây. Muốn làm được điều này sẽ phải vượt qua nhiều quy định rất phiền phức của chính quyền sở tại. Rồi hiện tượng dối trá, lọc lừa.

Người ta ít khi nghĩ đến những khoản lợi nhuận vô cùng lớn mang lại cho quốc gia nếu làm được điều này mà cứ nghĩ đây là trò tiêu khiển của một nhóm người, do đó chưa đặt sự việc đúng tầm mức.

Việt Nam các bạn tương tự Pháp và Ý, là những xứ sở có nền văn hóa rất cao. Những giá trị của nền văn hóa như thế này là độc nhất vô nhị. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết người Việt Nam có nhận ra được điều đó không. Tôi nghĩ người Việt Nam bây giờ phải nghĩ cách tái chinh phục văn hóa của nước mình. Có thể nói văn hóa Việt Nam như khoáng sản, chẳng khác dầu mỏ mà chưa ai biết cách khai thác để làm giàu.

* Theo ông, vị trí và giá trị của cổ vật Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?

Trên thị trường thế giới, cổ vật Việt Nam không được quan tâm như hội họa, vốn có vị trí cao và đang tiếp tục vươn lên. Cổ vật Việt Nam, những đồ Đông Sơn có tiếng tăm cũng chưa nhiều, đó là chưa kể những cổ vật đích thị của Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc nhìn nhận của họ. Từ những năm 1995 – 1996 tôi có tổ chức một số triển lãm và đấu giá cổ vật Việt Nam, nhưng giá cả nhìn chung không cao lắm. Trong khi đó, vị trí và giá cả của hội họa Việt Nam đã tăng lên cao trong tổng thể hội họa châu Á.

Nguồn: Cuộc phỏng vấn do THÁI LỘC – TRẦN ÐỨC ANH SƠN thực hiện

Tg: Chắc chắn nội dụng cuộc phỏng vấn sẽ gợi cho các chuyên gia, những người chơi và yêu thích cổ vật Việt Nam nhiều suy ngẫm…

Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần

Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..

Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế

Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.

Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo

Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.

Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát