Tag Archive | Gốm Chu Đậu

Kho cổ vật trong 9 con tàu đắm

Hơn 4.000 cổ vật quý còn nguyên vẹn từ 9 con tàu đắm trên khắp các vùng biển Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế và du khách.

Kho cổ vật trong 9 con tàu đắm

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh ngày 19-6, Quảng Ngãi trưng bày “kho cổ vật” của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam.

Continue reading

‘Bí mật đại dương’ từ những con tàu cổ

500 món đồ cổ niên đại thế kỷ 15-18, trục vớt từ tàu đắm trên Biển Đông, được trưng bày tại Hà Nội.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Sáng 18/1, 500 vật phẩm có niên đại từ thế kỷ thứ 15 đến 18, từ kho tàng di vật đồ gốm sứ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, HN) với nội dung “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ”. Đây là hàng hoá trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông Việt Nam, là minh chứng Việt Nam từng giữ vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế vào thời hoàng kim của “Con đường tơ lụa” trên biển.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Tranh cuốn “Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng”. Tranh được vẽ vào thời Edo, thế kỷ 17-18, miêu tả cảnh Châu ấn thuyền từ Nagasaki (Nhật Bản) vượt biển sang thương cảng Hội An (Quảng Nam) buôn bán. Bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Nhật Bản.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Đồ gốm, hàu, san hô đã dính chặt vào mảnh thân tàu thế kỷ 15, con tàu được phát hiện tại Cù Lao Chàm.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là hiện vật có kích thước lớn nhất và nguyên vẹn nhất được khai quật trong tàu đắm tại Cù Lao Chàm. Chiếc bình đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012. Thời điểm phát hiện, con tàu nằm ở độ sâu 70-72 m dưới biển. Phần thuyền còn lại dài 29,4 m, rộng 7,2 m. Việc khai quật được tiến hành trong 3 năm (1997-2000) với 240.000 hiện vật được trục vớt.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Gốm men trắng và nâu thế kỷ 15, trong tàu cổ Cù Lao Chàm.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Sọ phụ nữ khoảng 18-19 tuổi và chiếc nhẫn vàng mặt đá ruby thế kỷ thứ 15 của tàu cổ Cù Lao Chàm.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Đĩa trang trí long mã làm từ gốm men trắng hoa lam và nhiều màu thế kỷ 15 trên tàu cổ Cù Lao Chàm.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Gốm men trắng thế kỷ 18 trên tàu cổ Cà Mau.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Gốm sứ Thái Lan trong tàu cổ Hòn Dầm. Tàu được phát hiện tại biển Hòn Dầm, khu vực gần đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Các nhà khảo cổ đã tìm được khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan vùi dưới cát, nằm sâu dưới mực nước biển 40 m trên vùng biển. Thân tàu còn lại khoảng 30 m, rộng 7 m. Các nhà khoa học đã khai quật được đồ sành men nâu, ngà voi, đồ uống, tiền đồng cổ. Gốm Thái Lan được sản xuất tại lò Suphanburi và lò Sawankhalok vào khoảng thế kỷ 15.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Lọ trang trí hoa lá, sứ men trắng hoa lam, thế kỷ 17 của tàu cổ Hòn Cau. Tháng 6/1990, tàu cổ Hòn Cau được trục vớt cách đảo Hòn Cau (Bình Thuận) 15 km. Tàu chìm sâu dưới cát gần 1 m, cách mặt biển 40 m. Tàu dài khoảng 32,7 m, rộng 9 m. 60.000 hiện vật được vớt chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc có niên đại 1690. Đây là chuyến tàu chở gốm sứ do phương Tây đặt hàng nên màu sắc, hình dáng, trang trí khác lạ so với phong cách truyền thống. Nhiều chủng loại mang đường nét mỹ thuật Baroque, phỏng theo các mẫu đồ dùng hàng ngày như ấm rượu, ly chân cao bằng bạc, nhôm hay pha lê quen thuộc của người Châu Âu. Ngoài đồ gốm sứ tráng men, trắng vẽ lam còn có những loại bát đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng sứ trắng sản xuất ở lò Đức Hoá, tỉnh Phúc Kiến.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Đĩa, lọ, bát, bình bằng gốm men trắng, gốm men lục, men đen, vàng, nhiều màu trên tàu cổ ở Hòn Cau, Bình Thuận.

'Bí mật đại dương' từ những con tàu cổ

Di chỉ Chu Đậu được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX, thuộc xã Thái Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương). 2.400 hiện vật trên tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An) đều có nguồn gốc từ làng gốm này, minh chứng Việt Nam từng có trung tâm gốm phát triển hưng thịnh cuối thế kỷ 15. Cuộc trưng bày sẽ kéo dài từ 18/1 đến 18/5.

Ngọc Thành

Nguồn: https://vnexpress.net/thoi-su/bi-mat-dai-duong-tu-nhung-con-tau-co-3870069.html

Trưng bày chuyên đề “Bí Mật Đại Dương – từ những con tàu cổ”

Gần 500 hiện vật niên đại thế kỷ XV-XVIII hiện diện trong trưng bày chuyên đề “Bí mật đại dương- từ những con tàu cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng nhiều trải nghiệm thú vị, bất ngờ.

Bình hoa lam vẽ thiên nga (Bảo vật quốc gia); Tượng nữ quý tộc; Đĩa men trắng, vẽ lam (Gốm, thế kỷ XV), khai quật Tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam 1997- 2000

Những di vật đồ gốm sứ này chính là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông Việt Nam, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Trưng bày dự kiến mở cửa ngày 18.1.2019 tại BTLSQG.

Báu vật từ đi dương huyền bí

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG, đã gần 30 năm kể từ khi con tàu đầu tiên – Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, đến nay, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng Biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam. “Có những vùng biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Châu (Quảng Ngãi) như những “nghĩa địa” tàu đắm, chỉ tại một địa điểm nhỏ đã có dấu tích của hàng chục tàu cổ dưới lòng đại dương. Nhưng đến nay mới có 5 con tàu cổ được Bảo tàng nghiên cứu, khai quật, đem lại nhiều tài liệu, hiện vật vô giá ”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ tháng 11.2017 – 4.2018, BTLSQG và Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức trưng bày “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Mokpo và Pusan (Hàn Quốc). Nhằm tiếp tục giới thiệu những di sản biển Việt Nam, trưng bày “Bí mật đại dương- từ những con tàu cổ” sẽ được tổ chức tại BTLSQG (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gần 500 hiện vật vốn là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại khu vực Biển Đông Việt Nam sẽ giới thiệu khái quát nhất về thành tựu khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, về những đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam và các nước châu Á và về “con đường tơ lụa” trên biển. Theo TS Nguyễn Văn Cường, trưng bày không chỉ cuốn hút từ tên gọi mà qua từng hiện vật, công chúng đều có cơ hội khám phá những báu vật vô giá dưới đáy đại dương huyền bí. Lần đầu tiên trong một không gian được thiết kế công phu, trưng bày về kho báu dưới đáy biển sẽ xuất hiện trong bốn chủ đề gồm: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển và Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam.

“Chủ đề điểm nhấn Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam sẽ mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ với vô số hiện vật đắt giá, ẩn chứa những giá trị khó có thể đong đếm. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời…”, ông Cường nhấn mạnh.

Chiêm ngưỡng gì trên những con tàu cổ?

Tại cuộc trưng bày, lần đầu tiên du khách có cơ hội chiêm ngưỡng một khối lượng vô cùng đồ sộ những hiện vật gốm sứ trong các tàu cổ Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Cà Mau. Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Nhân vật chính trong câu chuyện về kho báu dưới đáy đại dương được khắc họa tại trưng bày chính là gần 500 hiện vật gốm sứ được khai quật từ các con tàu cổ. Tư liệu phong phú, với nhiều hiện vật đặc sắc nhất là tàu cổ Cù Lao Chàm, niềm tự hào khảo cổ học dưới biển của Việt Nam. Trong khi đó, tàu cổ Hòn Cau lại có nguồn tài liệu rất hạn chế”.

Với 240.000 di vật, hiện vật đa dạng được trục vớt, khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm có thể nói đã mang đến cho kho tàng của BTLSQG một khối lượng lớn hiện vật giá trị. Tàu cổ Cù Lao Chàm được khai quật dưới nước từ năm 1997 – 2000. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã khai quật được 11 bộ hài cốt của thương nhân và thuyền viên trên tàu. Bên cạnh đó, đồ gốm sứ Việt Nam được phát hiện trên con tàu rất đa dạng về loại hình, men và hoa văn trang trí, bao gồm đồ gốm hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng, men nhiều màu, men nâu… Dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật nung, hoa văn trang trí có thể thấy được đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV mang những đặc điểm khác biệt so với gốm sứ Trung Quốc đương thời.

Trong tàu cổ Bình Thuận (khai quật năm 2001- 2002), kết quả khai quật đã thu được hơn 60.000 hiện vật, đa số là đồ gốm sứ hoa lam, một số lượng đáng kể là đồ sứ vẽ nhiều màu trên men. Những điều biết được từ hàng hóa gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận xác nhận sự lan toả của đồ gốm sứ thời Minh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia của BTLSQG, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều đồ gốm Thái Lan tại các khu vực di tích tàu cổ thuộc vùng biển Việt Nam. Tại di tích tàu cổ Hòn Dầm, có khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan vùi dưới cát, nằm sâu dưới mực nước biển 40 mét đã được tìm thấy. Các nhà khoa học cũng khai quật được đồ sành men nâu, ngà voi, đồ đồng, tiền đồng cổ. Trong số các mẫu vật là tiền đồng cổ phát hiện được tại đây có tiền “Vĩnh Lạc Thông Bảo” (1403 – 1424) của Trung Quốc, một tư liệu quan trọng giúp cho việc xác định niên đại của tàu cổ Hòn Dầm.

Tàu cổ Cà Mau được khai quật ở độ sâu 35m và chỉ còn dấu vết chiều dài khoảng 24m và rộng gần 8m; số lượng cổ vật thu gồm hơn 60.000 đơn vị, tính cả số lượng từ các nguồn khai thác trái phép bị thu giữ thì lên tới gần 130.000. Nhiều nhất là đồ gốm sứ men trắng vẽ lam và kết hợp vẽ nhiều màu, sản xuất tại Trung Quốc vào đời Ung Chính (1723-1735). Đề tài hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ tàu cổ Cà Mau rất phong phú, thể hiện bằng các kỹ thuật in khuôn, khắc, vẽ lam dưới men, vẽ màu trên men và sự kết hợp các kỹ thuật và hình thức khác nhau.

“Báu vật” khai quật trong tàu cổ Hòn Cau gồm trên 60.000 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Quốc. Đây là chuyến hàng gốm sứ Trung Quốc, sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của phương Tây nên hình dáng, sắc màu và lối bố cục trang trí có nhiều loại, khác lạ so với phong cách truyền thống. Ngoài đồ sứ men trắng vẽ lam còn có những loại bát, đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng sứ trắng sản xuất ở lò Đức Hóa tỉnh, Phúc Kiến.

Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết thêm, ba chủ đề lớn khác ở trưng bày gồm: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển cũng được bài trí đầy cuốn hút với khối lượng hiện vật lớn và độc đáo. Đáng chú ý, từ những tài liệu, hiện vật vô giá này, giới khoa học và công chúng sẽ có cơ hội nắm bắt những nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Bởi dưới đáy biển Việt Nam cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước.

TS Phạm Quốc Quân khẳng định, đây là cuộc trưng bày chuyên sâu đầu tiên có khối lượng hiện vật gốm sứ đồ sộ được khai quật từ những con tàu cổ trên vùng biển Việt Nam. “Chúng ta đang bảo quản, lưu giữ những kho tàng báu vật được đưa về từ đáy đại dương; những trưng bày công phu như thế này sẽ là cơ hội vô cùng hiếm hoi để du khách vừa chiêm ngưỡng, vừa khám phá những bí ẩn vốn bị chìm sâu dưới đáy biển từ nhiều thế kỷ trước”. 

 HOÀNG VY

Nguồn tin: baovanhoa.vn

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản

Gốm sứ cổ Việt Nam có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là do các nhà sưu tầm cổ vật hoặc các bảo tàng nước ngoài sưu tầm thông qua các hình thức mua bán, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trong khoảng 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, gốm sứ cổ Việt Nam hiện diện ở Nhật Bản có sự khác biệt. Đó là gốm sứ khai quật được trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và gốm sứ được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản mua về để sử dụng trong nghi thức trà đạo trong từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.

Hũ gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15, khai quật ở di tích thành Nakijin, tỉnh Okinawa.

* Gốm sứ Việt trong các di chỉ khảo cổ Nhật Bản 

Năm 2013, khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Quan hệ giữa Đàng Trong Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII” do Sumitomo tài trợ, tôi đã đi đến các trung tâm nghiên cứu khảo cổ học và các di chỉ khảo cổ ở nhiều thành phố của Nhật Bản như: Sakai (phủ Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Dazaifu (tỉnh Fukuoka), Nagasaki (tỉnh Nagasaki), Machida (thủ đô Tokyo)… để nghiên cứu những đồ gốm Việt Nam được phát hiện ở những nơi này. Kết quả là tôi và các đồng nghiệp Nhật Bản đã xác định được nhiều gốm sứ Việt Nam (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) và gốm Champa, có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII hiện diện tại các di chỉ vốn là cảng thị cổ và thành lũy cổ ở Nhật Bản. Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, hai nhà khảo cổ học Nhật Bản là Nishimura Masatoshi (đã qua đời vào tháng 6/2013) và Nishino Noriko cũng đã đi đến hầu hết các di chỉ có phát hiện gốm sứ Việt Nam ở trên toàn lãnh thổ Nhật Bản để nghiên cứu về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu của tôi và của vợ chồng Nishimura – Nishino về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản có thể tóm lược như sau:

– Từ giữa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XIV, đồ gốm Việt Nam đã du nhập vào Nhật Bản thông qua “con đường” Wako (Hòa khấu: cướp biển Nhật Bản), nghĩa là hải tặc Nhật Bản đánh cướp hàng hóa của các tàu buôn trên biển, trong đó có đồ gốm Việt Nam, rồi đưa về Nhật Bản. Tại các di chỉ ở Hakata, Dazaifu, Iki, Tsushima, Osaka, Hiroshima… các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã phát hiện nhiều đồ gốm có niên đại vào nửa sau thế kỷ XIV, chủ yếu là gốm men trắng, gốm men nâu, gốm men ngọc và gốm men trắng vẽ lam thời Trần, tương tự với những đồ gốm phát hiện ở di chỉ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) và những đồ gốm phát hiện ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

–  Đầu thế kỷ XV, gốm Việt Nam bắt đầu du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường trao đổi hàng hóa. Tại Hakata đã phát hiện những đồ gốm Việt Nam có niên đại vào đầu thế kỷ XV, chủ yếu là gốm men ngọc thời Trần có đáy tô men nâu. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ XV, vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu, nay là tỉnh Okinawa) và phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) đã có quan hệ giao thương với Việt Nam, vì thế đồ gốm Việt Nam bắt đầu nhập khẩu vào những nơi này. Những đồ gốm Việt Nam phát hiện ở Okinawa và Kagoshima chủ yếu là gốm men trắng và gốm men ngọc đáy mộc, niên đại vào nửa đầu thế kỷ XV. Ở Sakai, ngoài gốm Việt có xuất xứ từ Đàng Ngoài còn có gốm Champa có niên đại vào thế kỷ XV. Những đồ gốm men trắng vẽ lam và gốm men trắng vẽ men tam thái của lò Chu Đậu (Hải Dương), cùng các đồ gốm men ngọc, men trắng và men nâu… của dòng gốm Gò Sành (Bình Định) có niên đại khoảng cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI cũng được phát hiện trong các di chỉ ở Sakai.

Sưu tập gốm Hợp Lễ, thế kỷ 15, hiện vật của Trung tâm Khảo cổ học thành phố Nagasaki.

Bát gốm men lục, khắc chìm hoa văn hình cánh sen, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

– Đồ gốm Việt Nam có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVI được phát hiện tại các di chỉ ở Sakai, Oita, Nagasaki, Kagoshima… chủ yếu là đồ gốm men trắng vẽ lam, có ve lòng, xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam. Nhiều đồ gốm men trắng có hoa văn khắc chìm, niên đại khoảng giữa thế kỷ XVI, được phát hiện ở tỉnh Oita, trong khi, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu và Hợp Lễ (Hải Dương) và gốm Gò Sành niên đại vào nửa sau thế kỷ XVI cũng được phát hiện ở Sakai. Đến cuối thế kỷ XVI, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của lò Hợp Lễ tiếp tục được nhập khẩu vào Osaka, Sakai và Nagasaki, trong khi, gốm men trắng của Bát Tràng xuất hiện trong các di chỉ ở Oita.

– Sang thế kỷ XVII, đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu, Hợp Lễ, Bát Tràng… tiếp tục được du nhập vào Nhật Bản, được phát hiện tại các di chỉ ở Nagasaki, Fukuoka, Tokyo, Hakata. Ngoài ra, đồ gốm mộc không men của lò Phước Tích (Thừa Thiên Huế) có niên đại vào thế kỷ XVII cũng được phát hiện ở Nagasaki và Fukuoka.

Từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi, do chính sách “tỏa quốc” (đóng cửa) của chính quyền Nhật Bản nên các thuyền buôn Nhật Bản không được phép xuất dương buôn bán. Gốm sứ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản ngày càng giảm, đến đầu thế kỷ XVIII thì hoàn toàn chấm dứt.

* Con đường nhập khẩu đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản

Theo nghiên cứu của TS. Nishino Noriko, công bố tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2013, thì con đường nhập khẩu gốm sứ Việt Nam vào Nhật Bản trải qua 4 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất là từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, thông qua “con đường” Wako (cướp biển). Thời kỳ thứ hai là từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, thông qua con đường buôn bán với Ryukyu và Kagoshima. Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, thông qua “con đường” Shuin-sen (Châu ấn thuyền), thuyền buôn Nhật Bản trực tiếp buôn bán với Việt Nam. Thời kỳ thứ tư là vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi Nhật Bản áp dụng chính sách “tỏa quốc”, đồ gốm Việt Nam nhập vào Nhật Bản chủ yếu do các thuyền buôn Trung Quốc hoặc thuyền buôn Hà Lan đảm nhiệm.  

Trong 4 thời kỳ trên, thời kỳ Shuin-sen là thời kỳ Nhật Bản nhập khẩu nhiều gốm sứ Việt Nam nhất. Nguyên nhân là do đồ gốm Nhật Bản vào trước thế kỷ XVII chưa đạt chất lượng và thẩm mỹ cao như đồ gốm Việt Nam. Vì thế, người Nhật đã mua nhiều đồ gốm Việt Nam, không chỉ vì mục đích sử dụng mà còn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam. Gốm sứ Việt Nam lúc đó được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản đương thời rất ưa chuộng và trân quý. GS. Hasebe Gakuji, nhà gốm sứ học hàng đầu Nhật Bản nhận định: “Các thương thuyền shuinsen của Nhật Bản đã đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một số lượng lớn gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản… Loại gốm sứ Việt Nam tiêu biểu hiện còn giữ tại Nhật Bản là những chiếc bát vẽ lam, là báu vật của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại gốm sứ nổi tiếng thứ hai là chén uống trà ‘An Nam hồng’ của gia đình Owari Tokugawa”. GS. Hasebe Gakuji còn khẳng định: “Đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa (gốm sứ Việt Nam) vào Nhật Bản: vào hồi đầu shuinsen, buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã nhiều lần đến Hội An và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon, hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam” (Hasebe Gakuji, “Tìm hiểu mối quan hệ Nhật – Việt qua đồ gốm sứ”, Ðô thị cổ Hội An, KHXH, Hà Nội, 1991).

* Trà đạo Nhật Bản và gốm sứ Việt Nam

Người Nhật mua gốm sứ Việt Nam về chủ yếu để dùng trong nghi thức trà đạo. Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ XIV gốm sứ Việt Nam đã được người Nhật sử dụng trong các nghi thức hiến trà. Họ gọi những món đồ đó là Nanban Shimamono (nếu là đồ gốm) và An Nam (nếu là đồ sành sứ).

Ấm trà gốm men trắng, khắc chìm hoa cúc, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida

Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15 – 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Kendi gốm hoa lam, vẽ hoa sen và dây lá liên hoàn, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Trong các thời kỳ đầu, người Nhật chỉ mua đồ gốm Việt Nam về làm vật dụng phụ trợ trong nghi lễ hiến trà như lọ hoa, lọ trà… Nhưng đến thời kỳ thứ ba thì người Nhật đã “đặt hàng” cho người Việt làm các món đồ sành sứ cao cấp, mang kiểu dáng và hoa văn đặc trưng Nhật Bản để phục vụ cho nghi lễ hiến trà. Theo TS. Nishino Noriko, có nhiều khả năng vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam chỉ đạo việc làm đồ gốm đặt hàng theo mẫu mã do họ yêu cầu. Sử sách cũng ghi lại sự kiện một phụ nữ Nhật Bản tên là Chiyo (1671 – 1741), con gái của thương gia Wada Rizaemon, đã kết hôn với một thợ gốm ở Bát Tràng (Việt Nam). Điều này góp phần chứng minh Wada Rizaemon là người trực tiếp buôn gốm sứ Việt Nam về bán cho người Nhật Bản. Nửa đầu thế kỷ XVII là thời kỳ các thuyền buôn shuinsen của Nhật Bản hoạt động mạnh ở Việt Nam. Và mặt hàng được ưa chuộng của các thương thuyền shuinsen khi cập cảng buôn bán ở Việt Nam chính là đồ gốm. Đó chính là nguyên nhân vì sao gốm sứ Việt Nam xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, không phải bây giờ mà từ hơn 500 năm trước.

 TS.Trần Đức Anh Sơn

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ngỡ ngàng trước bộ sưu tập cổ vật gốm Lý – Trần – Lê tại Bảo tàng Đồng Tháp!

Đặc thù của các Bảo tàng miền Tây Nam bộ là trưng bày các hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo. Bảo tàng Đồng Tháp cũng vậy. Tuy nhiên, tại Bảo tàng Đồng Tháp còn có 02 tủ trưng bày cổ vật gốm Lý – Trần – Lê rất đẹp.

Mời các bạn cùng xem!

Tìm hiểu về gốm Cây Mai

Quá trình khai phá vùng đất mới Nam Bộ từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay cũng là quá trình hình thành một loại gốm mới ở miềm Đông Nam bộ, khác với vùng gốm Bắc bộ (gốm Chu Đậu, Bát Tràng…) và Trung bộ (Gò Sành…).
Vùng phân bố của loại gốm này hiện nay nằm trong địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh lân cận là Đồng Nai và Bình Dương. Căn cứ vào mối liên hệ cội nguồn và quá trình phát triển của gốm ở khu vực miền Đông Nam bộ, một số nhà nghiên cứư gọi chung loại gốm sản xuất ở đây từ đầu thế kỷ XX trở về trước là gốm Sài Gòn, gồm có sản phẩm của “xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, gốm Biên Hòa và gốm Lái Thiêu.
Tìm hiểu về Gốm Cây Mai (1)

Continue reading

Gốm Lái Thiêu đẹp một cách mộc mạc

Trong các gia đình Nam bộ xưa, nhà nào cũng có chí ít vài ba sản phẩm gốm Lái Thiêu. Sự phát triển của dòng gốm này nở rộ những năm 40 – 60 của thế kỷ trước, tuy không có số liệu cụ thể, chính thức về việc xuất khẩu dòng gốm Lái Thiêu xưa ra nước ngoài, nhưng hiện ở thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, vẫn bày bán khá nhiều các sản phẩm gốm Lái Thiêu xưa, như một minh chứng cụ thể về sự phát triển và ảnh hưởng của dòng gốm này trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân Nam bộ và vùng phụ cận. Continue reading

GỐM LÁI THIÊU – LÀNG GỐM NỔI TIẾNG TẠI BÌNH DƯƠNG

Nói đến gốm xứ miền Nam không thể không nói đến gốm Lái Thiêu. Làng gốm nổi tiếng với những sản phẩm gồm tinh tế, đậm chất Nam Bộ lại mang tính ứng dụng cao nằm tại tỉnh Bình Dương.

Không chỉ nổi tiếng với những vườn trái cây, Lái Thiêu còn được biết đến với sản phẩm gốm chiếm vị trí độc tôn ở miền Nam. Gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ XX, khi gốm Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, địa bàn sản xuất bị thu hẹp do đó một số lò gốm đã chuyển ra khu vực ngoại vi lân cận. Từ đó hình thành gốm Lái Thiêu. Không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu đi sâu, tập trung sản xuất gốm gia dụng.

Continue reading

MÂY TRÊN GỐM CHU ĐẬU !

Trong các dòng gốm Việt, gốm Chu Đậu nổi lên như là dòng gốm có kỹ thuật trang trí men lam dưới men vô cùng phong phú và đặc sắc. Đó là kết quả lao động, sáng tạo của những người thợ/ nghệ sĩ gốm tài hoa trên cơ sở sự kế thừa tinh hoa các dòng gốm trước đó và nhu cầu thị trường đương thời…

Continue reading

Gốm Chu Đậu – “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”!

Những nét vẽ như rồng bay phượng múa. Những hoa văn tạo dáng đứng sơn Hà . Gốm Chu Đậu hiện được lưu giữ tại 46 bảo tàng trên thế giới, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Continue reading