Tag Archive | đồ đồng

VỀ MỘT QUẢ ẤN CÓ NIÊN ĐẠI THỜI MẠC

NGUYỄN CÔNG VIỆT

TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong cuốn Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX xuất bản cuối năm 2005 tại mục II Ấn chương Việt Nam thời Mạc chúng tôi giới thiệu sơ lược và trong đó chỉ mới khảo tả giới thiệu ba quả ấn đồng thuộc lực lượng quân đội cùng mấy sắc phong thần(1). Việc sưu tầm bổ sung ấn chương thời Mạc nói riêng và ấn chương Việt Nam nói chung vẫn được chúng tôi tiếp tục thực hiện. Gần đây được một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật quen biết cung cấp một số ấn tín và hiện vật cổ bằng đồng, trong đó có một quả ấn khắc ghi niên đại thời Mạc; bài viết xin được giới thiệu về quả ấn này qua việc đối chiếu với số ấn thời Mạc và những ấn tín khác đã công bố.

Ấn có chất liệu bằng đồng, trọng lượng 460g. Ngoại hình ấn làm kiểu chuôi vồ thắt giữa, khuôn mặt để ấn được làm theo hình vuông. Tổng chiều cao là 7cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,7×7,7cm và dày 0,6cm. Mặt trên núm ấn có khắc 3 dòng chữ Hán, 2 dòng ở bên phải và một dòng ở bên trái. Bên phải dòng ngoài gần mép ấn khắc 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Dòng thứ hai bên phải là 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Nét chữ khắc rõ ràng, nét khắc theo kiểu viết thô, chữ không đẹp, dòng giữa Thượng bảo ty tạo khắc lệch không thẳng hàng. Bên trái núm ấn khắc dòng ghi niên đại có 6 chữ Đại Chính nguyên niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Mặt đế ấn có rìa cạnh 0,6cm, bên trong khắc 6 chữ triện. Nét khắc thô, không cân xứng. Bố cục chữ và nét chữ không đều nhau.

Dấu hình vuông có kích thước 7,7×7,7cm. 6 chữ triện xếp theo 3 hàng dọc. Chân hóa chữ triện trong dấu là 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Như vậy dòng chữ triện ở dấu trùng với nội dung dòng chữ Hán khắc trên núm ấn phía bên phải.

Trước hết xin được nói về niên đại của ấn. Theo như dòng chữ khắc bên trái mặt núm ấn thì niên đại của ấn ghi là năm Đại Chính nguyên niên. Đại Chính là niên hiệu của Mạc Đăng Doanh, Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung lên ngôi tháng giêng năm 1530. Như vậy quả ấn này tạm thời được xác định có niên đại ghi năm 1530. Tuy nhiên dòng ghi niên đại mới chỉ là một trong các tiêu chí để xác định niên đại của ấn tín nói riêng và cổ vật nói chung. Muốn xác định chúng ta phải căn cứ vào ngoại hình, chất liệu, văn tự ký hiệu khắc trên ấn và đặc biệt là nội dung được khắc ở mặt đế ấn. Đồng thời phải có các ấn tín khác cùng thời, cùng loại hình lĩnh vực để đối chiếu so sánh phân tích. Điều may mắn là chúng tôi đã có ba quả ấn thời Mạc khác có nhiều điểm tương tự coi như những dị bản, dị vật để đối chiếu.

Ba quả ấn thời Mạc đã công bố hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều có chất liệu bằng đồng. Ngoại hình tương đối giống nhau với núm ấn làm kiểu chuôi vồ và khuôn mặt đế ấn được đúc theo hình vuông. Chữ Hán khắc trên cả ba quả ấn này đều có điểm tương tự, phía bên trái mặt núm ấn là dòng ghi niên đại, bên phải mặt núm có hai dòng, dòng ngoài rìa ghi nội dung văn khắc mặt dấu và dòng bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn.

Quả ấn thứ nhất có ký hiệu LSb 2529 có chiều cao 9cm dày 0,8cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Đại Chính ngũ niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Dòng bên phải hàng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Dòng ngoài khắc 6 chữ Hoành Hải Hậu sở chi ấn 橫 海 後 所 之 印. Đây là ấn của viên tướng Hậu sở Hoành Hải được chế tạo năm Đại Chính thứ 5 (1534) đời Mạc Đăng Doanh.

Ấn thứ hai có ký hiệu LSb 2531, chiều cao là 9cm và dày 0,7cm. Mặt ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Cảnh Lịch nhị niên nguyệt nhật 景 歷 二 年 月 日. Dòng ngoài bên phải khắc 6 chữ Thanh tái Tả sở chi ấn 清 塞 左 所 之 印, dòng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo. Đây là ấn của viên tướng Tả sở Thanh tái được chế tạo năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549) đời Mạc Phúc Nguyên.

Ấn thứ ba có ký hiệu LSb 2530, cao 9cm và dày 0,6cm. Núm ấn phía bên trái khắc 6 chữ Thuần Phúc tam niên nguyệt nhật 淳 福 三 年 月 日. Bên phải khắc 9 chữ Khuông Trị vệ Lăng Xuyên tiền sở chi ấn 匡 治 衛 凌 川 前 所 之 所. Dòng bên cạnh cũng khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo giống như các ấn trên. Đây là ấn của viên tướng Tiền sở Lăng Xuyên thuộc vệ Khuông Trị được chế tạo năm Thuần Phúc thứ ba (1564) đời Mạc Mậu Hợp.

Như vậy so sánh quả ấn mới phát hiện với ba quả ấn thời Mạc trên ta thấy có nhiều điểm tương đối giống nhau. Các ấn đều có chất liệu bằng đồng, ngoại hình cùng kiểu núm chuôi vồ và mặt đế ấn làm theo hình vuông. Thể thức khắc chữ Hán trên mặt núm ấn đều có ba dòng chữ, bên trái là dòng niên hiệu, bên phải là dòng ghi nội dung giống như ở mặt dấu và bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn là Ty Thượng bảo (Thượng bảo ty tạo)(2). Cũng như giá trị của dòng ghi niên hiệu trong việc xác định niên đại, khoảng thời gian tạo ấn, dòng chữ Thượng bảo ty tạo là một trong các tiêu chí quan trọng để xác định đây là quả ấn thuộc thời Mạc, nó giống như dòng chữ Vũ khố phụng tạo trên ấn đồng thời Nguyễn và dòng chữ Tân Hợi niên đông tạo trên ấn đồng thời Tây Sơn(3).

So sánh nội dung triện văn của quả ấn mới với ba ấn đã công bố cũng có nhiều điểm giống nhau. Ấn mới có 6 chữ triện (bằng số chữ của 2 ấn ký hiệu LSb 2529 và LSb 2531. Đây là ấn của một viên tướng chỉ huy cấp sở (Tả sở Trường phi) thuộc lực lượng quân đội nhà Mạc như ba ấn đồng trên chỉ khác tên đơn vị. Chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu tìm Tả sở Trường phi thuộc lực lượng quân đội Ngũ quân (Ngũ phủ) hay thuộc lực lượng quân sự địa phương, song chắc chắn đây là một đơn vị không lớn nằm dưới cấp Vệ trong biên chế quân đội nhà Mạc.

Về hình thức, kiểu chữ triện khắc trên ấn mới không khác ba ấn cũ, nhưng nét khắc và bố cục khuôn chữ có điểm khác nhau. Ở ấn mới có nét khắc thô, nét dầy nét mảnh không đều nên khi in trên giấy ta thấy độ tương phản rất rõ và nét chữ không thẳng hàng. Điểm khác biệt quan trọng là kích thước của ba chữ hàng trên không giống ba chữ hàng dưới. Kích thước chiều rộng mỗi chữ là 1,8cm, nhưng chiều dài của 3 chữ hàng trên là 3,1cm, còn chiều dài của 3 chữ hàng dưới lại chỉ có 2,5cm. So sánh kích thước từng chữ của 3 quả ấn cũ thời Mạc và những ấn đồng khác chúng tôi thấy kích cỡ chữ triện trong mỗi một con dấu rất đều nhau, cả chiều dài và chiều rộng nếu xếp theo kiểu đăng đối 3 hàng 6 chữ, 4 hàng 8 chữ… Còn nếu xếp theo kiểu lẻ 3 hàng 7 chữ hoặc 8 chữ(4) thì kích thước bố cục chữ ở mỗi dòng cũng phải bằng nhau không có sự khác biệt. Đấy có lẽ là những quy tắc bất biến của việc chế tác đúc ấn mà các triều đại phong kiến đều đặt làm định lệ.

Mặt khác đo kỹ hình dấu mặt đế ấn ta thấy ấn làm không được vuông vức lắm. Cạnh bên phải và cạnh trên dài 7,7cm, cạnh dưới và bên trái chỉ dài 7,6cm. Do đó khi nhìn hình dấu sẽ thấy ngay điểm lệch không cân đối. Tất cả những khác biệt trên của quả ấn đồng mới này khiến chúng tôi có suy nghĩ: phải chăng đây là quả ấn được làm thủ công không giống ba quả ấn nhà Mạc đã công bố ? Như vậy thì ấn này không phải được tạo tác ở Ty Thượng bảo ? Nhưng ở đây mặt ấn lại khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo! Đấy là điều khó lý giải cho những người làm công tác sưu tầm nghiên cứu ấn chương nói riêng và cổ vật nói chung sẽ mắc phải.

Nhưng may mắn là chúng ta vẫn còn một tiêu chí quan trọng nữa để xét tính chân ngụy của quả ấn mới này, đó là chất liệu của ấn. Ấn Trường phi Tả sở này có chất liệu bằng đồng, Ten đồng có màu xanh lục loang lổ. Trông ngoại hình thì nó rất cổ và cũng giống như bao ấn đồng khác. Tham khảo ý kiến một vài nhà nghiên cứu cổ vật thì chất liệu đồng ở quả ấn này cũng có thể đến vài trăm năm tuổi ? Kiến thức này chỉ có được ở các nhà Khảo cổ học, Bảo tàng học và những người chuyên sưu tầm nghiên cứu cổ vật. Ý kiến đánh giá chất liệu đồng của ấn này sẽ là lời khẳng định giá trị trong việc xác định niên đại của ấn.

Trước tình trạng hiện nay rất nhiều cổ vật bằng đồng, bằng gốm, bằng đá, bằng ngà… và cả tài liệu thư tịch Hán Nôm được làm giả với mục đích kinh tế vụ lợi. Song chúng tôi lại rất mong muốn quả ấn công bố trong bài viết này là ấn có niên đại thật. Như vậy nó không chỉ bổ sung cho số lượng ấn chương thời Mạc nói riêng, cho ấn chương Việt Nam nói chung và cao hơn cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Mong muốn của chúng tôi hy vọng sẽ được các nhà Khảo cổ học và Bảo tàng học giải đáp trong thời gian không xa.

Chú thích: Mặt trên núm ấn và dấu Trường phi Tả sở chi ấn

(1) Xem Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX – Mục Ấn chương Việt Nam thời Mạc Nxb. KHXH, H. 2005, từ tr.135 đến tr.152.

(2) Nhà Mạc lập Ty Thượng bảo theo cơ cấu tổ chức của nhà Lê sơ, mô phỏng theo tổ chức của nhà Minh (Trung Quốc). Ty Thượng bảo là nơi tạo đúc vật dụng kim loại, chủ yếu chế tác từ nguyên liệu đồng; Hầu hết các ấn tín đều được làm từ ty này và theo quy chế nhất định.

Xem. Ấn chương Việt Nam…Sđd, mục Thực trạng về ấn chương triều Quang Trung tr.235-249 và Ấn chương trong các cấp chính quyền địa phương thời Nguyễn, tr.401-252.

(4) Xem H.22 Dấu Phụng mệnh Tuần phủ đô tướng quân ấn (tr.121) và H.176 Quảng Nam Quảng Ngãi Tổng đốc quan phòng tr.418 – trong Ấn chương Việt Nam…Sđd./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.54-57)

Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=99&Catid=42

 

PS: Cần dùng phương pháp giám định cổ vật bằng máy quang phổ hoặc thiết bị hiện đại hơn để xác minh lại hiện vật này.

Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: Những dấu tích văn hóa vật chất

BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC: NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT

 Nguyễn Quang Ngọc

                          ( Bài tham luận tại Hội thảo Khảo cổ học Đức -Việt  ngày  1-2/3/2012 )

  1. KHÁI QUÁT 10 THẾ KỶ BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC

Năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ trước cuộc tiến công xâm lược của Triệu Đà, Âu Lạc bước vào đêm trường Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.

Triệu Đà chia Âu Lạc ra làm hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân và sát nhập vào nước Nam Việt. Quận Giao Chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ và quận Cửu Chân tương đương với các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, chính quyền Nam Việt cắt đặt 2 viên sứ thần coi giữ và trong thực tế mới chỉ cai trị một cách lỏng lẻo thông qua hình thức thu nộp cống vật.

Năm 111 TCN, Nam Việt bị Tây Hán thôn tính. Trên lãnh thổ Nam Việt cũ, Tây Hán chia ra làm 9 quận là Đam Nhĩ, Châu Nhai (thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (đều thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương với vùng từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Đến năm 106 TCN, nhà Tây Hán đặt châu Giao Chỉ thống suất 7 quận lục địa (trừ Châu Nhai và Đam Nhĩ) và đặt Châu trị tại quận Giao Chỉ. Bộ máy cai trị của nhà Tây Hán tại Giao Chỉ được thiết lập chặt chẽ hơn so với nhà Triệu. Thứ sử đứng đầu châu và đóng trị sở tại Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), dưới cấp quận có Thái thú coi quản việc dân sự và Đô uý coi việc quân sự. Bên dưới cấp huyện, Tây Hán vẫn tiếp tục cho Lạc tướng được trị dân theo chế độ cha truyền con nối.

Từ thế kỷ II TCN cho đến đầu Công nguyên, dưới chính sách cai trị lỏng lẻo của nhà Triệu và nhà Hán, cơ cấu tổ chức truyền thống của Âu Lạc mặc dù chịu sự kiềm chế, kiểm soát của chính quyền đô hộ, song về cơ bản không bị xáo trộn nhiều. Nền văn minh Việt cổ dựa trên mô hình kinh tế văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Đây là nền tảng quan trọng, là sức sống nội tại để người Việt vượt qua những thử thách của các chính sách nô dịch và đồng hoá ngày càng có quy mô, hệ thống của các chính quyền đô hộ trong những giai đoạn sau.

Năm 43, sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã thắt chặt chính sách cai trị tại Giao Chỉ. Về tổ chức bộ máy đô hộ, nhà Đông Hán vẫn đặt chức Thứ sử đứng đầu châu Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Dưới cấp quận, viên quan đứng đầu vẫn là Thái thú. Tuy nhiên, lúc này Thái thú kiêm coi cả việc dân sự và việc quân sự của một quận. Chức Đô uý chuyên trách việc quân sự trước đây không còn nữa. Ngoài ra, để giúp việc cho Thái thú, một số chức quan chuyên trách các phần việc cụ thể cũng được đặt ra.

Đặc biệt, chính quyền Đông Hán là chính quyền đô hộ đầu tiên đã cố sức vươn xuống cai quản cấp huyện. Danh hiệu Lạc tướng bị xoá bỏ, thay vào đó, mỗi huyện do một viên Lệnh trưởng được chính quyền Đông Hán bổ nhiệm trực tiếp cai quản. Để thuận lợi hơn cho Lệnh trưởng cai trị các huyện đồng thời triệt tiêu dần quyền lực của các Lạc tướng cũ của người Việt trên đất bản bộ của mình, nhà Đông Hán đã tiến hành điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách và đặt thêm một số huyện mới. Mã Viện sau khi đánh bại Trưng Vương đã quyết định chia cắt huyện Tây Vu cũ thành 3 huyện mới là Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải và cắt bớt diện tích huyện Mê Linh…

Ách cai trị thắt chặt của nhà Đông Hán còn thể hiện rõ qua việc tăng cường các chính sách bóc lột, nô dịch và đẩy mạnh hàng loạt biện pháp đồng hoá có hệ thống với quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, của ngon vật lạ để cống nạp về triều đình trung ương, các quan lại tại Giao Châu còn ra sức bóc lột người dân bằng nhiều loại tô thuế và lao dịch. Nhiều diện tích đất đai của công xã người Việt ở Giao Chỉ đã bị các nhóm địa chủ, quan lại, sĩ phu từ phương Bắc di cư xuống chiếm đoạt để lập trang trại, đồn điền. Chính quyền cai trị nắm độc quyền nhiều ngành sản xuất như rèn sắt, mua bán muối… Nhà Đông Hán cũng ra sức áp dụng luật Hán trên đất Việt, bắt nhân dân ta phải tuân theo lễ giáo phong kiến Hán, đồng thời cố gắng xóa bỏ tận gốc truyền thống “dùng tục cũ mà cai trị” của người Việt.

Cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ III, nhà Đông Hán suy yếu rồi sụp đổ, Trung Quốc liên tục trong tình trạng hỗn chiến, loạn lạc. Nhiều triều đại được lập lên, tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lại sụp đổ. Chịu tác động của những biến động đó, từ đầu thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Giao Châu lần lượt phụ thuộc một cách lỏng lẻo vào các thế lực phong kiến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (giai đoạn nội thuộc Lục triều).

Năm 264, nhà Ngô cũng tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính tại Giao Châu. Ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, tách hẳn khỏi Giao Châu trở thành Trung Quốc nội địa. Tại Giao Châu, nhà Ngô lại tiến hành chia đặt nhiều quận, huyện nhỏ. Quận Giao Chỉ được tách ra thành 3 quận nhỏ là Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình; quận Cửu Chân được chia thành 2 quận là Cửu Đức và Cửu Chân. Lúc này, trên địa bàn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước đây đã bao gồm 6 quận nhỏ và 45 huyện. Các huyện cũng được chia lại với diện tích nhỏ hơn so với quy mô huyện dưới thời Đông Hán. Các chính quyền đô hộ Lục triều về sau vẫn cơ bản giữ nguyên cách chia đặt quận, huyện như dưới triều Ngô, chỉ tiến hành điều chỉnh nhỏ tại các huyện, như bỏ hoặc đặt thêm một số huyện mới, đổi tên huyện…

Chính sách cai trị thực thi từ thời Đông Hán tiếp tục được các chính quyền đô hộ Lục triều đẩy mạnh. Sản vật quý, của ngon vật lạ từ khắp mọi miền đất nước đều bị vơ vét, thu gom về phương Bắc. Việc thu gom cống phẩm không theo quy định mà được tiến hành hết sức tùy tiện, vô hạn độ càng làm dân ta khốn khổ. Dưới thời Ngô, hàng vạn người Việt còn bị bắt bổ sung vào quân đội để tham gia vào các cuộc hỗn chiến phong kiến, hàng nghìn thợ thủ công tài hoa cũng bị bắt sang xây dựng các công trình tại Trung Quốc.

Hoạt động chiếm đất lập trang trại đồn điền của địa chủ, quan lại gốc Hán ngày càng phổ biến khiến nhiều thành viên công xã người Việt phá sản, không còn tư liệu sản xuất và trở thành nô tì, nông dân lệ thuộc của giới địa chủ quan lại. Chính sách di dân, đồng hoá cũng được đẩy mạnh thông qua biện pháp thâm độc là di dân người Hán sang ở lẫn với người Việt. Quân lính trong các đội quân chinh phạt Giao Châu, tù binh khổ sai người Hán hay đội ngũ quan lại, địa chủ vì loạn lạc đã chạy sang định cư lập nghiệp tại Giao Châu, họ ở lẫn với người Việt, góp phần đẩy mạnh thêm xu hướng Hán hoá đang gia tăng trong lòng cơ cấu kinh tế xã hội cổ truyền của người Việt.

Nhìn chung, từ cuối thời Đông Hán đến Lục triều, mặc dù các chính quyền đô hộ đã ra sức đẩy mạnh hàng loạt chính sách bóc lột, nô dịch và đồng hoá nhân dân ta, song trên thực tế các chính sách này chỉ được thực thi tại các khu vực trung tâm – trị sở cai trị hay những địa điểm đóng quân đồn trú của chính quyền đô hộ. Còn tại các miền xa xôi, các vùng nông thôn, chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ “ràng buộc” lỏng lẻo.

Đầu thế kỷ thứ VII, Giao Châu bị nhà Tuỳ cai trị trong một thời gian ngắn và sau đó rơi vào ách thống trị của nhà Đường cho đến đầu thế kỷ thứ X. Bộ máy cai trị nhà Đường có nhiều khác biệt so với các chính quyền đô hộ trước đó. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ để thống suất 10 châu là Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu và Long Châu – tức bao gồm toàn bộ Bắc Bộ hiện nay cho đến Đèo Ngang. Năm 622, Giao Châu đại tổng quản phủ được đổi thành Giao Châu đô hộ phủ, rồi An Nam đô hộ phủ vào năm 679. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên Đô hộ hoặc Kinh lược sứ; đứng đầu các châu là chức quan Thứ sử.

Tiến xa hơn một bước so với các chính quyền đô hộ trước đó, nhà Đường đã tìm mọi cách thiết lập hệ thống cai trị xuống tận các xóm làng của người Việt. Giao Châu đại tổng quản đầu tiên của nhà Đường là Khâu Hoà đã tiến hành cải cách chia đặt các vùng nông thôn thành các tiểu hương, đại hương, tiểu xã, đại xã với quy định cụ thể về số hộ cho từng cấp nhằm phục vụ cho công việc tổ chức quản lý hành chính cấp cơ sở. Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu ki mi do tù trưởng cai quản. Tổng cộng An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu.

Chính quyền đô hộ nhà Đường đã thực thi tại An Nam các hình thức và thủ đoạn cai trị hà khắc, thâm độc. Nhân dân An Nam phải chịu thuế má, lao dịch rất nặng nề. Phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Đường tại đây là bóc lột thông qua các hình thức tô thuế. Bên cạnh đó, phương thức bóc lột bằng cống nạp vẫn được duy trì. Các châu quận tại An Nam hàng năm phải tiến cống những sản vật địa phương, lâm thổ sản quý, sản phẩm thủ công… Ngoài việc bị bóc lột tô thuế, chịu lao dịch để khai thác sản vật làm cống phẩm cho triều đình, người dân An Nam còn phải đóng rất nhiều phú liễm khác… khiến tình cảnh của họ đã khốn khổ lại càng cùng quẫn hơn. Hiện tượng bần cùng hoá gia tăng nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn. Mâu thuẫn giữa người Việt và chính quyền đô hộ ngày càng gay gắt và đã bùng lên thành nhiều phong trào đấu tranh lớn của dân chúng vào thế kỷ VIII-IX, làm cơ sở đi đến công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập hoàn toàn vào đầu thế kỷ X.

Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chính sách cai trị của các triều đại phong kiến và quá trình giao lưu tiếp xúc Việt – Hoa theo cả hai hình thức cưỡng bức và ôn hoà đã tạo nên những chuyển biến lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hoá của người Việt.

Khu vực hạ châu thổ sông Hồng đã mở rộng vươn xa về phía biển. Người Việt đã không ngừng khai hoang lập ấp, biến hầu như toàn bộ vùng châu thổ thành đồng ruộng và xóm làng. Diện tích đất canh tác được mở rộng, hệ thống đê điều ngăn lụt đã xuất hiện tại nhiều nơi. Toàn bộ vùng châu thổ đã trở thành những cánh đồng chuyên canh trồng lúa và hoa màu. Từ đầu Công nguyên, đồ sắt đã bắt đầu được sử dụng phổ biến, cày cuốc đã trở thành phương thức canh tác chủ yếu thay cho phương thức “hoả canh”, “thủy nậu”. Kỹ thuật dùng cày và bón phân, thâm canh tăng vụ đã thúc đẩy năng suất cây trồng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh trồng lúa nước truyền thống, người Việt đã đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Cây đay, bông, gai cũng được trồng phổ biến để làm nguyên liệu dệt vải. Nghề làm vườn cũng không ngừng được đẩy mạnh. Chăn nuôi cũng phát triển với nhiều giống gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, ngỗng, vịt, chim bồ câu…

Quá trình tiếp xúc văn hoá Hoa – Việt lâu dài đã đem đến những thay đổi quan trọng trong ngành thủ công nghiệp. Bên cạnh những nghề truyền thống, người Việt đã phát triển những nghề thủ công học từ người Hán như rèn sắt, làm gốm, làm gạch ngói, làm đường, làm giấy, chế tạo thủy tinh, sản xuất đồ mỹ nghệ, thuộc da, sơn then… Trong từng nghề, người Việt tiếp thu không chỉ kỹ thuật mà cả phong cách nghệ thuật Hán. Đồ gốm làm ra trong thời kỳ này đã thấy xuất hiện nhiều loại hoa văn Hán rất đặc thù. Người Việt từ sản xuất các loại gốm thô đã tiến tới làm ra các sản phẩm gốm tráng men. Nghề làm vật liệu xây dựng đặc biệt phát triển nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc thành quách, chùa tháp, mộ táng… của chính quyền cai trị. Nghề làm giấy học được từ Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể; nghề chế tạo thủy tinh cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng với nhiều loại sản phẩm thuỷ tinh có nhiều màu, tinh xảo.

Trong thời kỳ này, chủ yếu có hai luồng giao thương buôn bán là hàng hoá, tiền đồng từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam và nguồn nông, lâm, thổ, hải sản, sản phẩm thủ công từ Việt Nam chuyển sang Trung Quốc. Hệ thống thuyền buôn Trung Quốc hoạt động mạnh đã nối kết Việt Nam với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hệ thống giao thông, giao thương đã phát triển, nối liền các địa phương trong một huyện, quận và nối thông cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Về văn hoá xã hội, dưới tác động của chính sách đồng hoá, các yếu tố văn hóa Hán ngày càng ảnh hưởng sâu đậm tại nước ta. Xen kẽ và hoà cùng với các xóm làng người Việt ở châu thổ sông Hồng, lúc này cũng bắt đầu xuất hiện một số thị trấn, xóm làng của người Hoa và đồn điền, trại ấp của quan lại, địa chủ gốc Hán. Trải qua quá trình cộng sinh lâu đời, nhiều người Hoa đã dần dần Việt hoá và trở thành một bộ phận trong cộng đồng người Việt.

Với việc xoá bỏ chế độ Lạc tướng và cơ cấu bộ lạc, nhiều truyền thống của công xã, bộ lạc người Việt đã bị phá vỡ, phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc hơn với những mối quan hệ xã hội mới ra đời. Tầng lớp hào trưởng người Việt ngày càng có vai trò to lớn trong xã hội, trong khi đó họ lại bị quan lại đô hộ chèn ép và phân biệt đối xử về cả kinh tế và chính trị nên mâu thuẫn giữa họ với chính quyền đô hộ càng ngày càng trở nên sâu sắc. Họ dần trở thành thủ lĩnh đại diện cho phong trào đấu tranh chống lại ách nô dịch và đồng hoá của chính quyền đô hộ.

Văn hoá, luật tục và thiết chế cổ truyền của người Việt dần dần bị xoá bỏ và bị cải tổ theo phong hoá Hán. Thậm chí tên họ người Việt đến đây cũng đã được thống nhất đặt theo cách gọi chung của người Hán. Tuy nhiên nhiều truyền thống vẫn được bảo tồn bền bỉ như tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng có công với cộng đồng, tục xăm mình, nhuộm răng đen hay các hình thức tín ngưỡng dân gian khác của cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ đã đưa đến sự du nhập của các luồng tư tưởng, tôn giáo lớn như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Nho giáo vào Việt Nam cùng với chính sách nô dịch, đồng hoá của chính quyền cai trị nên ít có điều kiện đi sâu vào đời sống dân chúng, mà dường như mới chỉ dừng lại ảnh hưởng ở những tầng lớp trên trong xã hội. Trái lại, Phật giáo ngay khi mới vào Việt Nam đã có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa một cách tự nhiên. Đây là tôn giáo phát triển nhanh nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại nước ta trong thời Bắc thuộc. Sự phát triển mạnh của tôn giáo này đã dẫn đến sự hình thành trung tâm Phật giáo Dâu – Luy Lâu phồn thịnh ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Một tôn giáo khác cũng theo bước chân người Hán du nhập vào nước ta là Đạo giáo. Khoảng cuối thế kỷ II, Đạo giáo đã chính thức được truyền bá và vượt xa Nho giáo về mức độ ảnh hưởng trong dân chúng. Với tinh thần xuất thế, vô vi, thoát tục, thuận theo tự nhiên, Đạo giáo đã được người Việt đón nhận nhanh chóng. Sự xuất hiện và phát triển đồng thời của nhiều tư tưởng, tôn giáo đã tạo nên sắc thái đa nguyên hỗn hợp trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Việt.

Như vậy, mặc dù phải chịu đựng ách cai trị tàn bạo và chính sách đồng hoá khốc liệt của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng người Việt đã biết tiếp thu, học hỏi những yếu tố tiến bộ trong văn hoá Hán, tạo nên những chuyển biến to lớn trong nền kinh tế, xã hội, văn hoá. Lối sống và văn hoá Việt tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hoá Hán, đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hoá Hán và dần dần biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới: Việt – Hán.

Các chính quyền phong kiến phương Bắc, mặc dù đã cố gắng tìm mọi cách để đồng hoá người Việt, song về căn bản trong suốt thời Bắc thuộc vẫn không thể nào trực tiếp với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của người Việt. Các xóm làng dựa trên cơ sở công xã nông thôn vẫn tồn tại như thế giới riêng của người Việt, là nơi nuôi dưỡng và phát huy những tinh hoa của văn hoá truyền thống làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá.

Trong dọc dài 1000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất, sào huyệt của các chính quyền đô hộ Tuỳ – Đường, và vì thế cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước, chứng kiến đầy đủ và tiêu biểu nhất các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hoá, không ngừng không nghỉ, lúc âm thầm, sâu lắng, lúc bùng lên dữ dội như các cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722), khởi nghĩa Phùng Hưng (791), khởi nghĩa Dương Thanh (819-820), các cuộc đấu tranh giành khôi phục quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương… và cuối cùng là cuộc trung hưng vĩ đại của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền năm 938.

  1. DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA 10 THẾ KỶ CHUYỂN ĐỔI

Chúng tôi vẫn theo quan niệm truyền thống chia toàn bộ thời kỳ Bắc thuộc ra thành 3 giai đoạn là Bắc thuộc lần thứ nhất (từ sau thất bại của An Dương Vương đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chính quyền Trưng Vương); Bắc thuộc lần thứ hai (từ sau thất bại của Trưng Vương đến khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân) và Bắc thuộc lần thứ ba (từ sau thất bại của nhà nước Vạn Xuân đến chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền). Sự phân chia giai đoạn như thế này này là hết sức tương đối và còn phải tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên nó vẫn phản ánh được diễn trình lịch sử – văn hóa của hơn mười thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong mỗi thời kỳ, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một vài dấu tích văn hóa vật chất tiêu biểu và được xem là đặc trưng cho diễn trình văn hóa của giai đoạn lịch sử đó.

2.1. Bắc thuộc lần thứ nhất: Vai trò chủ đạo của văn hóa Đông Sơn cổ truyền

Âu Lạc rơi vào ách thống trị của Nam Việt trong bối cảnh hóa Đông Sơn đang phát triển đến đỉnh cao, tiêu biểu là trống đồng Cổ Loa (loại I) bên trong có gần 200 hiện vật đồng gồm vũ khí (giáo, lao, mũi tên đồng, rìu xéo), công cụ sản xuất (lưỡi cày đồng, dao nhỏ); khuôn đúc mũi tên 3 cạnh và hàng vạn mũi tên đồng… tìm được trong lòng đất Cổ Loa. Thời kỳ này văn hóa Đông Sơn vẫn phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong dòng chẩy văn hóa trên địa bàn Âu Lạc cũ, tuy nhiên cũng đã có sự tiếp xúc với văn hóa Hán và cũng bắt đầu có sự dung hợp văn hóa Hán – Việt.

Trong một số ngôi mộ Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã nhận ra bên cạnh đồ đồng “kiểu Đông Sơn” đã có một ít đồ đồng kiểu Hán. Mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngoài những đồ đồng dáng vẻ Đông Sơn như trống đồng loại I, rìu lưỡi xéo… là một số đồ đồng Trung Quốc như đỉnh đồng, chuông đồng nhỏ có chữ triện. Đáng chú ý là ở Thiệu Dương, Đông Sơn (Thanh Hóa), Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) có nhiều ngôi mộ cổ thuộc thời kỳ cuối Tây Hán, đầu Đông Hán được khai quật có nhiều công cụ và vũ khí bằng đồng, gương đồng, tiền Ngũ Thù… về hình loại có nhiều nét tương tự như các đồ đồng phát hiện được trong các mộ cổ quách gỗ tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bên cạnh đồ đồng ở các di chỉ Đông Sơn và Thiệu Dương, khảo cổ học còn tìm được một số đồ sắt như rìu, dao, kiếm. Những đồ sắt này có thể do người Trung Quốc mang sang, do mua bán, trao đổi, nhưng chắc chắn không ít trong đó là được chế tạo tại chỗ mà chứng tích còn có thể tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hóa Đường Cồ như Gò Chiền Vậy, Cổ Loa… Kỹ thuật rèn đúc sắt bắt đầu phát triển đánh dấu một bước chuyển biến rất quan trọng của nền văn hóa vật chất và kinh tế vùng Giao Chỉ, Cửu Chân.

Tư liệu khảo cổ học cho phép hình dung trong hơn hai thế kỷ Bắc thuộc lần thứ nhất trên đất Âu Lạc cũ, bên cạnh những xóm làng của người Việt là những nhà sàn dựng dọc theo bờ một con sông hay cụm lại ở khu vực ngã ba sông cổ còn có thành quách với nhà cửa, giếng nước, bếp lò, chuồng trại của người Hán. Bên cạnh những mộ đất, mộ quan tài hình thuyền với những đồ tùy táng thuộc loại hình văn hóa Đông Sơn và những mộ đất, mộ quách gỗ với những hiện vật chôn theo thuộc văn hóa Hán hoặc mang những nét đặc trưng của văn hóa phương Bắc. Các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí trong các mộ Việt như đồ gốm Đường Cồ, Đông Sơn, rìu lưỡi xéo, trống đồng và trong các mộ Hán như đỉnh, bình miệng vuông, kiếm, dao, sắt, cốc đốt trầm, móc đai lưng, gương đồng, các hiện vật thuộc văn hóa Hán được chôn cùng với các hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn trong mộ Việt và các hiện vật Đông Sơn hay mang kiểu dáng đặc trưng Đông Sơn trong mộ Hán… không chỉ xác nhận sự tồn tại song song của hai lối sống, hai phương thức sinh hoạt, mà bước đầu đã có sự thâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau giữa hai khu vực Việt – Hán. Như thế lúc này trên cơ tầng văn hóa Việt đã vận hành một cơ chế Hán, trong đó lối sống và văn hóa Việt do tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hóa Hán đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hóa Hán và đang biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới Việt – Hán.

Trong khi đó trên địa bàn duyên hải miền Trung từ Quảng Bình kéo vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, khảo cổ học cũng phát hiện được một số hiện vật như đồ sắt mô phỏng đồ sắt, đồ đồng Tây Hán, tiền Ngũ Thù ở Hội An, Duy Xuyên, gương đồng và bộ đồ nghi lễ bằng đồng Tây Hán ở Quế Sơn, Duy Xuyên… Đây là chính là hình ảnh của sự tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh – Hán trong những thế kỷ trước, sau Công nguyên[1]. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này còn hết sức mờ nhạt, thậm chí còn mờ nhạt hơn khu vực phía Bắc, vì trong thực tế từ sau năm 111 trước Công nguyên cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Tây Hán, nhưng Nhật Nam xa xôi và cách trở hơn nên mức độ ảnh hưởng của văn hóa Hán không ngang bằng khu vực các quận Giao Chỉ và Cửu Chân[2].

Nhìn một cách tổng thể thời kỳ từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên cho đến đầu Công nguyên vẫn là thời kỳ tồn tại của cơ cấu văn minh Đông Sơn với mô thức kinh tế-văn hóa nông nghiệp lúa nước cổ truyền sơ kỳ thời đại đồ Sắt Việt Nam. Nền văn minh Việt cổ vẫn thể hiện đầy đủ sức sống mãnh liệt của nó và là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cuộc đồng khởi toàn dân do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào mùa xuân năm 40, kết thúc 2 thế kỷ đô hộ của phương Bắc, “rửa sạch nước thù”, “nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Tuy nhiên, không đầy 3 năm sau, năm 43, trước sức tấn công của quân đội nhà Hán do Mã Viện chỉ huy, Hai Bà Trưng thất thủ, đất nước lại rơi vào ách cai trị của Đông Hán, mở đầu giai đọan Bắc thuộc lần thứ hai.

2.2. Bắc thuộc lần thứ hai: Mô thức văn hóa Việt – Hán

Sau khi đánh bại khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính một số huyện, thay thế hoàn toàn tầng lớp Lạc tướng, cử các Lệnh trưởng thay mặt cho chính quyền đô hộ trực tiếp đứng đầu cai quản các huyện. Tại mỗi huyện, hệ thống thành luỹ được xây dựng làm nơi đóng trị sở của Lệnh trưởng. Huyện thành Phong Khê (Kiển Thành) được xây dựng ngay trên thành đô của An Dương Vương, mà nhiều người tin đấy chính là vòng thành Nội của thành Cổ Loa hiện nay[3]. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là cấu trúc của vòng thành này giống thành Trung Quốc, chu vi 1.650 m, với nhiều hoả hồi cân xứng, có tử giác, khác với cấu trúc uốn lượn tự do của hai vòng thành Trung và thành Ngoại. Tại khu vực bên trong thành Nội đã khai quật được rất nhiều di vật đặc trưng văn hoá Hán như giếng gạch, tiền Ngũ thù, đồ gốm trang trí hoa văn ô vuông, trám lồng, văn thừng, xương cá… được coi là các loại hoa văn điển hình của thời Đông Hán. Ở Cổ Loa và khu vực lân cận khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn mộ gạch Hán[4]. Sự xuất hiện những ngôi mộ gạch ở khu thành này chứng tỏ từ thời Đông Hán, quan lại người Hán đã sống và trực tiếp cai quản vùng đất bản bộ của vua Thục xưa.

Quận trị Giao Chỉ vẫn đặt tại Luy Lâu. Thành Luy Lâu được khởi đắp từ thời Hán, nhưng tòa thành 2 vòng khép kín (thành ngoài hình chữ nhật, chu vi 1848 m; thành trong hình vuông chu vi 454 m) tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn lại đến ngày nay chủ yếu là dấu vết thời kỳ này. Đây là tòa thành quy mô và kiên cố nhất trong quận. Đô thị Luy Lâu tiếp tục phát triển không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, mà còn là trung tâm văn hóa lớn nhất.

Thái thú Sĩ Nhiếp “có học vấn sâu rộng lại thông hiểu về chính trị” mở trường dạy học và đẩy mạnh truyền bá Nho giáo ở Luy Lâu. Ngôi trường dạy học của ông ở trong thành Luy Lâu sau này trở thành đền thờ Nam Giao học tổ (ông tổ Nho học của nước Nam). Bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo từ Trung Quốc (mà chủ yếu là đạo Dân gian – đạo Phù thủy) cũng được truyền sang khu vực Luy Lâu từ khoảng cuối thế kỷ thứ II. Đặc biệt Phật giáo từ Ấn Độ được truyền bá trực tiếp vào Luy Lâu (sau đó lại từ Trung Quốc truyền dội sang vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên). Ngay từ khi mới vào Luy Lâu, Phật giáo đã có sự kết hợp một cách tự nhiên và hài hòa với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa, hình thành Phật tổ Man Nương chùa Tổ (làng Mãn Xá) và Tứ pháp: Pháp Vân (chùa Bà Dâu), Pháp Vũ (chùa Bà Đậu), Pháp Lôi (chùa Bà Giàn) và Pháp Điện (chùa Bà Tướng) nay vẫn còn tại khu vực xung quanh thành Luy Lâu.

Nhìn chung dù là Nho, Phật hay Đạo được truyền vào Luy Lâu bằng con đường nào, trong hoàn cảnh nào thì khuynh hướng thích nghi và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt vẫn là khuynh hướng chủ đạo. Khuynh hướng này đã tạo nên săc thái đa nguyên và hỗn hợp trong cuộc sống tôn giáo và tín ngưỡng ở Luy Lâu và ở Giao Châu. Đây cũng chính là hình ảnh thể hiện sự dung hợp và xác lập mô thức Việt – Hán.

Suốt mấy thế kỷ liên tục tính từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hầu như­ không có thế kỷ nào là không có khởi nghĩa của nhân dân. Phong trào đấu tranh của dân chúng Giao Châu, nhìn một cách tổng thể, đang chuyển dần vai trò lãnh đạo từ các quý tộc bộ lạc cũ sang các hào tr­ưởng. Vào giữa thế kỷ thứ VI, phong trào đã tiến lên đỉnh cao, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập Nhà n­ước Vạn Xuân.

Lý Bí xuất thân từ một hào tr­ưởng địa phư­ơng ở huyện Thái Bình, trong một gia đình tổ tiên người gốc phương Bắc, nhưng qua nhiều đời định cư ở phương Nam và trở thành người Nam. Ông là người có tài văn võ, đã từng nhận một chức quan nhỏ của nhà Lương ở Cửu Đức. Bất bình với chính quyền đô hộ, Lý Bí trở về quê phối hợp với Tinh Thiều (đại diện của trí thức bản địa) m­ưu tính việc khởi nghĩa. Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo đã bùng nổ và không đầy 3 tháng sau đã giành được thắng lợi. Lý Bí còn tổ chức lực lượng đánh tan các cuộc tấn công của quân Lương và quân Lâm Ấp, nắm quyền làm chủ đất nước. Vào đầu năm 544, ông tuyên bố dựng n­ước Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng đế (Nam Việt Đế), phế bỏ niên hiệu của nhà Lư­ơng, đặt niên hiệu mới là Thiên Đức, tự coi mình ngang hàng với các Hoàng đế phương Bắc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị trí trung tâm bờ cõi của vùng đất Hà Nội và chọn làm đất đóng đô. Tại đây ông cho dựng điện Vạn Thọ, xây đài Vạn Xuân làm nơi văn võ bá quan triều hội[5] và chùa Khai Quốc là trung tâm Phật giáo quốc gia, bệ đỡ tư tưởng của Vương triều[6].

Đây là lần đầu tiên ng­ười Việt phương Nam tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nư­ớc mới theo chế độ tập quyền trung ương. Tuy đang còn là một sự thể nghiệm, nhưng triều đình Vạn Xuân là thành quả của một nửa thiên niên kỷ dung hợp văn hóa Việt – Hán, đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa.

2.3. Bắc thuộc lần thứ ba: Phục hưng văn hóa Việt

Năm 602, nhà nước Vạn Xuân bị Lưu Phương nhà Tùy đánh bại. Năm 607, nhà Tùy tiến hành chia đặt lại quận huyện và chuyển trị sở quận Giao Chỉ về Tống Bình. Từ đây, miền đất trung tâm Hà Nội chính thức trở thành thủ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc. Hơn một thập kỷ sau, nhà Đường thay thế nhà Tùy, lập Giao Châu đô hộ phủ rồi sau đó đổi thành An Nam đô hộ phủ. Trị sở của An Nam đô hộ phủ vẫn đóng tại Tống Bình.

Nhà Đường đã liên tiếp cho xây dựng tại Tống Bình nhiều thành luỹ để làm lỵ sở của chính quyền cai trị. Toà thành đầu tiên do Khâu Hoà xây dựng với tên gọi Tử thành. Năm 767, Trương Bá Nghi cho đắp La Thành là toà thành quân sự kiên cố có quy mô lớn đầu tiên được xây dựng tại trung tâm nội thành Hà Nội. Trong những năm 791 và 801, Triệu Xương, Bùi Thái đều tiến hành sửa đắp La Thành. Năm 808, Trương Châu sửa lại thành Đại La và gọi tên là An Nam La Thành. Năm 824, Lý Nguyên Hỷ cho đắp một thành mới bên bờ sông Tô Lịch, cũng gọi là La Thành. Các năm 843, 858 Vũ Hồn và Vương Thức cho sửa đắp lại phủ thành. Năm 866, Cao Biền tổ chức đắp lại La Thành chu vi 1980 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 6 thước, xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc, dựng 55 địch lâu, 5 môn lâu, 6 ủng môn, đào 3 đường nước, đắp 34 đạp đạo, ngoài đắp đê bao quanh dài 2125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 3 trượng, dựng hơn 5.000 gian nhà.

Như vậy, có nhiều toà thành khác nhau của An Nam đô hộ phủ thời Đường cùng được gọi là La Thành hay thành Đại La. Những toà thành này vào các đời sau đã nhiều lần được cải tạo, thay đổi nên hầu như không còn để lại dấu tích trên mặt đất khiến cho các nhà nghiên cứu thật khó có thể xác định được số lượng cũng như cấu tạo của hệ thống thành luỹ đã từng được dựng lên trong thời thuộc Đường tại trung tâm Hà Nội. Những dấu tích mới phát hiện tại 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên xây dựng Hội trường Ba Đình từ năm 2002 đến nay không chỉ có giá trị kiểm chứng các nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam mà còn cho phép có những nhìn nhận cụ thể, chính xác hình ảnh của khu trung tâm Đại La Thành. Đó là những móng trụ kiến trúc, bó nền nhà, nhiều viên gạch có in nổi ba chữ “Giang Tây Quân”, dấu tích kiến trúc, nhà cửa, giếng nước, cống thoát nước, một số đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Tây Á… có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX nằm ở lớp cuối cùng của di tích.

Trong hơn 3 thế kỷ thuộc Đường, chính quyền đô hộ phải liên tiếp cho xây dựng, gia cố thành luỹ vì chúng luôn phải đối phó với những cuộc nổi dậy quy mô ngày càng lớn của dân chúng.

Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở Hoan Châu xây dựng lũy Vạn An dọc theo bờ sông Lam rồi kéo đại quân đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền đô hộ ở thành Tống Bình.

Phùng Hưng là người hào trưởng đất Đường Lâm nổi dậy làm chủ quê hương rồi tiến quân bao vây, đánh chiếm phủ thành Tống Bình, tổ chức việc cai trị. Khu vực nội thành Hà Nội và phụ cận có đền thờ và lăng Phùng Hưng ở Triều Khúc, Phùng Khoang, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Quảng Bá (quận Tây Hồ), Kim Mã, Hào Nam (quận Đống Đa) là phản ánh hoạt động của Phùng Hưng ở đây. Làng Đường Lâm vốn có truyền thống rất lâu đời, nhưng chỉ đến Phùng Hưng mới thực sự trở thành làng quê tiêu biểu nhất của lịch sử chống Bắc thuộc, chống đồng hóa của Việt Nam.

Đầu thế kỷ thứ X, nhân cơ hội chính quyền trung ương nhà Đ­ường đang đứng tr­ước nguy cơ sụp đổ, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi dậy đánh chiếm La Thành, lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng chính quyền tự chủ.

Năm 907 Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai cả là Khúc Hạo nối nghiệp, tiếp tục đóng đô ở La Thành, thi hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân và chăm lo xây dựng nền độc lập dân tộc. Khúc Hạo qua đời, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay đã hoàn toàn thất bại trước cuộc tấn công tái xâm lược của nhà Nam Hán. Đất nước lại bị rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.

Năm 931, Dư­ơng Đình Nghệ, tư­ớng cũ của họ Khúc, đem quân từ vùng châu Ái (Thanh Hóa) tiến ra đánh chiếm thành Đại La và đánh tan đoàn quân tiếp viện của Nam Hán, một lần nữa giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Dư­ơng Đình Nghệ vẫn đóng đô ở thành Đại La, cắt đặt tướng lĩnh nắm giữ các vùng trọng yếu, chăm lo củng cố chính quyền, tiếp tục công cuộc tự chủ của họ Khúc.

Đầu năm 937, ông bị viên thuộc tư­ớng phản bội là Kiều Công Tiễn giết chết. Ở khắp mọi nơi, dân chúng dư­ới sự lãnh đạo của các t­ướng lĩnh cũ của D­ương Đình Nghệ đã liên tục nổi dậy chống lại Kiều Công Tiễn và tập hợp xung quanh Ngô Quyền.

Cuối tháng 10 năm 938, nhận thấy nguy cơ xâm lư­ợc của quân Nam Hán đã đến gần, Ngô Quyền từ vùng châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn, củng cố thành Đại La và kéo đại quân ra cửa biển Bạch Đằng chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền của quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông vư­ợt biển tiến vào cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân khiêu chiến để dụ quân Nam Hán tiến nhanh vào phía trong hàng cọc đã được bố trí sẵn. “Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nư­ớc triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu”[7]. Quân Nam Hán ở trư­ớc mặt, sau lư­ng, d­ưới nước, trên bờ đều bị đánh quyết liệt. Số lớn thuyền chiến của địch đã bị cọc sắt đâm thủng, bị va vào nhau mà chìm đắm. Chủ tư­ớng địch là Hoằng Tháo đã bị bắt sống và giết tại trận.

Trong khí thế chiến thắng, đầu mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền xư­ng Vư­ơng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nư­ớc đời Hùng Vư­ơng – An Dư­ơng V­ương. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với n­ước ngoài, xây dựng một vư­ơng quốc độc lập đàng hoàng.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một vũ công hiển hách, đời đời bất diệt, một cột mốc bản lề chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phư­ơng Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX đã gọi Ngô Quyền là vị Tổ Trung hưng của nước Việt Nam ta, chỉ đứng sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương. Khẳng định này đồng nghĩa với việc xác nhận sự nghiệp của Ngô Quyền là kết tinh sức mạnh phục hưng kỳ diệu của văn hóa Việt.

 

[1] Lâm Mỹ Dung, Yếu tố Hán ở miền Trung Việt Nam những thế kỷ trước, sau Công nguyên trongMột chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 59-75.

[2] Cuộc đấu tranh chống Hán hóa ở đây diễn ra chậm hơn ở khu vực phía Bắc, nhưng từ đầu thế kỷ thứ II cũng đã phát triển mạnh, làm cơ sở cho sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp độc lập ở huyện Tượng Lâm vào thập kỷ cuối của thế kỷ thứ II. Chính quyền đô hộ phương Bắc nhièu lần tổ chức lực lượng đàn áp, nhưng Lâm Ấp đã biết dựa vào địa thế xa xôi, hiểm trở này mà đã bảo vệ thành công nhà nước non trẻ của cư dân và văn hóa Sa Huỳnh, là tiền thân của vương quốc Chămpa  độc lập sau này.

[3]Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề Kiển Thành, song phần lớn các ý kiến đều cho rằng toà thành do Mã Viện xây dựng ở vào vị trí Loa Thành cũ của An Dương Vương. Trương Hoàng Châu trong bài Chung quanh vấn đề toà thành cổ trên đất Cổ Loa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 128, năm 1969 viết: “Toà thành đất hiện nay tồn tại ở khu vực Cổ Loa được xây dựng bắt đầu từ thời Mã Viện sang nước ta”; Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời lại cho rằng Mã Viện bị quân Hai Bà Trưng tại thành Cổ Loa chống cự quyết liệt nên sau khi chiến thắng đã chia nhỏ huyện Tây Vu, đồng thời nhân thành cũ của An Dương Vương mà xây thêm và đặt tên mới để giữ huyện Phong Khê mới lập; Đỗ Văn Ninh trong Thành cổ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983 khẳng định: “Vòng thành trong Cổ Loa là kiến trúc thuộc Hán, nói rõ hơn đây là Kiển Thành do Mã Viện cho đắp sau khi lập huyện Phong Khê và cũng là trị sở huyện Phong Khê”.

[4] Những ngôi mộ này có niên đại từ Đông Hán đến Đường như mộ gạch ở cánh đồng Trung Thôn (Tiên Hội) khoảng thế kỷ I-III, mộ gạch tại gò Đống Mây, Đống Trọc, Đống Trong Đường (Dục Tú) khoảng từ thế kỷ III-VI; mộ gạch tại Bãi Mèn niên đại Đông Hán; mộ gạch tại Mạch Tràng có những viên gạch ghi niên đại Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị thái (năm 99) hay Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (năm 111); mộ gạch tại Trại Xóm Vang (Cổ Loa) khoảng thế kỷ II-III…

[5] Dựa vào những kết quả khảo sát và nghiên cứu mới hiện nay, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để xác định kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế được xây dựng trên vùng đất Hà Nội cổ.

[6] Chùa Khai Quốc do vua Lý Nam Đế cho xây dựng ở khu vực thôn Yên Trì, phía bãi sông Hồng, ngoài đê Yên Phụ, Hà Nội. Chùa sau này trở thành trung tâm Phật giáo và Phật học lớn, có nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì. Năm 1615, vì bãi sông Hồng sụt lở, dân phường Yên Hoa (Yên Phụ) dời chùa vào phía trong đê, tức là chùa Trấn Quốc hiện nay.

[7] Đại Việt sử ký toàn th­ư, Q. V-19b-20a, bản dịch Sđd, T. I, tr. 203-204.

Nguồn: http://chuyencuachi.blogspot.com/2012/03/bac-thuoc-va-chong-bac-thuoc-nhung-dau.html

Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối văn hóa Phùng Nguyên.

Văn hóa Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân- huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, được các cán bộ văn hóa của tỉnh phát hiện năm 1962. Qua 6 lần khai quật đã phát hiện hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, gốm, xương sừng… Nền văn hóa này có niên đại mở đầu vào khoảng thế kỷ XV- XIV trước công nguyên và chấm dứt thế kỷ X-IX trước công nguyên.

Dấu tích Lò – Văn hóa Đồng Đậu

Ở Phú Thọ có một số địa điểm thuộc nền văn hóa này. Đó là: Xóm Rền, Nội Gan- Kinh Kệ, Đồng Đậu con – Tứ Xã- Lâm Thao…Đây là nền văn hóa quan trọng tương ứng với thời đại tiền Hùng Vương ở Việt Nam. Việc phát hiện các di chỉ thuộc nền văn hóa này một lần nữa khẳng định Phú Thọ là một trong những cái nôi của nền văn minh trong lịch sử: văn minh Việt cổ.

Đồ gốm trong văn hóa Đồng Đậu:

Người Đồng Đậu tiếp thu những kỹ thuật, thành tựu của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá và làm gốm thành những sản phẩm bình, bát, nồi vò…nhưng khác biệt là ở chỗ người Đồng Đậu cải tiến trong loại hình đồ gốm miệng loe, bẻ xiên, vát mỏng hay trang trí hoa văn sóng nước bằng dụng cụ nhiều răng được gọi là “bút kẻ khuôn nhạc” trở thành đặc trưng không thể thiếu của văn hóa Đồng Đậu. Hoa văn trên gốm Đồng Đậu chủ yếu trang trí ở cổ hay ở vành mép miệng của đồ gốm.

Miệng bình gốm – văn hóa Đồng Đậu

Một đặc trưng khác của gốm Đồng Đậu khác so với gốm Phùng Nguyên và gốm Gò Mun là gốm Đồng Đậu thường có dấu in đan lóng mốt trong một số loại đồ đựng thuộc loại đáy bằng. Về chất liệu gốm, nếu như gốm Phùng Nguyên có màu đỏ, màu hồng nhạt thì gốm Đồng Đậu có màu xám và có độ nung cao hơn nhưng về cơ bản vẫn mang yếu tố truyền thống là đất sét pha cát và bã thực vật. Trong các di chỉ Đồng Đậu xuất hiện rất phổ biến tượng đất nung: tượng bò, tượng gà, tượng rùa…

Đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu:

Về đồ đá họ cũng biết làm rìu đá, đục đá, mũi lao xương, khuyên tai có mấu, vòng tay bằng đá ngọc nhưng đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu không chau chuốt bằng đá Phùng Nguyên và ở Đồng Đầu đồ đá xuất hiện mũi tên ba cạnh, mặt cắt tam giác hay hạt chuỗi hình “gối quạ”. Qua những lần khai quật tại các di chỉ, các nhà khảo cổ học nhận định rằng công cụ sản xuất đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu có chiều hướng giảm đi và được thay thế bằng đồ đồng.

Truyền thống cư dân vùng Phú Thọ trồng lúa nước có từ thời kỳ Phùng Nguyên thì đến Đồng Đậu một lần nữa lại khẳng định điều này. Nhiều thóc gạo đã được tìm thấy trong nhiều di chỉ và đặc biệt trong di chỉ Đồng Đậu đã tìm thấy dấu vết hạt gạo cháy.

Đồ đồng trong văn hóa Đồng Đậu:

Trong văn hóa Phùng Nguyên khai quật các di chỉ cho thấy xuất hiện nhiều những cục sỉ đồng nhỏ như hạt ngô ở Gò Bông và một số mảnh đồng nhỏ chưa định hình tại Đoan Thượng- …thì đến Đồng Đậu công cụ bằng đồng đạt đến trình độ cao. Một bước phát triển đột biến như là một cuộc cách mạng về luyện kim. Trong nhiều di chỉ phát hiện nồi nấu luyện đồng, lò nung, khuôn đúc các loại đơn hoặc kép. Hàng trăm mảnh khuôn, mảnh nồi nấu đồng, dấu vết của lò nung, nhiều tiêu bản được xem như lõi của khuôn đúc, cùng với các loại công cụ như: rìu xòe cân, giáo, lao, đao, mũi tên hai ngạnh, đũa, búa, lưỡi câu được chế tác hoàn chỉnh.

Đồ đồng – văn hóa Đồng Đậu

Qua 6 lần khai quật tại các di chỉ của Đồng Đậu đã tìm được rất nhiều loại lưỡi câu đồng, điều đó cho thấy cư dân Đồng Đậu là những người đánh cá rất giỏi vì bộ lưỡi câu đồng tìm được với các kỹ thuật phức tạp: từ đúc tạo que, đến gia công rèn nguội, chặt ngạnh, chặt mũi uốn lỗ xỏ dây đã tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh như chiếc lưỡi câu ngày nay. Tại một số di chỉ khác của Đồng Đậu tìm được rất nhiều xương răng của các loài cá như: cá quả, cá chép, cá trắm, cá chiên, cá chuối đã chứng tỏ ưu thế về phương thức khai thác thủy sản trong đó có nghề câu cá ở thời kỳ này.

Nông nghiệp Đồng Đậu:

Với một nền nông nghiệp phát triển, kế thừa thành tựu chế tác đá gốm của người Phùng Nguyên cùng với đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồng đã đánh dấu một bước phát triển của xã hội cư dân Đồng Đậu. Với việc khai thác các di chỉ mộ táng cho ta hiểu biết hơn về tổ chức xã hội cũng như thế giới tinh thần của cư dân Đồng Đậu như khai quật được một mộ táng đơn hay 1 mộ song táng (2 cá thể) dùng đất sét làm nền quan tài.

Dấu tích bếp nấu ăn – Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu được GS Hà Văn Tấn khẳng định:

“Đó là văn hóa của những người luyện kim, chế tác kim loại điêu luyện và lành nghề. Đó là văn hóa của những người thợ gốm tài hoa, tạo tác những khối lượng động vật độc đáo, chế tác được những đồ gốm kích thước lớn, trang trí hoa văn đẹp mang phong cách riêng của thời đại mình đang sống. Và đó cũng là văn hóa của những người biết phát huy, kế thừa những thành quả của cha ông thời Phùng Nguyên để bồi đắp, tạo lập một thế hệ mới phát triển cao hơn, biết chọn điểm nhấn quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của cộng đồng là luyện kim và đúc đồng bên cạnh nghề chế tác đá truyền thống….”

Hiện nay tại Bảo tàng Hùng Vương đang trưng bày giới thiệu một số bộ sưu tập hiện vật Đồng Đậu. Cùng với các vấn đề đã được làm sáng tỏ của văn hóa Đồng Đậu, còn rất nhiều câu hỏi mở như: Dấu vết cư trú của cư dân Đồng Đậu, vấn đề cư trú, vấn đề phân chia giai đoạn của nền văn hóa này…đang chờ các bạn tìm hiểu và giải đáp trong tương lai.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/nghien-cuu-suu-tam/400-van-hoa-dong-dau

Tìm hiểu cách thức sử dụng trống đồng Đông Sơn qua tư liệu khảo cổ học và dân tộc học

Trống đồng Đông Sơn là di vật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Trong 90 năm qua, kể từ ngày phát hiện văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn luôn được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả các khía cạnh. Tuy nhiên, về chức năng cũng như cách thức sử dụng của trống đồng Đông Sơn vẫn chưa thực sự đồng nhất các quan điểm. Có ý kiến cho rằng, đây đơn thuần chỉ là một nhạc khí, nhưng cũng có ý kiến lại cho đây là vật biểu trưng quyền lực hoặc vừa là nhạc khí vừa là biểu trưng quyền lực. Song, xét về chung mọi ý kiến thì trống đồng là một loại nhạc khí được nhiều người công nhận hơn cả.

Là nhạc khí thì việc sử dụng nó được tiến hành ra sao? Vấn đề này cũng được các nhà khoa học dày công nghiên cứu. Việc nghiên cứu chủ yếu dựa trên các tư liệu về khảo cổ học và dân tộc học.

Thông qua các tư liệu về khảo cổ học

Trên khía cạnh khảo cổ học, nghiên cứu cách thức sử dụng trống đồng như một nhạc khí được căn cứ ở các đặc điểm trên bề mặt trống như cấu tạo, hiện trạng và hoa văn trên trống.

Về đặc điểm: Những trống đồng của văn hóa Đông Sơn đều thuộc loại I theo cách phân loại của F. Heger. Kết cấu trống đồng Đông Sơn gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân. Mặt trống hình tròn, giữa mặt đúc nổi hình mặt trời với 12 đến 18 tia, xung quanh trang trí nhiều băng hoa văn. Tang trống hơi phình ra, nối liền với mặt trống; thân trống hình trụ tròn thẳng đứng; phần chân hơi loe thành hình nón cụt. Có bốn chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng.

Như vậy vị trí đánh (gõ) trống chính là giữa mặt trống bởi chỗ này được đúc nổi hình mặt trời dày hơn để chịu nhiều tác động của vật đánh (dùi), các tia mặt trời sẽ làm lan tỏa âm thanh ra xung quanh. Tuy nhiên, phần tang và thân trống có thể cũng được đánh để tạo nên những đặc điểm âm thanh khác nhau. Ngoài ra, trống còn có một thùng cộng hưởng độc đáo: phần tang phình, phần thân và chân loe ra giúp cho trống có âm thanh vang xa, từ những âm thanh ban đầu được nhân lên về mặt cường độ. Một điều cần lưu ý là 4 quai trống được đúc đối xứng khá dày và chắc chắn. Điều này cho ta liên tưởng tới việc trống được luồn dây để treo lên trong quá trình sử dụng.

Về hiện trạng: Sau hàng nghìn năm tồn tại, nhiều chiếc trống đồng được tìm thấy còn tương đối nguyên vẹn. Xem xét về hiện trạng của nhiều chiếc trống đồng, ta thấy, phần lớn ở giữa mặt những chiếc trống, vị trí in nổi của mặt trời nhiều tia thường nhẵn, rỗ, hoặc bị biến dạng. Nguyên nhân có thể là do sự tác động thường xuyên của dùi? Điều này một lần nữa minh chứng trống chủ yếu được đánh/gõ vào vị trí chính giữa mặt trống.


Hình ảnh đánh trống trên mặt trống Cổ Loa (Nguồn: BTLSQG)

Trong nhiều tài liệu khảo cổ học, khi nhắc tới cách thức sử dụng trống đồng, phần lớn các tác giả đều dựa vào những họa tiết hoa văn trang trí trên trống. Xem xét trên bề mặt các trống như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Cổ Loa và trống Sông Đà… ta có thể thấy bề mặt mỗi chiếc trống đều có 2 cảnh người đánh trống đối xứng nhau qua tâm. Theo đó thì một dàn trống thường có 4 chiếc cạnh nhau, phía trên là bốn người trong tư thế ngồi hoặc đứng dùng một cái cây dài để gõ thẳng đứng lên mặt trống. Theo Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1994) thì người xưa còn đào hố rộng ra rồi trống ở lơ lửng giữa hố, giúp âm thanh đã mạnh rồi lại mạnh hơn. Những hố cộng hưởng này còn thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Những tư liệu dân tộc học

Hiện nay, theo tác giả được biết, ở Việt Nam còn có một số dân tộc thiểu số sử dụng trống đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, tiểu biểu như người Mường, người Lô Lô, người Pu Péo… Đây là tư liệu quan trọng để đối sánh, so sánh tìm ra phương pháp sử dụng trống đồng như một nhạc khí của cư dân Việt cổ.

Cách đánh trống đồng của dân tộc Mường hiện nay tương đối giống như mô tả trên mặt các trống đồng đã kể trên, tức là theo lối giã gạo. Người Mường cũng dùng những dùi trống dài như chày giã gạo với khoảng 3 – 4 người đứng xung quanh để đánh vào mặt trống theo hướng thẳng đứng. Xem ra, cách đánh này chủ yếu mang tính tượng trưng của một tiết tấu vũ điệu hơn là về hiệu quả âm thanh. Do đó có thể hiểu tư thế để úp nằm của nó là để tiện cho nhiều người diễn tấu cùng một lúc. Trên thực tế, người Mường cũng đặt trống trên một cái giá gỗ thấp gồm hai thanh gỗ bắt chéo hình chữ thập làm sàn kê, có 4 chân ngắn để bớt hạn chế về nguyên tắc âm thanh.

Theo cuốn Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, năm 1997) thì phương thức diễn tấu trống đồng của các tộc khác như Lô Lô và Pu Péo tương đối giống với các dân tộc ở Hoa Nam (Trung Quốc).

Ngày nay, đồng bào Lô Lô nhiều vùng còn giữ được những bộ trống đồng, mỗi bộ gồm hai cái: trống đực (nhỏ hơn) và trống cái (to hơn). Trống có 4 quai bố trí thành từng cặp đối xứng nhau qua trục thân. Mặt và tang trang trí hoa văn nét nổi. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình mặt trời với 12 tia. Trống đồng là loại nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của người Lô Lô, tộc trưởng cất giữ trống đồng cho dòng họ, bảo quản bằng cách chôn xuống đất. Khi nào dùng thì mới đào lên. Khi dùng trống, họ đặt hai trống (đực và cái) treo quay mặt trống vào nhau. Người đánh trống đứng ở giữa cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống và có tới 36 điệu đánh trống. Trống đánh giữ nhịp cho các điệu múa dân gian.


Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng (Nguồn: Internet)

Hiện nay, người Pu Péo chỉ dùng trống đồng trong lễ làm chay. Cũng giống người Lô Lô, trống của người Pu Péo có 1 bộ gồm 1 trống đực và 1 trống cái. Bình thường cất trống trên sàn gác. Trước khi dùng phải cúng từng chiếc trống với lễ vật là hai bát rượu, con gà. Cúng xong, đổ rượu lên mặt trống rồi mới treo trống. Trống được treo ở cạnh cửa ra vào ở gian giữa, trống đực treo bên trái, trống cái treo bên phải. Hai mặt trống quay vào nhau. Người đánh trống phải là đàn ông đứng ở giữa dùng củ chuối gõ vào hai mặt trống theo sự điều khiển của thầy cúng. Người ta đánh trống, vui múa suốt một đêm một ngày. Đồng bào tin rằng hồn ngô lúa rất sợ tiếng trống vì thế họ chỉ làm chay sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Nhưng nếu vì hoàn cảnh phải dùng trống sớm hơn thì chỉ được đánh ba tiếng trống thôi – trống đực đánh một tiếng, trống cái hai tiếng.

Cách đánh trống của người Lô Lô và Pu Péo mô tả ở trên cũng cho thấy một phần cách nhìn này đối với từng cặp trống đực – cái có cao độ khác nhau.

Một vài nhận xét

Như vậy có thể thấy, trống đồng là một nhạc khí, vị trí để tác động lên trống chủ yếu là trung tâm của mặt trống, nơi có hình mặt trời được đúc khá dày. Tuy nhiên để tạo ra được những âm thanh khác nhau, có thể những vị trí xung quanh đó, bảo gồm cả tang và thân trống cũng được tận dụng để tác động.

Về tư thế, trống đồng được đánh dựa trên 2 kiểu chính: thứ nhất, ngửa mặt trống lên và tác động thẳng đứng xuống trung tâm mặt trống. Phía dưới chân trống có thể được kê lên cao hoặc tạo những “hố cộng hưởng”. Tuy nhiên, cách này chủ yếu mang tính chất diễn tấu, không mang lại hiệu quả về âm thanh; thứ 2, trống được buộc dây vào quai và treo lên, người đánh dùng dùi tác động vào mặt hoặc thân và tang trống. Cách này tạo có thể tạo ra được hiệu quả về âm thanh hơn và hiện nay vẫn còn được một số dân tộc thiểu số sử dụng.

Tùy thuộc vào kiểu đánh trống mà vật tác động lên trống (dùi) cũng dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc dùi được làm bằng gỗ, đầu bọc vải để hạn chế làm biến dạng hoa văn trên trống.

Trải qua trên dưới 2000 năm, bên cạnh việc bảo lưu những nét đặc trưng từ thời Đông Sơn thì cũng có nhiều nét văn hóa đã mất, trong đó có phong tục đánh và sử dụng trống đồng. Do đó, việc phục dựng lại truyền thống đánh trống đồng ở người Việt hiện nay cũng còn nhiều quan điểm và luận giải khác nhau. Với phương pháp tiếp cận liên ngành khảo cổ học và dân tộc học, chúng ta có thể tìm hiểu về cách thức đánh trống đồng của người Việt cổ một cách tương đối toàn diện. Tuy nhiên, bài viết này chỉ có thể đưa ra những tư liệu mang tính chất gợi mở. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Minh Huyền 1996. Văn hóa Đông Sơn, tính thống nhất và đa dạng. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Hán Văn Khẩn (Chủ biên) 2008. Cơ sở Khảo cổ học. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Đình Khoa 1983. Các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1994. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Phạm Huy Thông (Chủ biên) 1990. Dong Son Drums in Viet Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Viện dân tộc học 1987. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Nhiều tác giả 1999. Phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam. Nxb. Văn hóa – Dân tộc, Hà Nội.

Những nhận thức ban đầu về trống đồng

Trống đồng là một hiện vật tiêu biểu và độc đáo xuất hiện từ thời đại đồ đồng của các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những chiếc trống đầu tiên được phát hiện cách đây hơn 100 năm bởi những nhà sưu tập cổ vật và những học giả phương Tây.

Khi đó, những nhận thức của họ về trống đồng rất mơ hồ. Chỉ đến khi Frans Heger (1853-1931), một nhà khảo cổ học người Áo đi sâu tìm hiểu thì những nhận thức về trống đồng mới bắt đầu được định hình.


Frans Heger (1853-1931) (nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Áo).

Trong nghiên cứu của mình, Heger cho biết, vào năm 1882, Bảo tàng triều đình và hoàng đế nước Áo về nghệ thuật và công nghệ tổ chức một cuộc trưng bày về đồ đồng. Tại đây, có một hiện vật lớn bằng đồng thể hiện theo hình nổi đã làm cho các nhà khảo cổ học và những người sành về nghệ thuật hết sức chú ý về hình dáng và kích thước của nó. Bề mặt hiện vật bao phủ một lớp thanh đồng và có những dấu vết trang trí có một tính chất hết sức đặc biệt. Theo những ghi chép của Heger, người ta đã suy nghĩ đến “nát óc” về ý nghĩa của hiện vật đáng chú ý đó cũng như về nguồn gốc và niên đại của nó. Một vài người cho rằng đó là một cái bàn có hình dạng đặc biệt, những người khác lại cho rằng đó là một cái nồi. Tuy nhiên, theo quan sát của Heger, “trên bề mặt có những hình trang trí phần thì đúc nổi, phần thì khắc chìm bao phủ khắp diện tích hiện vật và những hình còn lại có mặt ở phía ngoài của thành hình tròn, rìa của tấm hình tròn đạy khít mặt phía trên. Điều này làm cho ông nghi ngờ về hai giả thiết trên. Những quan niệm về xuất xứ của hiện vật này lại càng khác biệt nhau hơn nữa. Người ta phỏng đoán rằng có lẽ xuất xứ của hiện vật đó là vùng Syria hoặc là ở vùng Trung Á. Nhưng một vài nhà khảo cổ lại cho rằng hiện vật đó là từ vùng Mech xích cô. Chỉ có một điều có thể khẳng định, qua hình dạng bên ngoài và hoa văn trang trí thì đây là hiện vật quý có niên đại rất cổ.

Theo tìm hiểu của Heger, người có hiện vật này và đưa ra trưng bày là Bá tước Hans Graf Ilesek. Năm 1880, ông đã mua được của một người buôn bán đồ cổ ở Florence (Ý), người này cũng mua lại được của một người buôn bán trung gian. Thời gian đó cũng như sau này không có chi tiết gì chính xác về xuất xứ của hiện vật cổ.

Trong tập ảnh giới thiệu triển lãm về đồ đồng lịch sử trong Bảo tàng triều đình và hoàng đế nước Áo về nghệ thuật và công nghệ, in lần thứ 2 ở Vienna năm 1883, hiện vật này được mô tả với số 510, trang 24 như sau: “Chậu lớn, đúc, trang trí rất phong phú bằng những hình cổ sơ. Trên thành có một băng trang trí bằng hình, trông có vẻ là con cá vẽ cách điệu. Đường kính ở đáy là 0,745m, đường kính ở miệng 0,60m, chiều cao 0,35m. Xuất xứ không rõ. Mua được ở Ý, có lẽ là đồ nhập cảng”.

Vì ở đây người ta cho rằng hiện vật đó là một đồ để chứa đựng nên đã đặt tấm mặt trang trí đặt xuống phía dưới. Cũng vì quan niệm sai như vậy nên chúng ta sẽ gặp một trường hợp tương tự một cách ngẫu nhiên và chính vì vậy không lấy gì làm lý thú cả.

Phải đến năm 1883, tác giả của những đồ đồng này tìm đến một người có tên là Anton Payer. Anton Payer là người Áo nhưng đã làm việc trong một thời gian dài ở triều đình của vua Xiêm và trước đó đã trải qua 3 năm theo Phật giáo. Qua đó Anton Payer đã thu lượm được một sự hiểu biết chính xác về đất nước này, về những người dân và nền văn hóa của đất nước này. Mùa hè năm 1883, khi họ thăm triển lãm đồ đồng, Anton Payer quan sát thật kỹ vô số hiện vật bằng đồng thuộc miền đông châu Á, trong đó có cả hiện vật mà ta đang nói tới. Khi trông thấy hiện vật này, Payer xăm xăm bước tới và khi nghe hỏi về xuất xứ và ý nghĩa của nó đã trả lời một cách chắc chắn: “Hiện vật này là một cái trống và xuất xứ là ở Xiêm”. Anton Payer phân tích, chiếc trống này được buộc dây thừng vào 4 chiếc quai và treo lên giá gỗ, mỗi chiếc trống như vậy đều có một chiếc dùi để gõ lên hình ngôi sao trên giữa tấm mặt tròn. Những chiếc trống này hiện nay vẫn còn được sử dụng trong cung điện vua Xiêm và một số ngôi chùa Phật giáo.

Từ đây, F. Heger bắt đầu hướng nghiên cứu mới của mình với loại hình trống đồng. Ông phát hiện ra rằng, trống đồng không chỉ phổ biến ở Thái Lan mà cả ở toàn khu vực Đông Nam Á. Ông cũng khẳng định rằng trống đồng xuất phát từ miền Bắc Việt Nam và trung tâm các cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở vùng này. Những nghiên cứu về trống đồng của Heger đặc biệt là cách phân loại trống đã được các nhà nghiên cứu sau này sử dụng một cách rộng rãi như một ghi nhận đối với công lao của ông đối với việc nghiên cứu trống đồng.

 

Trống đồng Ngọc Lũ, Bảo vật Quốc gia của Việt Nam

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tài liệu tham khảo:

1. Frans Heger 1902. Trống đồng ở Đông Nam Á, Bản dịch của Viện Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam (Tư liệu đánh máy của Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

2. Phạm Huy Thông 1990, Dong Son Drums in Vietnam, Nxb. Khoa học Xã Hội.

3. http://www.zobodat.at/D/runD/D/cacheD/personen_details.php?nr=53339.

Những bằng chứng về nghề luyện kim đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ thứ 8 – 7 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 1 – 2 sau Công Nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, bắc Trung bộ Việt Nam.

So với các nền văn hóa đồng đại khác ở Miền Trung Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Đông Sơn nổi trội hơn cả ở bộ sưu tập hiện vật đồng thau, mặc dù đồ sắt cũng đã xuất hiện trong nền văn hóa này. Qua thống kê, tỷ lệ đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn chiếm tới gần 90% trong tổng số hiện vật các chất liệu. Số lượng hiện vật đồng được tìm thấy cũng đã lên tới hàng vạn tiêu bản, thuộc nhiều loại hình khác nhau, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sản xuất, đời sống của cư dân Đông Sơn.

Đồ dùng sinh hoạt có thạp, thố, bình, lọ, âu, ấm, muôi, thìa, bát, đĩa, đèn thắp sáng,… Công cụ làm nông nghiệp, trồng lúa nước có các loại rìu để khai hoang và các loại lưỡi cày, cuốc, xẻng, mai, thuổng… để làm đất. Đặc biệt, người Đông Sơn đã biết làm ra những chiếc liềm để gặt hái cho năng suất cao hơn hẳn những chiếc nhíp thời tiền Đông Sơn chỉ ngắt được từng bông lúa một. Đối với nghề mộc thì có các loại đục vũm, đục bẹt với nhiều kiểu dáng dài ngắn, thon bè thích hợp với từng kỹ thuật đục chạm khác nhau,…

Khảo cổ học cũng đã chứng minh nghề dệt vải khá phát triển khi tìm thấy dấu tích vải và công cụ dệt vải. Bên cạnh những chiếc dọi xe chỉ bằng gốm là một số loại công cụ chuyên dụng bằng đồng như các loại dao, bàn chải. Đáng chú ý có những chiếc dao găm chuôi bẹt, trên một mặt chuôi có những gai nổi nhỏ giống như gai trên bàn chải. Có thể nói, đây là loại công cụ chuyên dùng trong nghề dệt kết hợp cả hai chức năng chải, cắt… Bộ sưu tập dụng cụ săn bắn và vũ khí đồng Đông Sơn có đầy đủ các loại vũ khí tấn công, phòng ngự, đánh xa, đánh gần như giáo, dao găm, rìu chiến, lao, mũi tên, lẫy nỏ, tấm che ngực,… Các loại khác như nhạc khí, vật dụng nghi lễ, đồ trang sức, nghệ thuật tượng tròn,… cũng không những nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình, kiểu dáng, hình thức thể hiện,…


Lưỡi cày đồng Cổ Loa

Một câu hỏi được đặt ra là, đồ đồng Đông Sơn là sản phẩm chế tác của chính cư dân Đông Sơn hay được du nhập từ bên ngoài? Cho tới nay, nhiều bằng chứng khảo cổ học thuyết phục chứng minh việc đúc đồng tại chỗ của cư dân Đông Sơn đã được tìm thấy. Đó là những chiếc khuôn đúc đồng bằng đá cát, đất nung và nồi nấu đồng bằng đất sét trộn vỏ trấu, bã thực vật phát hiện được ở Làng Cả (Phú Thọ), Làng Vạc (Nghệ An) và nhiều di tích khác,… Khuôn đúc hở (một mang) dùng để đúc hình động vật đã tìm thấy ở Lãng Ngâm (Bắc Ninh). Đồ đồng nhỏ thì được làm từ khuôn 2 mang như khuôn đúc chuông, dao găm, rìu, giáo đồng,…

Trong khu vực Thành Cổ Loa, Hà Nội cũng đã tìm thấy hàng trăm mảnh khuôn đúc mũi tên cùng dấu vết lò đúc. Riêng trống đồng được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp 3 mang, sử dụng một lần, đúc xong phá khuôn để lấy sản phẩm nên dấu tích loại khuôn này rất hiếm gặp. Hiện mới phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng giai đoạn muộn ở Luy Lâu, Bắc Ninh.


Dấu vết lò đúc đồng ở Thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt tới trình độ cao đáng kinh ngạc mà những chiếc trống đồng, thạp đồng với kích thước lớn, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí hoàn hảo, sắc nét đến từng chi tiết,… là những minh chứng tiêu biểu nhất. Cho tới nay, hàng trăm chiếc trống đồng đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn. Đồng thời, một số trống đồng Đông Sơn điển hình cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nhưng những chiếc trống đẹp nhất, hoàn hảo nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa chỉ mới phát hiện được ở Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn với những nét đặc sắc nói trên, không chỉ là biểu hiện cao nhất của công nghệ đúc đồng mà còn là sản phẩm lao động, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Đông Sơn.

Nếu như các văn hóa tiền Đông Sơn như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun chủ yếu mới dừng lại ở giai đoạn hợp kim 2 thành phần là đồng, thiếc thì tới Đông Sơn đã có bước chuyển biến mang tính đột phá. Họ đã tạo ra cả chục loại hợp kim nhiều thành phần với 3 kim loại chính là đồng, chì, thiếc. Sự có mặt của chì đã làm cho nước đồng láng đều và điền đầy vào mọi ngóc ngách của khuôn, giúp cho cư dân Đông sơn đúc được nhiều loại sản phẩm ưu việt hơn các giai đoạn trước cả về kích thước, kiểu dáng, hoa văn trang trí… Hơn nữa, người Đông Sơn đã biết gia giảm số lượng, tỷ lệ thành phần kim loại trong hợp kim cho phù hợp với từng loại hình sản phẩm, công năng sử dụng. Chẳng hạn, những vật dụng sắc nhọn như đục, rìu, mũi tên, dao găm thì sử dụng hợp kim đồng thiếc. Những hiện vật lớn, hoa văn mảnh mai, tinh xảo đòi hỏi kỹ thuật cao thì đều được đúc bằng hợp kim có chì.


Bộ dụng cụ đúc đồng tìm thấy tại Làng Cả, Phú Thọ

Với sự phát triển đột biến, mạnh mẽ như vậy, ngành luyện kim đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn hẳn phải là một ngành kinh tế độc lập, đòi hỏi sự chuyên môn hóa và có sự phân công lao động rõ ràng. Một bộ phận cư dân tách khỏi nông nghiệp để chuyên đi khai mỏ, luyện quặng hoặc đúc đồng. Bằng chứng về sự chuyên môn hóa này là tại khu mộ Làng Cả đã phát hiện ngôi mộ của một thợ đúc đồng, được chôn theo 4 khuôn đúc, gồm 1 khuôn đúc chuông, 1 khuôn đúc rìu gót vuông, 1 khuôn đúc giáo và 1 khuôn đúc chuôi kiếm ngắn. Ngoài ra còn có nồi nấu và rót đồng. Trong lòng chiếc trống đồng Cổ Loa tìm thấy tại cánh đồng Mả Tre, Cổ Loa, Hà Nội năm 1982 được chôn theo rất nhiều lưỡi cày và hàng trăm mảnh đồng vụn cùng nhiều phế phẩm, mảnh vỡ đồ đồng được thu thập lại để tái đúc. Trống Cổ Loa là một trong những chiếc trống đẹp nhất. Từ đó có thể thấy, chủ nhân trống Cổ Loa phải là người có quyền lực, giàu có và có thể là một thủ lĩnh luyện kim đúc đồng.

Khi nghề luyện kim phát triển lại tác động tích cực, thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác phát triển theo khi cung cấp các bộ dụng cụ lao động tiên tiến, có hiệu năng cao. Như vậy, có thể nói nghề luyện kim đúc đồng là ngành kinh tế động lực đã tạo ra bước phát triển đột phá về kinh tế, xã hội làm cho văn hóa Đông Sơn thay đổi hẳn về chất, vượt lên hẳn cái nền của các nền văn hóa tiền Đông Sơn. Sự đột phá này là động lực giúp cho kinh tế phát triển, gia tăng giá trị thặng dư dẫn đến nhiều biến đổi sâu sắc về thượng tầng kiến trúc của xã hội Đông Sơn, làm tiền đề hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Thạp đồng – loại hình bản sắc của văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn, được các nhà Tiền sử học đặt trong thời đại đồng và sắt sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 2500 – 2000 năm. Đây là nhân lõi vật chất của Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Cả, của những bộ sưu tập hiện vật ấn tượng và vô cùng phong phú, phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng cư dân Việt cổ.

Có thể khẳng định rằng, Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng nhất của khu vực Đông Nam Á thời sơ sử, với những tần số phát sóng cực mạnh, đã tạo nên một sự ảnh hưởng văn hóa vô cùng rộng lớn, khiến nảy sinh ra một khái niệm “Đông Sơn ngoài Đông Sơn” của cố Giáo sư, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Phạm Huy Thông trước đây, hay “Đông Sơn ngoại biên” của một số nhà nghiên cứu hiện nay. Nói như thế để nhấn mạnh tính đặc thù của bộ sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn vùng tam giác châu Bắc Bộ, mở rộng thêm tới xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh hiện nay, khiến khó có thể trộn lẫn với Đông Sơn vùng Nam Trung Quốc, Đông Sơn Đông Nam Á lục địa và ngoài hải đảo. Một trong những hiện vật đặc thù ấy là những chiếc thạp đồng lớn nhỏ, được phát hiện trong gần một thế kỷ qua ở Việt Nam, suốt từ miền núi Lào Cai – Yên Bái đến Thanh Hóa – Nghệ An, bao gồm 16 địa phương, với mức độ mật tập khác nhau, qua một phép cộng khiêm nhường là 280 chiếc. Đây là con số chưa nói được hết, khi chúng còn nằm trong các nhà sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ “minh khí” chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này.

Khác trống đồng, cũng là loại di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, có nhiều kiểu dáng khác nhau, mà giới nghiên cứu giờ đây đồng thuận với khái niệm loại I Heger là trống Đông Sơn, thì thạp đồng có kiểu dáng đơn giản hơn nhiều, với hai loại hình cơ bản sau đây:

Thạp có dáng hình quả nhót, thường có nắp đậy. Thân thạp hình trụ, miệng hơi khum, nửa trên hơi bóp, giữa phình và nửa dưới, sát chân thót lại. Tiêu biểu cho loại hình này là thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh, cả hai đều phát hiện ở Yên Bái và đều đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bảo vật quốc gia thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện ở Yên Bái. Ảnh: internet

Hoa văn và đề tài trang trí trên hai chiếc thạp này đã có nhiều văn liệu khảo cổ học nhắc đến, nhưng hình ảnh cặp đôi giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh dường như là một hiện tượng duy nhất, được biết cho đến nay, nhưng tinh thần và bản chất quen thuộc của văn hóa Đông Sơn vẫn toát lên, đó là ý nghĩa phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Việt cổ. Bốn tượng chim bồ nông trên nắp thạp Hợp Minh, dẫu cũng là phiên bản thứ hai về tính độc bản, nhưng lại cho một hình ảnh thân quen hơn với văn hóa Đông Sơn, qua trực quan từ các loại thủy cầm trên trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam), Cẩm Giang (Thanh Hóa)… Những hoa văn hình học, thuyền người trên thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh thì quá quen thuộc trên những đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt là trên trống đồng, khiến cho bất cứ ai cũng phải thừa nhận, loại thạp quả nhót có nắp là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn. Tôi thì cho rằng, chúng là loại hình đặc trưng của bộ Tân Hưng thuở Vua Hùng, Vua Thục, là cốt cách riêng biệt của vùng thượng lưu sông Thao mà địa phận tập trung là tỉnh Yên Bái ngày nay.

Thạp đồng Hợp Minh. Ảnh: internet

Thạp có dáng như một chiếc xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và thót dần xuống đáy. Loại thạp này có số lượng nhiều, tập trung ở đồng bằng và thung lũng các dòng sông lớn, như sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hoa văn trang trí trên thạp chủ yếu là văn hình học: vạch thẳng song song, đường tròn có chấm giữa, ô trám lồng… mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dẫu hoa văn hình học được coi là nổi trội trên loại hình thạp này nhưng không phải là tất cả. Thạp Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một khác biệt, với những họa tiết trang trí hình thuyền, trên đó là những cảnh tượng sinh động về cuộc sống của những chiến binh đánh thủy, được diễn tả khá chi tiết, chẳng khác bao nhiêu so với thạp đồng Đào Thịnh I, Hợp Minh và trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Xuân Lập không phải là cá biệt, nhiều thạp đồng loại này, kích thước trung bình từ 20 -25 cm đường kính miệng, với chiều cao tương tự, cũng trình diễn những tổ hợp hoa văn thuyền người hoặc người hóa trang lông chim, người cách điệu hình cờ bay trên băng chủ đạo giữa thân thạp, phản ánh ngôn ngữ chung của nghệ thuật Đông Sơn.

Thạp đồng không nắp với bộ quai hình chữ U. Ảnh: internet

Thạp đồng là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn còn nằm ở bối cảnh phát hiện ra chúng. Không nhiều trong số 280 chiếc thạp này được tìm thấy trôi nổi, ngoài khai quật khảo cổ học. Phần lớn chúng có trong các địa tầng khảo cổ học, đó là những di chỉ cư trú hoặc mộ táng (mộ đất, mộ thân cây khoét rỗng).

Phát hiện khảo cổ học cho hay, hai chiếc thạp đồng đẹp nhất là Đào Thịnh I và Hợp Minh là hai chiếc quan tài. Đào Thịnh I là quan tài của người được hỏa thiêu với tàn tích chứa bên trong là than tro và xương cháy dở. Hợp Minh lại là quan tài của tục hung táng, với một bộ hài cốt và nhiều đồ tùy táng chứa bên trong. Với những chiếc thạp đẹp như vậy, chắc chắn chủ nhân của chúng phải là những người ở đẳng cấp cao trong một xã hội Đông Sơn đã có sự phân hóa giàu nghèo, thân phận hèn sang khá đậm nét. Tuy nhiên, thoạt kỳ thủy, theo tôi, cả hai chiếc thạp nêu trên, cùng nhiều chiếc thạp khác nữa, không phải là đúc ra để làm quan tài. Chúng là những đồ đựng có hai tai hình bán khuyên hoặc chữ U dùng để treo, khi sàn nhà là vô cùng bất tiện. Treo còn là hình thức để tôn thờ, mang ý nghĩa tâm linh của vật dụng, theo đó, là rượu thờ, rượu dùng cho lễ hội cầu mùa được sở hữu từ những già làng, tiên chỉ. Rất có thể, chúng còn để đựng hạt giống cho mùa màng, mà tín ngưỡng phồn thực nảy nở sinh sôi còn đọng hằn khá rõ trên các hình tượng hoa văn, khi mà đời sống của người Việt cổ thời Đông Sơn có nhiều nghi lễ liên quan tới mùa màng, nay còn sót lại như những “hóa thạch” ở một số cộng đồng cư dân miền núi phía Bắc, trong đó có người Mãng Ư, được cố Giáo sư Nguyễn Từ Chi phác dựng cả một quy trình, kể từ khi chọc lỗ gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, cất giữ trong kho hay trong những chiếc thạp đồng đựng hạt giống cũng phải là những người có uy tín trong cộng đồng sở hữu. Rồi, người tiên chỉ, già làng ấy mất, họ dùng nó để làm quan tài, chôn theo, như thể, sang thế giới bên kia, họ vẫn là con người ấy, đẳng cấp xã hội ấy, vẫn vai trò ấy trong cộng đồng.

Văn hóa Đông Sơn – văn hóa của thạp đồng còn được thể hiện ở việc so sánh với những văn hóa khác trong khu vực. Có thể nói, trong thời đại đồng – sắt sớm ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo, thạp đồng dường như là sản phẩm duy nhất của văn hóa Đông Sơn. Riêng miền Nam Trung Quốc, có khoảng 19 thạp đồng trong mộ Nam Việt Vương, Bắc Linh Tùng (Quảng Đông), La Bạc Loan, Cao Trại và địa điểm Ung Giang (Quảng Tây), mộ Thiên Tử Miếu (Vân Nam). Như vậy, Lưỡng Quảng và Vân Nam là ba tỉnh phát hiện được thạp đồng. Tôi đã từng cho rằng, ba đỉnh cao của tam giác thời đại đồ đồng – sắt sớm, đó là Bắc Việt Nam, Lưỡng Quảng và Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu), có sức thu phát sóng cực mạnh. Chúng tiếp nhận, lan tỏa và ảnh hưởng qua lại, được thể hiện rất rõ trong bộ di vật đồng qua kiểu dáng và hoa văn. Việc tìm thấy những chiếc thạp đồng ở Lưỡng Quảng và Vân Nam sẽ có hai tình huống xảy ra. Một là, trao đổi hàng lấy hàng, qua đường biển và dòng sông Hồng. Hai là, trao đổi công nghệ, khi trung tâm Lưỡng Quảng và Vân Quý đủ sức tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Lạc Việt, để làm ra những chiếc thạp đồng khá giống với những chiếc thạp Đông Sơn. Cách đây hơn 20 năm, tôi có ghé thăm Bảo tàng Guimer của Pháp, khi ấy đang trùng tu, sửa chữa. Người quản thủ thân thiện, chuyên gia về nghệ thuật Phương Đông, dẫn vào kho, cho xem một chiếc thạp đồng dáng xô, cỡ trung bình, vừa mua đấu giá được ở Paris. Anh có hỏi tôi về nguồn gốc, xuất xứ chiếc thạp ấy qua những hoa văn khá khác lạ so với những chiếc thạp đã biết từ trước tới khi ấy ở miền Bắc Việt Nam. Một trong những họa tiết hoa văn khác lạ, đó là hình ảnh con cá, diễn tả theo kỹ thuật “giải phẫu” (xương sống, xương sườn và vây…thấy cả bên trong). Phương pháp và kỹ thuật X quang đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến, như một hằng số của nghệ thuật giải phẫu Đông Sơn, nhưng cá bơi trước mũi thuyền, chưa có tư liệu hơn hai mươi năm trước. Giờ đây, cá bơi trước thuyền và nhiều hoa văn kỳ thú khác đã thấy trên thạp Hợp Minh (Yên Bái). Mặc dù vậy, cá trên chiếc thạp ở Bảo tàng Guimer có sự khác biệt về chi tiết so với hình ảnh tương tự trên thạp, trên trống Đông Sơn. Tôi nghĩ rằng, đó là thạp vùng Nam Trung Quốc, du nhập kiểu dáng và kỹ thuật từ Đông Sơn Bắc Việt Nam.

Nói văn hóa Đông Sơn là văn hóa của những chiếc thạp đồng là chưa đủ. Nền văn hóa ấy còn là nền văn hóa của trống đồng, hoàn toàn khác biệt với văn hóa đỉnh – lịch vùng Trung Nguyên. Nó còn là văn hóa của những chiếc thố đồng, cũng ít thấy ở Nam Trung Hoa. Đó còn là văn hóa của những lưỡi cầy, dao gặt (vằng – nhíp), minh chứng cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước đạt trình độ cao, khác biệt với bộ công cụ trồng kê, cao lương của Trung Nguyên Hoa Hạ… Những sự khác biệt ấy đã làm nên một bản sắc Đông Sơn, không thể bị đồng hóa trước sức mạnh bành trướng của văn hóa ngoại lai trong một nghìn năm thuộc Bắc.

Văn hóa Đông Sơn cho đến bầy giờ vẫn là một tấm gương lớn về dựng xây bản sắc trong một thế giới hội nhập như hiện nay.

Theo: TS. Phạm Quốc Quân

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Những điều thú vị quanh tượng người cõng nhau thổi khèn trong văn hóa Đông Sơn

Không phải ngẫu nhiên mà đợt phong tặng danh hiệu Bảo vật quốc gia lần đầu cho 30 hiện vật, có 2 trống đồng và 2 tượng đồng của văn hóa Đông Sơn. Hai trống đồng là Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, đã quá nổi tiếng. Tượng đồng người cầm đĩa đèn phát hiện ở Lạch Trường cũng xứng đáng là bảo vật và được nói đến nhiều. Thế còn bức tượng còn lại?

Đó là tượng người cõng nhau thổi khèn. Hết sức sinh động, có lẽ là một bức tượng đẹp nhất trong các khối tượng biết đến nay thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Người Đông Sơn vốn giỏi đúc đồng. Họ cũng là tác giả của nhiều bức tượng từ gốm, đá đến chất liệu đồng thau. Nhưng có lẽ đẹp nhất phải kể đến tượng bằng đồng vì nó được miêu tả tinh mĩ hơn do cách làm khuôn uyển chuyển mềm mại hơn là đẽo đá, lại có được sắc óng vàng của chất liệu đồng thau đem lại.

Người Đông Sơn đã đúc thành công 5 cặp tượng người trên nắp thạp đồng Đào Thịnh miêu tả 5 đôi trai gái đang giao duyên khá hiện thực, còn thấy được cả giới tính người đàn ông, nếp khố, lưng còn đeo dao găm. Họ cũng đúc được các loại cóc gắn trên mặt trống đồng, tượng chó trên mặt trống minh khí, tượng hươu, tượng lợn. Một loạt tượng người, hổ, rắn trên cán dao găm khá đẹp mà nay người ta gọi là dòng nghệ thuật ứng dụng: kết hợp tạo tượng ghép với sự trang trí đồ vật. Cũng có khi có tượng người thổi khèn ngồi ở cán muôi đồng Việt Khê.

Nhưng phần lớn các tượng kể trên đều là tượng trong tư thế “tĩnh”. Còn bức tượng hai người cõng nhau thổi khèn lại trong tư thế “động”: người cõng thì chân cao, chân thấp, nhún nhảy như muốn bước thêm một bước nữa. Người ngồi trên lưng thì thổi khèn say sưa. Tượng được miêu tả trong điệu nhảy và trong điệu khèn. Cái khéo của tượng chính là miêu tả hết sức có hồn hai người đàn ông: người cõng đội khăn đầu rìu, đóng khố, đuôi khố thòng ra phía sau, chấm đất. Người xưa khéo xử lý đuôi khố để thành một chân tượng kết hợp với hai chân của người đang cõng, tạo thành cái thế “chân vạc” giúp tượng không có đế, nhưng có 3 điểm tựa vững chãi. Hai tay người cõng vòng ra sau, ôm lấy lưng người ngồi trên khá chắc chắn và hiện thực. Người ngồi trên lưng có tay cầm khèn, miệng ngậm khèn đang say sưa thổi. Cả hai người đều tết tóc thành đuôi tròn sau gáy, đeo đồ trang sức khá to ở tai. Các chi tiết như miệng, mắt, mũi đều được mô tả chi tiết.

 

Cả bức tượng sinh động nhường vậy nhưng lại có kích thước nhỏ: chiều cao 8,5cm rộng ngang 9,5cm. Mặc dù nhỏ, nhưng lại là tuyệt tác về nghệ thuật, chuyên chở được cái “thần thái” của nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn: cái chất sống động, kết hợp giữa tạo dáng với tạo văn: một số hoa văn khắc vạch có mặt trên tóc, trên tay. Đây cũng còn là một tuyệt tác về đúc đồng. Vào thời điểm đúc tượng, người nghệ nhân đúc tượng làm khuôn bằng đất. Qua quan sát, có thể thấy tượng đúc liền khối chứ không chắp vá, chứng tỏ kỹ nghệ làm khuôn rất giỏi, phải có cách tạo khuôn ghép nhiều bộ phận nhỏ, mới tạo ra được các khối thanh mảnh, các chỗ lồi lõm, mà khi đúc, nước đồng vẫn điền đầy chi tiết.

Tượng người cõng nhau thổi khèn còn chứa chất khá nhiều thông điệp về lịch sử thời văn hóa Đông Sơn. Niên đại của tượng vào khoảng vài trăm năm trước Công Nguyên. Qua đó, ta biết được thời điểm này, người Việt cổ rất lạc quan, tâm thái của tượng có cái chất phơi phới, vô tư, đúng như thư tịch cũ còn ghi lại: vào thời Hùng Vương, Vua tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên.

Tượng cũng cho thấy hình ảnh của cây khèn đang được thổi, đó là một loại nhạc cụ được khắc họa trên trống đồng, rìu đồng, tượng người thổi khèn còn trên cán muôi. Đây là nhạc cụ phổ biến thời Hùng Vương. Chúng ta có thể thấy một dàn nhạc có bộ gõ (trống, chuông, chiêng) bộ hơi (khèn) đã làm nên một dạng hòa âm đặc biệt của thời này. Khèn cũng là một dụng cụ âm nhạc tồn tại khá lâu, cho đến nay, nhiều dân tộc ở miền núi nước ta vẫn coi khèn là nhạc cụ không thể thiếu của dân tộc mình như người H’Mông, người Tây Nguyên. Qua cây khèn bè và những so sánh dân tộc học, có thể đoán định vào thời văn hóa Đông Sơn của các Vua Hùng, có nhiều tộc người khác nhau cùng tham gia khai phá và dựng nước, họ cũng đều là các tộc người thích âm nhạc, nhất là khèn.

Tượng còn cho thấy một nét sinh hoạt văn nghệ đương thời: múa nhảy. Người Việt cổ vừa thổi khèn, vừa múa nhảy. Qua hình tượng đã có thể khẳng định thêm các tư liệu khảo cổ đã biết: người xưa đã có múa nhảy. Họ đã đeo khá nhiều vòng có gắn nhạc đồng, mà các nhà khoa học gọi là vòng ống. Đeo vòng ống dọc bắp tay, cánh tay, cổ chân. Một số khuyên tai, xà tích cũng gắn nhạc. Đến khi nhảy, múa, tiếng nhạc rung lên lanh canh, rộn ràng. Việc múa và nhảy trong sinh hoạt văn hóa là đặc điểm của Đông Sơn, phần lớn được thực hiện trong các ngày hội như mừng năm mới, mừng cơm mới, cưới xin… Ngày nay, các điệu múa, nhảy ít còn thấy trong cộng đồng người Việt Nam. Chỉ còn đôi nét múa nhảy còn thể hiện ở các điệu múa nhảy truyền thống như ca nữ đánh bồng mà thôi.

Cũng cần nhớ lại bức tượng người cõng nhau thổi khèn đã được tìm thấy ngay ở di chỉ khảo cổ học Đông Sơn nổi tiếng cách đây khoảng 80 năm trong cuộc khai quật của một người Pháp tên là Pajot. Tượng đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam. Tượng còn quý ở chỗ có giá trị độc bản. Không thấy những bức tượng nhảy múa sinh động giống thế trong nền văn hóa Đông Sơn, mặc dù đã có hàng trăm làng cổ và khu mộ cổ của nền văn hóa này được khai quật.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 

Bí mật về loại tiền đặc biệt thời vua Tự Đức

Trong số những loại tiền được đúc dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn, có một loại tiền rất đặc biệt. Tuy nhiên, điều đặc biệt này không phải ở chất liệu kim loại dùng để đúc tiền, không phải theo khuôn mẫu, hình thức mới… mà khác lạ ở chính tên gọi của nó.
Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), giống như các triều vua trước đó, ông cũng cho đúc tiền mang niên hiệu của mình, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết: “Tự Đức năm đầu, dụ rằng: Đúc tiền theo niên hiệu mới. Vậy cho theo thể lệ đúc tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị mà đúc tiền hiệu mới là Tự Đức thông bảo, tiền đồng hạng lớn, mỗi đồng nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm đều mỗi đồng tiền nặng 6 phân”.
Trong thời gian trị vì Tự Đức đã nhiều lần cho đúc đồng “Tự Đức thông bảo”, đồng tiền này có nhiều dạng khác nhau, có đồng ở mặt sau ghi giá trị ấn định của đồng tiền như chữ “lục văn”, để chỉ đồng tiền này ăn sáu đồng tiền kẽm; hoặc các chữ “thất văn”, “lục văn”… Ngoài ra, còn có những loại tiền kẽm được đúc lần đầu vào năm Kỷ Tỵ (1869) đường kính nhỏ, có loại mặt sau để trơn, có loại mặt sau của tiền ghi nơi đúc như: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Chân dung vua Tự Đức

Tuy nhiên loại tiền đặc biệt của vua Tự Đức được đúc vào tháng 2 năm Tân Dậu (1861), loại tiền này gọi là “Tự Đức bảo sao” có 8 loại, đây là loại tiền đúc để cho người dân tiện lợi mang theo khi đi đường. Cụ thể mặt sau của các đồng này có ghi: 1. Chuẩn thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 2. Chuẩn nhất thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm), 3. Chuẩn nhị thập văn (ăn 20 đồng tiền kẽm), 4. Chuẩn tam thập văn (ăn 30 đồng tiền kẽm), 5. Chuẩn tứ thập văn (ăn 40 đồng tiền kẽm), 6. Chuẩn ngũ thập văn (ăn 50 đồng tiền kẽm), 7. Chuẩn lục thập văn (ăn 60 đồng tiền kẽm), 8. Chuẩn đương nhị bách (ăn 200 đồng tiền kẽm).
Các loại tiền chủ yếu được đúc bằng chất liệu đồng, chính bởi vậy mà dần dần “đồng” trở thành tên gọi đơn vị tiền tệ của nước ta cho đến tận ngày nay.
Không rõ lý do gì mà Tự Đức lại đặt tên loại tiền thứ 2 của ông là “Tự Đức bảo sao”, đồng tiền này cũng là đồng tiền kim loại nhưng chữ “sao” lại chỉ dùng để gọi tiền giấy. Từ đời vua Trần Thuận Tông, theo chủ trương của Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy gọi là “Hội sao thông bảo”, tiền này được dùng cho đến khi triều nhà Hồ sụp đổ. Theo Phan Huy Chú viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng một thước, chỉ đáng giá 5-3 đồng tiền mà đem đổi lấy những vật giá 5-6 trăm đồng của người ta, đã không hợp lý mà lại làm người ta cất giữ, dễ rách nát”.


Đồng tiền Tự Đức bảo sao – Chuẩn tứ thập văn

Như vậy “sao” là cách gọi loại tiền giấy, vậy mà “Tự Đức bảo sao” là tiền đồng chứ không phải là tiền giấy, dù gọi là “sao”. Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn viết về tiền này như sau: “Đúc sáu hạng tiền đồng, từ hạng tiền một đồng ăn 10 đồng đến hạng tiền một đồng ăn 60 đồng. Mặt đồng tiền khắc bốn chữ Tự Đức bảo sao. Hạng ăn 10 đồng nặng 1 đồng cân 5 phân, hạng ăn 20 đồng nặng 3 đồng cân, hạng ăn 30 đồng nặng 4 đồng cân 5 phân, hạng ăn 40 đồng nặng 6 đồng cân, hạng ăn 50 đồng nặng 7 đồng cân 5 phân, hàng ăn 60 đồng nặng 9 đồng cân”.
Tiền “Tự Đức bảo sao” được đúc nhiều lần ở những năm khác nhau, sách Đại Nam thực lục còn cho biết đồng tiền bảo sao này được đúc nhiều nhất là đồng mặt sau có chữ Chuẩn lục thập văn, một đồng này ngang với 60 đồng tiền kẽm (vừa đúng 1 tiền), thông hành trong dân gian rất tiện lợi nên được đúc nhiều.
Đồng tiền có tên gọi lạ lùng này của vua Tự Đức không chỉ gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu, sưu tầm tiền cổ trong nước mà ngay đến cả người nước ngoài cũng phài ngạc nhiên, tò mò. Một nhà nghiên cứu Tây phương là ông Henry A. Ramsden (1872-1915) trong một tập san viết về tiền tệ đã nói rằng tiền bảo sao của vua Tự Đức là “thứ tiền duy nhất của An Nam bằng kim loại được đúc để tượng trưng cho tiền giấy”.
Ngoài những loại tiền nói trên, Tự Đức còn cho đúc tiền mang niên hiệu của mình bằng chất liệu vàng và bạc, mặt trước vẫn có dòng chữ “Tự Đức thông bảo”, mặt sau mang nhiều hình vẽ, họa tiết khác nhau như hình 5 con dơi (biểu tượng của Ngũ phúc), hình rồng bay (gọi là tiền phi long), hình ba cây: mai, tùng, trúc (biểu tượng của Tam thọ), thậm chí có loại gọi là tiền Vạn thế vĩnh lại khắc cả bài thơ 20 chữ trên lưng tiền…

Nguồn: Kienthuc.net.vn

Tạo hình, hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn (bản đầy đủ nhất)

Trống tạo dánh hình trụ đứng, tang phình, thân thon, đế choãi. Trống có 2 gờ khuôn đúc chạy thẳng từ tang xuống váy trống, có 04 bộ quai cong hình cánh cung, xẻ rãnh chính giữa trang trí hoa văn hình chấm dải nối tiếp giữa tang bồng và thân trống. Cả mặt, tang và thân trống đều có các đường chỉ nhỏ chia trống thành các vành hoa văn lớn nhỏ khác nhau và được trang trí dày đặc.

Mặt trống: Phẳng, loe ra khỏi tang bồng, trên bề mặt trang trí các họa tiết, hoa văn thể hiện những nét tiêu biểu mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Chính giữa mặt trống đắp nổi hình mặt trời với 10 tia, xen giữa các tia là hoa văn chữ V lồng, bao quanh mặt trời là 08 vành hoa văn đồng tâm từ trong ra ngoài trang trí các hoa văn.

  • Vành thứ nhất là vành hoa văn gạch đứt
  • Vành thứ 2 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 3 là hoa văn hình răng lược
  • Vành thứ 4 là hoa văn hình thoi
  • Vành thứ 5 là hoa văn đầu chim công
  • Vành thứ 6 là hoa văn hình chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ
  • Vành thứ 7 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 8 là hoa văn hình răng lược

 

Tang trống: Hơi phình so với mặt trống gồm 04 vành hoa văn được trang trí lần lượt từ trên xuống dưới bao gồm: Hoa văn hình răng lược; hoa văn đường tròn tiếp tuyến; hoa văn hình răng lược và 06 chiếc thuyền chở người đội mũ lông công cách điệu đang chèo lái. Tại 4 góc cạnh quai trống trang trí hình ảnh 4 con cò đối xứng nhau, 2 con vếch mỏ lên, 2 con chúc mỏ xuống.

Thân trống: Thon dần từ trên xuống dưới trang trí các vành hoa văn: Hình thoi, hình người đội mũ lông công múa cách điệu, hoa văn hình răng lược, đường tròn tiếp tuyến và hoa văn hình răng lược phía dưới cùng.

 

Váy trống: Loe rộng tạo độ vững chắc, để trơn không trang trí hoa văn