Tag Archive | đồ đá cũ

Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa, xã Thần sa, huyện Võ Nhai

Theo Quốc Lộ 1B di tích khảo cổ thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên 40 km về phía Bắc. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 – 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.

Di tích khảo cổ học Thần Sa đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn Quốc Gia. Đến với Thần Sa du khách đến với vùng núi đá vôi hùng vĩ, non xanh, nước biếc, du khách có thể thoả ước để xem và suy ngẫm tương tư về cuộc sống người xưa, và nay, đến Thần Sa để được ngắm tận mắt những bản nhà sàn đẹp mà ít nơi có được.

than sa1(1)

Khu di chỉ hang động ở Thần Sa thuộc thời đại đồ đá cũ, có niên đại cách ngày nay từ 30.000 đến 10.000 năm,được phát hiện năm 1972 và đã trải qua nhiều lần khai quật;gồm các di chỉ: Phiêng Tung, Ngườm, Thắm Choong, Ranh 1, Ranh 2, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Nà Ngùn, Nà Khù… Continue reading

Sưu tập công cụ cuội văn hoá Sơn Vi

Văn hóa Sơn Vi là di chỉ văn hóa được lấy tên theo địa phận xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là nơi đã phát hiện đầu tiên các công cụ cuội ghè, đẽo. Tập trung chủ yếu tại các di chỉ: Sơn Vi, Vườn Sậu, Sóc Lọi, Làng Nghìa, Núi Thắm, Phân Đậu, Phân Muồi, Núi Nỏn,…

Cho đến nay các nhà khảo cổ học đã phát hiện 105 địa điểm của địa bàn tỉnh Phú Thọ, trên 230 địa điểm Sơn Vi trong cả nước. Nhiều nhất là ở tỉnh Phú Thọ 105 địa điểm, Yên Bái 39 địa điểm, Sơn La 22 địa điểm, Lai Châu 18 địa điểm, Bắc Giang 13, Lâm Đồng 2, Quảng Trị 1,… Qua các hiện vật thu được trên địa bàn cả nước cũng như trong tỉnh Phú Thọ các nhà nghiên cứu xác định rằng văn hóa Sơn Vi thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới. “Văn hóa Sơn Vi có niên đại mở đầu vào khoảng 23.000 năm chấm dứt vào khoảng 11.000 năm cách ngày nay” (Hà VănTấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình năng Chung, 1999);

 

Địa bàn phân bố Sơn Vi khá rộng, không chỉ ở phía Bắc mà còn ở Bắc Trung Bộ, phân bố không đồng đều trên hai loại hình cơ bản: Loại hình hang động – mái đá phân bố rải rác, đan xen ở vùng núi đá vôi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, ở những hang cao và đầu nguồn các con suối. Và loại hình đồi gò – thềm sông: Các địa điểm Sơn Vi tập trung thành 4 vùng hay 4 nhóm lớn: Trung lưu sông Hồng; thượng lưu sông Đà; thượng lưu sông Lục Nam và thượng lưu sông Cả.

Từ trước đến nay các nhà khoa học đã chứng minh một trong những nguồn hợp hình thành văn hóa thời Hùng Vương là các văn hóa tiền Đông Sơn kế tiếp nhau ở lưu vực sông Hồng, với các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Việc phát hiện văn hóa Sơn Vi cho chúng ta biết được tổ tiên xa xăm hơn trên đất tổ Vua Hùng dựng nước.

Từ khi phát hiện ra nền văn hóa này vào năm 1968, các nhà khoa học có rất nhiều điều phải bàn như: Niên đại văn hóa Sơn Vi, địa bàn cư trú, sự có mặt của văn hóa Sơn Vi trong hệ thống di chỉ thuộc khu vực Đông Nam Á, vấn đề mảnh tước trong văn hóa Sơn Vi, dấu tích di cốt động vật,… Ở đây thông qua bộ sưu tập này Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu với người xem về loại hình công cụ, nguyên liệu, chất liệu, kỹ thuật chế tác, chức năng sử dụng các công cụ của cư dân Sơn Vi đó là một trong những cách thức trong việc xác định mối quan hệ về bước chuyển biến từ văn hóa Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) lên văn hóa Hòa Bình (Sơ kỳ đá mới).

Trong hơn một thế kỷ qua ngành khảo cổ học đã có những đóng góp không nhỏ trên địa bàn vùng đất tổ với những phát hiện khảo cổ: Văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 11 vạn năm), Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn (đến 2000 năm). Hiện nay trong kho hiện vật Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đang lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập quý giá là các văn hóa sơ sử kế tiếp nhau tương ứng với thời kỳ Hùng Vương ở lưu vực sông Hồng và có một bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc, đó chính là bộ sưu tập công cụ cuội của nền văn hóa Sơn Vi được trưng bày trong hai tủ với số lượng hơn 40 công cụ với đầy đủ các loại hình.

Các nhà khảo cổ khẳng định: “Đặc trưng nổi bật trong công cụ đá văn hóa Sơn Vi là việc sử dụng cuội sông, suối để chế tác công cụ. Đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ được người xưa tuyển chọn có hình dáng khá ổn định đối với từng loại hình và từng nhóm di vật cụ thể.” (Hà Văn Tấn – Nguyễn Khắc Sử – Trình Năng Chung 1999, 129). Về chất liệu các loại đá trong sưu tập Sơn Vi thường được xác định dựa vào màu sắc để đoán nhận. Theo các công trình đã công bố đều thống nhất chất liệu được người Sơn Vi sử dụng là đá Quartzite đôi khi có cả đá cát kết, basalte, porphyrite, phtanite, bộ sưu tập Sơn Vi trong Bảo tàng tỉnh Phú Thọ được xác định là đá Quartzite.

Về loại hình và kỹ thuật chế tác: Công cụ đặc trưng của loại hình văn hóa Sơn Vi được chia làm hai nhóm: công cụ cuội nguyên bao gồm chày, bàn nghiền, hòn ghè và nhóm công cụ cuội ghè đẽo. Trong các sưu tập Sơn Vi nhóm công cụ cuội nguyên rất ít, nhóm công cụ cuội ghè đẽo có số lượng nhiều và loại hình phong phú, sưu tập công cụ cuội trong Bảo tàng chủ yếu là nhóm công cụ cuội ghè đẽo bao gồm:

Những công cụ rìa lưỡi ngang: Kích thước trung bình chiều dài từ 9cm đến 12cm, chiều rộng từ 7cm đến 9cm, lưỡi hẹp, thân dài ghè ít lớp, góc lưỡi nhỏ. Với loại hình công cụ này cho thấy đã được cư dân Sơn Vi sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu, những loại công cụ này thường được ghè vài nhát, ghè một lớp theo hướng, có đốc cầm dài. Cũng vẫn loại hình công cụ rìa ngang nhưng thân cuội cực ngắn, ghè sát đến phần đầu hẹp viên cuội được gọi là núm cuội, khiến cho viên cuội có đốc cầm cực ngắn (10,5 x 6,5 cm).

Những công cụ rìa lưỡi dọc với lưỡi dài, thân ngắn, ghè ít hoặc nhiều lớp, góc lưỡi hẹp hoặc lớn, loại công cụ này được làm từ loại cuội bầu dục dẹt, mỏng. Kỹ thuật ghè tạo một lớp lưỡi ghè mỏng chạy dọc theo chiều dài của viên cuội. Kích thước chiều dài từ 11cm đến 13cm, chiều rộng từ 3cm đến 6cm.

Công cụ phần tư viên cuội được sử dụng kỹ thuật bổ cuội, chặt bẻ sau đó các loại công cụ này được sử dụng kỹ thuật ghè, đẽo tạo rìa tác dụng từ cuội bổ. Kỹ thuật chặt bẻ trong Sơn Vi tạo ra công cụ phần tư viên cuội (chiều dài từ 9cm đến 13cm, chiều rộng từ 5cm đến 8cm), còn trong văn hóa Hòa Bình tạo công cụ rìu ngắn. Sử dụng công cụ từ cuội bổ chính là tận dụng nguồn nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm và giảm thiểu quy trình ghè đẽo tạo rìa tác dụng.

Bộ công cụ rìa lưỡi xiên tại Bảo tàng có kích thước (chiều dài từ 7cm đến 15cm, chiều rộng từ 4,7cm đến 12cm) làm từ cuội dẹt, ghè một mặt, thường cuội mỏng ghè ít lớp, cuội dày ghè nhiều lớp. Loại công cụ này còn được gọi là công cụ lưỡi lệch.

Ngoài ra trong bộ sưu tập này còn có các loại công cụ hai rìa, ba rìa, công cụ mũi nhọn, công cụ đa rìa, một số mảnh tước, vẫn sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu. Trong loại hình công cụ đa rìa kỹ thuật ghè được sử dụng để ghè hết một mặt lớn của vỏ cuội tự nhiên, được ghè từ một lớp đến nhiều lớp khác nhau tạo thành rìa cạnh sắc.

Như vậy trong văn hóa Sơn Vi kỹ thuật ghè đẽo được sử dụng chủ yếu trên hòn cuội tự nhiên, kết hợp với bổ cuội để tạo phần tư viên cuội làm công cụ trong điều kiện tận dụng nguyên liệu tại chỗ và kỹ thuật chặt bẻ là một thủ pháp đặc thù trong kỹ thuật Sơn Vi. Chặt bẻ là khâu thứ hai tiếp theo sau khi đã tạo ra được công cụ có rìa lưỡi. Chặt đôi công cụ rìa dọc để tạo ra được công cụ phần tư cuội, chặt đốc công cụ rìa lưỡi hẹp để tạo ra những chopper đốc ngắn và phẳng. Cũng vẫn sử dụng các kỹ thuật ấy đến văn hóa hòa Bình đã có một bước phát triển hơn tạo thành rìu đá kết hợp với kỹ thuật mài.

Về công dụng: Các loại công cụ trên được cư dân Sơn Vi sử dụng hàng ngày như những loại dụng cụ chặt, cắt, đập, giã, nghiền trên các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như rau, cỏ, thịt thú rừng,… Từ những chứng tích về văn hóa Sơn Vi ta có thể hình dung đôi nét về cuộc sống của cư dân lúc đó: họ sống trên những hang cao, đầu nguồn các con suối và đồi gò thấp, ven sông, dựa vào kinh tế săn bắt hái lượm, chưa có kinh tế sản xuất nông nghiệp, chưa biết làm đồ gốm. Tại Phú Thọ văn hóa Sơn Vi tập trung chủ yếu tại vùng ngã ba sông, đồi gò của huyện Lâm Thao, ngoài ra còn có ở vùng đồi gò dọc bờ sông Thao và sông Lô thuộc các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông,…

Thông qua bộ sưu tập này chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc về một nền văn hóa xa xôi mà Phú Thọ vinh dự, tự hào mang tên nền văn hóa đó, văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ là một trong những trung tâm thời đại đá cũ của Việt Nam, lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới, giúp các nhà khoa học khẳng định một cách chắc chắn về nguồn gốc của con người thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương trên vùng đất cổ của Tổ quốc.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/hien-vat-dac-sac/396-suu-t-p-cong-c-cu-i-van-hoa-son-vi

Di chỉ khảo cổ học Thần Sa (Thái Nguyên)


1. Tên di tích: Khu di tích khảo cổ học Thần Sa
2. Loại công trình: Khu vực khảo cổ
3. Loại di tích: Di tích khảo cổ học
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia: theo quyết định số 147/VH-QĐ ngày 24 tháng 12 năm 1982
5. Địa chỉ di tích: Xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
6. Tóm lược về thông tin di tích:
Khu di tích Thần Sa nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 25 km theo đường chim bay về phía Bắc. Những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo đôi bờ sông Thần Sa là nét đặc trưng của địa hình Thần Sa. Chính trong các hang động ở Thần Sa, vào những năm 70 – 80 của thế kỉ XX các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kì đá cũ đến sơ kì thời đại đồ đá mới (30.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay) như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong, Hạ Sơn1, Hạ Sơn 2,…

Từ La Hiên (cây số 22 – Quốc lộ 1B Thái Nguyên – Lạng Sơn) đi thẳng đến trung tâm xã Thần Sa, sau đó xuyên qua bản Trung Sơn của người Tày, đi dọc sông Thần Sa, chỉ khoảng 1km là tới chân núi Mèo. Hang Phiêng Tung nằm giữa núi Mèo, ở độ cao khoảng 50m so với chân núi. Phiêng Tung nghĩa tiếng Tày là cao và bằng phẳng. Do từ bản Trung Sơn nhìn lên thấy cửa hang giống như miệng con Hổ đang há ra nên dân trong vùng gọi là hang Miệng Hổ. Hang rộng và thoáng, có hai tầng. Tầng trên nhỏ, không có tầng văn hoá. Tầng dưới cao 10m, rộng 10m, sâu 20m, rất thuận tiện cho người nguyên thuỷ cư trú. Qua 4 đợt khai quật vào các năm 1972, 1973, 1980 các nhà khảo cổ học đã thu thập được 659 công cụ đá với nhiều loại hình công cụ “khác lạ về kỹ thuật chế tác”. Đó là các loại: Công cụ hòn cuội, công cụ mũi nhọn, công cụ mảnh cuội, công cụ mảnh tước.

Mái đá Ngườm, di chỉ quan trọng nhất của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa, nằm trên sườn núi phía Bắc dãy núi Ngườm, thuộc bản Trung Sơn, cách Phiêng Tung chừng 1km về phía Nam. Đây là một mái đá khổng lồ, chiều rộng chừng 60m, chiều cao 30m, nằm ở độ cao 30m so với mặt sông Thần Sa chảy ngang trước mặt. Hố khai quật của di chỉ Ngườm cho thấy địa tầng có 4 tầng văn hoá khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hoá Bắc Sơn, Hoà Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2, ở tầng 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hoá thứ 4, là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung. Ở Phiêng Tung và Ngườm, những công cụ mũi nhọn, công cụ nạo và kỹ thuật gia công lần thứ hai giống những công cụ và kỹ thuật điển hình của văn hoá Mút-xchi-ê, nền văn hoá tiêu biểu cho thời đại trung kì đồ đá cũ thế giới và gần gũi với nền văn hoá Trung kỳ đá cũ Ấn Độ Nevasien.

Những phát hiện khảo cổ học ở Phiêng Tung và Ngườm đã giúp các nhà khảo cổ học xác định được: Ở Thần Sa, ở Việt Nam có một nền văn hoá khảo cổ đá cũ – văn hoá Thần Sa. Chủ nhân của nền văn hoá Thần Sa là những người Homo Sapien (người khôn ngoan). Lần đầu tiên ở Việt Nam Giáo sư Hà Văn Tấn đã xác lập một kỹ nghệ khảo cổ học mới “Kỹ nghệ Ngườm”. Tại thung lũng Thần Sa, ngoài hai địa chỉ quan trọng nhất là Ngườm và Phiêng Tung, trong vòng bán kính vài cây số kể từ di chỉ Phiêng Tung còn có tới gần 10 di chỉ từng là nơi cư trú của người nguyên thuỷ. Đó là Ranh 1, Ranh 2, Ranh 3, Nà Ngùn, Nà Khù, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Thắm Choong,…Thần Sa là nơi người nguyên thuỷ đã sống liên tục trong thời gian dài vài chục nghìn năm, từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới, là nơi mà các phát hiện khảo cổ quan trọng đã góp phần chứng minh sự xuất hiện và phát triển liên tục của con người thuộc các nền văn hoá khảo cổ trên đất Việt Nam, từ Núi Đọ qua Thần Sa, Sơn vi, Hoà Bình, Bắc Sơn,… để bước sang thời sơ sử – thời đại kim khí với nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ. Ở Châu Á chỉ có di tích Lang Giong Riêng của Thái Lan và Bạch Liên Động ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với di tích khảo cổ học Thần Sa.

Do có một ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, có một vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hoá của con người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa, khu di tích khảo cổ học Thần Sa được Nhà nước xếp hạng Quốc gia năm 1982 và được Bộ Văn hoá Thông tin đưa vào mục Di tích đặc biệt của Quốc gia.

Nguồn: ditichlichsu.com

Hang Thẩm Khuyên (Lạng Sơn) – Di chỉ thời đại đồ đá cũ

 

  1. Tên di tích: Hang Thẩm Khuyên
  2. Loại công trình: Hang động – cổ sinh
  3. Loại di tích: Di chỉ khảo cổ
  4. Quyết định: Đã xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 2015 QĐ/BT ngày 16 tháng 12 năm 1993 của Bộ văn hóa – Thông tin.
  5. Địa chỉ di tích: Thôn Còn Nưa – xã Tân Văn – huyện Bình Gia – tỉnh Lạng Sơn
  6. Tóm lược thông tin về di tích:

Khu di tích Thẩm Khuyên là một di tích khảo cổ học cổ sinh dạng hang động, nơi phát hiện những dấu tích của người và động vật cổ ở nước ta. Di tích hang Thẩm Khuyên nằm trên dãy núi đá vôi tên địa phương là dãy Phia gà thuộc dãy núi đá vôi Điềm He – Bình Gia, cách thị trấn Bình Gia 7km, cách thành phố Lạng Sơn 68 km về hướng Đông nam, cửa hang hướng ra quốc lộ 1B về hướng Đông bắc. Chạy song song với dãy núi này là dãy núi đất cây cối mọc không rậm rạp lắm; khoảng cách giữa hai dãy núi khoảng 700m tạo nên một thung lũng và nhân dân địa phương đã khai phá làm những thửa ruộng bậc thang để trồng trọt. Quốc lộ 1B chạy xuyên qua thung lũng này và cách di tích chừng 100m. Du khách có thể đến với di tích bằng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp là thuận tiện nhất.

Cửa di tích cao hơn mặt thung lũng khoảng 21m, toàn bộ hang dài 30m; hang chia làm 2 phần rõ rệt có vách ngăn đôi; mặt nền giữa hai hang cao thấp khác nhau. Hang trên có cửa hang dài 9m, rộng 4m, cao 5m, hang dưới mặt cửa dài 20m, rộng 30m, cao 10m. Phần hang dưới có nhiều ngách ăn sâu vào trong lòng núi. Di tích này là nơi đã phát hiện ra những lớp trầm tích; những tầng văn hóa trong những giai đoạn khác nhau, phát hiện ra những mẫu hóa thạch tồn đọng của một số loại động vật và người nguyên thủy.

Năm 1964, cuộc điều tra hỗn hợp giữa cán bộ Viện khảo cổ Việt Nam và tiến sĩ HD Kahle Viện cổ sinh CHDC Đức (cũ) đã khai quật thám sát di tích này. Tháng 5 năm 1965 Tổ cổ sinh đệ tứ kì Viện khảo cổ học Việt Nam đã khai quật di tích. Tháng 12 năm 1965 cuộc khai quật kết thúc, kết quả đã thu được một số mẫu hóa thạch xương động vật trong lớp trầm tích đá nhạt và vàng nhạt nằm xen kẽ nhau, các hóa thạch thu được là những chiếc răng rời phần lớn chân răng đã bị hủy hoại do các loài gặm nhấm, vài chục chiếc răng hóa thạch của đười ươi voi răng kiếm, hàng trăm răng khỉ đuôi dài, 9 chiếc răng người vượn, 1 chiếc răng vượn khổng lồ. Hầu hết răng hóa thạch của người ở đây đều mang tính chất đặc tính nguyên thủy. Tháng 5 năm 1993 đoàn nghiên cứu cổ sinh hỗn hợp Mỹ – Úc đã tiến hành thám sát nghiên cứu và thu lượm một số mẫu trầm tích và hóa thạch mang về nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu có thể khẳng định di tích Thẩm Khuyên này đã có niên đại cách ngày nay vào khoảng 250.000 năm thuộc thời kỳ trung kỳ Cảnh Tân. Hiện nay tất cả các hiện vật hóa thạch này đang được lưu giữ và bảo quản tại kho và phòng lưu trữ Viện khảo cổ học Việt Nam tại Hà Nội, gồm: Răng đười ươi, bộ ăn thịt (họ mèo, họ gấu…), bộ có vòi (họ voi cổ, họ voi), bộ guốc lẻ (họ tê giác, họ lợn có vòi), bộ guốc chẵn (họ lợn, họ hươu),…

Phát hiện ra di tích cổ sinh Thẩm Khuyên là một bước tiến hết sức quan trọng và mang một giá trị lịch sử to lớn có ý nghĩa về mặt khoa học. Di tích này đã giúp các nhà nghiên cứu khoa học có được những lượng thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu xác định niên đại của lớp vỏ trái đất, sự phát sinh, phát triển cũng như sự diệt vong của các loài động vật qua từng thời kỳ địa chất khác nhau, góp phần cống hiến to lớn cho nghiên cứu cổ sinh, nhân chủng học. Về chính trị, di tích còn là niềm tự hào dân tộc và nâng cao địa vị Việt Nam trên chính trường quốc tế, vì hàng mấy chục vạn năm nay đã có con người cư trú trên đất nước Việt Nam này. Ngoài những ý nghĩa trên, di tích còn có giá trị lịch sử, giá trị tinh thần với người dân địa phương. Thẩm Khuyên là nơi từ bao đời nay có những sự tích, truyền thuyết tồn tại trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người già vẫn kể rằng: ngày xưa, khi giặc Phương Bắc sang xâm lược nước ta, khi chúng đến vùng đất Bản Hấu, dân làng đã rủ nhau vào trong hang Thẩm Khuyên trốn giặc. Giặc đã trèo lên đỉnh núi chặt cây xuống lấp miệng hang để khô rồi đốt cháy dân làng trong đó. Hầu hết dân làng đã bị chết thiêu, đa số là người già và trẻ em, trừ một số người tìm được ngách hang thông lên trên thì mới thoát nạn. Các cụ còn kể lại rằng, ngày trước khi đi vào hang tìm phân dơi còn thấy những lớp vỏ trấu cháy khô do thóc gạo dân làng đem vào hang tránh giặc bị đốt cháy. Hang Thẩm Khuyên đã trở thành một nơi linh thiêng đối với dân làng vì biết bao người con của làng đã chết ở đó. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hang là nơi trú ẩn, nơi che chở cho những người dân chạy nạn; hang còn là trường học của cả một thế hệ lớn lên trong chiến tranh. Nhiều người đã học tập và trưởng thành từ những lớp học như thế. Khu di tích Thẩm Khuyên còn có giá trị danh thắng. Đến thăm di tích này, du khách như được trở về với một vùng rừng núi tự nhiên nguyên thủy, hoang dã, với những dãy núi đá vôi và rừng trùng điệp của vòng cung Bắc Sơn.

Đến với hang Thẩm Khuyên, chúng ta có quyền tự hào rằng, chính nơi đây vào khoảng nửa triệu năm trước đã có những loài vượn người sinh sống. Đó là những người vượn đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, là minh chứng lịch sử Lạng Sơn là một trong những chiếc nôi sinh ra loài người. Tháng 12 – 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định cấp bằng công nhận di tích hang Thẩm Khuyên là di tích khảo cổ học loại đặc biệt quan trọng. Bất kì người con nào của địa phương cũng có thể cất vang lời hát “Tự hào Bình Gia”: “Bình Gia đây cội nguồn Tổ quốc ta, hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai còn đây, vết chân người xưa còn in…”.

Nguồn: http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/HANG-THAM-KHUYEN-a631.html

Núi Đọ – Di chỉ Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ

Núi Đọ thuộc địa phận 2 xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa), ngay bên bờ hữu ngạn nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu, cách bờ biển Sầm Sơn 22km. Núi Đọ nằm trong vùng đồng bằng do bồi tích của sông Chu và sông Mã tạo nên, cách thành phố Thanh Hóa 7km về phía Bắc – Tây Bắc.

Đá ở núi Đọ có tinh thể rất kết thực, hạt rất mịn, màu xanh xám, khá cứng, rất khó ghè vỡ, nhưng khi ghè vỡ lại tạo nên những cạnh rất sắc. Đây là một vật liệu rất tốt, phù hợp trong việc chế tác công cụ, khi mà con người chưa tìm ra những loại vật liệu khác có nhiều ưu điểm hơn.

Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski phát hiện, nghiên cứu và chứng minh rằng, nơi đây đã tồn tại một nền văn hoá sơ kỳ thời đại đá cũ. Người nguyên thuỷ đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm.

Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu như so sánh, thực nghiệm… các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng để tạo ra được mảnh tước, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá đẽo đá: phải có một vật có độ cứng tương đương, có trọng lượng tương đối nặng mới ghè được đá. Đá là vật liệu tốt nhất để người nguyên thuỷ ở núi Đọ vừa chế tác công cụ, vừa dùng nó để tạo ra những công cụ. Phương pháp ghè đá là phương pháp ghè trực tiếp: người nguyên thuỷ hoặc cầm hạch đá trên tay, hoặc đặt hạch đá xuống đất và cũng có thể họ đặt trên một hòn đá khác, còn tay kia cầm hòn ghè bằng đá trực tiếp bổ xuống theo hướng đã định sẵn, để tách ra những mảnh tước. Ở núi Đọ, mảnh tước chiếm đa số di vật mà người ta đã tìm thấy.

Công cụ đá núi Đọ

Hình dáng, kích thước của các mảnh tước ở núi Đọ cũng rất khác nhau: có mảnh rất lớn (chiều dài tới 14.7cm, rộng 17cm, dày 6.2cm), đồng thời lại có mảnh nhỏ nhắn hơn (dài 4cm, rộng 5cm, dày 1cm). Diện ghè của các mảnh tước cũng rất khác nhau: có diện ghè rất rộng (dài 16.5cm, rộng 4.5cm) nhưng cũng có diện ghè rất nhỏ (dài 3.2cm, rộng 0.5cm).

Sưu tập mảnh tước

Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng nó mang đầy đủ tính chất đặc trưng của mảnh tước Clắctôn điển hình. Đây là đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của con người thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Cũng căn cứ vào dấu vết kỹ thuật, dấu vết sử dụng để lại trên các mảnh tước, các nhà nghiên cứu cho biết rằng không phải tất cả những mảnh tước đều bị vứt bỏ, đều là phế liệu, mà có thể một số mảnh tước đã được người xưa sử dụng để cắt, nạo, hoặc chặt những cây mềm và nhỏ. Nhiều mảnh tước ở núi Đọ, vì vậy đã được sử dụng như một loại công cụ chân chính.

Bên cạnh mảnh tước là những hạch đá, tức là những hòn đá mà từ đó người ta ghè ra các mảnh tước. Những hạch đá này thường không có hình dáng nhất định, là những khối đá lớn, nặng nề, kích thước không giống nhau. Hạch đá không được sửa sang trước khi đem ghè đẽo ra mảnh tước – tức là không được định hình sẵn. Dấu vết của các nhát ghè để lại trên hạch đá cho thấy người núi Đọ khi ghè đá thường lấy mặt lõm của vết ghè trước làm diện ghè cho nhát ghè sau.

Ở núi Đọ, còn có khá nhiều công cụ được ghè đẽo qua loa, thường có một rìa lưỡi dày, mép uốn sóng, do những nhát ghè lớn chênh nhau ở hai mặt. Các nhà khảo cổ học gọi chúng là những công cụ chặt thô hay chopper. Đây là loại công cụ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số công cụ của người nguyên thuỷ ở núi Đọ. Tuy nhiên rìu tay mới là những công cụ đẹp nhất của họ. Hình dáng và kỹ thuật, về tư duy của người nguyên thuỷ núi Đọ. Các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng rìu tay là loại công cụ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Sen – A sơn (Chelléen – Acheuléen). Đó là loại công cụ duy nhất có hình dáng khá hoàn chỉnh và tương đối chính xác. Rìu tay ở núi Đọ khá hiếm. Đó là những công cụ có hình hạnh nhân, hình bầu dục. Một đầu rìu tay có hình gần mũi nhọn và đầu đối diện là đốc cầm. Đốc cầm thường to, dày, gần thành khối, cầm lọt lòng bàn tay. Rìu tay ở núi Đọ được ghè đẽo nhiều nhất trên cả hai mặt, có hình dạng cân xứng, có rìa lưỡi chạy xung quanh.

Rìu tay

Ngoài những loại hình công cụ trên, ở núi Đọ còn một loại công cụ nữa mà nhà khảo cổ học gọi là công cụ gần rìu. Đây là loại công cụ có hình dáng gần giống như những chiếc rìu tứ diện, nhưng có số lượng rất lớn và nhiều chiếc được ghè đẽo cả hai mặt. So với tất cả các loại công cụ khác ở núi Đọ, loại công cụ này không khác gì về kỹ thuật chế tác, về chất liệu, màu sắc mặt ngoài, độ phong hoá và cả kích thước.

Đa số công cụ gần hình rìu ở núi Đọ có dáng hình chữ nhật hoặc gần chữ nhật, mặt trên và mặt dưới thường song song với nhau. Một số công cụ này có rìa lưỡi ngang ở một đầu của hình chữ nhật, đồng thời hai cạnh dài của công cụ cũng được ghè đẽo cả hai mặt làm thành hai rìa tác dụng.

Nghiên cứu bộ di vật sưu tập được và hiện trạng của khu di tích, các nhà khảo cổ học nói với chúng ta rằng, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại núi Đọ để chế tác tất cả các loại công cụ tại chỗ; vì vậy các nhà khảo cổ học đã gọi di tích núi Đọ là một di chỉ – xưởng. Đây cũng là một điều thường thấy ở nhiều địa điểm khảo cổ khác thuộc sơ kỳ đá cũ trên thế giới.

Nguồn: http://baotang.thanhhoa.gov.vn