Tag Archive | Đại La

Nhà Mạc đắp thêm thành Đại La

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long.

Thành Đại La

Thành Đại La

Về cấu trúc thành lũy, thành Đông Kinh thời Lê sơ, hay Thăng Long thời Mạc vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long – Đông Đô thời Lý, Trần.

Vòng thành ngoài cùng vẫn mang tên thành Đại La. Năm 1477, Lê Thánh Tông cho xây dựng lại vòng thành này trên cơ sở thành cũ.

Vòng thành thứ hai được chính thức gọi là Hoàng thành. Năm 1474 và 1500, nhà Lê cho sửa chữa và xây dựng lại tường thành phía tây và phía đông của Hoàng thành. Năm 1516, Hoàng thành được mở rộng thêm về phía đông “đắp thành to rộng mấy nghìn trượng”.

Vòng thành trong cùng gọi là Cung thành hay Phượng thành. Năm 1490, vòng thành này cũng được mở rộng.

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ – Hà Nội), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa – Hà Nội) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vai trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc phía ngoài thành” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 164).

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo đường phía tây Hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ – La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt, qua Ô Cầu Dền, theo đường Trần Khát Chân, tới Ô Đống Mác, ra tới chân đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu Hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.

Năm 1592, sau khi đánh bại quân Mạc ở Thăng Long, Mạc Mậu Hợp chạy sang bên kia sông Nhị Hà, chiếm cứ một dải sông để tự vệ, Trịnh Tùng toan dẫn quân qua sông tiến đánh. Nhưng bấy giờ Trịnh Tùng trúng kế hoãn binh của hàng tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện: “Lệnh cho các quân san phẳng lũy đất thành Đại La dài đến mấy nghìn trượng, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh, phá hết thành đất bằng, không mấy ngày là xong. Đây là mưu của Nguyễn Quyện để làm kế hoãn binh cho họ Mạc” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 173)… Tuy nhiên, quân Trịnh trong thực tế cũng không san bằng hết được toàn bộ vòng thành Đại La, chúng ta còn thấy nhiều đoạn thành Đại La do nhà Mạc đắp khá rõ, đó là: đoạn đường đất khá cao chạy từ chợ Bưởi cho đến Cầu Giấy, hoặc đoạn đường chạy từ Ô Chợ Dừa cho đến đầu khu tập thể Kim Liên (đầu phố Đào Duy Anh – Hà Nội, ngày nay), hoặc đoạn đường đê chạy từ đầu Ô Cầu Dền (Bạch Mai) đến Ô Đống Mác vừa được san đi để mở đường Trần Khát Chân…

Nguồn: http://homacvietnam.vn/?p=489