Khi nghiên cứu cách sử dụng đồ gốm trong những khối cộng đồng đương đại, quan sát xem việc sử dụng đó có liên quan như thế nào đến cách tổ chức của những khối cộng đồng này và từ chỗ đó đi ngược về quá khứ “để xem có thể nói gì về đồ gốm thời trước”, G.Solheim Wilhelm (1) cho rằng, đồ gốm ở Đông Nam Á đã đảm đương một số chức năng nhất định trong xã hội, “những chức năng ấy được phân loại ra ba bình diện khác nhau xét trên quan điểm của đồ gốm: chức năng của nó đối với người sử dụng, nghĩa là những chức năng vật chất của đồ gốm; chức năng của nó đối với người sản xuất, nghĩa là chức năng kinh tế và tâm lý; chức năng của nó đối với xã hội, cộng đồng, trong nội bộ khối cộng đồng cũng như bên ngoài khối, trong những mối quan hệ giữa khối này với khối khác…” và, “xét trên bình diện sử dụng, chức năng của đồ gốm phải được phân nhỏ hơn nữa…”.
G.S.Wilhelm đã phân chia chức năng sử dụng (chức năng vật chất) của đồ gốm thành hai tiểu loại là thực dụng và lễ nghi, nhưng sau đó, lại tỏ ra phân vân về cách chia này. Tác giả cũng thử đưa ra một cách phân chia khác với việc dùng hai thuật ngữ thế tục và linh thiêng thay cho thực dụng và lễ nghi, nhưng rồi tự loại bỏ và kết luận: “Ở mỗi bình diện phân chia tiểu loại đều có những khó khăn tương tự” và “… ta còn gặp những khó khăn khác khi cần xếp một chức năng loại biệt nào đó vào tiểu loại này haytiểu loại khác. Chẳng hạn, việc sử dụng đồ gốm như một vật phẩm biểu trưng cho sự sang trọng được xếp thành một tiểu loại trong nhóm nghi lễ vì ở Đông Nam Á, đồ gốm hay đóng vai trò quan trọng trong những dịp lễ lạc…”. Đúng như G.S.Wilhelm đã nhận định, ở những cấp phân loại mang tính trừu tượng, nhiều khi việc phân loại chỉ là sự võ đoán. Continue reading