- Chức năng trang trí
Nếu tiếp xúc với đồ gốm mà không tìm hiểu sự khởi nguồn, khởi nghiệp, về lịch sử thăng trầm của nó, chúng ta sẽ nghĩ, chúng sinh ra dường như để làm đẹp. Ngay từ những mảnh gốm thô trang trí hoa văn lược hoặc văn chải tìm thấy trong di chỉ văn hóa Hòa Bình đã thể hiện một trong những đặc trưng và ưu thế của đồ gốm là tính trang trí, cho dù những hoa văn này được giải thích là mang tính công năng (tăng cường ma sát khi vận chuyển) nhiều hơn là tính thẩm mỹ. Những nhà nghiên cứu mỹ thuật thường nói, nghiên cứu lịch sử đồ gốm cũng là nghiên cứu lịch sử của những dạng, những loại hình hoa văn với những đồ án phong phú, đa dạng, phát triển từ thô sơ đến phức tạp, thể hiện trình độ tư duy và mỹ cảm của người đương thời. Cùng với khả năng sáng tạo ra đồ gốm, người Việt cũng sáng tạo ra những thủ pháp tạo hình và trang trí trên gốm, để loại vật dụng này ngày càng làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Ngay từ thời Đại Việt, bên cạnh các chức năng là đồ dùng sinh hoạt hoặc vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm đã được bày đặt (ở một vị trí cố định) trong nội thất hoàng cung với chức năng làm đẹp, làm sang cho gia chủ như một bức tranh quý hay một vật trang sức. Ở vị trí này, chức năng thực dụng của đồ gốm dường như bị triệt tiêu, nhưng giá trị của đồ gốm được nâng cao, mang ý nghĩa như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này giải thích tại sao từ thời Lê sơ, đồ gốm đã được triều đình dùng làm cống phẩm và hàng hóa trao đổi trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và các nước khác. Cùng với các sản phẩm được chế tác từ kim loại quý như vương miện, ấn, ngọc tỷ, đồ trang sức (bằng vàng, bạc, kim cương), nhiều đồ gốm được sưu tầm, gìn giữ và trao truyền như những báu vật quốc gia. Bằng con đường này, gốm cổ của nước ta đang được tàng trữ tại nhiều bảo tàng trên thế giới. Continue reading