Văn hoá Bàu Tró thuộc thời đại đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 5.000 – 4.500 năm. Hơn 20 di tích thuộc văn hoá Bàu Tró đã được phát hiện và nghiên cứu, chúng là những di tích cồn sò, cồn cát, cồn đất, phân bố dọc ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Hiện vật đá bao gồm rìu, bôn, cuốc, dao, dao cưa, mũi khoan, chày, bàn nghiền, hòn ghè, bàn mài, giáo, đồ trang sức, phác vật và mảnh tước. Đặc biệt rìu, bôn, cuốc là những công cụ sản xuất quan trọng nhất đều được mài toàn thân và rìu bôn có vai là công cụ đá tiêu biểu nhất của văn hoá Bàu Tró. Đây là đặc trưng quan trọng phân biệt giữa văn hoá Bàu Tró với các văn hoá đá mới khác.
Ngoài hiện vật đá, đồ gốm khá phong phú và đa dạng, bao gồm 3 loại khác nhau: gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn hoặc có chân đế trang trí văn khắc vạch trên nền thừng kết hợp với tô màu đỏ. Nhìn chung, văn hoá Bàu Tró đã đạt đến trình độ chế tác đá cao và làm gốm bằng bàn xoay, kiếm sống bằng thu lượm, săn bắn (bắt), đánh cá, làm nông nghiệp và chăn nuôi.
Văn hoá Bàu Tró phát sinh từ văn hoá Quỳnh Văn lên, người Bàu Tró cũng đã mở rộng giao lưu với người Hạ Long và Hoa Lộc ở phía Bắc, với cư dân Xóm Cồn ở phía Nam và với cư dân Tây Nghệ An và Quảng Bình.
Nguồn: http://baotangnhanhoc.org/vi/gioi-thieu/suu-tap-hien-vat-va-mau-vat/37-vn-hoa-bau-tro.html