Nhận định: “cái đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà trong con mắt của kẻ si tình” từ lâu đã phổ biến và trở thành “danh ngôn” tâm đắc của nhiều người khi bàn về vẻ đẹp thế gian…
Thực tế, yếu tố chủ quan đã góp phần chi phối đáng kể trong cảm nhận và thưởng thức cái đẹp. Sự yêu ghét, sợ hãi, yếu tố dân tộc, quốc gia, địa vị xã hội, môi trường sống, giá trị và giá cả (đối với sự vật, đồ vật bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật) cùng các định kiến khác…luôn là rào cản làm cho mỗi người gặp khó khăn trong việc “rũ bỏ màn đêm”, tận hưởng ánh sáng huy hoàng mà đón nhận vẻ đẹp khách quan hiện hữu…
Gốm Việt Nam, đồ sứ ký kiểu, gốm Nam Bộ, gốm sứ Trung Hoa hay là các tác phẩm nghệ thuật trên mọi chất liệu khác nhau, đều có những vẻ đẹp, thế mạnh riêng, không cần so sánh…
Các họa phẩm danh tiếng Châu Âu, Trung Hoa hay là cả Việt Nam… đều cho thấy tài hoa tuyệt vời của những họa sĩ qua nhiều thế hệ…
Các tác phẩm thuộc văn minh Óc eo, Chăm – Pa…đều khiến lòng ta thảng thốt giật mình bởi được chiêm ngắm những vưu vật tuyệt mĩ như thế là ngoài sự trông chờ…
Nét đẹp của những tạo tác cung đình, cầu kỳ trau chuốt hoa mĩ toàn hảo; vẻ đẹp tạo tác nhân gian, tư do phóng khoáng bay bổng diệu kỳ…
Một tuyệt phẩm còn toàn vẹn sau suốt hàng mấy trăm hay ngàn năm, làm cho người ta rưng rưng vui sướng tột cùng do hiểu rằng cuộc sống là thăng trầm dâu bể , thì những mảnh vỡ tương tự tuyệt phẩm ấy tạo cảm giác vừa tiếc nuối, vừa cảm khái muôn vàn bởi thấy đời là thế sự phù vân…
Còn rất nhiều…
Những tác phẩm ấy, có thể không phân định về giá trị nghệ thuật, nhưng đôi khi khác xa trời vực về giá cả – một vấn đề liên quan đến giá trị xã hội vốn được hình thành từ truyền thống yêu nghệ thuật, trí tuệ tâm hồn và đặc biệt là sự giàu có tri thức và của cải, được tích tụ lâu đời, minh bạch…
Một thiếu nữ 18 đôi mươi, vẻ đẹp nhiều người đắm đuối; chiều cao và số đo ba vòng chuẩn mực lại có học thức và được đào tạo bài bản công phu, sẽ là ưu thế trong việc ứng thí các cuộc thi, mang về ngôi hậu…Và có thể vinh dự nhận lãnh trách nhiệm là người đại diện cho nhan sắc quốc gia…
Người đờn bà tuổi hơn hoa hậu ấy hai thập kỷ, nếu giữ được từ 7 phần xuân sắc cũng những đường cong nữ tính chuẩn mực, lại có một lợi thế vô cùng lớn khác. Đó là vẻ đẹp đằm thắm nhẫn nại của người từng làm vợ làm mẹ; sự tự tin của người ít nhiều thành công và tự chủ trong cuộc sống; yếu tố chừng mực, hòa nhã khéo léo trong giao tiếp…có thể sơ hữu một sức hấp dẫn vô cùng bởi phong thái cùng tri thức tâm hồn hòa quyện với nét liêu trai thấp thoáng được hình thành từ mấy khúc uẩn tình nhân thế…Lẽ đương nhiên, điều đó chỉ xuất hiện trong muôn một khi “nàng ấy” được tạo hóa ban thêm những tố chất đặc biệt. Thì cho dẫu thời gian lạnh lùng, Nàng vẫn là tuyệt thế giai nhân…
Một tâm hồn trẻ thơ, có thể dễ dàng đón nhận những vẻ đẹp khác nhau bởi lòng không nhiều định kiến. Nhưng việc thưởng thức lại khó trọn vẹn do trải nghiệm chưa đủ đầy. Do đó, sự tiếp cận, va chạm, học hỏi, chia sẻ cần diễn ra thường xuyên, dài hay ngắn tùy vào nhân duyên cùng ngộ tính mỗi người. Đôi khi việc trải qua hạnh phúc trào dâng và cả thất vọng tột cùng với nghệ thuật và cả cuộc sống có thể là thời khắc quan trọng để tâm hồn phá đi mê chấp, định kiến mà bước qua những khung trời xanh sâu thăm thăm từ trong bóng tối âm thầm…
Khi ấy, quyền quý hay bình dân, dữ dội và dịu êm, sinh thành hay hủy diệt, giản dị và cao xa, thiếu nữ hoặc thiếu phụ, đồ cổ hay…”dưới cổ”…, tùy vào mức độ, mà có thể trở thành…trân phẩm ngàn thu…
Tuy nhiên, là phàm trần mấy ai có thể rũ sạch định kiến, cho nên vẫn luôn cần có sự đồng hành, thổn thức của một con tim thuần khiết…
Nói một cách khác, để cảm nhận và thưởng thức trọn vẹn cái đẹp, phải có nhãn quan lão luyện và một tâm hồn tự do…
Và khi đó, ta đã thực sự góp phần vào việc sáng tạo tác phẩm ấy, thêm một lần nữa…
Ảnh: “Đất trời Na Uy”, Nhiếp anh gia: Tommy Eliassen. Nguồn: Internet
LQH.
Nguồn: https://www.facebook.com/hao.lequang/posts/1416936188429560