Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: phục dựng Lễ cúng trăng; Hội thi Lôi-protip (thả đèn nước); phục dựng ghe Cà Hâu; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Khmer; Ẩm thực đường phố với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng”; Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù-kê khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…Điểm nhấn của Lễ hội chính là Giải Đua ghe ngo với 2 nội dung thi đấu 1.000m đối với nữ, 1.200m đối với nam diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/11.
Để lễ hội được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước, Ban Tổ chức lễ hội đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan báo chí đưa tin và tác nghiệp tại lễ hội. Bên cạnh đó Sóc Trăng cũng rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với tất cả du khách đến tham gia lễ hội…
Lễ hội dự kiến sẽ thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự, vì thế công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người dân và du khách được tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Công an tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời xử lý với tình huống đột xuất bất ngờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tình hình trước, trong và sau lễ hội; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, phân công lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự và điều hòa giao thông cho các hoạt động chính của lễ hội…
Ông Ngô Hùng cũng khẳng định, toàn bộ nguồn kinh phí tổ chức Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV năm 2019 đều từ nguồn xã hội hóa.