Nhà Ðinh trị vì đất nước ta trong khoảng 13 năm (968-980), trải qua 2 đời vua, bao gồm: – Đinh Tiên Hoàng; – Đinh Phế Đế.
♦ Ðinh Tiên Hoàng (968-979):
Niên Hiệu: Thái Bình (970-979).
Ðinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, Châu Ðại Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình), con Ðinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Ðình Nghệ giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Ðinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở thường đi chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.
Lớn lên nhờ thông minh, có khí phách, lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ giấy nghĩa mong lập nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông, nhưng vì bất hoà với chú, Bộ Lĩnh cùng với con là Ðinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái Bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Minh Công qua đời Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.
Năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế.
Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Ðế đặt quốc hiệu là đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập Ðạo Tướng Quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Ðinh Liễn là Nam Việt Vương.
Về ngoại giao để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống năm Nhâm Thân (972), Ðinh Tiên Hoàng sai con là Ðinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt Vương Ðinh Liễn là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.
Từ đó nước ta giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Ðinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn sứ quân nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa tuân theo luật lệ của triều đình. Bởi vậy để răn đe kẻ phản loạn, Ðinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hình phạt ấy nhưng mọi người sợ oai, phép nước được tuân thủ.
Nhưng rồi Ðinh Tiên Hoàng phạm sai lầm bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt Vương Ðinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thủa hàn vi, không được kế vị, tức giận, sai người giết Hạng Lang đi. Họa loạn gây nên ngay trong hoàng tộc.
Năm Kỷ Mão (979) Ðinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Ðinh Liễn bị tên Ðỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước khi làm hại, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm vua bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm Ðỗ Thích thấy vua Ðinh say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết nốt con cả là Ðinh Liễn. Triều thần tìm bắt được Ðỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Ðinh Toàn lên làm vua.
Ðinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.
♦ Đinh Phế Đế (979-980):
Ðinh Tiên Hoàng có 3 người con trai: Ðinh Liễn, Ðinh Toàn (có sách gọi là Ðinh Tuệ) và Ðinh Hạng Lang. Ðinh Liễn và Ðinh Hạng Lang đã chết mặc nhiên Ðinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc thấy vua còn nhỏ quyền bính nằm cả trong tay thập đạo tướng quân Lê Hoàn, lại nghi là Lê Hoàn tư thông với Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga) nên cử binh mã đến đánh. Nhưng bị Lê Hoàn giết sạch. Giữa lúc ấy nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất, các đại thần nước Việt phân liệt tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến, muốn thừa thế sang lấy nước Việt mới hội đại binh ở gần biên giới. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem binh đi chống giữ. Trước lúc tiến quân Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện nói rằng: “Bây giờ quân địch sắp vào cõi mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta. Dẫu chúng ta có hết sức lập được chút công nào thì rồi ai biết cho? chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh cũng chưa muộn. Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước cũng thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng gỡ rối được tình hình nghiêm trọng cần kíp lúc này. Huống chi ý chí quân đội cũng muốn tôn người chỉ huy của họ lên ngôi tối thượng thay cho vị vua mới 6 tuổi là con Dương Vân Nga. Bởi vậy, Dương Vân Nga đã lấy trước long bào, bà choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng hò reo dậy trời của quân sĩ. Sự tỏ ý nhường ngôi của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người, thức thời có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng”.
Ðinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng, sử gọi là Phế Ðế rồi tồn tại với tước vương (Vệ Vương) có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu (1001) trong dịp cùng vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Ðinh Toàn bị trúng tên hy sinh trên chiến tuyến vào tuổi 27.
Như vậy, triều đình Đinh làm vua được 2 đời, cả thảy 14 năm. Lê Hoàn lên làm vua, Dương Vân Nga trở thành Hoàng Hậu.
Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1950