GỐM TAM THÁI*

Cần phân biệt với gốm tam sắc ( Tangsancai/ Đường Tam Sắc ) nổi tiếng thời nhà Đường. Gốm tam sắc dùng 3 màu men chủ đạo là vàng, xanh lục và trắng vẽ, phủ lên cốt gốm rồi nung một lần, thường thấy trên những tượng gốm hình người, ngựa, lạc đà,…thời nhà Đường ( 618-907 ). Gốm Tam thái thì khác. Cốt gốm sau khi vẽ họa tiết màu xanh cobalt hoặc không rồi phủ một lớp men kính, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao, sau cùng mới vẽ tiếp các họa tiết bằng 3 mầu vàng, xanh lục và đỏ tía, rồi đưa vào lò hấp ở nhiệt độ thấp. Đối với những món đồ cao cấp thì màu vàng được thay thế bằng vàng thật dát mỏng.


Gốm Tam thái xuất hiện đầu tiên từ thời Thành Hoá ( 1464-1487 ), thịnh hành nhất vào thời Chính Đức ( 1505-1521 ) nhà Minh, từ lò Cảnh Đức Trấn. Từ thời Khang Hy ( 1662-1722 ) trở về sau thì sứ men màu đã phát triển với kỹ thuật vượt bậc.
Ở VN, gốm Tam thái xuất hiện gần như cùng thời, khoảng quý 3 TK15. Nhiều hiện vật tìm thấy trên đất liền trong và ngoài nước và trên con tàu đắm Cù Lao Chàm đã xác định điều đó.


Do được vẽ ngoài lớp men kính và hấp ở nhiệt độ thấp nên các màu tam thái có độ bám rất yếu, cùng với thời gian và tác động môi trường nên rất ít hiện vật còn giữ được nguyên vẹn các lớp men này, làm giảm bớt giá trị của cổ vật. Cũng vì lý do trên, rất nhiều đồ gốm tam thái Việt được vẽ lại để bán được cao giá, làm giảm đi giá trị cổ vật. Tôi có biết một người tên T ở Hà Nội chuyên làm đồ giả cổ, cũng từng tham gia vào việc này.
Cùng với gốm xanh trắng thì gốm tam thái Việt gần như biến mất sau TK17. Vào đầu những năm 90, khi người Nhật, vốn rất mê gốm Việt, đã sang hợp tác với làng nghề Bát Tràng sx những đồ gốm theo mẫu và họa tiết mà họ rất ưa thích như chuồn chuồn, hoa cúc,…Gần đây ở phía Nam, Cty Gốm sứ Hoàng Giang cũng sx tiếp loại gốm tam thái theo mẫu thức xưa với tên thương mại là gốm Yên Lam.

Vương vấn mãi một dòng gốm xưa !

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=320740371602627&id=100010000008701

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.