Trong các gia đình Nam bộ xưa, nhà nào cũng có chí ít vài ba sản phẩm gốm Lái Thiêu. Sự phát triển của dòng gốm này nở rộ những năm 40 – 60 của thế kỷ trước, tuy không có số liệu cụ thể, chính thức về việc xuất khẩu dòng gốm Lái Thiêu xưa ra nước ngoài, nhưng hiện ở thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, vẫn bày bán khá nhiều các sản phẩm gốm Lái Thiêu xưa, như một minh chứng cụ thể về sự phát triển và ảnh hưởng của dòng gốm này trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân Nam bộ và vùng phụ cận.
Từ giữa thế kỷ 19, vùng Bình Dương, Sông Bé đã hình thành những lò sản xuất gốm, ở khu vực Lái Thiêu cũng có một vài lò gốm do người Hoa làm chủ, toàn bộ các lò gốm dù tên gọi khác nhau nhưng có một tên chung là gốm Lái Thiêu, như một thương hiệu định danh cho tất cả các làng gốm thuộc khu vực Bình Dương, Sông Bé. Nguyên do đây là nơi tập trung các thương lái, chành, vựa, thu gom sản phẩm gốm trong vùng tại cảng Bà Lụa, từ đó phân phối đi các thị trường vùng Đông Nam bộ, miền Tây và sang cả Cao Miên, Lào… Khi thương lái hỏi nguồn hàng đến từ đâu, câu trả lời Lái Thiêu, dần dần, hai chữ Lái Thiêu định tên luôn cho một dòng gốm gia dụng phổ biến ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến tận hôm nay.
Hình thành những lò gốm ở khu vực Bình Dương, phải kể đến nguồn gốc từ những người Hoa di cư sang Việt Nam, thành lập các lò gốm ở Sài Gòn mà nổi tiếng là gốm Cây Mai, chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu sử dụng, nhưng chủ yếu nhất là đồ thờ cúng, tượng thờ… Tiêu biểu là loại hình tiếu tượng hiện còn rải rác khá nhiều trên các mái đình chùa trong khu vực Chợ Lớn và các vùng phụ cận.
Qua quá trình đô thị hoá, các thợ gốm ở Sài Gòn dần dời về vùng ven, và Lái Thiêu là điểm đến lý tưởng, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào, việc giao thương thuận tiện đi các vùng miền khác thông qua cảng Bà Lụa. Những lò gốm dần hình thành với ba trường phái rõ rệt, đặc trưng của gốm Lái Thiêu xưa, đó là dòng gốm Quảng Đông, Phước Kiến, và Triều Châu.
Nếu như ở gốm Sài Gòn, thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì sang đến gốm Lái Thiêu, các lò gốm tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn… Những tên lò nổi tiếng có Quảng Hoà Xương, Hưng Lợi, Thái Xương Hoà, Quảng Hiệp Hưng (gốm Quảng Đông), Duyệt An, Đào Xương, Vinh Phát, Hương Thành (gốm Triều Châu)…
Các hiện vật của dòng gốm Nam bộ lừng danh một thời này khá dễ tìm ở thị trường đồ cổ, giá rẻ hơn hẳn so với các dòng gốm cổ tên tuổi hơn như Bát Tràng, Chu Đậu… Nhưng qua thời gian, vẻ đẹp khi mộc mạc như gốm Phước Kiến – chủ yếu đồ đất nung, hoặc tráng men da lươn. Khi lại bay bướm với lối công bút tài tình như gốm Triều Châu – gốm tráng men xanh trắng, gốm men màu – tam thái, ngũ thái… lột tả tài nghệ của những nghệ nhân gốm qua các hoa văn, tích truyện được vẽ lên sản phẩm. Hay đằm thắm với gốm Quảng Đông với kiểu phủ men độc sắc, nung lò củi nên hay có hoả biến tạo ra những sản phẩm kỳ diệu. Từng dòng sản phẩm, từ thứ cấp đến cao cấp, đã dần thuyết phục được những tay chơi cổ ngoạn, và việc săn lùng, tìm kiếm những hiện vật gốm Lái Thiêu xưa ngày càng nở rộ, nhất là thời điểm từ bốn năm trở lại đây.
Trong trang trí nội thất, gốm Lái Thiêu ngày càng được ưa chuộng bởi mỗi sản phẩm là sự pha trộn hoàn hảo của chất liệu thuần Việt, nhưng được những thợ gốm tài ba người Hoa chế tác, nên có được nét độc đáo riêng, thoạt nhìn giống đồ Tàu, nhưng trong cốt thai gốm, màu men, kiểu dáng, lại phảng phất nét Việt, dễ trưng bày trong không gian nội thất từ cổ kính đến hiện đại. Thêm nữa là sự đa dạng trong loại hình sản phẩm khiến gốm Lái Thiêu xưa trở nên gần gũi với nhiều người. Cũng chính vì lẽ ấy, mà người theo đuổi, săn tìm vẻ đẹp gốm Lái Thiêu xưa ngày càng nhiều.
Nhiều lần gốm Lái Thiêu sánh vai cùng những dòng gốm khác trong các cuộc trưng bày lớn nhỏ ở khắp vùng miền trong cả nước, qua sự kết hợp của các bảo tàng, và các nhà sưu tập tư nhân, nhưng con số hiện vật và mảng thể hiện cũng chỉ dừng lại ở góc độ vừa phải của một dòng gốm đặc trưng Nam bộ.
Và để những người yêu thích gốm cổ, những nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm có một cái nhìn đầy đủ hơn về gốm Lái Thiêu xưa, bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM kết hợp cùng bốn nhà sưu tập tư nhân tổ chức một cuộc triển lãm chuyên đề “Gốm lái thiêu – gốm gia dụng miền Nam”, với số lượng 639 hiện vật tiêu biểu của các trường phái gốm Lái Thiêu. Đây là triển lãm chuyên đề gốm Lái Thiêu xưa được tổ chức quy mô lớn nhất, đầy đủ nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Phòng trưng bày cũng được phân loại, khoanh vùng thành ba dòng sản phẩm Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu rõ rệt để người xem có một cái nhìn tổng quan về các trường phái gốm Lái Thiêu, cũng như học hỏi thêm được những kiến thức về loại hình đa dạng sản phẩm của mỗi dòng gốm, từ việc phân loại cốt thai, tạo dáng, đổ men, đến những lối thể hiện đề tài qua nét vẽ của các nghệ nhân nổi danh một thời trên các hiện vật.
Nguồn: https://chogombattrang.vn/tin-tuc/gom-su-do-day/gom-lai-thieu-dep-mot-cach-moc-mac.html