Đồ gốm Đồng Nai qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học

1. Ở Đồng Nai, công tác nghiên cứu khảo cổ học đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này. Những di tích, di vật khảo cổ học ở Đồng Nai được phát hiện, nghiên cứu rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với công lao của của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Hơn một thế kỷ với hàng trăm cuộc điều tra, thám sát, khai quật, khảo cổ học đã đưa ra ánh sáng hàng trăm di chỉ với hàng chục vạn hiện vật: công cụ sản xuất, sinh hoạt, đồ trang sức, đồ thờ, nhạc cụ… rất đa dạng, phong phú và những cấu trúc địa tầng văn hoá đã cung cấp một nguồn cứ liệu, thông tin quan trọng về niên đại, trình độ văn minh, hình thái xã hội của những lớp cư dân cổ Đồng Nai.

Từ những phát hiện lẻ tẻ lúc ban đầu vào những thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến việc nghiên cứu hệ thống khoa học các di tích, di vật trên địa bàn Đồng Nai hiện nay, các nhà khoa học đã đưa đến những nhận định về một nền văn hoá cổ từng hình thành được định danh “ Phức hệ văn hoá Đồng Nai “ hay ” Văn hoá Đồng Nai “. Đồng Nai được biết đến với tư cách là một trong những trung tâm của buổi bình minh xã hội loài người. Nơi đây, từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của cộng đồng người cổ thời tiền sơ sử cho đến những thế kỷ sau công nguyên, trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI. Hàng loạt các di tích, di vật khảo cổ học đã góp phần làm sáng tỏ một nền văn hoá cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên vùng đất này. Các di tích khảo cổ gồm các loại hình: cư trú, công xưởng, mộ táng, đền tháp… của cư dân cổ trải đều trên các địa hình đặc trưng của Đồng Nai từ vùng núi đồi tiếp giáp cao nguyên đến vùng đất đứt gãy phun trào đất đỏ ba – zan và cả vùng phù sa cổ các bồn trũng, vùng ngập nước cận sông, biển.

            Bên cạnh những chủng loại hiện vật đa dạng từ nhiều chất liệu khác nhau như đồ đá, đồ gỗ thì đồ gốm Đồng Nai được phát hiện chiếm số lượng khá nhiều trong các di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở Đồng Nai. Điều này cho thấy, các cư dân cổ vùng Đồng Nai trong tiến trình phát triển của mình đã biết chế tác và sử dụng đồ gốm. Dựa trên những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, chúng tôi mong được giới thiệu một số những di chỉ khảo cổ đã từng được phát hiện những hiện vật gốm tiêu biểu để người đọc có cái nhìn khái quát về đồ gốm cổ trên vùng đất Đồng Nai.

2. Một số di chỉ di chỉ khảo cổ học tiêu biểu trong văn hóa Đồng Nai:

            – Di chỉ Bình Đa ( thuộc phường An Bình, thành phố Biên Hoà ). Năm 1979,  di chỉ được khai quật lần thứ nhất. Rất nhiều hiện vật bằng đá, gốm được phát hiện, trong đó có hàng chục ngàn mảnh gốm Đồng Nai. Riêng trong hố khai quật số 1, các nhà nghiên cứu thu nhặt 38.000 mảnh gốm. Gốm Đồng Nai được làm bằng bàn xoay và nặn bằng tay, có độ nung cao, áo gốm được miết láng. Có 4 loại gốm ( phân loại theo màu sắc và chất liệu ): gốm đỏ và đỏ nhạt, gốm xám, gốm đen và gốm thô. Số lượng gốm được tranh trí hoa văn chiếm tỉ lệ cao. Hoa văn  được tạo bằng cách dập ( hình nan chiếu ), chải, vạch và miết láng. Đồ án thường thấy là các đường thẳng song song, lượn hình sóng, nửa đường tròn quay ( phiá trong có những hình nửa đường tròn nhỏ hơn, đồng tâm quay cùng một hướng ), hình răng sói và hình chữ nhật.

            Mặc dù, không có đồ gốm Đồng Nai nào còn nguyên vẹn hình dáng nhưng cũng có thể nhận dạng được một số loại hình như kiểu bát bồng có chân đế cao hình ống hoặc choãi ra, nhiều kiểu nồi, vò có đáy tròn, đáy lõm và đáy bằng.

            Năm 1992, đợt khai quật lần thứ hai thu thập được 105 đồ đất nung và 9.389 mảnh gốm vỡ thuộc các loại hình đồ đựng khác nhau. Trong đó, đồ gốm Đồng Nai còn nhận được dạng như: bình ( số lượng 1, dạng con tiện, được chế tạo bằng bàn xoay, xương màu nâu, vỏ phủ màu nâu gạch); hũ ( số lượng 2,  bị vỡ, chất liệu bằng đất sét pha cát thô, độ nung cao, xương cứng, áo phủ màu nâu sành, miệng loe vành ); đĩa ( số lượng 4, chất liệu sét pha nhiều bả thực vật, vỏ nhuyễn thể nghiền nát và cát thô, độ nung cao, xương gốm dày); gốm hình trụ ( còn gọi là “ gốm sừng bò ”, số lượng 5, chất liệu sét pha cát mịn, độ nung cao, xương rất cứng, đầu trụ thon tròn và nhọn ); bi gốm ( số lượng 49, đường kính trung bình của bi từ 1,8 – 2,6 cm ); gốm tròn ( số lượng 11 mảnh, trên thân có trang trí hoa văn thừng và chải mịn ); nồi nấu đồng ( số lượng 3, dạng tròn và bóp lại kiểu chuôi muỗng, thành gốm dày, đường kính rộng trung bình từ 11 – 14 cm, cao 5 – 8 cm ). Những mảnh gốm vỡ có 9.547 mảnh, trong đó có 3215 mảnh phần miệng, 63 mảnh nắp đậy, 411 mảnh đáy đế, và 3.858 mảnh thân. Trong số các mảnh thân  có 343 tiêu bản có gờ, 4.438 tiêu bản  trơn và 1077 tiêu bản có hoa văn.

Gốm Bình Đa đựơc chế tạo bằng tay ( chiếm tỉ lệ thấp ) và bàn xoay ở trình độ khá tiến bộ. Chất liệu gốm từ đất sét được lọc kỹ, pha cát mịn, bột vỏ nhuyễn thể, bã thực vật và một ít bột đá trắng, xám. Phần lớn hiện vật gốm Bình Đa có độ nung cao, xương có màu đen nhạt, xám, nâu và cứng chắc. Aó gốm có hai loại. Loại phủ màu bề mặt có màu như: nâu, nâu đỏ, xám vàng, xám nhạt, vàng nhạt, trắng đục, đen ám khói và đa màu; loại bôi màu trang trí trước khi nung với trình độ kỹ thuật cao có các màu chủ đạo là đỏ tươi, đen, nâu. Những tiêu bản hiện vật gốm Bình Đa các loại cho thấy cư dân cổ đã xử dụng những thao tác kỹ thuật như nặn vuốt, miết láng bằng tay, bàn đập – hòn kê, dải cuộn, gắn kết chân đế hay gờ nổi để tạo hình tuỳ theo chức năng của đồ dùng. Hoạ tiết trang trí trên gốm Bình Đa khá đa dạng như: văn chải, văn thừng, văn khắc, văn in, răng cưa, khuông nhạc, đường cung, sóng nước, hình tam giác, hình bầu dục, đường cắt chéo…

– Di chỉ Cầu Sắt ( xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh ): Di chỉ được khai quật tháng 12/ 1976. Niên đại đoán định 5000 – 4000 năm cách ngày nay. Di chỉ là loại hình cư trú của cư dân nông nghiệp sớm và là xưởng chế tác đồ đá và đồ gốm Đồng Nai. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được hầu hết bị vỡ, không phục nguyên được. Số lượng gồm 15.786 tiêu bản, trong đó có 2.041 mảnh  miệng, 206 mảnh đáy, đế, 13.539 mảnh thân. Số tiêu bản gốm có hoa văn là 2.176 mảnh ( tỉ lệ 16% ), 11.363 mảnh trơn ( tỉ lệ 84% ). Gốm được chế tác bằng tay và bằng bàn xoay, hoa văn trang trí bằng bàn dập, lăn thừng và khắc vạch, lớp áo gốm mịn, có màu sắc khác với xương gốm. Có các loại gốm: gốm trắng, đỏ mịn; gốm đen thô; gốm đỏ thô và gốm đen mịn.Một số loại hình như: chậu và nồi ( có kích thước lớn, miệng loe, đáy tròn ), bát ( miệng loe, đế ghép, thấp ), “ đậu “ – còn gọi là bát chân cao, trên dạng hình đĩa, chân đế choãi cao; gốm tròn ( một số mảnh gốm được mài tròn, được dùi lỗ ở giữa ).

– Di chỉ Gò Me ( phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà ). Niên đại đoán định khoảng 3000 – 2500 năm cách ngày nay. Hiện vật gốm Đồng Nai thu được hàng trăm mảnh trong bề mặt và các địa tầng văn hoá. Có ba loại gốm: gốm trắng ( chiếm số số lượng ít ), gốm đen và gốm đỏ. Hoa văn được tạo bằng kỹ thuật chải, dập và in thừng. Một số loại hình thu thập được như dọi xe sợi, bi gốm, chén rót đồng ( miệng phẳng, thành dày, đáy tròn ),  dạng bát mâm có chân đế cao, choãi rộng.

– Di chỉ Suối Linh thuộc địa phận phân trường 3,lâm trường Hiếu Liêm ( huyện Vĩnh Cửu ). Năm 1985, di chỉ Suối Linh được khai quật. Hiện vật gốm thu thập được gồm 39 chiếc bàn xoa, 1 mảnh gốm tròn, 1 thỏi gốm hình trụ; ngoài ra còn có 15.780 mảnh gốm vỡ của đồ đựng và 397 mảnh vỡ từ các bàn xoa. Gốm Suối Linh thuộc loại gốm thô, pha nhiều cát, bã thực vật và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn. Aó gốm có màu nâu đỏ, nâu sẫm, xương gốm có màu nâu nhạt hoặc cùng màu với áo gốm. Loại gốm có xương đen không nhiều; gốm mịn có màu xám nâu hay xám vàng chiếm tỉ lệ khoảng 15% tổng số gốm thu nhặt được. Những mảnh gốm vỡ cho thấy các các loại đồ đựng dạng nồi, vò có miệng loe, hông và đáy tròn khá phổ biến trong cư dân cổ từng cư trú tại đây. Một số ít đồ gốm có miệng khum, phía dưới có đế. Khoảng 14% mảnh gốm trong tổng số thu nhặt có hoa văn, chủ yếu là văn chải ( tỉ lệ khoảng 90% ), số còn lại là các loại văn miết, in, khắc vạch và đắp nổi. Di chỉ Suối Linh là địa điểm đầu tiên thu nhặt được số lượng bàn xoa gốm khá cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể di chỉ là công xưởng sản xuất đồ gốm nói chung hay bàn xoa gốm nói riêng của cư dân cổ để trao đổi với các khu vực khác. Niên đại di chỉ được ước định khoảng 4.500 năm – 2.500 năm cách ngày nay.

– Di chỉ Suối Chồn thuộc địa phận xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh. Tại di chỉ, đồ gốm Đồng Nai thu nhặt qua các đợt đào thám sát và khai quật khá phong phú. Đồ gốm có dọi xe sợi, bi gốm, núm gốm và nhiều mảnh vỡ; đặc biệt có các nồi gốm ( chum ) dùng để chôn người chết. Nồi gốm dùng làm quan tài này có chiều cáo 50 cm, đường kính thân 60 cm, đường kính miệng 45 – 50 cm, miệng loe, đáy lồi tròn, có văn chải trên thân nồi. Đồ gốm di chỉ Suối Chồn có nhiều loại thô, min và xốp. Hầu hết, chúng được làm bằng đất sét pha cát, có bàn xoay, độ nung khá cao. Gốm có các loại màu xám, đỏ gạch, xanh xám, hồng nhạt. Loại hình nồi gốm có miệng loe, nồn miệng thấp. Hoa văn trang trí là văn chải, văn khắc vạch hình tam giác cân có vạch đường song song, loại hoa văn này phổ biến ở di chỉ Cái Vạn ( Nhơn Trạch ). Niên đại ước định khoảng nửa sau Thiên niên kỷ I trươc Công nguyên.

Cụm di chỉ Hàng Gòn là tên gọi chung cho nhiều địa điểm mà các nhà nghiên cứu đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 10 – nay thuộc địa phận thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ. Trên khu vực rộng lớn của Nông trường Hàng Gòn, các nhà nghiên cứu phát hiện rất nhiều hiện vật khảo cổ  thuộc các thời đại trong thời kỳ tiền sử. Tại địa điểm Hàng Gòn 1( còn có tên Núi Gốm, đồi đất đỏ ba zan giữa Suối Râm và Suối Sâu ), những mảnh gốm Đồng Nai phát hiện chủ yếu là các dạng nồi, bát, tô, đĩa ( một số bát, tô có đế và có dấu khoan thủng ở đáy hoặc gần miệng ). Loại xương gốm đen làm bằng đất sét trộn với bả thực vật và loại xương gốm trắng có trộn cát thạch anh, phen phát, sạn sắt, Các loại gốm đều mịn, áo gốm có màu nâu, đỏ, độ nung cao. Địa điểm Hàng Gòn 3 ( cách trung tâm Nông trường Hàng Gòn khoảng 1 Km về phía đông ) thu thập được những mảnh thân gốm mỏng từ các loại nồi, vò và 1 bi gốm.  Xương gốm màu đen, áo màu nâu vàng, hồng và nâu đỏ, độ nung kém. Một số mảnh dạng miệng cốc, bát chân cao đáy bằng và nắp đậy có núm. Hoạ tiết trang trí là những đường song song, chéo nhau được in hoặc dập. Địa điểm Hàng Gòn 4 ( phía bắc chân núi Cẩm Tiêm ) có những tiêu bản gốm mỏng, có xương đen, xám, đỏ, vàng và được làm từ sét pha thạch anh, phen phát. Hoa văn răng lược hoặc đan. Địa điểm Hàng Gòn 5 ( cách chân núi Cẩm Tiêm 3,5 km về phía Bắc ) phát hiện nhiều mảnh gốm với các màu đa dạng. Gốm màu vàng đỏ, xương xám pha nhiều cát, hạt phen phát  chủ yếu từ các đồ đựng như nồi, vò, có mảnh miệng có đường gờ để đậy nắp. Gốm màu đen pha thạch anh, độ nung cao; chủ yếu là các đồ đựng kích thước nhỏ, trang trí văn thừng, văn đan và dấu in vải. Gốm có xương màu xám pha cát mịn, dáng nồi nhỏ hay lọ có miệng xiên, độ nung cao. Hầu hết được chế tác bằng bàn xoay. Niên đại khoảng 3000 năm cách ngày nay.

– Di chỉ Cái Lăng thuộc địa phận xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Di chỉ được khai quật năm 2000. Niên đại khoảng 2900 – 2700 năm cách ngày nay. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được trong đợt khai quật chiếm số lượng lớn gồm: những đồ gốm còn nguyên dáng có 1 dọi xe chỉ, 7 bi gốm, 10 mảnh cà ràng, 1 bát, 1 đĩa, 1 bàn dập, 11 chân đế, 1 nắp đậy; mảnh gốm có 172.383 tiêu bản. Có hai nhóm gốm: gốm thô và gốm mịn. Gốm thô có độ nung thấp, thành phần phôi gốm có trộn nhiều cát, sạn và một số ít chất phụ gia như tro mùn, bã thực vật và cả nhuyễn thể đã được nghiền vụn. Lớp áo gốm mỏng, có màu nâu, vàng nhạt hoặc màu đỏ. Kỹ thuật chế tạo bằng bàn xoay kết hợp  với nắn sửa bằng tay, dụng cụ bằng tre, gỗ. Nhóm gốm mịn có chất liệu đất sét mịn, chất phụ gia như cát cũng được lựa chọn kỹ. Lớp áo gốm thường có màu nâu, có khả năng được tạo từ lớp phủ quét hay tráng lớp bột mịn, sau đó được xoa và miết nhẵn. Độ nung cao và được tinh luyện nên chắc, cứng. Hầu hết, những mảnh gốm vỡ Cái Lăng là những vật dụng của con người cổ như đĩa, bát, vò có đáy tròn, đáy bằng và có chân đế.

Gốm Đồng Nai có hoa văn thu thập tại Cái Lăng ít nhưng đa dạng về loại hình. Các loại hoa văn được thể hiện như: đường vạch ngắn, đường viền và những đường viền ngang song song, các đường sóng kết hợp với đường vạch, hoạ tiết các hình tam giác, hình sao, hình chữ V, đường chéo, đường vạch lõm, mảnh nhọn, hình hạt đậu ấn lõm, miết vạch ô lưới hay đường cong… để  trang trí. Phần lớn, hoa văn được khắc vạch trên nền văn chải.

– Di chỉ Cái Vạn thuộc xã Long Thọ huyện Nhơn Trạch. Di chỉ được đào thám sát năm 1977 và khai quật lần thứ nhất vào năm 1978. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được trên 1.000 mảnh. Hầy hết, đồ gốm được làm từ đất sét pha cát, hạt thạch anh và bả thực vật. Có hai nhóm gốm: loại gốm mịn có xương màu xám đen và xám hồng, lớp áo mịn màu xám đen và xám vàng; loại gốm xốp có khoảng 20%, xương gốm màu đen, nhiều bả thực vật, thường dày và thô. Đa số các mảnh miệng gốm thuộc loại loe với nhiều kiểu dáng. Chân đế có 3 loại: đế thấp, đế hình chóp ( loe xiên ), và đế hình trụ cao có phần dưới hơi choãi. Khoảng 30% mảnh gốm có hoa văn, được tạo bằng cách chải, dập thừng, khắc vạch và chấm dải. Văn khắc vạch có những đồ án khác nhau như hình tam giác nối nhau, hình sóng…Phần lớn các mảnh gốm bị vỡ từ những loại đồ dùng để đựng của cư dân cổ, ngoài ra còn có một số mảnh chân kiềng giống sừng bò và bi gốm.

Năm 1996, di chỉ Cái Vạn được khai quật lần thứ hai. Đồ gốm thu thập được trên 17.854 mảnh, gồm các loại: dọi xe chỉ ( số lượng 1), bi gốm ( số lượng 70, đường kích trung bình từ 1,2 – 2 cm, một bi gốm lớncó đường kính 5,3 cm ), núm và bàn xoa gốm ( số lượng 32, núm được vuốt nhọn với mặt cắt ngang hình tròn, bàn xoa có chuôi cầm gần thẳng hoặc cong, mặt phẳng hoặc hơi lượn cong ), mảnh cà ràng ( số lượng 736 ), gốm tròn ( số lượng 22), được ghè hoặc mài tròn, đường kính trung bình từ 3 – 5,5 cm ); mảnh gốm vỡ ( số lượng trên 15.953 ). Chất liệu gốm làm từ đất sét phù sa sông pha nhiều cát, bã thực vật và  bột vỏ nhuyễn thể. Có hai nhóm gốm: gốm cứng và gốm xốp trong đó, gốm cứng chiếm tỉ lệ cao. Hoa văn gốm khá phong phú như văn chải ( văn chải thô và mịn ) thường dùng que có rãnh tạo thành; văn thừng thường kết hợp với văn chải; văn khắc vạch và in ấn thường được tạo với các kỹ thuật chải, đập, miết. Những mô típ hoa văn như hình mũi giáo ( răng sói ), đường sóng nước, đường vạch chìm song song  được thể hiện trên đồ gốm Cái Vạn. Một số lượng lớn tiêu bản gốm được bâo phủ nhiều màu có tính chất trang trí, thể hiện trên nhiều vị trí của đồ đựng. Niên đại di chỉ Cái Vạn đươc xác định 3.360 + 80 năm cách ngày nay.

Di chỉ Bình Xuân thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, cách núi Chứa Chan khoảng 3 Km về phía Tây Bắc. Nhiều hiện vật của cư dân thời tiền sử được phát hiện, trong đó có nhiều mảnh gốm vỡ. Gốm Bình Xuân có chất liệu tố, pha nhiều cát và bả thực vật; trong đó có nhiều mảnh có lẫn những hạt thạch anh màu trắng, độ nung cao, độ cứng chắc. Xương gốm có màu đen hoặc xám nâu; mặt ngoài bị bào mòn khá nhiều, gồm ba loại cơ bản: đỏ nhạt, vàng và xám nâu. Một số mảnh gốm còn in dấu văn chải mịn. Đồ gốm chủ yếu là từ các loại miệng loe khum, mép nhọn; phần cổ thường được chế tác kiểu có gò nổi cao làm cho thành miệng lõm cong hình lòng máng. Một số ít mảnh thuộc các dạng miệng gốm loe phẳng hay ưỡn cong; một số miệng có mép đáy vo tròn – loại hình này thường xuất hiện phổ biến trong các di chỉ khác ở Đồng Nai. Niên đại đoán định khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trứớc Công nguyên.

Di chỉ Đồi Mít thuộc ấp Bình Lộc xã Xuân Bình, thị xã Long Khánh ( cách di chỉ Suối Chồn khoảng 3 km về hướng nam và di chỉ Cầu Sắt  2 Ka Mài về hướng đông ). Đồ gốm Đồng Nai phát hiện tại Đồi Mít là những mảnh gốm vỡ vụn, có chất liệu tương đồng với gốm tại di chỉ Bình Xuân. Trong một số xương gốm thường có lẫn nhiều mảnh thạch anh, sạn sỏi. Loại gốm đỏ nhạt chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với gốm vàng xám nâu. Các mảnh gốm dạng mịeng chủ yếu có hình loe đơn giản, mép miệng dày, được vuốt thành gờ phía ngoài và mỏng dần xuống phía cổ. Một số ít miệng gốm dáng đứng thẳng, cổ thắt thành ngấn; một số mảnh miệng gốm mép ve tròn và loe khum dáng hình lòng máng. Niên đại tương đồng di chỉ Bình Xuân.

Di chỉ Rạch Lá thuộc ấp Quới Thạnh, xã Phước An huyện Nhơn Trạch được khai quật năm 2002. Bên cạnh hiện vật đá, gỗ, đồ gốm Đồng Nai thu thập gốm các loại: bi gốm ( số lượng 8 ), mảnh cà ràng ( số lượng 1 ) và 508 mảnh gốm vỡ. Các mảnh gốm vỡ gồm nhiều loại, trong đó, gốm miệng ( số lượng 135 tiêu bản, miệng loe, mép vê tròn hoặc có gờ mái,  dáng miệg đứng ); chân đế ( số lượng 51 tiêu bản, gồm loại chân cao và chân thấp, đáy bằng); mảnh thân ( số lượng 322, kích thức nhỏ do bi phân rã ). Phần lớn là gốm thô, chất liệu sét pha nhiều cát, một số mảnh pha bả thực vật. Aó gốm màu nâu và xám nhạt. Độ nung cao và xương gốm cứng. Hoa văn trên các mảnh gốm chiếm tỉ lệ thấp, văn chủ yếu là văn thừng, khắc vạch, chấm dải với hoạ tiết các đường song song, gấp khúc chữ chi, đường cong lượn sóng, hình tam giác. Niên đại đoán định di xhỉ Rạch Lá vào khoảng 3.200 năm cách ngày nay.

Di chỉ Phước Tân nằm trên ngọn đồi thấp, có độ cao khoảng 25 m ở hữu ngạn sông Lá Buông thuộc địa phận xã Phước Tân huyện Long Thành. Bên canh hàng ngàn hiện vật đá có 615 hiện vật gốm Đồng Nai được phát hiện trên diện tích 2 héc ta. Đồ góm ở Phước Tân có một số loại như gốm đỏ thuần, đỏ nâu, đen và gốm xám vàng. Xương gốm có màu đen, trộn lẫn sạn latêrít, thạch anh, phen phát hoặc cát mịn. Hoa văn trang trí phần lớn là văn in hoặc những đường song song và cắt chéo nhau, hình tam giác hay răng sói (rất hiếm ) và những đường chấm dải; loại văn thừng có nhưng chiếm tỉ lệ thấp. Những mảnh gốm vỡ ở di chỉ là từ các loại nồi đáy tròn, bát bồng (loại nhỏ còn được gọi là cốc có đế loe ), bát tô…và hai bi gốm. Niên đại  của  chỉ Phước Tân được nhà nghiên cứu H.Fontaine đoán định vào khoảng 3.500 – 3000 năm cách ngày nay ( thời đại đồng thau ).

Di chỉ Hưng Thịnh thuộc địa phận xã Hưng Lộc huyện Thống Nhất. Đồ gốm Đồng Nai phát hiện qua các cuộc thám sát gồm có hai loại khác nhau về chất liệu. Loại bằng sét mịn, xương mỏng, đều, nhẵn; màu nâu đỏ, nâu hồng; miệng loe ( khum hoặc xiên ), chân đế thấp dạng hình trụ, hoa văn được in dập văn thừng mịn. Loại  bằng sét mịn pha nhiều hạt đá nhỏ màu trắng xám, áo gốm màu nâu nhạt, nâu đỏ, miệng loe khum hình lòng máng, loe khum và xiên, đế thấp hơi choãi cao, dáng tròn. Niên đại Hưng Thịnh được đoán định thuộc thời kỳ kim khí, vào khoảng 3.500 – 4000 năm cách ngày nay.

Di chỉ Suối Đá ( còn gọi là Hàng Gòn 9 ) thuộc địa phận Nông trường Hàng Gòn, cách thị trấn Xuân Lộc 10 km về hướng Tây Nam. Đây là khu mộ chum, nằm trên vùng đất đỏ ba zan, cạnh suối Gia Liêu. Di chỉ do nhà ngiên cứu E.Saurin phát hiện vào những năm 60 của thế kỷ XX. Tại đây có trên 60 chum gốm Đồng Nai, chiều cao từ 20 đến 150 cm. Chum gốm được phân thành 3 loại: loại có hông gần đáy, vành mép rộng, miệng loe; loại chum hình quả trứng được tạo do kỹ thuật dải cuộn, có hoạ tiết đường song song trên nền văn chải hình răng lược; loại chum có đát trũng, miệng loe, không có hoa văn. Ngoài ra còn có các hiện vật  gốm khác như: bình ( nhiều đáy bằng, đáy trũng, miệng hẹp và rộng, mép mỏng ), nồi ( miệng loe, vành mép thấp, có hoa văn ), cốc ( miệng tròn, đáy phẳng ), đĩa, chân đèn, nắp đậy, dọi xe sợi ( hình chóp cụt ), khoanh gốm ( dạng hình ống ). Niên đại 2.300 + 150 năm cách ngày nay.

Di chỉ Phú Hoà cách thị trấn Xuân Lộc 3 km về phía Nam, ven quốc lộ I. Trong thập niên 70, thế kỷ XX, nhà nghiên cứu H. Fontaine phát hiện 46 mộ chum bằng gốm Đồng Nai. Chum cao có chiều cao 75 cm, đường kính thân 40 – 80 cm, đáy hơi cong. Chất liệu làm chum từ sét pha cát hạt lẫn khoáng vật. Aó gốm được miết láng màu đỏ hồng, một số trang trí hình xoắn ốc tạo thành dải các chữ S nghiêng nối tiếp hoặc cách đều nhau. Ngoài 46 chum, hiện vật gốm còn có: nồi ( số lượng 7, đáy tròn, hoa văn trang trí hình răng sói ), bình cổ thắt ( dáng tròn và hình quả trứng ), đĩa ( số lượng 38, kích cỡ khác nhau, đáy bằng và uốn cong ), bát mâm bồng ( vỡ phần trên, hình trụ giữa và đế nón ), bi gốm ( số lượng 2, hình cầu và hình đĩa ), ống chỉ và một số mảnh chân đèn. Hoa văn gốm Phú Hoà được tạo bằng cách in dấu vải, chấm dải, miết láng hoặc những đường khắc vạch sâu ( phần đáy, bụng, cổ ); các hoạ tiết là đường băng song song, đường cong và nét gạch nhỏ, hình răng sói, đường xiên, đường lược sóng, hình chữ S. Niên đại trong khoảng 2.500 năm cách ngày nay.

Di chỉ Dầu Giây địa phận huyện Thống Nhất do E. Saurin phát hiện năm 1965. Bên cạnh số hiện vật đá thu được còn có 2 chum gốm không nắp và một số gốm vỡ. Dạng gốm từ các nồi có miệng loe đáy cong, bình cổ loe có vai, đĩa đáy phẳng hơi lõm, lọ nhỏ, chum bụng nở. Chất liệu gốm từ sét pha cát, than, bột tro bả thực vật và một số khoáng vật. Gốm được nung ở nhiệt độ cao, tạo dáng và trang trí bằng văn thừng, khắc vạch vơí các hoạ tiết vòng tròn, đường sóng nước, khuông nhạc, răng sói, xoắn ốc.

3. Tổng quan về đồ gốm Đồng Nai qua kết quả khảo cổ học

Loại hình: Trong những di chỉ khảo cổ học được thám sát, khai quật, hiện vật gốm Đồng Nai được phát hiện chiếm số lượng rất lớn. Trong đó, các tiêu bản gốm còn nguyên dạng chiếm tỉ lệ thấp, số mảnh gốm vỡ chiếm tỉ lệ cao. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã định dạng được nhiều loại hình. Hầu hết, các hiện vật gốm là từ những đồ dùng phục vụ cho cuộc sống của cư dân thời tiền sử.

            Các loại bình, hủ, vò: Loại bình, hủ còn nguyên dạng tìm thấy được trong các di chỉ khảo cổ rất hiếm.  Tại di chỉ Bình Đa, một chiếc bình phát hiện trên bề mặt di tích còn khá nguyên vẹn với dáng hình con tiện ( cao 22cm ), được chế tác bằng bàn xoay, độ nung cao. Nhiều mảnh vỡ gốm tại các di chỉ được định dạng là từ các đồ đựng như bình, hủ, vò chiếm số lượng khá nhiều. Các loại bình, hủ có nhiều kích cỡ, được làm từ sét pha bột nhuyễn thể, bả thực vật, cát và một số phụ gia khác với tỉ lệ vừa phải. Bình, hủ, vò thường có thân hình cầu dẹt hay quả trứng, đáy tròn, đáy bằng, đáy lõm; thân bình phình ở giữa, đôi khi có gờ ngấn, miệng loe. Riêng phần tạo dáng miệng rất đa dạng như: miệng khum, miệng loe, miệng loe xiên, loe choãi với các gờ đủ kiểu. Phần chân đế được tạo dáng đế bằng, đế choãi cao hoặc thấp.

            Nồi: Các mảnh gốm vỡ từ các loại nồi tìm thấy nhiều trong các di chỉ khảo cổ được thám sát, khai quật. Phần lớn chúng có kích cỡ vừa và nhỏ. Nồi có hai loại: loại miệng loe, mép tròn hoặc vuông, cổ thắt, bụng nở và thu hẹp dần về phía đáy, hoặc gãy khúc tạo thành phần hông; loại miệng loe hơi khum, cổ thẳng đứng, thân tròn đều hoặc gãy khúc tạo thành phần vai, đáy tròn, xương không dày. Nồi dùng trong việc đun nấu phục vụ nhu cầu ăn uống và dùng để nấu đồng nấu đồng ( di chỉ Gò Me : 1, Bình Đa: 3).

Chum: Hầu hết những chum gốm ( hay vò lớn ) được tìm thấy trong các di chỉ mộ táng thuộc thời đại kim khí như Dầu Giây, Hàng Gòn 9 ( Suối Đá ), Suối Chồn…Các tiêu bản chum thường có dáng hình cầu dẹt hay quả trứng, thân bụng nở, cổ thắt hẹp, miệng rộng, đáy hơi lồi tròn và gần phẳng. Chum có nhiều kích cỡ, chiều cao khoảng 40 – 60 cm, rộng ngang thân 40 – 50 cm. Màu sắc các loại chum khá đa dạng, xương có màu nâu, đen, lớp áo màu đỏ, hồng. Chất liệu từ sét pha cát thô thuộc laọi nham thạch thạch anh, phen xpát. Chum thường được cư dân cổ dùng để chôn người chết và đồ đựng sinh hoạt.

Bát: Các mảnh gốm vỡ trong nhiều di chỉ có một số được định dạng từ các loại bát. Loại bát nhỏ tìm thấy ở di chỉ Cầu Sắt, Phước Tân. Chúng có màu đỏ, đen; chất liệu gốm mịn, miệng loe, đế ghép thấp. Loại bát bồng ( còn gọi là “đậu”, bát chân cao) có ở một số di chỉ như Cầu Sắt, Bình Đa, Phước Tân, Gò Me…Chất liệu từ loại sét mịn, màu trắng hoặc đỏ. Phần trên có dạng hình đĩa, loe rộng, miệng hơi khum, đáy hơi lồi; phần trụ tròn cao nối với đế có hình chóp hơi choãi cong. Một số tiêu bản có văn đắp dải hay khắc vạch. Một số bát bồng tìm thấy trong di chỉ thời đại kim khí có hai cặp lỗ thủng gầm mép miệng; chiều cao từ 8 – 11 cm, đường kính miệng 15 – 22 cm, có loại nhỏ với kích cỡ cao 6- 8 cm, rộng miệng 10 – 13 cm .

Đĩa: Một số đĩa nhận dạng qua các gốm vỡ tìm thấy tại các di chỉ như Cái Lăng ( số lượng 1), Bình Đa ( số lượng 4 ), Phú Hoà… Chúng không còn nguyên vẹn nhựng phục dựng được từ các mảnh vỡ. Chiếc đĩa ở di chỉ Cái Lăng có miệng rộng, đáy nông, miệng loe xiên, mép miệng có trang trí hoa văn dày hơn phần thân, giữa miệng và thân có đường gấp khúc. Những chiếc đĩa tìm thấy ở di chỉ Bình Đa có hai loại: đáy nông và đáy sâu. Một chiếc đáy sâu có miệng tạo thành vành bẻ gần như nằm ngang, xương dày, đáy cong đều, giữa thân và đáy có sóng nổi tạo thành ngấn, bề mặt đĩa có phủ lớp áo mỏng màu nâu. Ba chiếc đáy nông đồng dạng, đáy gần bằng, miệng được vuốt tròn và gần nhọn, đế trơn. Hầu hết các đĩa được làm từ chất liệu sét pha nhiều bả thực vật, bột vỏ nhuyễn thể và cát thô, độ nung cao.

Một số đĩa là đồ tuỳ táng, được chôn trong các mộ chum. Số đĩa nguyên vẹn tìm thấy khá nhiều, được xem là sản phẩm đặc trưng của di tích mộ chum ở Đồng Nai. Riêng tại di chỉ Phú Hoà, theo thống kê của H.Fontaine có 36 đĩa, chia làm ba loại: loại nhỏ có miệng gần thẳng đứng hoặc hơi loe, gần đáy có đường gờ nổi, đáy hơi lồi, miệng rộng; loại vừa có vành miệng rộng, gần mép thường có` cặp lỗ tròn đối xứng nhau; loại lớn có thành miệng gần thẳng đứng, đáy hơi lồi hoặc phẳng.

            Bi:  Hầu hết các bi gốm có dạng hình cầu, được làm từ sét mịn, độ nung vừa, thường có màu đỏ nhạt hay nâu. Đặc biệt, tại di chỉ Cái Vạn có một bi gốm vơí đường kính đến 5,3 cm được xem là lớn nhất trong số những tiêu bản bi được phát hiện ở vùng Đông Nam Bộ. Bi gốm được phát hiện tại một số di chỉ như: Bình Đa ( số lượng 50 ), Cái Vạn ( số lượng 78 ), Rạch Lá ( số lượng 8 ), Cái Lăng ( số lượng 7 ), Gò Me ( số lượng 3 ), Phước Tân ( số lượng 2 ), Phú Hoà ( số lượng 2 )…Các bi gốm này còn được xem là đạn mà các nhà nghiên cứu cho rằng cư dân cổ dùng trong việc săn thú nhỏ.

Dọi xe chỉ: Số lượng tiêu bản loại hình dọi xe chỉ được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ ở Đồng Nai rất hiếm. Theo các tài liệu công bố trước đây, một số dọi xe chỉ được phát hiện tại, Gò Me ( số lượng 1 ), Cái Vạn ( số lượng 1), Suối Chồn ( số lượng 2 ), Hàng Gòn 9 ( số lượng 2 ), Cái Lăng ( số lượng 1). Hầu hết các dọi xe chỉ có màu hồng nhạt xen lẫn với màu xám đen, hình nón cụt, có lỗ nhỏ xuyên qua chính giữa, mặt cắt ngang thân hình thang dẹt, không có hoa văn. Chất liệu làm từ đất nung pha nhiều cát. Các dọi xe chỉ là dụng cụ cho thấy cư dân cổ Đồng Nai đã biết đến nghề xe sợi, dết vải.

Bàn xoa gốm: Đây là dụng cụ được sử dụng trong việc tạo dáng cho các sản phẩm là đồ đựng bằng gốm. Bàn xoa gốm được phát hiện khá nhiều tại các di chỉ như Bình Đa, Cái Vạn ( số lượng 32 ), Suối Linh ( số lượng 39, 60 chuôi cầm và trên 300 mảnh vỡ ), Cái Lăng, Suối Chồn…Bàn xoa gốm có dáng hình chiếc nấm, gồm có chuôi và bàn xoa. Phần chuôi là hình trụ dạng núm được vuốt nhọn hoặc hơi loe ( một số tiêu bản có lỗ thủng chính giữa ), phần bàn xoa hình cầu, mặt tương đối trơn nhẵn, hơi cong lồi; rìa mép có gờ hoặc vê tròn. Bàn xoa có nhiều kích cỡ khác nhau. Công dụng của bàn xoa làm khi tạo dáng sản phẩm làm cho bề mặt trong đều, phẳng, nhẵn và phôi gốm dược nén cứng. Bàn xoa thường được làm bằng sét pha nhiều cát hạt lớn, bột vỏ nhuyễn thể, bã thực vật, sỏi sạn và lẫn vẩy mica. Chúng được làm bằng tay, độ nung cao, xương cừng chắc.

Mảnh gốm tròn: Trong số hàng nghìn mảnh gốm vỡ được phát hiện tại nhiều di chỉ khảo cổ trên đất Đồng Nai, trong đó có những mảnh gốm tròn với một tỷ lệ nhỏ. Hầu hết các mảnh gốm này từ những mảnh gốm vỡ của đồ đựng được đem mài, ghè tạo dáng hiình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Trên bề mặt những mảnh gốm tròn vẫn còn giữ nguyên những áo gốm và hoa văn trang trí. Có mảnh được khoan thủng lỗ chính giữa. Các di chỉ phát hiện mảnh gốm tròn gồm: Suối Linh ( số lượng 1), Bình Đa ( số lượng 11 ), Cầu Sắt  ( số lượng 16 ), Cái Vạn ( số lượng 39 )…Cho đến nay, chưa xác định công dụng của loại di vật này. Có thể, các mảnh gốm tròn được dùng để trang trí vàv các mảnh có khoan lỗ để trang sức như đeo vào người hay vật.     

Cà ràng: Đây là một dạng bếp của cư dân cổ. Mỗi “ cà ràng ” có ba chân gắn với một bàn đế. Bàn đế thường có hình tròn, đáy hơi lồi, xung quanh có bờ che vừa. Các chân “ cà ràng “ được tạo dáng trụ tròn, thân hơi cong hoặc dẹt, đầu gắn đế tròn bằng, đầu trên hơi vuốt nhọn giống cái sừng bò( cho nên chúng còn có tên gọi là gốm sừng bò. Các chân “ cà ràng ” gắn lên chân đế theo kiều kiềng ba mà vị trí cách đều, thân hơi ưỡn ra, phía đầu chum vào vừa phải để nâng vật đun nấu mà chủ yếu là các loại nồi. Loại di vật “ cà ràng “ được tìm thấy ở một số di chỉ như: , Rạch Lá ( số lượng 1 ), Phước Tân ( số lượng 1), Suối Chồn ( số lượng 10 ), Cái Lăng (số lượng 10 ), Bình Đa ( số lượng 12 ), Cái Vạn ( 762 )…Các chân “ cà ràng ” có nhiều kích cỡ khác nhau, có lẽ tương thích với các bàn đế mà cư dân cổ chủ đích tạo dáng. Chất liệu làm từ sét pha nhiều bả thực vật, xương màu xám, đen hoặc xám đen. “ Cà ràng “ được xem là một loại vật dụng độc đáo của cử dân cổ ven sông nước.

Chất liệu và kỹ thuật chế tác: Trong các loại sản phẩm gốm được tạo nên qua các thời đại phát triển của con người, mọi vùng lãnh thổ, thành phần nguyên liệu chính yếu vẫn là đất sét. Hầu hết, các loại sản phẩm gốm của cư dân cổ Đồng Nai được chế tác từ chất liệu đất sét sẵn có trên địa bàn. Phụ thuộc vào địa bàn cư trú của cư dân cổ mà họ khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm nên sản phẩm gốm dùng trong sinh hoạt. Với đặc điểm này, chúng ta có thể nhận thấy hiện vật gốm phát hiện tại các di chỉ cùng trên địa bàn cư trú có những nét tương đồng về sử dụng chất liệu sét, các chất phụ gia có trong từng sản phẩm gốm các loại. Các địa bàn cư trú khác nhau thì chất liệu sét dùng làm gốm phụ thuộc vào yếu tố thành phần hoá học sét tại chỗ. Cũng chính từ yếu tố này và phụ thuộc vào kỹ thuật chế tác, chủ đích làm sản phẩm mà tỉ lệ các loại gốm trong từng di chỉ có sự khác biệt. Mặc dầu, có những di chỉ được xem là loại hình di chỉ xưởng – nơi chế tác đồ đá, đồ gốm, thì sự trao đổi giữa các địa bàn rộng chưa đáng kể, chỉ phục vụ cho cộng đồng, nhu cầu của một địa bàn với quy mô vừa phải. Vì qúa trình trao đổi, giao lưu còn phụ thuộc nhiều vào đặc điểm địa lý của môi trường và điều kiện phát triển kinh tế mỗi cộng đồng cư dân cổ.

Chúng ta có thể hình dung về chất liệu để chế tác nên sản phẩm gốm cổ ở Đồng Nai chủ yếu gồm các thành phần sau: đất sét là thành phần chính; các chất phụ gia thường thấy là: bả thực vật, bột vỏ nhuyễn thể, bột tro, cát, sỏi sạn và các khoáng vật tự nhiên. Riêng về nguồn nguyên liệu chính là đất sét thì phụ thuộc vào nơi chúng được khai thác.

Đồ gốm di chỉ Cầu Sắt ( xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh ) được nhìn nhận như là đồ gốm cổ nhất ở Đồng Nai và cả vùng Nam Bộ. Nguồn nguyên liệu  để làm nên các sản phẩm gốm Cầu Sắt thuộc nhiều loại, chủ yếu từ đất sét núi và phù sa sông ( yếu tố vi lượng kẽm là 0,01%, phốt pho 0,1%), có loại sét cao lanh với thành phần chính là thạch anh, phen –xphát, một số khoáng vật như caolinit hiện diện trong sản phẩm khi chế tác nhưng bị huỷ trong quá trình nung; chất phụ gia gồm có cát, bã thực vật, hạt đá. Các di chỉ trên địa bàn vùng đồi núi, đất đỏ ba zan như Cầu Sắt, Núi Gốm, Hàng Gòn, Dầu Giây, Phú Hoà…thì nguồn nguyên liệu chính là sét núi ( chiếm tỉ lệ 70 % ), chất phụ gia là sa thạch khá đa dạng. Đồ gốm di chỉ Bình Đa làm từ đất sét lọc kỹ, có pha thêm cát mịn, vỏ nhuyễn thể được nghiền nát, một tỉ lệ nhỏ bột đá màu trắng và bã thực vật. Tại di chỉ Suối Linh, Suối Chồn, Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá, Phước Tân… hầu hết  đồ gốm cũng có những nét tương đồng về chất liệu với gốm Bình Đa, đặc biệt có thêm chất phụ gia như trò bùn; có thể chất này có sẵn trong sét phù sa sông ( khu vực hạ lưu sông Đồng Nai ) hay được cư dân thêm vào trong chế tác.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, phương pháp quang phổ về chất liệu gốm cổ ở Đồng Nai, một số nhà nhà khoa học cho biết những khoáng vật phụ gia trong gốm cổ Đồng Nai có thể khai thác từ nhiều doi cát phù sa ven các sông, suối bắt nguồn từ hướng Đông Bắc của địa hình chảy qua những vùng có hoặc không phủ ba zan đến Xuân Lộc – Long Khánh. Phụ gia bắt nguồn từ nhiều nguồn khoáng vật như: khoáng gốn ba zan ( gồm olivine, fero-magésien, spinelle liménite ); khóng gốc granit ( gồm hornbleinde, zircon, mica, rulite, micro-granit, rhyolite/ quartz, corrodes ); đá biến chất ( staurtile); đá trầm tích ( grès, latérite- écomicte ferrogineux, felsat…). Phụ thuộc vào nguyên liệu và tỉ lệ pha chế các chất phụ gia và trình độ kỹ thuật chế tác mà tạo nên độ bền của một sản phẩm gốm.

Gốm cổ Đồng Nai trong các di chỉ khảo cổ học được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay chiếm vai trò chủ đạo và phối hợp với các thao tác kỹ thuật bằng tay trong nhiều công đoạn. Những loại hình hiện vật gốm chế tác thuần bằng tay chiếm tỉ lệ nhỏ. Dấu vết của kỹ thuật chế tác bằng bàn xoay thể hiện rõ nét từ vết mờ hay đường chỉ viền ngang phần đáy, miệng của những trên nhiều tiêu bản hiện vật gốm được phát hiện. Ngoại trừ các thao tác trong khâu chọn nguyên liệu, phụ gia thì các kỹ thuật thao tác bằng tay như dải cuộn ( tạo phôi ), nặn vuốt ( dáng mép miệng, tạo gờ, xoa bề mặt, miết láng… ), kỹ thuật hòn dập – bàn kê, kỹ thuật gắn kết chân đế, chải, khắc, tô màu…trong chế tác sản phẩm gốm thể hiện ở công đoạn tạo hình, tu chỉnh bề mặt, trang trí hoa văn.

Trên góc độ chính từ chất liệu và kỹ thuật chế tác, các nhà nghiên cứu đã phân ra làm các loại gốm chính trong các di chỉ khảo cổ học là gốm mịn,  gốm thô và gốm xốp. Điều này phụ thuộc vào khâu chọn nguyên liệu chính, tỉ lệ chất phụ gia và độ nung. Loại gốm mịn được chế tác với khâu nguyên liệu được tuyển chọn kỹ với chất liệu sét mịn, chất phụ gia chủ yếu là cát hay hoặc một số chất khác cũng được sàng lọc kỹ ( hạt mịn, nhỏ ), độ nung cao nên có độ cứng chắc đảm bảo. Loại gốm thô thì chất liệu không tuyển chọn kỹ ( kích cỡ hạt lớn ) và độ nung thấp; loại gốm xốp thì tỉ lệ chất phụ gia như bã thực vật, tro mùn…chiếm tỉ lệ khá lớn, độ nung thấp nên chúng dễ bị thấm nước, không có độ bền.

Hoa văn: Hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm cũng là  một tiêu chí để phân loại gốm: gốm có hoa văn và không có hoa văn ( gốm trơn ). Tại các di chỉ khảo cổ học Đồng Nai, hai loại gốm này đều được phát hiện nhưng tỉ lệ giữa chúng trong các di chỉ khác nhau. Hoa văn được thể hiện trên bề mặt của nhiều loại tiêu bản gốm và với chủ đích của người chế tác. Có những tiêu bản thể hiện nhiều hoa văn phong phú nhưng cũng có những tiêu bản được thể hiện một dạng hoa văn trang trí.

            Văn chải: được tạo nên từ những que dẹt dập tua đầu hay nhiều răng khá đều để chải bề ngoài phôi gốm tạo thêm độ cứng và tăng độ bám của áo gốm phủ ngoài. Vết rãnh chải thường sâu, chạy theo nhiều chiều ( dọc, xiên, cắt ngang hay chéo nhau ).

            Văn thừng: được tạo từ những bàn dẹt có cuốn dây thừng có nhiều kích cỡ khác nhau đập, lăn lên phôi gốm và bề mặt để tạo độ cứng, chắc cho sản phẩm. Văn thừng thể hiện trên gốm theo nhiều chiều khác nhau và thường bố trí kết hợp  văn chải.

Văn khắc vạch: được tạo nên từ các que, thẻ đầu nhọn hay tròn hoặc tạo răng với kích cỡ nhỏ, vừa. Văn khắc vạch thường thể hiện trên nền văn thừng, khá đa dạng với các đồ án trên nhiều phần bề mặt của sản phẩm.

            Văn in chấm, in dải: Tạọ nên từ các que hay thẻ hoặc đầu ngón tay được sử dụng theo chủ đích của người thợ như in từng chấm rời, nối tiếp nhau hay từng dải vạch chấm hay các dải đường ngang, thẳng, chéo, xiên nhau, song song hoặc các hình học…vào phôi gốm.

            Văn dập: được tạo nên từ các vật phẩm như tấm nan tre, nan chiếu có sẵn những đường gờ nổi, hay các hình hình học. Người thợ dùng dập vào phôi gốm. Một số ý nhiều ý kiến cho rằng văn dập là vết tích của việc  gốm khi vừa tạo dáng ( còn ướt ) được phơi trên những vật phẩm nói trên.            

            Văn đắp nổi: được tạo từ những dải đất sét tạo thành gờ, dải băng dài hay ngắn với nhiều kích cỡ, chế tác rời và đắp vào mặt gốm. Văn đắp nổi thường được gắn vào  mặt gốm chủ yếu ở  vai gốm thường thấy ở các laọi chum, vò.

Văn khoét – miết: được tạo bằng que dẹt có đầu bằng hay chỉ đơn thuần bằng ngón tay người chế tác ấn lên mặt trong của cổ gốm ( nơi tiếp giáp gữa phần cổ và thân, vai ) trên nền văn chải, văn thừng. Những rãnh hình lòng máng, những băng miết láng song hành với các dạng văn khác có tính chất trang trí cho sản phẩm.

Những đồ án, hoạt tiết hoa văn trên gốm cổ Đồng Nai rất phong phú, đa dạng. Chúng được thể hiện trên các bề mặt của sản phẩm như: các đường vạch, chỉ chìm hay chấm ( thẳng, song song, xiên, chéo nhau, cong, đường xoáy trôn ốc, đường lượn sóng, đường gãy rời nối tiếp nhau…), hình hình học ( tam giác/ răng sói, hình thoi, hình vuông / dạng ô lưới, nửa hình tròn, hình khuôn nhạc, hình bầu dục, hình răng cưa, hình hoa thị, hình sao…); hình chữ ( chữ V, chữ S ). Các đồ án, hoạ tiết được phối kết với nhau  từ một đến nhiều các loại văn, hoạ tiết được được thể hiện bằng nhiều kiểu ( nổi, chìm, lồi hay lõm, liên kết, cách rời…) tạo nên những mảng trang trí rất độc đáo trên bề mặt của sản phẩm gốm.

Ngoài các hoa văn được dùng trong trang trí gốm, trong gốm cổ Đồng Nai có xuất hiện loại gốm phủ màu hoặc bôi màu trang trí. Những dạng loại gốm này chiếm tỉ lệ vừa phải trong tỉ lệ các tiêu bản gốm phát hiện được tại các di chỉ khảo cổ. Riêng về loại gốm phủ màu để xử lý bề mặt trước khi nung chiếm tỉ lệ cao hơn dạng gốm bôi màu trang trí. Những bề mặt sản phẩm gốm phủ màu thường thấy rất đa dạng như màu nâu, nâu đỏ, đỏ nhạt, xám nhạt, xám sẫm, vàng, vàng nhạt, trắng đục, đen…Về màu phủ áo gốm có những ý kiến cho rằng đó là một dạng nhựa thực vật hoặc một loại khoáng chất được hoà vào trong nước pha đất loãng để xử lý trên bề mặt. Về dạng gốm có bôi màu trang trí chiếm tỉ lệ vừa phải trong số tiêu bản gốm và di chỉ khảo cổ được khai quật mà trong đó tiêu biểu là số tiêu bản thu thập được tại di chỉ Bình Đa. Về mặt kỹ thuật, lớp màu áo gốm trang trí cũng được thực hiện trước khi nung, có tác dụng làm bóng láng bề mặt sản phẩm bên trong và bên ngoài nhưng chủ yếu là thể hiện nét thẩm mỹ của sản phẩm. Những sản phẩm gốm bôi màu trang trí thì bề mặt thường để trơn, rất hiếm sự kết hợp với các thủ pháp tạo hoa văn. Loại gốm bôi màu trang trí có những nét khác biệt là chúng được thể hiện có thể trên khắp bề mặt trong và ngoài hay từng bộ phận của sản phẩm. Màu sắc của màu bối trang trí cũng đa dạng nhưng chủ yếu là nâu, đen, đỏ tươi với các sắc độ khác nhau. Ngoài tính chất trang trí mỹ thuật thì màu bôi trang trí còn tác dụng tăng thêm độ bền của sản phẩm gốm.

***

Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học nói chung, có thể thấy rằng vùng đất Đồng Nai là một trong những địa bàn hình thành và phát triển của những cộng đồng cư dân cổ. Trong quá trình tồn tại, cư dân cổ Đồng Nai đã thích ứng với môi trường địa – sinh thái và không ngừng sáng tạo để phát triển. Cư dân cổ Đồng Nai đã biết đến những nghề thủ công mà trong đó có nghề làm gốm với một trình độ kỹ thuật nhất định để thích ứng trong những điều kiện phát triển theo chiều hướng tích cực. Những di chỉ khảo cổ với số lượng hiện vật gốm được phát hiện trên các tiểu vùng địa lý đặc trưng cho thấy một sự phát triển về nghề làm gốm để phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội nguyên thuỷ kể từ khi con người biết đến chăn nuôi và trồng trọt. Những sản phẩm từ nghề làm gốm với những công năng, công dụng đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho cư dân cổ từ vùng đồi núi hay đồng bằng, vùng cận biển trong chu kỳ vòng đời người của cá nhân cũng như sự tồn tại nói chung của cộng đồng. Tính chất đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng và sự trao đổi, liên hệ giữa các cộng đồng thể hiện qua những di chỉ được đánh giá là di chỉ xưởng chế tác công cụ đá, gốm. Điều này phản ánh những bước tiến về trình độ nhận thức, khả năng sáng tạo và chiều kích kinh tế, xã hội của cộng đồng cư dân cổ.

Với niên đại đoán định của di chỉ Cầu Sắt từ 5.000 – 4.000 năm cách ngày nay thì có thể thấy rằng cư dân cổ Đồng Nai đã biết chế tác đồ gốm từ thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên. Đồ gốm phát hiện tại di chỉ Cầu Sắt rất đa dạng và được xem là hoàn thiện về các thao tác kỹ thuật chế tác gốm của con người cổ. Qua xem xét các sưu tập hiện vật gốm trong các di chỉ khảo cổ theo trục thời gian và mở rộng trên các địa bàn khác nhau: từ Cầu Sắt, Suối Linh, Núi Gốm…ở vùng cao cho đến Bình Đa, Gò Me…ở vùng ven sống hay Cái Vạn, Rạch Lá, Cái Lăng…vùng cận biển và ngược lên vùng đất đỏ ba zan Xuân Lộc, Phú Hoà, Dầu Giây, Suối Chồn… các nhà nghiên cứu ghi nhận được sự biểu hiện đa dạng, phong phú trong giai đoạn đầu và dần về sau hình thành một truyền thống gốm khá ổn định bắt đầu từ thời đại đá mới – đồng của cư dân cổ Đồng Nai / nghĩa là có một truyền thống chế tác gốm mang phong cách của cộng đồng người cổ Đồng Nai. Đặc trưng của truyền thống gốm Đồng Nai thời cổ là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, sự phong phú về, kiểu dáng, rắn chắc về chất lượng, mộc mạc trong trang trí, ổn định trong loại hình và dồi dào về số lượng. Đồng thời, ngoài những đặc trưng chung đã ổn định thành biểu hiện của truyền thống những đồ gốm cổ Đồng Nai có những sắc thái khác lạ tạo nên những nét chấm phá và sự sáng tạo cũa những nghệ nhân chế tác gốm như gốm được tô hay vẽ màu.

 Ths. Phan Đình Dũng

Tài liệu tham khảo

1. Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng. Khảo cổ Đồng Nai, Nxb Đồng Nai 1991.

2.Viện KHXH tại Tp.HCM, Bảo tàng Đồng Nai. Báo cáo khai quật di tích Khảo cổ học Cái Vạn.

3. Viện Khảo cổ học , Bảo tàng Đồng Nai. Báo cáo khai quật di tích Khảo cổ học Rạch Lá, Hà Nội 2002.

4. Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Văn Long. Điều tra và khai quật lần thừ hai di tích khảo cổ học Bình Đa, Năm 1993.

5. Trần Văm Dũng , Hà Văn Cẩn. Báo cáo điều tra thám sát khảo cổ học ở một số tỉnh miền Đồng Nam Bộ năm 2000 – 2001.

6. Lưu Văn Du, Nguyễn Đăng Hiệp Phố. Đồ gốm di chỉ Cái Vạn qua tài liệu khai quật lần II, năm 1976. T/c Khảo cổ học số 4/ 1998.

7. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học. Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Cái Lăng lần thứ nhất, năm 2000, Hà Nội 2001.

8. Lê Xuân Diệm. Điều tra di tich khải cổ học Hưng Thịnh, năm 1977. Tài liệu Bảo tàng Đồng Nai.

9.Vũ Quốc Hiền, Phạm   Quốc Quân, Lưu Thành Mỹ. Khai quật di tích Suối Chồn đợt II ( tháng 4/ 1979 ), năm 1979. Tài liệu Bảo tàng Đồng Nai.

10. Địa chí Đồng Nai, tập III, Lịch Sử, Nxb Tổng hợp Đồng Nai 2001.

Nguồn: http://dongnai.vncgarden.com/van-hoa-dhong-nai/4-dho-gom-tien-so-su-dhong-nai-qua-ket-qua-nghien-cuu-khao-co-hoc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.