Đặc sắc gốm Quảng Đức

Nhắc đến dòng gốm Quảng Đức là nhắc tới dòng gốm nổi tiếng của miền Trung, một trong các dòng gốm Chăm tiêu biểu. Tên gọi của dòng gốm này được đặt theo tên của ngôi làng sinh ra nó: Quảng Đức, nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ra đời từ khoảng cuối thế kỷ XVI-đầu thế kỷ XVII, đến nay gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, nhưng hiện đang bị thất truyền.

Nét đặc sắc của riêng gốm Quảng Đức mà không dòng gốm nào có được đó những sản phẩm gốm được tạo ra từ phương pháp nung hỏa biến. Với phương pháp này, người ta xếp các sản phẩm gốm vào lò, sau đó chèn rất nhiều vỏ sò vào, trong quá trình nung, các vỏ sò sẽ tan chảy và tạo nên một lớp men tự nhiên trên các sản phẩm gốm. Chính điều này tạo cho các sản phẩm gốm Quảng Đức một nét riêng biệt, mỗi sản phẩm có một màu men riêng biệt, không cái nào giống cái nào và đặc điểm nổi bật là trên rất nhiều sản phẩm của nó sau khi hoàn thiện còn có các vết tích men tan chảy và vỏ sò hiện rõ. Đây cũng là đặc điểm để giới chơi cổ vật dễ dàng nhận biết được những di vật thuộc dòng gốm Quảng Đức.

Dòng gốm Quảng Đức rất đa dạng về loại hình, từ: ghè rượu, hồ lô rượu, bình trầu đến thủy trì… Trên mảnh đất Gia Lai, từ lâu những ghè rượu Quảng Đức đã không còn xa lạ với cư dân bản địa, bởi gốm Quảng Đức được giao thương chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên, mà đặc biệt là các loại ghè rượu với đủ kiểu dáng, kích cỡ từ cách đây khoảng 300 năm.

Ghè rượu Quảng Đức có nhiều loại kích cỡ và kiểu dáng nhưng tiêu biểu nhất và cũng là sản phẩm tinh xảo nhất của dòng gốm này chính là các ghè rượu “Brôn”. Đây là tên mà đồng bào Jrai đặt gọi loại ghè rượu lớn của dòng gốm Quảng Đức, ghè Brôn được người Jrai rất quý. Theo các già làng thì ngày xưa, muốn có được những chiếc ghè này, họ phải đổi bằng rất nhiều trâu bò. Đối với người Jrai, việc có ghè Brôn ở trong nhà cũng là một minh chứng cho sự giàu có sung túc của gia đình, dòng họ và được mọi người khắp vùng kính nể. Người Jrai cho rằng, ghè Brôn cũng có linh hồn, khi trong nhà có việc vui buồn hay lễ hội họ phải dành một phần đồ cúng và thông báo cho thần ghè biết, khi có người đau ốm hoặc gia chủ có việc phiền muộn họ cũng cúng và xin thần ghè giúp đỡ.

Ghè Brôn có nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng đặc điểm dễ nhận biết nhất chính là các đường vân gốm ở thân ghè, điểm độc đáo của các đường vân này là không phải do người thợ vẽ ra mà trong quá trình chế tác, người thợ đã khéo léo chọn nhiều loại đất sét khác nhau để đắp tạo cốt gốm, nhờ đó mà sau khi  nung sẽ tạo thành các đường vân uốn lượn với nhiều màu sắc khác nhau. Các cốt gốm này được đắp thành dải xoắn và rất đều đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật rất cao. Trong tất cả các dòng gốm Việt, đây có lẽ là kỹ thuật tinh xảo và độc đáo. Cách chế tác này còn được thấy ở một số thủy trì nhỏ, nhưng số lượng rất hiếm. Bảo tàng tỉnh Gia Lai có may mắn là một trong những địa chỉ đã sưu tầm được khá nhiều hiện vật thuộc dòng gốm này.

Gia Lai là một mảnh đất đa dạng về văn hóa, nơi đây lưu giữ rất nhiều tinh hoa của các dòng gốm sứ xưa. Từ gốm sứ Bắc bộ như Bát Tràng, Vạn Ninh đến gốm sứ Trung bộ như Gò Sành, Quảng Đức, Châu Ổ và gốm sứ Nam bộ như Lái Thiêu, Biên Hòa… Những hiện vật này cùng cất lên tiếng nói chung: quê hương Gia Lai hôm này vốn là một khu vực giao thương khá phát triển. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của ông cha, không chỉ có vai trò của các cơ quan chức năng mà còn cần có sự góp sức của các nhà sưu tập cá nhân.

Hoàng Việt

Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/742/201510/co-vat-gia-lai-dac-sac-gom-quang-duc-2410184/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.