Lịch sử làng Đúc đồng Ngũ Xã – Hà Nội

Ngũ Xã tên làng ra đời từ thế kỷ XVII tại Thăng Long, nhưng muốn hiểu về cội nguồn của nghề đúc đồng phải ngược lại thế kỉ XI tìm hiểu về một người đã khai sinh ra nghề đúc còn lưu truyền đến nay.

MINH KHÔNG THIỀN SƯ – ÔNG TỔ NGHỀ ĐÚC ĐỒNG

Theo tương truyền, Ngài có pháp danh là Minh Không Thiền Sư, tên thật là Nguyễn Chí Thành. Thân phụ là Nguyễn Sùng người làng Điềm Xá huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thân mẫu là Dương Thị Mỹ người làng Hán Đông huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương. Cả hai đều là những người được ca ngợi về lòng nhân từ và thân tín Phật pháp. Ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (năm 1066 – đời nhà Lý), thân mẫu sinh Ngài tại làng Điềm Xá, Phủ Trường Yên nay thuộc xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình.

Năm 11 tuổi (1077) Ngài từ biệt song thân dốc lòng xuất gia tu hành Phật pháp, cầu đạo với Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Quá trình học đạo ngài luôn được thầy khen tài giỏi, thông minh về sau được ấn chứng trở thành bậc “Pháp khí” trong Thiền môn và ban cho pháp danh Minh Không. Ngài đã chứng ngộ Chân Không Bát Nhã và về trụ trì Chùa Giao Thủy (Nam Định).

Ngài là bậc đại sư thông tuệ Phật pháp, được giới Tăng ni ngưỡng vọng và được quốc vương kính trọng bởi Ngài là một danh y được biết đến là chữa khỏi bệnh hóa hổ (tức là bệnh lông lá mọc khắp cơ thể, gầm hét như hổ suốt ngày) cho Lý Thần Tông (người được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng) trước đấy rất nhiều vị danh y được triệu đến chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Cảm tạ công ơn của Thiền sư nhà vua đích thân sai dựng cho Ngài ngôi nhà vào tháng 5 năm 1131, (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 – NXBKHXH. H, 1983 Tr 322). Ngôi nhà là nơi Ngài thường nghỉ lại trong những lần về kinh chữa bệnh, sau này nơi đây thành ngôi đền Tiên Thị. Thiền sư Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Lý Triều Quốc Sư (tức là Quốc sư triều Lý  bậc thầy của cả nước). Ngài viên tịch vào ngày 22/8/1141.

Không chỉ là một bậc đạo sư thông tuệ Phật Pháp, một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng bởi ông chính là người đã sang Trung Quốc gặp triều đình nhà Tống quyên giáo đồng để đúc “An Nam tứ đại khí”. Đó là: tượng Phật Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh. Tượng Quỳnh Lâm cao 6 trượng (khoảng 20m), tháp Báo Thiên gồm 12 tầng, cao hơn 20 trượng (gần 70m), chuông Quy Điền (cái tên xuất phát từ việc do đúc chuông to đến nỗi không treo lên được nên để ở ruộng cho rùa cư trú), vạc Phổ Minh cao 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6150 cân đồng, to đến mức 2 người có thể đuổi nhau trên miệng vạc.

Truyền thuyết kể lại rằng khi ông đúc chuông đồng cho ngôi chùa ở Hồ Tây, xong đem ra đánh thì tiếng chuông ngân xa khắp mọi miền. Trâu vàng trong kho của nhà Tống bên Trung Quốc tưởng tiếng trâu mẹ lồng chạy sang Hồ Tây tìm. Sợ hai nước xảy ra chiến tranh, nhà sư bèn đẩy quả chuông xuống hồ khiến cho trâu vàng tìm mẹ không thấy lồng lộn làm sụt cả bờ hồ, sau đó tưởng mẹ ở dưới nước nên nó cũng nhảy xuống theo. Sự tích trâu vàng Hồ Tây đã cho thấy kỹ nghệ đúc đồng thời Lý đã đạt trình độ cao trong việc chiết suất, pha chế đồng tạo ra các linh vật để trấn yểm những vùng đất linh thiêng của Thăng Long và quốc gia Đại Việt.

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LÀNG NGŨ XÃ

Vào đầu những năm 1600 triều đình nhà Lê tại kinh thành Thăng Long đã trưng dựng một số thợ đúc có tay nghề cao của 5 làng: của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Hưng Yên (nay là xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thương, Đào Viên) (hay Thái Ti) và Điện Tiền (có tài liệu khác nói năm xã của tổng Đề Cầu: An Nhuệ, Kim Tháp, Lê Xá, Thư Đội và Đề Cầu) có tên Nôm là làng Hè, làng Me, làng Giồng, làng Dí trên và làng Dí dưới kéo về đây mở lò đúc đồng, gọi là Tràng Ngũ Xã (Trường đúc của 5 xã thuộc Tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận kinh thành Thăng Long). Để nhớ ơn người khai sáng nghề đúc đồng dân làng suy tôn Minh Không thiền sư là thần hoàng làng Ngũ Xã, đúc tượng và xây ngôi đình để thờ phụng Ngài (đình Ngũ Xã).
Quang cảnh làng Ngũ Xã thế kỉ XVIII

Quang cảnh làng Ngũ Xã thế kỉ XVIII

Ban đầu làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền cho triều đình sau đó đúc thêm đồ thờ cúng như: tượng, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa…và các đồ dùng dân dụng như: mâm, nồi, chậu… Những sản phẩm trên đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của kinh thành Thăng Long và cả nước. Qua nhiều thế kỷ, tên Ngũ Xã – làng đúc đồng đã trở nên gần gũi, quen thuộc với nhân dân khắp nơi. Do vậy, trong dân gian có lưu truyền tên bốn làng nghề nổi tiếng và là bốn nghề quan trọng trong đời sống kinh kỳ thời xưa:

Dệt Yên Thái

Gốm Bát Tràng

Vàng Định Công

Đồng Ngũ Xã”

Làng Ngũ Xã ngày nay

Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch ngày nay

Gần 400 năm qua, thế hệ con cháu làng đúc đồng Ngũ Xã vẫn duy trì và phát triển được tinh hoa của ông tổ nghề. Đi đến nhiều nơi đúc các sản phẩm được yêu cầu, các nghệ nhân đều truyền lại các kỹ thuật đúc cho dân làng địa phương – những người được thuê hỗ trợ công việc, Vì thế nhiều làng nghề đúc đồng ra đời phục vụ nhu cầu của xã hội. Theo suốt chiều dài lịch sử của làng nghề, các nghệ nhân để lại cho đất nước những tác phẩm nghệ thuật vô giá tồn tại mãi với thời gian.

Nguồn: http://ducdong.com/vi/chi-tiet-ls-c32a11/lich-su-lang-duc-dong-ngu-xa.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.