Là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trải qua hơn 143 năm với 13 triều vua với những biến cố thăng trầm, nhà Nguyễn đã để lại một kho tàng khá to lớn với chiều sâu nhân văn và những giá trị nghệ thuật chưa khai thác hết được. Một trong những giá trị tiêu biểu là đồ đồng cung đình Huế. Đây là những dấu tích góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa thời Nguyễn một thuở huy hoàng, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn hóa, kiến trúc cũng như tạo hình dân tộc từ TK XIX.
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác và đầy đủ về tất cả đồ đồng thời Nguyễn, tuy nhiên, trong góc độ đánh giá và nghiên cứu về những nét đặc trưng tiêu biểu của đồ đồng trong giai đoạn này, chúng ta thấy nổi bật là cửu đỉnh (Thế Miếu – Đại Nội), cửu vị thần công (Hoàng thành), đại hồng chung (chùa Thiên Mụ)… cùng một số đồ đồng hiện còn được lưu giữ tại kinh thành Huế.
Trở về đầu TK XX, khi tìm thấy những hoa văn trang trí trên đồ đồng đầu tiên của văn hóa Đông Sơn, một số nhà khảo cổ phương Tây đã vội kết luận rằng nghệ thuật Đông Sơn là nghệ thuật của những người di cư hay sự vay mượn các vùng Trung Á hoặc vùng Vân Nam (Trung Quốc)… Tuy nhiên, những luận điểm trên được xem là phi căn cứ khi mà ngành khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh nền văn hóa Đông Sơn là một đỉnh cao của thời tiền sử Việt Nam và những di vật bằng đồng thau được xem là tiêu biểu cho thời kỳ này. Với bề dày về văn hóa và lịch sử, đồ đồng Việt Nam và đồ đồng Huế đã tạo được một vị thế văn hóa, khảo cổ học trên bình diện văn hóa nghệ thuật khu vực. Tiếp nối những thời đại hoàng kim đó thì cửu đỉnh, cửu vị thần công, đại hồng chung… được xem như bảo vật của quốc gia mà Huế đang may mắn được sở hữu.
Theo cổ sử, năm Quý Hợi niên hiệu 2 Gia Long, ngày 31-1-1803, triều đình đã cho đúc đại bác lớn bằng đồng. Các vị vua thường chọn con số 9 theo quan niệm triết lý tâm linh Á Đông: “chín phương trời, mười phương Phật”. Con số 9 xuất phát từ nguồn gốc triết học Trung Hoa, bắt nguồn từ Kinh dịch với quẻ Càn tượng trưng cho trời (dương), quẻ Khôn tượng trưng cho đất (âm). Vua tượng trưng cho trời bởi vậy thường chọn quẻ Càn làm đầu. Trong mỗi quẻ có 6 hào tuy nhiên hai hào Cửu nhị và Cửu ngũ là tốt nhất. Hào Cửu ngũ (Phi long tại thiên) là tốt nhất trong 6 hào, đại diện cho thân phận cao quý và được ví với con rồng vùng vẫy tự do trên bầu trời, là người đứng đầu thiên hạ. Với ý nghĩa đó, vua Gia Long cho đúc cửu vị thần công, còn vua Minh Mạng cho đúc cửu đỉnh. Cửu vị thần công được biết đến như là minh chứng cho sự chấm hết của nhà Tây Sơn (1788-1802) và mở ra triều đại mới trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Phần lớn nguyên liệu đúc súng là từ sự gom góp các đồ đồng Tây Sơn. Trong hàng chục khẩu súng thần công được đúc dưới thời vua, chúa Nguyễn thì 9 khẩu này là lớn và đẹp nhất. Theo Đại Nam thực lục thì việc đúc súng từ tháng 2-1803 cho đến cuối tháng 1-1804. Những khẩu thần công này là biểu tượng cho các thuộc tính của đất trời và sự luân chuyển của vũ trụ như 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông) và ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Mỗi khẩu súng dài 5,10m, đường kính nòng dài 0,23m. Khẩu thứ nhất, Xuân nặng 17.700kg, khẩu thứ hai, Hạ nặng 17.200kg, khẩu thứ ba, Thu nặng 18.400kg, khẩu thứ bốn, Đông nặng 17.800kg, khẩu thứ năm, Mộc nặng 17.100kg, khẩu thứ sáu, Hỏa nặng 17.200kg, khẩu thứ bảy, Thổ nặng 17.800kg, khẩu thứ tám, Kim nặng 17.600kg, khẩu thứ chín, Thủy nặng 17.200kg. Thần oai vô địch thượng tướng công cửu vị là chức danh mà vua Gia Long đã đặt cho cửu vị thần công vào năm 1816, được khắc trên mỗi khẩu súng. Ngoài ra, trên thân súng được chạm khắc tên của các vị giám sát thực hiện, bên trái súng ở vị trí trên mâm xoay còn có hướng dẫn cách dùng số lượng thuốc súng như thế nào, tỷ lệ đất ra sao… Trên thân súng còn có hoa văn hoa lá và gắn quai hình hai con lân được chạm khắc rất chi tiết. Quanh thân súng được trang trí hoa văn theo phương pháp tịnh tiến và đăng đối làm cho các khẩu súng dường như trở nên nhẹ nhàng, bớt khô cứng và duyên dáng hơn. Súng được đặt trên giá gỗ với hệ thống chạm trổ công phu, hai bên giá súng có bánh gỗ viền sắt để thuận tiện cho việc di chuyển.
Dưới thời Gia Long, phía nam Kinh thành nằm giữa các lũy thành và hoàng cung là các bãi súng đại bác, cửu vị thần công được đặt thành hai nhóm phía trước Ngọ Môn, nhóm tứ thời ở bên trái, nhóm ngũ hành ở bên phải. Trong thời kỳ này, thần công được xem như là các vị thần hộ mệnh, có nhiều nhà còn đặt bàn thờ cửu vị thần công, các quan và quân lính. Đến những năm đầu của vua Đồng Khánh, những lễ cúng đối với cửu vị thần công cũng dần mất đi do không còn biên chế người bảo vệ cũng như kinh phí để duy trì. Trách nhiệm đã được chuyển giao cho các tốp lính canh bắn súng lệnh vào mỗi buổi sáng, chiều. Trong các khẩu thần công dưới thời Nguyễn thì cửu vị thần công có kích thước và trọng lượng lớn nhất. Bên cạnh những giá trị về lịch sử thì bộ súng này đã thể hiện khá rõ về kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật chạm khắc đồng rất công phu và điêu luyện, xứng đáng là một trong những bảo vật của mọi thời đại. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4-2014 ở khu vực sông Hồng, TP Yên Bái, các cơ quan chức năng đã phát hiện thêm được một khẩu súng thần công ghi: Minh Mệnh nhị thập niên chế (đúc vào năm Minh Mạng thứ 20, 1839). Đây là khẩu súng thứ 5 của nhà Nguyễn được phát hiện tại khu vực tỉnh Yên Bái. Như vậy, vua Minh Mạng không chỉ quan tâm đến kinh tế và văn hóa mà còn chú trọng đầu tư về tiềm lực quân sự. Sự trang bị này không chỉ làm tăng sức mạnh của quân đội mà còn thể hiện uy lực của nhà vua trên bình diện châu Á và thế giới.
Cũng là con số 9, nhưng cửu đỉnh được biết đến theo một sắc thái ý nghĩa và giá trị khác, biểu tượng cho sự tồn tại của vương quyền nhà Nguyễn với nguyện cầu thống nhất non sông và trường tồn cùng đất nước. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 9 đỉnh đồng được đúc từ năm Minh Mạng thứ 16 dưới sự thực hiện của Bộ Công và hoàn thành vào năm 1937, với khối lượng khổng lồ hơn 20.000kg đồng. Có thể xem đây là một trong những công trình tâm huyết mang nặng tính nhân văn, triết lý sâu sắc dưới thời vua Minh Mạng. Theo Thái Văn Kiểm: “Vua Minh Mạng bắt chước vua Hạ Vũ xưa đúc cửu đỉnh tương đương 9 châu bên Tàu. Đỉnh còn tượng trưng với sự ủy nhiệm của thượng đế, hình dáng và trọng lượng của đỉnh biểu hiện sự lâu dài bền vững của một niên đại”. Công trình này được xem như là mong ước hòa hợp với đất trời, trường tồn mãi với thời gian của triều Nguyễn. Số lượng các đỉnh đồng trên cũng ứng với thụy hiệu của các triều đại vua Nguyễn: Cao đỉnh (Gia Long), Nhân đỉnh (Minh Mạng), Chương đỉnh (Thiệu Trị), Anh đỉnh (Tự Đức), Nghi đỉnh (Kiến Phúc), Thuần đỉnh (Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Khải Định). Cách mạng tháng 8-1945 đã kết thúc chế độ quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, vì vậy Dũ đỉnh và Huyền đỉnh không đại diện cho thụy hiệu vua nào trong triều Nguyễn.
Trong số đỉnh đồng này, có một đỉnh nằm ở vị trí trọng tâm và nhích lên phía trước khoảng 3m, đó chính là Cao đỉnh, một nguyện ý của vua Minh Mạng để bày tỏ sự kính trọng đối với vua cha là Gia Long. Tên của các đỉnh được ghi bằng tiếng Hán ở bên hông. Nhìn từ bên ngoài, 9 đỉnh này có vẻ giống nhau, tuy nhiên phần nào khác nhau về kích thước, cân nặng và môtip trang trí. Các cặp quai trên cửu đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cái được đúc theo dây xoắn, cái tròn, cái vuông theo hình chữ U lật ngược. Ngoài ra bộ chân quỳ ở mỗi đỉnh cũng khác nhau. Về mặt ý nghĩa, cửu đỉnh còn là sự hội tụ tinh khí của đất trời, thể hiện ở hình dạng cổ thắt, thân phình rộng, chân quỳ to khỏe vững chãi, chắc chắn được xem là bệ đỡ để gánh tất cả các biểu tượng được coi là tinh hoa của đất nước. Nếu như một quốc gia hùng cường được tính bằng chiến thuyền, pháo đài, quan ải thì sự vững bền của thời đại được thể hiện thông qua chín đỉnh đồng hoành tráng này. Đi sâu, ta thấy được 17 môtip chạm khắc công phu và tỉ mỉ, chia thành 3 tầng trên mỗi đỉnh đồng. Tầng trên thuộc vật nhẹ như hoa trái, lúa đậu, chim, rồng…; tầng giữa là trọng tâm giao tiếp nên có đất, trời và người; tầng dưới là vật nặng như tàu thuyền, súng đạn, cá, rùa… Những môtip do đích thân vua Minh Mạng lựa chọn đã cho thấy sự tâm huyết của nhà vua đối với công trình này. Ở mỗi đỉnh cũng có sự khác nhau về các môtip cũng như cách sử dụng hình tượng và bố cục khác nhau. Ví dụ, Cao đỉnh sử dụng hình ảnh hổ, rồng, trĩ, Chương đỉnh sử dụng hình ảnh tê giác và 5 hành tinh, Thuần đỉnh sử dụng hình ảnh bò rừng và gió, Anh đỉnh sử dụng hình ảnh ngựa… 153 hình mảng họa tiết đắp nổi này đã biểu hiện sự uy lực và hiện thân của triều đại, bên cạnh đó các môtip thể hiện sự hiện hữu, tuần hoàn của đất trời, thiên nhiên và cây cỏ, mang đậm tính triết lý nhân văn sâu sắc. Ở một bức tranh phong cảnh hữu tình đậm chất thơ nhưng mang ý nghĩa và tư tưởng cao siêu: rễ cây luôn gắn chặt vào đất, hút nguồn sinh khí của đất (âm), sau đó cây lớn lên hòa nhập vào các tầng trời (dương) như sự giao hòa giữa âm và dương, tạo nên sự vận động chuyển hóa sinh khí của đất trời.
Mỗi họa tiết vừa mang giá trị biểu hiện độc lập vừa là hệ thống trang trí thống nhất với nhau. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng hài hòa, khéo léo giữa không gian thực và không gian tượng trưng. Nếu nhìn nghiêng các mảng hình trang trí này có sự dày mỏng khác nhau, phần đắp dày, phần khắc lõm biểu hiện sự đa tầng lớp, tạo chiều sâu về không gian cũng như thể hiện sự tinh tế trong kỹ thuật đúc. Những hình đắp nổi bố cục theo lối động thể hiện góc độ thị giác đa chiều chứ không tuân theo một trật tự, khuôn phép nhưng vẫn giữ được tỉ lệ cân đối hài hòa theo cái nhìn của không gian ước lệ. Sự vận động của muôn loài như cây lúa đang vươn lên trong gió, sự cuồn cuộn của biển Đông, hay hình ảnh chim khổng tước đang bước, sự quẫy mình trong nước của cá, cặp chim uyên ương đang nô đùa… đã tạo nên cái động không chỉ ở không gian cục bộ mà còn ở không gian tổng thể, tạo nên sinh khí vận động cho bộ cửu đỉnh. Ngoài ra, bộ nét trên cửu đỉnh cũng khá đa dạng và phong phú, tỉ lệ và mật độ nét cũng khác nhau, bay bổng và thanh tao. Hình ảnh các môtip được tái hiện thông qua thủ pháp cách điệu như các hoa văn sấm chớp, vân mây… hay đặc tả theo lối hiện thực như gà, hổ, rùa… sắp xếp trên thành đỉnh theo bố cục tạo hình chứ không theo trật tự nội dung. Tuy là một sản phẩm của triều đình, nhưng các yếu tố dân gian cũng được thể hiện khá rõ nét, sự kết hợp hài hòa này đã tạo cho cửu đỉnh một cái nhìn uy nghi nhưng không kém phần gần gũi. Có thể nói cửu đỉnh là sự đan xen giữa nghệ thuật cung đình và nghệ thuật dân gian truyền thống, “là bản đại hợp xướng Việt Nam quê hương tôi bất hủ ghi dấu ấn gắn bó và sinh thành của hội họa và điêu khắc ở nước ta nửa đầu TK XIX”(1).
Một trong những bảo vật đồ đồng không thể không nhắc đến, đó là đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ. Quả chuông này được xem là một công trình nghệ thuật trang trí – điêu khắc đặc sắc, thể hiện được nét tinh xảo trong kỹ thuật đúc đồng thời Nguyễn. Chuông có chiều cao 2,50m, nặng 3825kg, chu vi miệng chuông là 4,36m, thân chuông 3,60m, đường kính 1,36m. Phần quai chuông thể hiện hai hình mãng xà chầu đuôi với nhau được đúc nổi, trên thân có một bông sen, bốn chân trước đặt lên đỉnh chuông. Thân chuông được chia thành 4 phần đều đặn do 4 dải sóng thẳng theo tứ phương, 4 hình rồng và 4 hình chim phụng hoàng xen kẽ. Biểu tượng rồng và phụng luôn ở trong tư thế động, đan xen vào nhau nhẹ nhàng, thanh thoát tạo nét vận động của khí trời cũng như triết lý sâu sắc của nhà Phật. Trong cái tĩnh của chuông có cái động của vạn vật thông qua diễn hoạt các hình mảng hoa văn trang trí nhưng khi nghe tiếng chuông thì tâm trí con người sẽ tĩnh tại. Phần dưới cùng của thân chuông có một đường viền nhỏ cùng với đường hạt cườm chạy quanh chu vi miệng chuông, từ đường hạt cườm loe ra là miệng chuông có trang trí hoa văn sóng nước, được khắc họa thành 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ, chạm khắc rất tỉ mỉ, to nhỏ khác nhau tạo nên sự vận động không ngừng nghỉ chạy đều quanh chuông như một sự luân hồi. Hình chạm sóng nước được diễn tả theo lối thực chứ không cứng cỏi và trừu tượng như ở một số chuông khác. Ngoài ra, trên thân chuông, phần mục đích đúc chuông và tên người tạo chuông có ghi: “Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động thượng chánh tông, tam thập đại, pháp danh Hưng Long chú tạo hồng chung…” và ý niệm nguyện vọng của Đại Hồng Chung như: “Duy nguyện phong điều võ thuận, quốc thái dân an; pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí”… Một trong những nét đặc trưng mà ít chuông có được, đó là hình chạm nổi bát bửu trên thân chuông. Ở giữa tám vật quý này đều có một dải quấn ngang ở giữa và hai đầu uốn lượn. Hoa văn trang trí trên đại hồng chung triều Nguyễn có thể nói là sự kết hợp khéo léo giữa các thể loại nghệ thuật cũng như thủ pháp mỹ thuật hài hòa, tinh xảo nhưng không kém phần sâu sắc. Ở đây, phảng phất một chút sự ảnh hưởng và kế thừa trong lối trang trí của hoa văn thời Lê. “Chùa Thiên Mụ có những khánh, chuông và bia vẫn trang trí bằng những hoa dây tay mướp leo uốn sóng, mỗi khúc uốn trổ ra những hoa kết hợp bởi những vân xoắn duỗi dài, còn tìm được những hình rồng, phượng quen thuộc với nghệ thuật thời Lê ở ngoài Bắc”(2).
Những hiện vật đồ đồng mà các bảo tàng ở Huế còn lưu giữ được, cho thấy phần nào những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình cũng như sự thịnh vượng về mặt kinh tế, chính trị và quân sự trong thời trị vì của vương triều Nguyễn. Nói về hoa văn trang trí trên đồ đồng Việt, tác giả Trần Lâm Biền đã cho rằng: “…chúng ta như thấy sự đồng điệu giữa con người với vũ trụ và quanh nền kinh tế nông nghiệp tuy còn sơ khai nhưng vẫn nổi lên nhiều biểu tượng gắn với mối quan hệ âm – dương đối đãi”(3). Nếu như cửu vị thần công thể hiện được sức mạnh và uy lực về quân sự thì cửu đỉnh lại mang giá trị thống nhất và hòa hợp của đất nước, sự vĩnh cửu của triều đại. Ngoài ra, tài năng và sự khéo léo của đôi bàn tay của các nghệ nhân đúc đồng xứ Huế cũng đã được biểu hiện rất rõ nét. Giá trị của đồ đồng không chỉ mang tính bền vững về kết cấu vật lý mà còn mang đậm ý nghĩa tâm linh bởi từ xa xưa con người đã xem các chất liệu như đồng, đá gắn liền với sức mạnh thần linh.
Có thể nói, đồ đồng thời Nguyễn đã để lại nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa tâm linh, triết lý và nhân văn sâu sắc. Những giá trị đó sẽ mãi trường tồn với thời gian và ghi dấu ấn của triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. “Sự lan tỏa của các nét đẹp văn hóa cao quý từ vùng đất kinh kỳ một thuở vẫn còn tiếp tục mãi đến sau này”(4). “Chính là nhờ biết nhìn các di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xămđầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử, con người hưởng thụ được những hoa văn rực rỡ của trí tuệ gọi là cái đẹp, tiếp thụ những kinh nghiệm sống quý báu mà thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là văn hóa…”(5).
_______________
- Mai Khắc Ứng – Nguyễn Thị Lệ Thủy,Cửu đỉnh, NxbThuận Hóa, Huế, 2000, tr.32.
- Chu Quang Trứ,Văn hóa mỹ thuật Huế, NxbMỹ thuật, Hà Nội, 2000, tr.44.
- Trần Lâm Biền,Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, NxbVăn hóa Dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2001, tr.248.
- Phan Thuận An,Cố đô Huế qua cái nhìn địa – văn hóa, NxbTrẻ, TP.HCM, 2005, tr.4.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường,Huế – di tích và con người, NxbĐà Nẵng, 2001, tr.158.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả: Phan Lê Chung