Những di cốt đầu tiên của con người được tìm thấy từ năm 1955 trong các hang ở Ninh Bình và Lạng Sơn là những chiếc răng và xương sọ được cho là của người tối cổ Archanthropien gần với người vượn Trung Quốc ở Lam Điền (khoảng 600.000 năm trước công nguyên). Người ta cũng tìm thấy ở Ninh Bình một số đá cuội được gia công, đó là những công cụ thô sơ để chặt của người tối cổ, được ghè đẽo một mặt và các dụng cụ để cắt chặt được ghè đẽo ở cả hai mặt, thuộc loại Abbeville (điểm khảo cổ ở Pháp) và Claton (điểm khảo cổ học ở Anh). Loại công cụ này có thể gắn với loại Anyathi của Miến Điện, với loại Soani của Ấn Độ. Continue reading
Archives
BỘ SƯU TẬP CUỐC, RÌU ĐÁ Ở BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG
Tháng 08/2013, trong chuyến công tác dọc Miền Trung, chúng tôi được tiếp cận kho chứa hiện vật của Bảo tàng Đà Nẵng, mục đích của chuyến công tác này là nhằm tiếp cận các bộ sưu tập hiện vật tiền sử trước đây và cập nhật các tư liệu mới nhất hiện đang được lưu giữ tại các Bảo tàng thuộc các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên. Continue reading
Lung leng: Mảnh đất của người tiền sử
Chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 8/1999. Ông Nguyễn Ngọc Kim, chủ quán trong bãi khai thác vàng Lung Leng, khệ nệ đưa từ rừng sâu ra một thùng giấy để thương lượng bán cho Bảo tàng Kon Tum một số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng.
Trong thùng, hơn 300 cổ vật gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…! Ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng của dân tộc Gia Rai hơn 3 km đường chim bay. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1 m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30 cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu…
Kho cổ vật của “dị nhân” Nguyễn Văn Hưng – Gia Lai
Từ thú “chơi ngông”
Trong căn nhà rộng khoảng 50 m2 ở xã Ia Kly, anh Hưng đã chất đầy hàng ngàn cổ vật. Anh kể: Hiểu biết một chút về cổ vật nên khi mình đi làm thấy người ta bán thế là mua, có nhiều cổ vật thấy người dân vứt ra góc vườn, xin cũng ngại nên trả cho người ta ít tiền thế là họ bán. “Kiếm được đồng nào là mình lại bỏ ra mua cổ vật, chỉ để lại một ít lo cho mấy đứa con ăn học”.
Bắc Sơn – nền văn hóa tiêu biểu nối tiếp văn hóa Hòa Bình
1. Niên đại và địa bàn phân bố văn hóa Bắc Sơn
Từ khoảng trên dưới 1 vạn năm về trước, chủ nhân các bộ lạc Bắc Sơn đã nối tiếp quá trình phát triển của cư dân văn hóa Hòa Bình. Nhiều hiện vật của văn hóa Bắc Sơn được phát hiện tạo thành lớp trên của văn hóa Hòa Bình trong cùng một di tích cho thấy điều đó.
Tuy ra đời muộn nhưng văn hóa Bắc Sơn có quan hệ gần gũi với văn hóa Hòa Bình và cùng kết thúc thời gian cách ngày nay khoảng 7000 năm.
Cư dân Bắc Sơn sống rải rác trong các hang động, mái đá vùng núi đá vôi gần sông, suối. Thuộc vùng trung, thượng du các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,… Nhưng chủ yếu ở Lạng Sơn, Thái Nguyên. Tính đến năm 1997, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 50 di chỉ khác nhau thuộc văn hóa Bắc Sơn. Căn cứ vào sự phân bố các di tích, có thể khẳng định, địa bàn cư trú của các bộ lạc người Bắc Sơn đã được mở rộng hơn.
2. Kỹ thuật chế tác công cụ trong văn hóa Bắc Sơn
Cũng giống như người Hòa Bình, cư dân Bắc Sơn sử dụng cuội để chế tác công cụ, song kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao hơn. Họ không chỉ biết ghè, đẽo công cụ mà còn biết mài đá. Trong nhiều hang động thuộc văn hóa Bắc Sơn, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chiếc rìu bằng đá cuội được mài ở lưỡi, bên cạnh những công cụ được ghè đẽo một mặt kiểu Hòa Bình. Rìu mài lưỡi khá phổ biến trong các di tích văn hóa Bắc Sơn và là công cụ đặc trưng cho nền văn hóa này, các nhà khảo cổ học thường gọi là rìu Bắc Sơn (hay rìu mài lưỡi Bắc Sơn).
Trong kỹ thuật mài, người Bắc Sơn thường chọn những hòn cuội dẹt, dài, đẽo qua loa trên hai cạnh và lưỡi rồi đem mài trên một bàn sa thạch, tạo nên mặt lưỡi phẳng và sắc. Những bàn mài của người Bắc Sơn thường có hình lòng chảo lõm. Cũng có những bàn mài được làm từ phiến đá có những rãnh song song, giữa hai rãnh là phần cong nổi lên. Những chiếc bàn đá mài như vậy đã giúp chủ nhân của văn hóa Bắc Sơn tạo ra được chiếc rìu đá khá sắc bén, với nhiều kiểu dáng khác nhau (như: rìu có vai, rìu có chuôi tra cán, rìu tứ diện được mài cả hai mặt…). Ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa) người ta đã phát hiện được một số rìu được mài nhẵn toàn bộ hai mặt lưỡi. Rìu mài lưỡi ở Bắc Sơn ra đời cách ngày nay trên dưới 1 vạn năm, có thể xếp vào loại rìu đá mài sớm nhất thế giới. Cũng nhờ có kỹ thuật mài, những chiếc rìu Bắc Sơn sắc hơn rìu Hòa Bình, do đó, năng suất lao động được nâng cao hơn trước[1].
Chủ nhân của văn hóa Bắc Sơn không chỉ có kỹ thuật đá mài trong chế tạo công cụ mà họ còn biết đến kỹ thuật làm đồ gốm. Đặc điểm của đồ gốm Bắc Sơn là có những đồ đựng, đồ nấu có cả miệng loe, đáy tròn. Con người thời bấy giờ đã lấy đất sét nhào với cát để khi nung đồ gốm không bị rạn nứt. Nhìn chung, độ nung gốm thời kỳ này chưa cao, hình dáng đồ gốm còn thô, số lượng đồ gốm còn ít. Có thể nói rằng đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn chưa nhiều, kĩ thuật gốm chưa phát triển. Tuy nhiên, việc xuất hiện đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn đã đánh dấu bước tiến mới về loại hình công cụ trong buổi đầu của thời đại đá mới. Vì vậy, các nhà khảo cổ học thường gọi văn hóa Bắc Sơn là văn hóa đá mới có gốm sơ kì. Việc tạo ra kỹ thuật làm gốm là một trong những dấu hiệu cho thấy văn hóa Bắc Sơn có sự phát triển cao hơn văn hóa Hòa Bình.
3. Trạng thái kinh tế, đời sống xã hội và đời sống tinh thần trong văn hóa Bắc Sơn:
Về đời sống kinh tế
Kỹ thuật chế tác công cụ của cư dân Bắc Sơn có nhiều tiến bộ so với trước (đặc biệt là kỹ thuật mài). Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Bắc Sơn chế tạo ra được nhiều loại hình công cụ khác nhau từ đá, tre, gỗ, xương, sừng,… Đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thời kì này lên một bước.
Ở các di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn đã tìm thấy nhiều chày đá và bàn nghiền hạt; một số bàn nghiền hạt có dấu hiệu bị lõm ở mặt, có thể đây là những bàn nghiền hạt các loại cây trồng của cư dân thời bấy giờ [2].
Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp vẫn chưa giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế – xã hội của con người Bắc Sơn. Hái lượm, săn bắn vẫn là những hoạt động kinh tế chủ yếu của con người thời kì này. Việc tìm thấy trong các hang động cư trú của người Bắc Sơn (như hang Cườm – Lạng Sơn) những đống vỏ ốc, xương thú chất thành một lớp dày tới 3m là một minh chứng cho điều đó. Tất nhiên, với hoạt động kinh tế khá đa dạng bên cạnh hái lượm, săn bắn còn làm nông nghiệp, đánh bắt cá,… đã khiến nguồn thức ăn của người Bắc Sơn có phần đa dạng hơn trước. Nguồn thức ăn phong phú như vậy cũng là cơ sở để con người bấy giờ sống định cư khá lâu dài ở một địa điểm.
Về tổ chức xã hội Bắc Sơn
Giống như giai đoạn văn hóa Hòa Bình, người Bắc Sơn về cơ bản vẫn chưa vượt ra khỏi tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Tuy vậy, đời sống tinh thần của cư dân Bắc Sơn lại có bước nâng cao hơn đời sống của người Hoà Bình. Chủ nhân của văn hoá Bắc Sơn đã tạo ra nhiều loại đồ trang sức để làm đẹp cho mình, như các loại đồ trang sức làm bằng đá phiến có lỗ đeo, các chuỗi hạt bằng đất nung hình trụ hay hình thoi ở giữa có xuyên lỗ, các loại vỏ ốc biển, vỏ trai, vỏ trùng trục được mài, có xuyên lỗ làm dây đeo… Ở di chỉ mái đá phố Bình Gia (Lạng Sơn), người ta đã phát hiện 28 vỏ ốc biển có xuyên lỗ – một bằng chứng về đồ trang sức của con người thời kì này.
Trong một số hang động ở Bắc Sơn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những mảnh đá phiến nhỏ, trên đó người nguyên thủy đã khắc lên những đường rẻ quạt, đường tròn hay hình vuông, hình chữ nhật gần nhau. Đó là những điều kiện cho thấy những vật bằng đá phiến hoặc đất sét mà ở trên rìa cạnh của chúng có nhiều đường thẳng được vạch song song tạo thành từng nhóm. Phải chăng đây là những dấu hiệu được đánh dấu hay là những số đếm của con người thời bấy giờ[3]?
Trong cách táng thức, người Bắc Sơn cũng như người Hoà Bình đều có cách chôn người chết khác nhau (như trói chặt người chết, chôn người chết theo tư thế nằm co,…) và thường chôn theo người chết công cụ lao động kèm theo đồ trang sức. Hang làng Cườm (Lạng Sơn) là một khu mộ tập thể cho ta nhiều hiểu biết về cách mai táng của người Bắc Sơn. Có thể, cư dân Bắc Sơn đã có ý niệm rõ ràng về thế giới bên kia – thế giới của người chết và mối quan hệ giữa người sống và người chết (người chết cũng cần sử dụng công cụ lao động và đồ trang sức giống người sống,…).
Tóm lại, văn hóa Bắc Sơn với những đặc điểm của nó đã cho thấy sự liên hệ nối tiếp và phát triển hơn một bước so với văn hóa Hoà Bình: đều sử dụng những viên cuội để chế tác công cụ lao động, đều có nền nông nghiệp sơ khai,… Nhưng văn hóa Bắc Sơn với công cụ phổ biến là rìu mài lưỡi và đồ gốm đã tạo ra những nét đặc trưng riêng so với văn hoá Hoà Bình, tạo nên một nền văn hóa đá mới có gốm ở vùng núi khá độc đáo.
[1] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr 14.
[2] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr 16.
[3] Phan Lê Huy, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Minh: Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr 33.
Nguồn: http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/3809-508-633649490337968750/Viet-Nam-thoi-nguyen-thuy/Van-hoa-Bac-Son.htm
Về những chiếc “Dấu Bắc Sơn”: Chức năng và niên đại
“Dấu Bắc Sơn” là tên gọi của một loại bàn mài được phát hiện đầu tiên trong các di tích hang động thuộc thời đại đồ đá ở dải núi đá vôi thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi này do hai nhà khảo cổ học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani xác định khi họ nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn – một văn hóa khảo cổ có niên đại cách ngày nay ước chừng 11.000 – 7.000 năm. Tên gọi “Văn hóa Bắc Sơn” và “Dấu Bắc Sơn” là do họ xác lập.
Về niên đại, Văn hóa Bắc Sơn có thời gian cuối của nó ở vào sơ kỳ thời đại đồ đá mới khoảng 7.000 năm với sự xuất hiện của công cụ cuội mài lưỡi là có thể tin được, song với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” cho đến nay vẫn là một tồn nghi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Tuy nhiên, giới khảo cổ học vẫn coi “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào văn hóa Bắc Sơn. Vậy có đích thực là những chiếc “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí xác định những di chỉ khảo cổ chứa đựng chúng thuộc thời đại đồ đá?
Trong cuộc khai quật hang Ngườm Vài (Thông Nông, Cao Bằng), một di chỉ được xếp vào Văn hóa Bắc Sơn, cũng tìm thấy loại di vật này tuy số lượng so với tổng số di vật đá không nhiều (53/2.040). Cùng với “Dấu Bắc Sơn”, tại đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm vỡ thuộc thời kim khí, mảnh vỡ của công cụ đá mài, chì lưới đánh cá (chế tạo bằng cách khoan – mài), đá có vết và nhiều viên cuội nhỏ có vết mài.
Quan sát “Dấu Bắc Sơn”, ta sẽ thấy chúng là một loại bàn mài dùng vào việc chế tác hay làm sắc rìa lưỡi của một loại công cụ khác có độ cứng cao hơn chúng. Về chất liệu, các “Dấu Bắc Sơn” thường là những viên cuội mỏng dẹt, dài chủ yếu là cuội sét kết hay cát kết mịn có độ cứng không cao lắm, tuy nhiên cũng có những chiếc làm bằng cuội silic hoặc bán quartz có độ cứng cao. Vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” có hình cong khum, một số ít có hình chữ V ngược. Điều đó cho biết loại công cụ được mài có rìa lưỡi vũm với kích thước nhỏ bởi các vết mài chỉ rộng từ 0,5cm đến xấp xỉ 1,0cm, thông thường chỉ trong khoảng 0,5 – 0,7cm. Vết mài trên di vật này thẳng, nhẵn bóng, rìa cạnh của vết mài (kể cả ở hai đầu) sắc gọn. Chất liệu và dấu vết kỹ thuật trên di vật cho hay chúng là những chiếc bàn mài đánh bóng hay “lấy lưỡi” của vật được mài, tức là chúng chỉ dùng vào việc làm tăng độ sắc bén của rìa lưỡi công cụ mà thôi và loại công cụ được mài có độ cứng cao hơn những chiếc “Dấu Bắc Sơn” rất nhiều.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có loại di vật nào tìm thấy trong các hang động thuộc Văn hóa Bắc Sơn có rìa lưỡi vũm tương đương với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” đã được phát hiện. Một số người cho những chiếc bàn mài này dùng để mài công cụ xương bởi chỉ có công cụ làm bằng xương mới có hình cong khum mà thôi. Song loại xương có thể sử dụng làm công cụ lại thường là xương ống của động vật lớn như trâu, bò hay hươu, nai nên vết mài vũm nếu có cũng lớn hơn vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” nhiều lần (chỉ có xương ống chân chim hoặc gà mới có kích thước gần tương đương với vết mài của “Dấu Bắc Sơn”). Nên, theo chúng tôi, ý kiến trên khó mà đứng vững được.
Từ dấu vết kỹ thuật còn lưu lại trên các “Dấu Bắc Sơn”, chúng tôi cho rằng chúng được dùng để mài công cụ kim loại. Bởi chỉ có kim loại mới có thể để lại vết mài sắc gọn, nhẵn bóng trên loại di vật này được mà thôi. Và, những chiếc “Dấu Bắc Sơn” ở Ngườm Vài cũng như trong các di chỉ chứa chúng khác không phải là loại công cụ gia công của thời đại đồ đá mà là sản phẩm của thời kim khí. Do vậy, “Dấu Bắc Sơn”, cuội nhỏ có vết mài là những tiêu chí có thể sử dụng để xếp những di tích khảo cổ chứa chúng vào thời kim khí.
(Tác giả: Đào Quý Cảnh)
Nguồn: http://khaocohoc.gov.vn/ve-nhung-chiec-dau-bac-son-chuc-nang-va-nien-dai
Văn hóa Bắc Sơn
Văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đá mới của người nguyên thủy nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình.
Văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đá mới của người nguyên thủy nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình. Các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện trong các núi đá vôi Bắc Sơn (thuộc tỉnh Lạng Sơn) và tỉnh Bắc Cạn. Các di tích này cũng tìm thấy trong vùng phân bố của văn hóa Hòa Bình như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,…
Cư dân Bắc Sơn mặc dù đã biết đến nông nghiệp nhưng nguồn sống chính vẫn là nhờ săn bắt và hái lượm. Một thành tựu kỹ thuật mới của cư dân Bắc Sơn là đã biết chế tác đồ gốm. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy tròn. Độ nung của gốm chưa cao. Mặc dù văn hóa Bắc Sơn đã đạt đến trình độ cao hơn văn hóa Hòa Bình, đã là một văn hóa mới có gốm sơ kỳ, nhưng cấu trúc xã hội của cư dân Bắc Sơn vẫn nằm trong khuôn khổ công xã thị tộc mẫu hệ.
Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&Itemid=33&id=594
Hòa Bình – nền văn hóa tiêu biểu thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới
Mái đá làng Vành xã Yên Phú (Lạc Sơn), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thuộc nền Văn hóa Hòa Bình
Nền “Văn hóa Hòa Bình” là tên gọi nền văn hóa thời kỳ tiền sử – nền văn hóa đặc trưng cho các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc, trong đó, tỉnh Hòa Bình là địa điểm đầu tiên được phát hiện. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani đã đề xuất khái niệm “Văn hóa Hòa Bình”.
Năm 1932, Hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã thừa nhận thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình” là thuật ngữ để chỉ một nền văn hóa cổ đại đã xuất hiện và tồn tại trên địa phận nước Việt tiền sử, cách đây vài ba vạn năm; khẳng định Hòa Bình là một trong những trung tâm của người nguyên thủy ở Việt Nam.
“Văn hóa Hòa Bình” có phạm vi phân bố rất rộng trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh; từ Nam Trung Quốc đến Đông Sumatra (In-đô-nê-xi-a) và hầu khắp các nước Đông Nam Á lục địa. Ở Việt Nam “Văn hóa Hòa Bình” tập trung đậm đặc nhất ở tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa.
Do độ đậm đặc các di chỉ của tầng văn hóa này ở tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của tỉnh đặt cho nền văn hóa ấy. Niên đại của “Văn hóa Hòa Bình” khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 12.000 – 11.000 năm.
Theo M.Colani, cư dân Văn hóa Hòa Bình sống thành từng bầy đàn trong hang động. Họ săn bắn, hái lượm để kiếm sống là chủ yếu. Con người thời đó đã biết sử dụng công cụ cuội với kỹ thuật chế tác ghè, đẽo tạo ra các loại công cụ có hình hạnh nhân, hình đĩa và sau là công cụ hình rìu ngắn.
Theo các nhà khảo cổ, cho đến nay, chúng ta đã phát hiện 72 di tích thuộc văn hóa Hòa Bình, chủ yếu nằm trong các hang động và mái đá. Tiêu biểu như các di tích: động Can, hang xóm Trại, mái đá làng Vành, mái đá Tôm, mái đá Chiềng Khến, hang làng Đồi, hang Muối… Những di vật thường gặp trong văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế tác khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ hạt một số loài thảo mộc còn giữ lại trong tầng văn hóa Hòa Bình. Cho đến nay, chúng ta đã tìm được trên 130 địa điểm Văn hóa Hòa Bình và thu thập một khối lượng lớn di vật, xương động vật và di cốt người. Trong 30.120 di vật thống kê ở 65 địa điểm văn hóa Hòa Bình đã khai quật thì đồ đá chiếm gần 28.000 tiêu bản, đồ xương, sừng, nhuyễn thể có 250 tiêu bản,… Có thể thấy đồ đá chiếm ưu thế nổi bật trong Văn hóa Hòa Bình. Kỹ thuật chế tác đá trong văn hóa Hòa Bình còn được các nhà nghiên cứu Hòa Bình gọi là “kỹ thuật Hòa Bình”.
Công cụ đá của cư dân văn hóa Hòa Bình
Sự hiện diện của nền văn hóa Hòa Bình không chỉ là một minh chứng khẳng định Việt Nam là một địa điểm nằm trong khu vực được xác định là chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học,… trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, phương thức kiếm sống và canh tác, về tổ chức xã hội. Với những di vật hiện có được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trong thời gian qua, chúng ta đã phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của sự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy: Văn hóa Hòa Bình. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên đất Hòa Bình phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử Hòa Bình:
Con người Hòa Bình trong thời kỳ đá mới cư trú chủ yếu trong các hang động, ở các thung lũng nhỏ, gần như khép kín. Lịch sử lâu đời của Hòa Bình còn để lại dấu ấn trong dãy núi đá vôi trùng điệp chạy dài từ Tây Bắc qua các huyện trong tỉnh đến các huyện ven đồng bằng. Bề dày lịch sử của Hòa Bình nằm trong các hang động đá vôi và mái đá có di tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy như các hang: Muối (Tân Lạc), Sào Đông (Kim Bôi), Tằm (Lương Sơn), mái đá làng Vành (Lạc Sơn), Đồng Nội, Hào (Lạc Thủy),… ốc núi, ốc suối, trai, trùng trục… là các loại thức ăn tự nhiên, thường xuyên của cư dân Hòa Bình thời đó. Loại thức ăn này được khai thác từ các con suối và dãy núi đá vôi là chủ yếu. Cư dân thời đó còn săn bắt thú rừng. Nhiều di cốt động vật hóa thạch đã được tìm thấy ở hang xóm Trại, động Can, mái đá Đa Phúc,… là minh chứng khoa học. Về cách thức săn bắt thú rừng, cư dân nơi đây đã biết sử dụng các dụng cụ chủ yếu làm bằng tre, gỗ, xương. Trong môi trường sống đa dạng và phức tạp ấy, cư dân còn biết khai thác thức ăn từ nguồn thực vật. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa thuộc các hang động cho thấy có tới 22 loài bào tử và trên 40 loài phấn hoa.
Hệ thống hang động phong phú ở Hòa Bình từng là nơi sinh sống của người Hòa Bình thời tiền sử.
Ảnh: Một góc hang núi Đầu Rồng (Cao Phong).
Cư dân cổ ở Hòa Bình đã có hiểu biết về môi trường tự nhiên và lựa chọn được nơi cư trú thích hợp, đồng thời có thể triển khai hiệu quả hoạt động săn bắn, hái lượm. Trong 72 di chỉ hang động, có tới 60% di chỉ nằm ở độ cao từ 10 đến 20m so với mặt bằng thung lũng, gần sông suối. Nơi sinh hoạt là phần thoáng đãng nhất gần cửa hang. Các hang này phân bố thành từng cụm từ 3, 4 đến 10 hang vây quanh một thung lũng, có sông, suối uốn lượn qua lòng thung lũng. Như cụm 5 di tích hang làng Gạo, hang Đồng Giẽ, mái đá Đồng Giẽ, làng Vôi, làng Đồi. Về hướng hang, phần lớn có cửa hướng Đông Nam hoặc Tây Bắc: không những tránh được gió mùa Đông Bắc về mùa lạnh mà còn nhận được tới mức tối đa nhiệt và ánh sáng từ các mùa trong năm,… Chỉ có một số nhỏ cư dân sinh sống ở ngoài trời, bên các thềm sông. Ở mỗi cụm này, các di tích Hòa Bình khá đồng nhất về văn hóa, ổn định về kỹ thuật chế tác công cụ và tương đồng về phong tục mai táng.
Trong sinh hoạt kinh tế của cư dân Hòa Bình, tuy săn bắn, hái lượm không giữ vị trí độc tôn, song vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và trồng trọt mới nảy sinh. Trong mức độ nào đó, kinh tế sản xuất của cư dân thời tiền sử vẫn ở dạng sơ khai, nguyên thủy nhất. Ở một số di tích như hang xóm Trại đã phát hiện được dấu vết những hạt thóc, vỏ trấu, hạt gạo cháy. Điều đó cho thấy rằng: cách ngày nay khoảng trên 1 vạn năm, cư dân Hòa Bình là một trong những cư dân đầu tiên phát minh ra nông nghiệp và Việt Nam – Hòa Bình là một trong những trung tâm phát minh nông nghiệp sớm nhất thế giới. Về công cụ sản xuất, người cổ Hòa Bình đã biết sử dụng nguyên liệu tại chỗ là các cuội sông, suối để chế tác công cụ. Kỹ thuật phổ biến là bổ cuội, ghè đẽo và đập bẻ – chặt ngang, ngoài ra còn có kỹ thuật mài. Cư dân Hòa Bình cổ đã biết tạo ra một chuỗi công cụ (công cụ đá, xương, đồ dùng bằng tre, gỗ),…
Về tổ chức xã hội, người Hòa Bình thời tiền sử đã tiến từ giai đoạn bầy người đến bộ lạc. Mỗi hang động là một đơn vị cư trú. Mỗi đơn vị cư trú có một số gia đình. Trong hang có di tích bếp lửa hoặc vài đống tro phân bố ở trung tâm hoặc chếch về phía cửa hang. Khuynh hướng phát triển của các bếp lửa nhỏ dần về kích thước và tăng thêm về số lượng. Nếu coi những bếp lửa lớn chiếm gần hết diện tích hang ở tầng văn hóa Sơn Vi là một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ thì những bếp nhỏ trong các di chỉ của Hòa Bình là dấu hiệu của gia đình nhỏ.
Đặc điểm phân bố theo từng nhóm di tích và mỗi nhóm chiếm cứ một vài ba thung lũng là một kiểu tập hợp cư dân dựa trên quan hệ huyết tộc và quan hệ địa vực, một thứ “làng xã” cổ xưa nhất được biết đến hiện nay trong thời tiền sử Việt Nam, nó hoàn toàn phù hợp với trình độ cư dân vốn khai thác hệ sinh thái phổ tạp.
Qua các di cốt tìm thấy trong các di chỉ mộ táng, theo các nhà khảo cổ học, có thể hình dung con người Hòa Bình thời tiền sử có đặc điểm như sau: tầm vóc to, khỏe mạnh; sọ thuộc loại dài và cao; mặt thuộc loại rộng, hốc mắt trung bình, hốc mũi rộng; độ mòn răng thấp; có người thọ tới 70 tuổi. Cư dân Hòa Bình có các hình thức mai táng với nhiều tập tục khác nhau. Đối với người Hòa Bình cổ, người chết không có nghĩa là hết tất cả mà đó chỉ là chuyển từ thế giới này sang thế giới khác. Vì thế, trong mộ táng, chúng ta gặp những đồ tùy táng như công cụ đá, đồ trang sức bằng vỏ trai, vỏ ốc hoặc xương răng thú.
Người Hòa Bình tiền sử chưa có chữ viết nhưng họ có một loạt ký hiệu và hình vẽ trên đá để ghi lại những ký ức, miêu tả hiện thực, thế giới xung quanh,… Người Hòa Bình thời tiền sử không giam mình trong vùng núi sâu mà đã bắt đầu tiến ra dọc theo những thung lũng sông, suối, hướng tới vùng đồng bằng thấp, những di vật như vỏ ốc biển trong hang, mộ đã phần nào nói lên điều này. Đó là một trong những đặc trưng về loại hình di tích của văn hóa Hòa Bình, đồng thời cũng là sự phát triển của văn hóa Hòa Bình.
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/40/100110/PBai_4_Hoa_Binh_thoi_tien_suP.htm, covatvietnam.info tổng hợp.