Archives

Triều đại nhà Mạc (1527-1677)

Nhà Mạc kéo dài 151 năm (1527-1677), trải qua 10 đời vua, bao gồm: – Mạc Thái Tổ (1527-1529) – Mạc Thái Tông (1530-1540) – Mạc Hiến Tông (1541-1546) – Mạc Tuyên Tông (1546-1561) – Mạc Mậu Hợp (1562-1592) – Mạc Toàn (1592) – Mạc Kính Chỉ (1592-1593) – Mạc Kính Cung (1593-1625) – Mạc Kính Khoan (1623-1638) – Mạc Kính Vũ (1638-1677) 
 ♦ Mạc Thái Tổ (1527-1529):

Niên hiệu: Minh Ðức.
Mạc Ðăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương). Cụ tổ 7 đời là Mạc Ðĩnh Chi, Một người nổi tiếng về văn chương đã thi đậu trạng nguyên dưới thời Trần, làm đến chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư môn hạ tả bộc xạ, ông đã từng đi sang Trung Quốc, đối đáp rất thông minh, nhà Nguyên phải nể phục. Ðĩnh Chi sinh ra Dao, làm quan Tư hình viện đại phu. Sao sinh 4 con trai tên là: Ðịch, Thoan, Thú và Viễn, người nào cũng có tài năng và sức khoẻ.

Cuối đời nhà Hồ vì bất đắc chí họ đem con em đến hàng giặc Minh rồi ra làm quan cho nhà Minh. Ðến các ông Tung, Bình rồi đến Hịch thì không có ai hiển  đạt. Hịch lấy con gái Ðặng Xuân người cùng làng, tên là Ðặng Thị Hiến, sinh được 3 con trai: Mạc Ðăng Dung là trưởng rồi đến Ðốc, và Quyết. Hai em của Ðăng Dung đều làm quan, khi Ðăng Dung lên ngôi vua thì phong cả hai em tước vương.

Ðăng Dung sinh giờ Ngọ ngày Nhâm Tý (23) tháng 11 năm Quý Mão (1483). Thời trẻ Mạc Ðăng Dung có sức khoẻ lại khôi ngô. Từ một thanh niên nghèo, sống bằng nghề đánh cá, Mạc Ðăng Dung đi dự môn thi đấu vật, trúng đô lực sĩ, được sung vào chân túc vệ chuyên cầm dù theo xe vua. Nhưng Ðăng Dung tiến rất nhanh trên đường làm quan.

Năm Tân Mùi (1511) mới 29 tuổi đã được phong tước Vũ Xuyên Bá. Năm Bính Tý (1516), triều đình sai Ðăng Dung làm trấn thủ Sơn Nam, gia phong Phó tướng Tả đô đốc. Trải qua ba đời vua Lê, Ðăng Dung được phong Thái sư Nhân Quốc công rồi đến An Hưng vương. Lợi dụng lúc vua Lê ươn hèn, các quan trong triều tranh giành xâu xé lẫn nhau, Mạc Ðăng Dung âm mưu giành ngôi vua. Tháng 6 năm Ðinh Hợi (1527), Mạc Ðăng Dung từ Cổ Trai lên kinh ép vua Lê nhường ngôi. Lúc này triều Lê đã quá mục nát, mất lòng dân nên số đông hướng về Mạc Ðăng Dung đã ra đón Ðăng Dung về kinh.

Những ngày sau, Ðăng Dung ra ngự ở chính điện, tế trời đất ở đàn Nam Giao, dựng tôn miếu, lấy Hải Dương làm Dương kinh, lập cung điện ở Cổ Trai, truy tôn ông tổ bảy đời. Ông cho lập con trai trưởng là Ðăng Doanh làm Thái tử, phong em trai là Quyết làm Tín vương, truy phong em trai là Ðốc làm Từ vương, cả ba người em gái đều được phong công chúa: em gái lớn tên là Ngọc là Trang Hoa công chúa, thứ đến tên Huệ là Khánh Diệm công chúa và em út Ngọc Di là Tú Hoa công chúa. Cùng với việc phong tước cho con, anh em họ Mạc, vua còn phong tước cho một loạt bầy tôi có công tôn phò.

Về đối ngoại, để tranh thủ nhà Minh, vua Mạc sai sứ mang biểu sang Yên Ninh nói:

Con cháu họ Lê không còn ai thừa tự, cho nên di chúc cho Ðại thần họ Mạc tạm quản việc nước, để yên dân.

Nhà Minh sai người sang dò sét thực hư, Ðăng Dung cùng các bầy tôi khác dùng vàng bạc lo lót những viên tướng biên thuỳ nhà Minh để tranh  thủ sự ủng hộ của họ. Vì thế năm Kỷ Sửu (1529) hai anh em Trịnh Ngung và Trịnh Ngang là cựu thần nhà Lê chạy sang cầu viện nhà Minh song không thành. Hai viên quan đó đều chết già trên đất Trung Hoa.

Ðể hoàn thiện việc thiết lập một triều đại mới, Ðăng Dung không những phải chống chọi với phản ứng của đông đảo các cựu thần nhà Lê mang nặng đầu óc trung quân, mà còn phải chọn những người trẻ tuổi gánh vác việc nước. Vì vậy bắt chước các vua Trần, tháng 12 Kỷ Sửu (1529) Mạc Ðăng Dung nhường ngôi cho con là Ðăng Doanh làm vua được 3 năm, lúc này mới 46 tuổi.

 ♦ Mạc Thái Tông (1530-1540):

Niên hiệu: Ðại Chính.
Ðăng Doanh là con trưởng của Mạc Ðăng Dung. Dưới thời Quang Thiệu nhà Lê, Ðăng Doanh được phong tước Dục Mỹ hầu, giữ điện Kim Quang. Khi Ðăng Dung lên ngôi vua, Ðăng Doanh được phong làm thái tử, ở ngôi Thái tử được 3 năm thì lên ngôi vua. Tháng Giêng năm Canh Dần (1530) Ðăng Doanh làm lễ đăng quang, đổi niên hiệu là Ðại Chính, tôn bà nội là Ðặng Thị làm Thái Hoàng thái hậu, tôn cha là Ðăng Dung làm Thái thượng hoàng. Trước hết Ðăng Doanh dựng một ngôi điện nguy nga ở làng Cổ Trai cho Ðăng Dung ở. Mỗi tháng hai lần vào ngày 8 và 22, Ðăng Doanh dẫn quần thần đến trình yết. Ðăng Dung tuy về sống cảnh điền viên ở Cổ Trai nhưng ngụ ý là trấn giữ một vùng đất quan trọng làm ngoại viên cho Ðăng Doanh và vẫn định đoạt những việc trọng đại của quốc gia. Từ khi Ðăng Doanh lên ngôi vua cũng là lúc ở Thanh Hoá lực lượng trung hưng của nhà Lê do Nguyễn Kim cầm đầu đã nhóm họp và ngày càng lớn mạnh. Ðăng Doanh nhiều lần trực tiếp cầm quân vào đánh, nhưng không thắng nổi. Quân Lê triều do Nguyễn Kim chỉ huy dựa vào rừng núi Thanh Hoá giáp với Lào để cố giữ và nuôi dưỡng lực lượng. Mùa xuân năm Quý Tỵ (1533) các cựu thần  nhà Lê lập Lê Trang Tôn lên ngôi vua tại Lào rồi sai sứ vượt biển sang nhà Minh cầu viện. Nhà Minh đưa quân sang đánh nhà Mạc. Trước tình hình đó Mạc Ðăng Dung liền sai người mang thư đến tỉnh Vân Nam giải thích lý do họ Mạc lên ngôi vua và bảo là Lê Ninh chỉ là con của Nguyễn Kim giả mạo xưng họ Lê mà thôi. Thấy rõ đây là một cơ hội đánh chiếm Ðại Việt. Vua Minh sai tướng Cửu Loan đem một đạo quân lớn áp sát biên giới phía Bắc nước ta. Như vậy, nhà Mạc rơi vào thế bị ép từ hai mặt: Bắc là Minh và Nam là nhà Lê. Tuy nhiên trong 10 năm cầm quyền của Ðăng Doanh, triều Mạc đã làm được khá nhiều việc mà sử nhà Lê sau này cũng phải ghi nhận.

Ðó là việc rất đều đặn cứ 3 năm một lần tổ chức các kỳ thi hội, thi đình để tuyển chọn nhân tài. Dưới triều Mạc nhiều trí thức có danh tiếng đã ra thi đỗ đạt cao như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giác Hải, Nguyễn Thiến… Thời Mạc Ðăng Doanh trị vì 10 năm, đất nước khá bình yên: phía Bắc nhà Minh cũng chỉ có ý đe doạ, phía Nam quân đội trung hưng nhà Lê chưa đủ mạnh để đem quân ra Bắc. Ðể dẹp bọn trộm cướp, Ðăng Doanh đưa ra một kế sách hay, vua ra lệnh cấm dân chúng các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ra ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội.

Ðăng Doanh chỉ làm vua được 10 năm thì mất. Người kế nghiệp Ðăng Doanh là Mạc Phúc Hải. Ðăng Doanh có 7 con trai, ngoài Phúc Hải được nối ngôi còn con thứ hai là Phúc Tư, phong làm Ninh Vương, thứ 3 là Kính Ðiển phong Kiêm Vương, thứ tư là Lý Tường, thứ 5 là Lý Hoà, thứ 6 là Hiệp Cung và thứ bảy là Ðôn Nhượng, phong ứng vương.

Phúc Hải khi lên ngôi đặt tên thuỵ cho cha là Thái Tông khâm triết hoàng đế.

 ♦ Mạc Hiến Tông (1541-1546): 

Niên hiệu: Quảng Hoà.
Cuối đời Mạc Ðăng Doanh, quan hệ với nhà Minh lại trở nên căng thẳng. Tình hình ở phía Nam cũng nguy cấp: quân đội Lê Trung Hưng sau 7 năm chiêu binh luyện mã đủ sức đánh chiếm Nghệ An và hai năm sau năm Quý Mão (1543) đã kiểm soát được cả Tây Ðô (Thanh Hoá). Mạc Ðăng Dung phải trở lại Ðông Kinh đưa cháu nội là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi năm Tân Sửu (1541).

Lúc này, ở Trung Quốc, Minh Thế Tông đem việc Nam chinh ra luận bàn, rất nhiều quan lại nhà Minh dâng sớ con vua nên mềm dẻo mà giải quyết việc biên giới phía Nam, rút bài học thất bại của các đời vua trước. Hộ bộ thị lang Ðường Trụ dâng sớ trình bày 7 điều không nên đánh An Nam, cho rằng các thời vua trước chưa bao giờ thắng lợi ở An Nam kể từ Mã Viện đến Minh Thái Tông… Thị lang Phan Trân lại nói: “Mạc Ðăng Dung cướp ngôi Lê cũng như Lê cướp ngôi Trần vậy; nếu Ðăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì coi như được”.

Rút bài học từ cha con họ Hồ, Mạc Ðăng Dung lúc này tuy đã nhường ngôi cho con tiếp sau là cháu, trở về sống cảnh điền viên ở Cổ Trai, vẫn phải chấp nhận yêu cầu trên: tự trói mình trước phủ quân Minh ở trấn Nam Quan, trả lại bốn động, xin nội phủ… Ông già Mạc Ðăng Dung mặc dù lòng không muốn vẫn phải gắng sức cuối cùng chịu nỗi nhục (khổ nhục kế) để con cháu ông tránh khỏi một cuộc chiến tranh khốc liệt mà chắc chắn là tốn rất nhiều năm xương máu của cả hai bên. Sau sự kiện quá sức đó, trở về Cổ Trai sống những ngày còn lại, chẳng bao lâu thì Mạc Ðăng Dung mất, đó là một ngày thu tháng 8 năm Tân Sửu (1541). Như vậy Mạc Ðăng Dung làm vua 3 năm, làm Thái thượng hoàng 12 năm, thọ 59 tuổi.

Thời Mạc Phúc Hải theo lời bàn của thiếu sư Mạc Ninh Bang, đã tiến hành việc chia cấp lộc điền, đặc biệt ưu tiên binh sĩ-một lực lượng quân sự to lớn được nuôi dưỡng để chống lại Nam Triều.

Trong khi đó, tại Nam Triều, quân binh do Lê Trang Tông tự làm tướng đã kéo ra Yên Mô (Ninh Bình), Thái sư hưng quốc công Nguyễn Kim bị đánh thuốc độc chết đột ngột, quyền hành lọt vào tay con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Lực lượng phía Nam triều ngày càng được củng cố. Mạc Phúc Hải lại thường say mê hát xướng, thích chơi chọi gà, ít quan tâm đến triều chính, mọi mặt giảm sút. Song Phúc Hải làm vua không lâu, ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), Phúc Hải chết ở ngôi 6 năm, về sau truy tôn làm Hiến Tông Hiền hoàng đế.

 ♦ Mạc Tuyên Tông (1546-1561): 

Niên hiệu:
– Vĩnh Ðịnh (1547);
– Cảnh Lịch (1548-1553);
– Quảng Bảo (1554-1561).

Phúc Nguyên là con trưởng của Phúc Hải, nối ngôi vào tháng 5 năm Bình Ngọ (1548). Vì vua mới nối ngôi còn nhỏ tuổi nên mọi công việc triều chính do người chú là Kiêm vương Mạc Kính Ðiển quyết đoán. Nhưng triều Mạc đến đây đã bắt đầu lục đục. Nguyên do khi Phúc Hải mất, tướng nhà Mạc là Phạm Tử Nghi mưu lập Hoàng vương chính Trung (là con thứ của Ðăng Dung) lên làm vua, việc không thành Mạc Phúc Nguyên sai Kính Ðiển và Nguyễn Kính đem quân đi bắt Chính Trung dời về xã Hoa Dương (xã Trác Dương, Hưng Nhân, Thái Bình), nhưng bị Tử Nghi đánh thua. Sau vì thế Tử Nghi đem Chính Trung ra chiếm cứ miền Yên Quảng Ðông, Quảng Tây, người Minh không thể kiềm chế được. Sau họ phải thu xếp cho Chính Trung an cư ở xứ Thanh Viễn, hàng năm cấp phát lương thực.

Vì lục đục nội bộ, Chính Trung ở đất Minh đem việc Nguyễn Kinh chuyên tâu lên Viện đốc phủ nhà Minh. Nhà Minh ngờ Phúc Nguyên không phải là dòng dõi nhà Mạc, đem thư đòi khám xét. Vừa mới dẹp xong dư đảng của Tử Nghi ở Hải Dương, Mạc Kính Ðiển và Lê Bá Ly phải hộ tống Mạc Phúc Nguyên lên cửa Trấn Nam, dùng mọi lời lẽ thuyết phục, được quan chức Lưỡng Quảng bằng lòng phong cho tập tước, đó là năm Kỷ Dậu (1549)…

Sau sự kiện ấy có người dâng sớ khuyên Mạc Phúc Nguyên phải biết tự mình trông coi chính sự vì đã lớn tuổi rồi. Dù vậy, Phúc Nguyên không đủ sức điều hành việc nước, phải nhờ cậy vào Lê Bá Ly. Năm Kỷ Dậu (1549), vua Mạc phong cho Lê Bá Ly làm Thái tể, Phụng quốc công, từ đó Bá Ly trở thành người nắm giữ binh quyền và triều đình, uy thế ngày một lớn, con em trong nhà Bá Ly đều đảm nhận nhiều trọng trách lớn của triều đình. Và mâu thuẫn giữa các quần thần lại nổi lên: Phạm Quỳnh, Phạm Dao, cả hai cha con trước kia là tôi tớ Lê Bá Ly nay có chút vinh hiển lại ghen tức gièm pha. Mạc Phúc Nguyên đã tin theo Phạm Quỳnh, và thế là cha con Lê Bá Ly đem bộ tướng và quân gia hơn 1 vạn 4 nghìn người trốn vào Thanh Hoá xin hàng vua Lê. Từ đó, phần lớn mưu thần mãnh tướng bỏ nhà Mạc chạy theo Lê. Thanh thế quân Trung Hưng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Mạc Phúc Nguyên thấy vậy làm lo, trao hết binh quyền cho chú là Mạc Kính Ðiển, tự mình rút về bảo vệ xứ miền Ðông.

Tháng 7 năm Ðinh Tỵ (1557), Mạc Phúc Nguyên sai Kính Ðiển đem quân vào đánh Thanh Hoá; Phạm Quỳnh, Phạm Dao đánh Nghệ An. Quân Mạc thua to. Mạc Kính Ðiển phải liều nhảy xuống sông, bơi vào ẩn nấp tại hàng núi chịu đói chịu khát suốt 3 ngày, may gặp được một người đánh cá cứu sống. Thừa thắng quân Lê-Trịnh huy động hơn 5 vạn quân thuỷ bộ tổ chức cuộc tấn công ra Sơn Nam, nhưng bị thua, quân Trịnh tan vỡ, bỏ thuyền chạy bộ. Quân Mạc lại sai tướng chẹn lối về, quân Lê-Trịnh chết đến quá nửa, hàng chục viên tướng bị giết, thuyền binh khí giới bỏ lại vô kể.

Ðến năm Kỷ Mùi (1559) quân Lê-Trịnh lại mở cuộc tấn công ra Bắc, đánh phá các tỉnh hậu phương của Mạc như Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Kinh Bắc, Hải Dương… Mạc Phúc Nguyên phải rút vào phòng thủ, bên ngoài thành Thăng Long đóng đồn trại dọc Tây sông Nhị, dinh trại liên tiếp, thuyền bè nối nhau; ngày thì gióng trống báo tin, đêm thì đốt lửa làm hiệu. Bị quân Trịnh đánh trực tiếp vào các huyện Ðông Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, quân Mạc phải ra huyện Thanh Trì.

Tháng 12 năm Tân Dậu (1561), giữa lúc cuộc chiến Trịnh-Mạc đang gay go quyết liệt nhất thì Mạc Phúc Nguyên chết vì bệnh đậu mùa. Ông vua Mạc trẻ này ở ngôi được 18 năm. Ðặt niên hiệu 3 lần.

♦ Mạc Mậu Hợp (1562-1592):

Niên hiệu:

– Thuần Phúc (1562-1565);
– Sùng Khang (1566-1577);
– Diên Thành (1578-1585);
– Ðoan Thái (1586-1587);
– Hưng Trị (1590);
– Hồng Ninh (1591-1592).

Mạc Mậu Hợp là con cả của Phúc Nguyên, sinh năm Nhâm Tuất (1562). Khi lên ngôi mới 2 tuổi phải lấy Ứng vương Mạc Ðôn Nhượng (con trai Mạc Ðăng Doanh) làm phụ chính. Năm ấy (1562), họ Mạc ngờ Thái bảo Văn Quốc công Phạm Dao có lòng khác bèn giết đi.

Năm Bính Dần (1566) Mạc Mậu Hợp dời về ở quán Bồ Ðề, sai Lại bộ thượng thư kiêm Ðông các đại học sĩ Giáp Hải và Ðông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên địa đầu Lạng Sơn đón sứ thần Lê Quang Bí về nước. Nguyên là vào năm Mậu Thân (1548) Quang Bí được cử đi sứ lo việc cống tiến hàng năm. Ông đến Nam Minh, bị người nhà Minh ngờ là quan giả mạo, phải bắt chờ để tra xét thực hư. Nhưng rồi Quang Bí cứ phải lưu lại sứ quán chờ minh xét. Bấy giờ Phúc Nguyên mấy năm liền bỏ việc cống nên không dám tâu xin. Ðến Năm Quý Hợi (1563) viên quan ở Lưỡng Quảng mới sai người đưa Quang Bí 25 lạng bạc để thưởng công lao và tiếp tục cuộc hành trình của sứ bộ. Khi Quang Bí tới Bắc Kinh lại bị lưu giữ chờ đợi ở sứ quán. Mặc dù chờ đợi rất lâu nhưng Quang Bí vẫn kính cẩn giữ mệnh chúa, không tỏ ra bực tức. Thấy vậy viên Ðại học sĩ nhà Minh là Lý Xuân Phương vừa nể phục vừa thương tình mới tâu vua Minh cho dâng nộp lễ phẩm và cho Quang Bí chiếm kỷ lục về thời gian đi sứ trong lịch sử ngoại giao nước Nam, cả đi về và chờ đợi hết 18 năm. Lúc ra đi tóc xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ! Người nhà Minh ví ông như Tô Vũ xưa đi sứ sang Hung nô!

Khi về đến Ðông Kinh, Bí được phong Tô Quận công.

Tháng 10 năm Quý Dậu (1573), Mạc Hậu Hợp mới 12 tuổi, từ bến Bồ Ðề qua sông vào Ðông Kinh, đắp thành ở bên ngoài cửa Nam, dựng một ngôi điện bằng tranh tre để ở. Thế rồi năm Ðinh Sửu (1577), Mạc Mậu Hợp 16 tuổi, lấy con gái của Cẩm y thư vệ sự Phú Sơn hầu Vũ Văn Khuê là nàng Vũ Thị Hoành làm vợ, lập làm Chính phi.

Vào thời điểm này, ở phía Nam triều, Trịnh Kiểm đã chết, binh quyền vào tay Trịnh Tùng. Vua Lê và Trịnh Tùng sống với nhau khá hoà thuận, chính sự được chỉnh đốn, quân sĩ tinh tráng khoẻ mạnh, khí thế đang lên. Còn phía Bắc triều, sau khi vào Ðông Kinh, Mạc Mậu Hợp ham chơi bời, say đắm tửu sắc, không để ý gì đến việc nước. Rất nhiều sớ của các quan khuyên răn Mạc Mậu Hợp nhưng vô hiệu.

Ngày 21 tháng 2 năm Mậu Dần (1578), Mạc Mậu Hợp bị sét đánh vào cung, liệt nửa người, chữa mãi mới khỏi. Lúc này rất nhiều người trước kia hi vọng những gì tốt đẹp ở vương triều mới, đã ra thi thố tài năng giúp việc, đều chán nản, muốn rút về ẩn.

Thấy Giáp Trừng là người hết lòng, Mạc Mậu Hợp phong chức Thượng thư Lại bộ Luận Quận công. Ông kiên quyết từ chối… nhưng Mạc Mậu Hợp không chấp nhận.

Tháng 10 năm Canh Thìn (1580), Mạc Kính Ðiển, người có uy quyền danh vọng và là trụ cột của triều đình nhà Mạc qua đời, lòng người hoang mang. Chính quyền của Mạc Mậu Hợp bắt đầu tránh khỏi bại vong: quan lại hèn nhát, cơ hội và vô trách nhiệm chỉ ham đục khoét làm giàu. Triều thần thì không hiến được kế sách gì để chống lại địch. Ứng vương Mạc Ðôn Nhượng giữ quyền phụ chính quyết định mọi việc nhưng lại thường về sống ở Dương kinh, vì thế việc triều bê bối không ai quyết đoán. Các quan có việc đến yết kiến bẩm báo, vua không giải quyết nổi. Còn quan phụ chính thì khó gặp. Từ đó triều thần trễ nải, không tới công đường, tránh né không chịu bàn việc. Hàng đống sớ tâm huyết gửi lên khuyên Mạc Mậu Hợp thay đổi chính sự, song vô hiệu.

Giữa lúc đó quân đội Lê – Trịnh tấn công liên tiếp vào hậu cứ, quân Mạc có lúc đã phải huy động lực lượng chống trả đến 10 vạn quân, nhưng nhà Mạc vẫn thua trận. Mạc Hậu Hợp lại bỏ kinh thành Thăng Long sang bến Bồ Ðề, chia quân giữ phía Bắc sông Cái để tự vệ.

Khốn đốn là vậy mà Mạc Mậu Hợp vẫn lao vào ăn chơi trác táng. Thấy Nguyễn Thị Niên, con gái của Nguyễn Quyện, vợ trấn thủ Nam Ðạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê, em gái hoàng hậu xinh đẹp, Mậu Hợp đem lòng yêu mến, bèn ngấm ngầm tính kế giết Bùi Văn Khuê, một tướng tài thống lĩnh toàn bộ lực lượng thuỷ quân của Mạc để cướp vợ Khuê. Biết âm mưu ấy, vợ Văn Khuê mật báo cho chồng. Văn Khuê đem quân bản bộ về giữ Gia Viễn, chống lại lệnh vua Mạc. Mạc Mậu Hợp mấy lần vời không được phải cho quân tướng đến hỏi tội Văn Khuê. Văn Khuê, một mặt đem quân chống giữ, mặt khác cho con là Bùi Văn Nguyên vào hàng quân Trịnh và xin quân cứu viện. Trịnh Tùng rất mừng, thu nhận ngay và cho quân ra cứu Văn Khuê. Thế là thuỷ quân, chỗ mạnh nhất đã lọt vào tay quân Trịnh. Trịnh Tùng được Văn Khuê giúp nên rõ ràng thế  thắng đã ở trong tay!

Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), thuỷ quân Trịnh gồm 300 chiếc thuyền đánh vào huyện Kim Thành. Mạc Mậu Hợp bỏ chạy, quân Trịnh thu được rất nhiều vàng bạc, của cải, đồ dùng và con gái, bắt Thái hậu nhà Mạc giải về Thăng Long. Tới sông Bồ Ðề, Thái hậu nhà Mạc nhảy xuống sông tự vẫn. Mạc Mậu Hợp sợ đến nỗi phải trao hết quyền bính cho con trai là Toàn lên làm vua còn mình thì chạy trốn.

Mạc Mậu Hợp chạy trốn tại một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhãn (Bắc Ninh). Quân Trịnh sục tới, dân địa phương cho biết Mạc Mậu Hợp đóng giả sư ông, đến ẩn ở chùa Mô Khê đã 11 ngày. Quân Trịnh đến chùa thấy Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp băng, đang tụng kinh.

Quân Trịnh dùng voi chở Mạc Mậu Hợp và hai kỹ nữ, giải về kinh sư. Sau đó, Mậu Hợp phải chịu cho sống ba ngày, xong chém đầu ở bãi cát Bồ Ðề, thủ cấp hiến hoàng đế nhà Lê ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hoá, bị đóng đinh đem bêu ngoài chợ.

Mạc Mậu Hợp lên ngôi lúc 2 tuổi, ở ngôi 29 năm, khi chết 31 tuổi.

♦ Mạc Toàn (1592):

Con trai Mạc Mậu Hợp là Toàn, được Mậu Hợp nhường ngôi, tự xưng là Vũ An, nhưng không được nhân tâm ủng hộ, thế cô, ngầm trốn cũng bị quân Trịnh bắt được đem chém đầu tại bến Thảo Tân.

Như vậy họ Mạc từ Ðăng Dung đến Toàn, truyền ngôi được sáu đời thì mất, tổng cộng được 66 năm.

Sau đó con cháu nhà Mạc rút lên Cao Bằng. Theo sấm trạng Trình, họ Mạc còn kéo dài được đến 85 năm nữa mới bị mất hẳn.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1963

Thời Mạc và Lê Trịnh – thời Lê Trung Hưng (1527-1788)

Góc nhìn họ Trịnh:

Đây là thời kỳ đặc biệt, có lúc có 2 triều đại song song đan xen nhau, cũng là thời kỳ đất nước có nhiều biến động lớn lao, sôi động nhất trong lịch sử nước Đại Việt. Song về thực chất, triều Mạc chỉ là phụ triều, không phải là triều đại chính thống (chính sử đã khẳng định).

Trong khoảng thời gian gần 400 năm, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, là thời kỳ phát triển đỉnh cao của họ Trịnh trong điều kiện hoàn cảnh chính trị xã hội đất nước có nhiều khó khăn, luôn biến động. Cũng là thời kỳ rất đặc trưng về hình thái chính trị xã hội mà sự nghiệp của họ Trịnh đã gắn liền với lịch sử của dân tộc. ở đây chỉ xin nêu những sự việc có liên quan đến nguồn gốc của họ Trịnh để minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của dòng họ.

Trước khi xuất hiện chúa Trịnh, xã hội Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng do giai cấp thống trị đã suy đồi, ăn chơi trụy lạc, đời sống nhân dân bị bần cùng. Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và nông dân ngày càng gay gắt, dẫn đến việc đi ngược lại quyền lợi dân tộc, có nguy cơ mất nước.
Triều Lê sơ, sau một thời kỳ thịnh trị, thái bình, đất nước phát triển, đã đi vào con đường bế tắc, vua quan tranh giành quyền lợi, sống sa đọa, trong khi đời sống người dân ngày càng khó khăn, phải xiêu tán khắp nơi, sản xuất đình trệ mà không có người lo toan. Nhà Mục thay thế nhà Lê sau khi cướp được ngôi vua với chiếu nhường ngôi của Cung Hoàng Xuân, những mong chấn chỉnh lại được tình hình đất nước. Nhưng rồi cũng bất lực trước tình cảnh xã hội đã suy thoái đến cực điểm. Vì bản thân nhà Mạc cũng lại đi vào con đường hưởng thụ, tranh chấp quyền lực, nên không thể giải quyết được mâu thuẫn cơ bản trong xã hội. Lúc này có một số danh nhân người họ Trịnh xuất hiện như võ tướng phù Lê đánh Mạc Trịnh Phúc Hải ở Thủy Chú – Vân Đô – Thanh Hóa; các Tiến sỹ Trịnh Tự Dĩnh, Trịnh Tự Thuân, Trịnh Tự Thức ở Bắc Ninh; Trịnh Châu Trí ở Thụy Nguyên – Thanh Hóa.

Chúa Trịnh xuất hiện trên vũ đài chính trị nước Đại Việt là tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên vốn có truyền thống giúp nước, nhưng trong hoàn cảnh điều kiện hết sức khó khăn; xã hội đang trong cơn biến loạn, điên đảo; Triều đình (kể cả nhà hậu Lê và nhà Mạc) đều bất lực: Quan lại nhiễu nhương, dân cực khổ oán trách, nhưng vẫn hướng về nhà Lê tuy đã suy đồi vì mong muốn có cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp như đã từng có ở thời đầu triều Lê sơ đem lại. Trong nước thì như vậy, bên ngoài các nước láng giềng lợi dụng tình hình rối ren nội bộ thừa cơ quấy rối xâm lấn.

Đặc biệt là sự thỏa hiệp của nhà Mạc với phong kiến phương Bắc dẫn đến việc cắt đất vùng biên giới cho Trung Quốc và lâm vào nguy cơ mất nước. Vì vậy, mục tiêu của người họ Trịnh là ổn định tình hình xã hội để giữ vững nền độc lập dân tộc.

Người họ Trịnh đứng ra gánh vác việc nước ngày càng nhiều như: Trịnh Duy Liên, Trịnh Ngung, Trịnh Ngang, Trịnh Viên đã từng đấu tranh trực diện vạch tội nhà Mạc để bảo vệ nhà Lê, tuyên quận công Trịnh Công Năng, Quận công Trịnh Quang, Văn phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ dương hầu Trịnh Bách, Trấn quận công Trịnh Mô, Thái phó Trịnh Đỗ, Thái bảo Vĩnh Thọ hầu Trịnh Đồng, Thái bảo Trịnh Ninh (thuộc thời An Tôn Tuấn hoàng đế). Thiếu Bảo diễn quận công Trịnh Văn Hải, Tổng binh Thái Nguyên Trịnh Duy Tinh, Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc, Chưởng cẩm y vệ Trịnh Đào, Phụng quận công Trịnh Hữu dụng (thuộc đời Thế Tôn Nghị hoàng đế).

Trấn quận công Trịnh Lâm, Liên quận công Trịnh Vượng, Vinh quận công Trịnh Tục, Hưng quận công Trịnh Đế, Huệ quận công Trịnh Bảng, Phổ quận công Trịnh Trăn, Lãng quận công Trịnh Liêu, Luân quận công Trịnh Thức, Thái bảo Trịnh Xuân Đốc (thuộc đời Kính Tôn Huệ hoàng đế). Dũng quận công Trịnh Khải, Sùng quận công Trịnh Kiều, Thái úy trang quận công Trịnh Vân, Viết quận công Trịnh Trình, Cuôn quận công Trịnh Thức, Đức quận công Trịnh Hàng, Thái bảo Trịnh Nha, Thái bảo Trịnh Lựu, Phù quận công Trịnh Lịch, Thái Bảo quảng quận công Trịnh Hàng (thuộc đời Thần Tôn Uyên hoàng đế).

Thái bảo khê quận công Trịnh Tượng, Ninh quận công Trịnh Toàn, Đề đốc Trịnh Bàn, Thiếu phó vũ quận công Trịnh Đống, Phó tướng thiếu úy tấn quận công Trịnh Tu, Phó tham thự Trịnh Đăng Đệ, Trịnh Lương, Trịnh Đăng, Trịnh Liễu, Trịnh Thế Khang, Trịnh Kiều, Trịnh Phú, Trịnh uy, Trịnh Viện (thuộc đời Chân Tôn Thuận hoàng đế). Tả đô dốc trạc quận công Trịnh Kiêm, Đô đốc thiêm sự giao quận công Trịnh Doanh, Đô đốc đồng tri quận công Trịnh Bệ, Phó tướng thiếu phó tây quận công Trịnh Hoành, Đô đốc thiêm sự Trịnh Sâm, Hữu đô đốc toàn quận công Trịnh Độ, Thái phó khê quận công trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Trịnh Trượng, Thái phó Lý quốc công đông quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Trịnh Đống, Thiếu úy vân quận công Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc thự phủ sự Trịnh Kiền, Thiếu phó điện quận công bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc thự phủ sự Trịnh Đá, Vĩnh lương hầu phó tướng đô đốc đồng tri lương quận công Trịnh Vinh, Thiếu úy vân quốc công Trịnh Kiều, Thiếu phó điện quận công Trịnh ốc, Tả đô đốc thiêm sự Thinh quận công Trịnh Lương, Đô đốc thiêm sự tuân quận công Trịnh Sâm, Đô đốc quận công Trịnh Điềm, Phó tướng khiêm quận công Trịnh Duyên, Đô đốc tấn quận công Trịnh Kỳ (thuộc đời Huyền Tôn Mục hoàng đế). Phó tướng thiếu úy dũng quận công Trịnh Hàm, Bỉnh quận công Trịnh Khuê, An quận công Trịnh Thiện, Kiên quốc công Trịnh Thụ, Thiếu phó điện quận công Trịnh ác, Quận công Trịnh Miên, Tả đô đốc phó tướng cẩm quận công Trịnh Cảnh, Quận công Trịnh Sản, Yên quận công Trịnh Điềm, Phó tướng phái trạch hầu Trịnh Du (thuộc đời Gia Tôn Mỹ hoàng đế)…

Trong số những người đảm nhiệm việc nước, có nhiều người qua thi cử đỗ đạt cao như:

-Trịnh Đỗ, quê xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, 37 tuổi đỗ Đệ Tam giáp Tiến sỹ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định (1547) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến chức Hiến sát sứ.

-Trịnh Duy Thông, quê xã Giang Sơn, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, 48 tuổi đỗ Đệ Tam giáp Tiến sỹ khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo 5 (1559), đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến chức Tả thị lang, tước Vạn tư bá.

-Trịnh Quang Tán, quê Kim Lan (Kim Quan) Kim Giang, Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Sùng Khang 3 (1568) đời Mạc Mậu Hợp, sau theo về nhà lê, làm quan đến chức Thượng thư, tước Vạn phúc hầu.

-Trịnh Cảnh Thụy, quê Châu Bái, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng 15 (1592) đời Lê Thế Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ, tước Nam.
-Trịnh Lương Bật, quê Lỗ Xá, Nhân Hòa, Mỹ Văn, Hưng Yên, 62 tuổi đỗ Tam giáp Tiến sỹ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa 6 (1640) đời lê Thần Tông, làm quan chức Hình bộ Tả thị lang, tước Hầu.

-Trịnh Văn Tuấn, quê Tuấn Kiệt, Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 56 tuổi đỗ Tam giáp Tiến sỹ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa 6 (1640), đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Hàn lâm hiệu khảo.

-Trịnh Cao Đệ, người Vạn Hà, Thụy Nguyên, nay là Thiệu Hưng, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 21 tuổi đỗ Hội nguyên đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Canh Dần, niên hiệu Khánh Đức 2 (1650), đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Tự Khanh, tước Từ Lễ thái hầu, sau khi mất được tăng Tả thị lang.

-Trịnh Thì Tế, người xã Nhật Cảo, Lôi Dương, nay là thôn Nhật Quả, xã Thọ Dân, Thọ Xuân, Thanh Hóa, 30 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Canh Dần, hiệu Khánh Đức 2 (1650) làm quan đến chức Tự Khanh, Tước nam, được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, mất trên đường đi, được tặng công Bộ tả thị lang, tước Từ.

-Trịnh Đức Nhuận, người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội (là cha đẻ Trịnh Xuân Thụ). Trước đỗ khoa Sỹ Vọng, 24 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676) đời Lê Hy Tông, làm quan chức Lễ bộ hữu thị lang, tước Thư lâm nam, khi mất được tặng Hộ bộ Tả thị lang, tước Từ.

-Trịnh Minh Lương, người xã Châu Bái, huyện Yên Định, Thanh Hóa, thi hương đỗ giải Nguyên, 37 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ.

-Trịnh Đức Vận (Trịnh Đức Liêm) người xã Đại Mão huyện Siêu Loại, nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. 38 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa (1683) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức giám sát Ngự sử đạo Hải Dương.

-Trịnh Bá Tương, người xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Trú quán xã Đô Lương, huyện Nam Đường, nay là thị trấn Đô Lương, Nghệ An. 31 tuổi đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Hầu. Khi mất được tặng chức Lễ bộ Thượng thư hàm Thiếu Bảo.

-Trịnh Ngô Duy, người xã Vân Tùng, huyện Hiệp Hòa, nay là thôn Vân Xuyên, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Ninh. 38 tuổi đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, hành Tham tụng, tước Lại đình hầu, được cử đi sứ nhà Thanh, mất trên đường đi. Thọ 63 tuổi, khi mất được tăng chức Binh bộ Thượng thư, tước Quận công.

-Trịnh Đồng Giai, người xã Ngọc Hoàng, huyện Yên Định, nay là xã Định Tăng, huyện Yên Định, Thanh Hóa. 25 tuổi đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) đời Lê Dụ Tôn. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Đại chế.

-Trịnh Tuệ, nguyên quán hương Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trú quán xã Bất Quần, nay là thôn Thọ Sơn, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 33 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời Lê ý Tông. Làm quan đến chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình, sau giáng xuống Thừa chỉ, lại thăng chức Tế tửu quốc tử giám. Khi mất được tặng hàm Hữu thị lang.

-Trịnh Xuân Thụ, người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Du Lâm, xã Hoa Lâm, Đông Anh, Hà Nội (con Trịnh Đức Nhuận). 45 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời Lê Hiến Tông. Được cử đi sứ nhà Thanh, làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, tước Bá. Khi mất được tặng Thị tộc, ông có tác phẩm “Sứ hoa học Bộ thi tập”.

Đặc biệt là các chúa Trịnh gồm 12 vị đứng đầu nhà Trịnh đã cùng với vua Lê trực tiếp điều hành quản lý đất nước trong 2,5 thế kỷ, đã đem lại sự ổn định và phát triển cho đất nước. Điều ngạc nhiên là chưa bao giờ họ Trịnh xưng vua, mà chỉ làm nhiệm vụ bề tôi để lo việc nước. Đây là triều đại phong kiến với hình thái chính trị xã hội rất đặc trưng đã được sản sinh ra trong hoàn cảnh và điều kiện thực tế của xã hội Đại Việt lúc bấy giờ; và cũng là triều đại lâu bền, dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đây là thời kỳ lịch sử in đậm dấu tích về nguồn gốc lịch sử của họ Trịnh không thể phai mờ. Cùng với những dấu tích về nguồn gốc lịch sử của họ Trịnh ở những thời kỳ trước đã khẳng định họ Trịnh Việt Nam có chung nguồn gốc, nay đã phát triển thành nhiều chi phái. Cũng không phải chỉ có Chi họ Chúa, mà các Chi họ khác cũng tồn tại và phát triển rất tốt cho đến ngày nay.

Nguồn: http://trinhtoc.com/thoi-mac-va-le-trinh-goi-chung-la-thoi-le-trung-hung-1527-1788.html

Nhà Mạc đắp thêm thành Đại La

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long.

Thành Đại La

Thành Đại La

Về cấu trúc thành lũy, thành Đông Kinh thời Lê sơ, hay Thăng Long thời Mạc vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long – Đông Đô thời Lý, Trần.

Vòng thành ngoài cùng vẫn mang tên thành Đại La. Năm 1477, Lê Thánh Tông cho xây dựng lại vòng thành này trên cơ sở thành cũ.

Vòng thành thứ hai được chính thức gọi là Hoàng thành. Năm 1474 và 1500, nhà Lê cho sửa chữa và xây dựng lại tường thành phía tây và phía đông của Hoàng thành. Năm 1516, Hoàng thành được mở rộng thêm về phía đông “đắp thành to rộng mấy nghìn trượng”.

Vòng thành trong cùng gọi là Cung thành hay Phượng thành. Năm 1490, vòng thành này cũng được mở rộng.

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ – Hà Nội), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa – Hà Nội) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vai trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc phía ngoài thành” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 164).

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo đường phía tây Hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ – La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt, qua Ô Cầu Dền, theo đường Trần Khát Chân, tới Ô Đống Mác, ra tới chân đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu Hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.

Năm 1592, sau khi đánh bại quân Mạc ở Thăng Long, Mạc Mậu Hợp chạy sang bên kia sông Nhị Hà, chiếm cứ một dải sông để tự vệ, Trịnh Tùng toan dẫn quân qua sông tiến đánh. Nhưng bấy giờ Trịnh Tùng trúng kế hoãn binh của hàng tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện: “Lệnh cho các quân san phẳng lũy đất thành Đại La dài đến mấy nghìn trượng, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh, phá hết thành đất bằng, không mấy ngày là xong. Đây là mưu của Nguyễn Quyện để làm kế hoãn binh cho họ Mạc” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 173)… Tuy nhiên, quân Trịnh trong thực tế cũng không san bằng hết được toàn bộ vòng thành Đại La, chúng ta còn thấy nhiều đoạn thành Đại La do nhà Mạc đắp khá rõ, đó là: đoạn đường đất khá cao chạy từ chợ Bưởi cho đến Cầu Giấy, hoặc đoạn đường chạy từ Ô Chợ Dừa cho đến đầu khu tập thể Kim Liên (đầu phố Đào Duy Anh – Hà Nội, ngày nay), hoặc đoạn đường đê chạy từ đầu Ô Cầu Dền (Bạch Mai) đến Ô Đống Mác vừa được san đi để mở đường Trần Khát Chân…

Nguồn: http://homacvietnam.vn/?p=489

Tìm hiểu về gốm minh văn triều Mạc qua sưu tập chân đèn ở BTLSQG

Triều Mạc là một triều đại để lại nhiều dấu ấn về phát triển kinh tế, văn hóa… Sự phát triển này được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là nghề làm gốm với loại hình đồ gốm có minh văn rất độc đáo. Minh văn trên đồ gốm là một nguồn tư liệu quý, cung cấp cho chúng ta thông tin về họ tên, quê quán của người thợ sản xuất; họ tên của những người đã đặt hàng, từ những tầng lớp trên như công chúa, phò mã tới tầng lớp bình dân.

Gốm có minh văn hầu hết là đồ thờ cúng như: chân đèn, lư hương, tượng thờ. Những minh văn trên gốm thờ còn khắc tên các ngôi chùa, quán và đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, lá đề, hoa sen, cánh sen…. Điều này được minh chứng rất rõ qua sưu tập chân đèn gốm có minh văn trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tiếp nối sự phát triển gốm thời kỳ trước đó, đến triều Mạc thì nghệ nhân gốm hội tụ đầy đủ yếu tố cho sự thăng hoa cảm xúc sáng tạo, để làm ra những chân đèn gốm kiểu dáng mới, nghệ thuật và kỹ thuật trang trí theo lối riêng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế với những loại hình mang tính mỹ thuật cao. Đây là loại hình gốm mỹ thuật đặc sắc về tạo hình, để lại nhiều tên tuổi nghệ nhân giỏi như: Đặng Huyền Thông ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); gia đình Đỗ Phủ ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu ở xã Nghĩa Lư, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương …

Chân đèn gốm triều Mạc khá phong phú về kiểu dáng, màu men (chủ yếu gốm hoa lam, lam xám) được nghệ nhân tạo tác với hầu hết các kỹ thuật như chuốt, tạo dáng trên bàn xoay. Sản phẩm được thực hiện trên nhiều công đoạn khác nhau, phức tạp và tỉ mỉ. Các bộ phận của chân đèn được chia thành nhiều phần khác nhau, lắp ghép lại, sau đó được gia công thêm bằng cách nặn, đúc, đắp nổi, vẽ các dạng hoa văn, hình tượng. Và đặc biệt, trên loại sản phẩm gốm này còn được thể hiện rất nhiều minh văn, đem lại cho chúng một giá trị lịch sử cũng như giá trị về phong cách tạo hình một cách chính xác.

Để thể hiện các bài minh trên gốm, các nghệ nhân xưa thường dùng lối khắc chữ, viết bằng men lam dưới men trắng, in đắp nổi chữ hoặc kết hợp giữa các phương pháp này với nhau. Nếu là khắc hoặc đắp nổi thì thường là khắc chữ sau khi đã phủ men, đôi khi cũng có trường hợp khắc chữ dưới men (có nghĩa là chữ được khắc trên xương gốm sau đó phủ men). Kiểu chữ dù viết, khắc hay đắp nổi đều dùng lối chữ chân phương. Đối với chân đèn, minh văn thường được thể hiện trước đầu rồng ở thân trên thuộc phần dưới các chân đèn và kéo dài dọc các cánh sen đứng ở thân dưới. Còn với lư hương, minh văn thường được khắc ở các dải quai, quanh miệng hoặc chân đế, khắc xung quanh cổ hoặc khắc quanh đế.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chân đèn gốm hoa lam, triều Mạc, niên hiệu Diên Thành năm thứ 3 (1580). Chân đèn gồm 2 phần: phần trên 3 đoạn gồm miệng hình trụ và 2 đoạn dưới hình cái loa cách nhau bằng đường gờ nổi để mộc; phần dưới gồm vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Chân đèn trang trí nổi để mộc 2 cặp phượng múa ở phần trên; băng lá đề kép ở vai và hình rồng vờn ngọc ở thân, kết hợp vẽ lam hoa và mây trong băng cánh sen dưới miệng, mây quanh rồng phượng; cánh sen dài trong có dải xoắn ốc, băng hoa cúc dây trên đế. Men phủ màu trắng ngà.

Chân đèn gốm hoa lam, triều Mạc, niên hiệu Diên Thành 3 (1580)

Dọc theo thân đèn có khắc các dòng minh văn chữ Hán có nghĩa: chân đèn được làm vào ngày 24, tháng 6, niên hiệu Diên Thành 3 (1580) và do nghệ nhân Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu, ở xã Nghĩa Lư, huyện Cẩm Giàng chế tạo. Minh văn còn cho biết Đại sĩ Ngạn Quận công Mạc Ngọc Liễn, vợ là trưởng công chúa Phúc Thành cùng với 74 sãi vãi thuộc 2 xã Lưu Xá và Đặng Xá, đặt làm chân đèn đẻ cung tiến vào quán Linh Tiên (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ).

Bên cạnh đó, chân đèn gốm hoa lam, triều Mạc, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) gồm 2 phần: phần trên 3 đoạn gồm miệng hình trụ và đoạn 2 và 3 hình loa, cách nhau bằng đường gờ nổi tô nâu; phần dưới gồm vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Chân đèn trang trí nổi 2 mặt hổ phù ở phần trên; trang trí vẽ lam, xung quanh đoạn miệng chia dọc nhiều dải chữ nhật, vẽ hoa. Đoạn 2 và 3 vẽ 2 cặp phượng múa. Phần dưới, vai vẽ băng lá đề bên trong vẽ nửa bông hoa. Thân trên vẽ rồng mây, thân dưới vẽ cánh sen đứng, trong vẽ các dải xoắn đôi. Chân đế vẽ băng chữ V lồng, lá đề và dây lá hình sin. Men vẽ phủ màu xanh đen, men phủ màu trắng xám.


Chân đèn gốm lam xám, triều Mạc, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588)

Dọc theo thân đèn có khắc các dòng minh văn chữ Hán có nghĩa: chân đèn được làm vào ngày 1 tháng 4, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) và do nghệ nhân Đỗ Xuân Vi ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An chế tạo. Minh văn còn cho biết các sãi vãi ở xã Thanh Lãng, huyện Văn Giang, phủ Thuận An hưng công tạo bình hoa cúng dưỡng chùa Quan Âm (xã Thanh Lãng, huyện Văn Giang, phủ Thuận An hưng) làm vật Tam bảo.

Đặc biệt, chân đèn gốm men lam xám và nâu, thời Mạc, tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588) là hiện vật độc đáo. Chân đèn gồm 2 phần, phần trên tạo dáng một bông hoa sen nở, trang trí rồng đuổi, rồng uốn. Phần dưới có vai và thân phình chạm nổi băng cánh sen bên trong có bông hoa. Thân trên chạm nổi 4 rồng “yên ngựa” trong khung viền hình nhĩ bôi. Thân dưới chạm nổi băng cánh sen đứng bên trong có hình rồng nổi. Chân đế chạm nổi răng cưa, vạch đứng song song, cánh hoa bên trong có bông hoa. Men phủ màu lam xám, tô men nâu trên 2 tai rồng và dải quai.

Minh văn trên chân đèn cho biết niên đại tuyệt đối cũng như họ tên nghệ nhân chế tạo ra nó. Dọc theo thân trên có khắc 2 dòng minh văn chữ Hán có nghĩa: chân đèn được làm vào tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4, đời vua Mạc Mậu Hợp (1588) và do nghệ nhân Đặng Huyền Thông ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) chế tạo.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, trong các loại hình đồ gốm có minh văn ở triều Mạc thì đèn gốm chiếm số lượng nhiều nhất. Những người thợ gốm đua tài bằng cách làm ra nhiều cây đèn chân cao, kích thước lớn, trang trí phức tạp. Nhìn hình dáng bề ngoài thì chân đèn gốm giống như những chiếc bình cắm hoa nhưng thực tế lại dùng để đặt đĩa đèn dầu lạc hay đĩa hoa trên miệng bình phục vụ cho cúng lễ. Chân đèn gốm thời Mạc đẹp hơn các thời khác, nó trở thành thước chuẩn để đánh giá phần nào phong cách của mỹ thuật thời Mạc.

Qua so sánh nhiều tác phẩm đồ gốm, Đặng Huyền Thông được các nhà nghiên cứu đánh giá là nghệ nhân gốm xuất sắc triều Mạc, tiêu biểu cho đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Mạc. Tạo hình tác phẩm của ông mang phong cách rất riêng: trang trí hoa văn trên các tác phẩm gồm nhiều đề tài như hoa sen, hoa cúc, hoa dây, hình rồng, hình học… với rất nhiều bố cục khác nhau. Đề tài tứ linh không được sử dụng trong trang trí mà chỉ có hình rồng, với 15 kiểu rồng nổi khác nhau (rồng nổi kiểu “yên ngựa”, rồng uốn trong cánh sen, rồng uốn trong hình lá đề, rồng uốn trong hình tròn, rồng đuổi…). Các hoa văn hình học như băng răng cưa, vạch thẳng song song… được coi là nối tiếp phong cách truyền thống văn hóa Đông Sơn…

Bên cạnh đó, trên đồ gốm do ông chế tạo, minh văn còn cho biết tên thật của ông là Đặng Mậu Nghiệp tự là Huyền Thông. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông không chỉ thấy trên đồ gốm mà còn trên minh văn bia chùa An Định (Hải Dương) quê hương ông. Nội dung văn bia cho biết: Chùa An Định xưa đã bị mai một. Trong xã có Đặng Mậu Nghiệp tên chữ là Đặng Huyền Thông, cùng vợ là Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh kết hợp với nhiều vương công và đông đảo người hảo tâm trong xã huyện đứng ra hưng công dựng chùa, tạc tượng. Bia lập vào niên hiệu Đoan Thái 3 (1587). Người soạn văn bia này chính là Đặng Huyền Thông.

Như vậy, qua sưu tập gốm minh văn triều Mạc thế kỷ 16 cho thấy dòng gốm mang nét riêng độc đáo góp phần làm phong phú kho tàng gốm cổ Việt Nam. Hơn nữa, các thông tin trên minh văn đồ gốm góp phần minh chứng thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam trong thế kỷ 16.

Nguồn: BTLSQG