Đó là loại gốm được phủ một loại men màu lam đậm ( ngả đen ) mà giới chuyên môn và sưu tầm thường gọi là GỐM LAM XÁM. Loại gốm này đã khá phổ biến từ thế kỷ 15, được sản xuất tại lò Chu Đậu, với những mẫu thức như bình tỳ bà, ấm kendi, ang, đĩa, thủy trì, hộp nhỏ,…trong đó một số có ám họa hoa văn trang trí, hoa, lá…
Archives
Di tích thành nhà Bầu trên đất Tuyên Quang
Thành nhà Bầu vốn có tên là thành Việt Tĩnh (thuộc châu Thu Vật, Tuyên Quang, nay thuộc tỉnh Yên Bái) ở trên núi Bầu, đây là một kiến trúc thành lớn của họ Vũ. Theo một số tài liệu nghiên cứu của các nhà chuyên môn, di tích Thành nhà Bầu ngày nay có chiều dài khoảng 1.385m trải dài trên một vùng rộng lớn suốt từ ngã ba Đoan Hùng ngược lên hết địa phận huyện Lục Yên (Yên Bái) và địa phận xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Thành nhà Bầu ở Tuyên Quang là công trình phòng thủ quân sự do hai anh em họ Vũ là Khánh Bá Hầu Gia Quốc Công Vũ Văn Uyên và An Tây Vương Gia Quốc Công Vũ Văn Mật từng được Vua Lê phong là Tống binh trấn thủ Tuyên Quang tổ chức xây đắp để phù nhà Lê, chống nhà Mạc trong thời kỳ những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI, tại xã Thúc Thủy, huyện Quả Sùng hay Cảo Sùng (nay thuộc xóm Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).
Di tích thành nhà Bầu Continue reading
THÀNH NHÀ MẠC
Thành nhà Mạc nằm trên địa phận tổ 7, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 19).
Cổng thành phía Tây
LAM TUYỀN/TUÝ LAM – TIỀN THÂN GỐM ĐẶNG HUYỀN THÔNG*
Men lam, men chàm, men Hồi đều cùng chỉ loại men có màu xanh cobalt, xuất xứ từ ngàn năm trước ở vùng Lưỡng Hà, quanh vịnh Persic, nơi sản sinh ra những viên gạch men vẽ hoa văn màu lam, dùng trang trí cho những ngôi đền Hồi giáo. Từ TK13 Trung Hoa đã du nhập loại men này để chế tác các loại gốm xanh trắng nổi tiếng thời nhà Nguyên ( Yuan ) và nhà Minh…
THỬ LÝ GIẢI HIỆN TƯỢNG ĐẶNG HUYỀN THÔNG!
Tại làng Hùng Thắng, xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương hiện vẫn còn ngôi đền thờ Đặng Huyền Thông, người được coi là hậu tổ nghề gốm ở Chu Đậu. Ông gốc ở Đào Xá, Ân Thi, Hưng Yên, di cư đến đây vào cuối TK15, đầu TK16. Tại đây ông cùng dòng họ Đặng đã xây lò, nung gốm, biến làng thành 1 điếm sx phụ của trung tâm gốm Chu Đậu. Từng đỗ sinh đồ, ĐHT là người hiểu biết nhiều, một phật tử có bàn tay khéo léo, có nét chữ rất đẹp, giúp ông trở thành một thợ gốm tài ba. Ông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh đã có công đức và quyên góp để XD chùa An Đinh gần nhà, khắc cả văn bia ghi lại chuyện đó…
MỘT TÁC PHẨM GỐM TRUYỀN NHÂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG*!
Đặng Huyền Thông, tức Đặng Mậu Nghiệp, tên chữ là HUYỀN THÔNG, mà sau này mọi người được biết với những tuyệt phẩm gốm nổi tiếng là những tự khí ( đồ thờ tự ) như chân đèn, lư hương…với kích thước lớn, men màu lam đậm, hoa văn cực kỳ tinh xảo và đặc biệt thường có minh văn đi kèm, ghi rõ họ tên, quê quán người chế tác cùng thời điểm chế tác món đồ.
Bộ sưu tập báu vật “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình
Sau hơn 43 năm rong ruổi khắp nơi sưu tầm đồ cổ, hiện ông Đinh Văn Dần,sinh năm 1950, ở phường Bích Đào, (TP Ninh Bình) đang sở hữu hàng nghìn cổ vật quý giá.
Ông Dần, cho biết, trong bộ sưu tập cổ vật của ông có nhiều cổ vật mang tầm bảo vật quốc gia như: Bình, tháp, ấm, bát gốm sứ Lý Hoa nâu(thời nhà Lý); lư hương, ấm gốm thời nhà Mạc; đèn gốm đầu hạc nhà Lý; ấm rượu thời Lý; đèn nhà Trần; ghè thời Minh, đôi nghê thời Lê…
Với ông cổ vật quý không quan trọng được làm bằng chất liệu gì chỉ cần có có giá trị về thời gian, có tính thẩm mỹ cao. Chính vì thế bộ sưu tập cồ vật của ông rất phong phú và đa dạng về chất liệu như: Gốm sứ, đồng, đá, sắt, gỗ, ngọc…
Được biết, ngoài thú sưu tầm cổ vật ông Dần còn nhận sửa chữa, phục chế hoa văn, họa tiết cổ vật để kiếm thêm tiền sưu tầm thêm cổ vật.
Ông Dần chia sẻ: “ Tương lai tôi muốn xây bảo tàng để trưng bày hết những cổ vật mình có và sau này sẽ để lại toàn bộ cho con cháu tôi. Với tôi cổ vật quý là vô giá trị, nó là tinh hoa, là di sản của mỗi thời kỳ đất nước nên tôi muốn sưu tầm, gìn giữ và bảo về cho thế hệ mai sau. Tôi rất mong con cháu tôi sau này sẽ kế thừa thú chơi cổ vật của tôi gìn giữ, phát huy hết giá trị của cổ vật”.
Sau đây mời độc giả cùng chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật “siêu khủng” của ông Dần được phóng viên Báo Dân Sinh ghi lại.
Tốt nghiệp Đại học cơ điện Thái Nguyên loại ưu nhưng ông Dần không theo nghề mà lại say mê chơi, sưu tầm cổ vật.
Một góc trưng bày cổ vật quý của ông Dần.
“Lọ Mai Bình (Tuyên Đức niên chế) cao 45cm thuộc loại gốm Việt cao cấp thời nhà Minh, được sản xuất, chế tác năm vua Tuyên Đức, đến giờ vẫn lành nguyên vẹn, đầy đủ hoa văn, chữ nghĩa. Ông Dần cho biết đây là món đồ đầu tiên ông mua và hiện tại giá trị quốc tế của nó là khoảng 15 triệu đôla. Hiện tại ông có 3 chiếc bình này.
Cận cảnh hoa văn tinh tế của một chiếc lọ Mai Bình.
Chiếc bình Lý Hoa nâu là một trong 4 cổ vật quý thuộc dòng gốm sứ thời nhà Lý. Nhiều người trả tiền tỷ nhưng ông không bán. Bình còn nguyên vẹn, họa văn, họa tiết từ 5- 7 tầng rõ nét như: Hoa sen quấn, hoa cúc, hoa thị, người, phật, quỷ đội cánh sen. Theo lời ông cổ vật thời Lý mang đậm dấu ấn phật giáo vì thời đó đạo phật được tôn xùng và con là quốc giáo.
Trong bộ sưu tầm của ông có nhiều cổ vật tầm cổ vật quốc gia như lư hương men ngọc lam sám thời nhà Mạc, cao khoảng 30 cm, lành tuyệt đối cao. Hoa văn trên lư hương gồm rồng, phương, chim, cánh sen và minh văn, thái cực nó mang ý nghĩa thể hiện sự tâm linh cao quý.
Đèn dầu gốm đầu hạc thời nhà Lý là cổ vật ông rất quý và tự hào vì cả nước có vài cái và trên bảo tàng Quốc Tế có một cái nhưng đêu bị sứt, mẻ, hỏng men và xấu không được đẹp bằng của ông.
Chiếc mặt nạ Mo Mường của ông Dần được Unesco dán tem công nhận là di sản văn hóa.
Đôi nghê thời Lê, cao 30cm, thân vảy rồng, mặt sư tử.
Một chiếc bình rượu gốm sứ thời nhà Mạc, men lam, hình cá đâu chim, cao 20cm, rộng khoảng 7cm, trên thân ấm có hoa văn như dải lụa, ngư tảo.
Rìu đá cổ.
Ông Dần, sở hữu rất nhiều bình vôi thời Lý.
Ông Dần tận dụng chiếc phản để bày những cổ vật quý như: Rìu đá, rìu ngọc, dao ngọc, ngọc bội, bát…
Những miếng ngọc bội quý có niên đại hàng nghìn năm từ các thời đại triều đình khác nhau.
Sinh ra ở vùng đất có nghề truyền thống chụp ảnh, và từng hành nghề chụp ảnh kiếm sống, ông Dần tự làm cho mình một bức ảnh với tên gọi “Người sưu tầm báu vật”.
Đỗ Đức
Nguồn: http://baodansinh.vn/bo-suu-tap-bau-vat–sieu-khung-cua-dai-gia-ninh-binh-d2088.html
VỀ MỘT QUẢ ẤN CÓ NIÊN ĐẠI THỜI MẠC
NGUYỄN CÔNG VIỆT
TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong cuốn Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX xuất bản cuối năm 2005 tại mục II Ấn chương Việt Nam thời Mạc chúng tôi giới thiệu sơ lược và trong đó chỉ mới khảo tả giới thiệu ba quả ấn đồng thuộc lực lượng quân đội cùng mấy sắc phong thần(1). Việc sưu tầm bổ sung ấn chương thời Mạc nói riêng và ấn chương Việt Nam nói chung vẫn được chúng tôi tiếp tục thực hiện. Gần đây được một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật quen biết cung cấp một số ấn tín và hiện vật cổ bằng đồng, trong đó có một quả ấn khắc ghi niên đại thời Mạc; bài viết xin được giới thiệu về quả ấn này qua việc đối chiếu với số ấn thời Mạc và những ấn tín khác đã công bố.
Ấn có chất liệu bằng đồng, trọng lượng 460g. Ngoại hình ấn làm kiểu chuôi vồ thắt giữa, khuôn mặt để ấn được làm theo hình vuông. Tổng chiều cao là 7cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,7×7,7cm và dày 0,6cm. Mặt trên núm ấn có khắc 3 dòng chữ Hán, 2 dòng ở bên phải và một dòng ở bên trái. Bên phải dòng ngoài gần mép ấn khắc 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Dòng thứ hai bên phải là 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Nét chữ khắc rõ ràng, nét khắc theo kiểu viết thô, chữ không đẹp, dòng giữa Thượng bảo ty tạo khắc lệch không thẳng hàng. Bên trái núm ấn khắc dòng ghi niên đại có 6 chữ Đại Chính nguyên niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Mặt đế ấn có rìa cạnh 0,6cm, bên trong khắc 6 chữ triện. Nét khắc thô, không cân xứng. Bố cục chữ và nét chữ không đều nhau.
Dấu hình vuông có kích thước 7,7×7,7cm. 6 chữ triện xếp theo 3 hàng dọc. Chân hóa chữ triện trong dấu là 6 chữ Trường phi Tả sở chi ấn 長 鈹 左 所 之 印. Như vậy dòng chữ triện ở dấu trùng với nội dung dòng chữ Hán khắc trên núm ấn phía bên phải.
Trước hết xin được nói về niên đại của ấn. Theo như dòng chữ khắc bên trái mặt núm ấn thì niên đại của ấn ghi là năm Đại Chính nguyên niên. Đại Chính là niên hiệu của Mạc Đăng Doanh, Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung lên ngôi tháng giêng năm 1530. Như vậy quả ấn này tạm thời được xác định có niên đại ghi năm 1530. Tuy nhiên dòng ghi niên đại mới chỉ là một trong các tiêu chí để xác định niên đại của ấn tín nói riêng và cổ vật nói chung. Muốn xác định chúng ta phải căn cứ vào ngoại hình, chất liệu, văn tự ký hiệu khắc trên ấn và đặc biệt là nội dung được khắc ở mặt đế ấn. Đồng thời phải có các ấn tín khác cùng thời, cùng loại hình lĩnh vực để đối chiếu so sánh phân tích. Điều may mắn là chúng tôi đã có ba quả ấn thời Mạc khác có nhiều điểm tương tự coi như những dị bản, dị vật để đối chiếu.
Ba quả ấn thời Mạc đã công bố hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều có chất liệu bằng đồng. Ngoại hình tương đối giống nhau với núm ấn làm kiểu chuôi vồ và khuôn mặt đế ấn được đúc theo hình vuông. Chữ Hán khắc trên cả ba quả ấn này đều có điểm tương tự, phía bên trái mặt núm ấn là dòng ghi niên đại, bên phải mặt núm có hai dòng, dòng ngoài rìa ghi nội dung văn khắc mặt dấu và dòng bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn.
Quả ấn thứ nhất có ký hiệu LSb 2529 có chiều cao 9cm dày 0,8cm. Mặt đế ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Đại Chính ngũ niên nguyệt nhật 大 正 元 年 月 日. Dòng bên phải hàng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚 寶 司 造. Dòng ngoài khắc 6 chữ Hoành Hải Hậu sở chi ấn 橫 海 後 所 之 印. Đây là ấn của viên tướng Hậu sở Hoành Hải được chế tạo năm Đại Chính thứ 5 (1534) đời Mạc Đăng Doanh.
Ấn thứ hai có ký hiệu LSb 2531, chiều cao là 9cm và dày 0,7cm. Mặt ấn hình vuông kích thước 7,5×7,5cm. Mặt núm ấn dòng bên trái khắc 6 chữ Cảnh Lịch nhị niên nguyệt nhật 景 歷 二 年 月 日. Dòng ngoài bên phải khắc 6 chữ Thanh tái Tả sở chi ấn 清 塞 左 所 之 印, dòng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo. Đây là ấn của viên tướng Tả sở Thanh tái được chế tạo năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549) đời Mạc Phúc Nguyên.
Ấn thứ ba có ký hiệu LSb 2530, cao 9cm và dày 0,6cm. Núm ấn phía bên trái khắc 6 chữ Thuần Phúc tam niên nguyệt nhật 淳 福 三 年 月 日. Bên phải khắc 9 chữ Khuông Trị vệ Lăng Xuyên tiền sở chi ấn 匡 治 衛 凌 川 前 所 之 所. Dòng bên cạnh cũng khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo giống như các ấn trên. Đây là ấn của viên tướng Tiền sở Lăng Xuyên thuộc vệ Khuông Trị được chế tạo năm Thuần Phúc thứ ba (1564) đời Mạc Mậu Hợp.
Như vậy so sánh quả ấn mới phát hiện với ba quả ấn thời Mạc trên ta thấy có nhiều điểm tương đối giống nhau. Các ấn đều có chất liệu bằng đồng, ngoại hình cùng kiểu núm chuôi vồ và mặt đế ấn làm theo hình vuông. Thể thức khắc chữ Hán trên mặt núm ấn đều có ba dòng chữ, bên trái là dòng niên hiệu, bên phải là dòng ghi nội dung giống như ở mặt dấu và bên cạnh ghi cơ quan tạo ấn là Ty Thượng bảo (Thượng bảo ty tạo)(2). Cũng như giá trị của dòng ghi niên hiệu trong việc xác định niên đại, khoảng thời gian tạo ấn, dòng chữ Thượng bảo ty tạo là một trong các tiêu chí quan trọng để xác định đây là quả ấn thuộc thời Mạc, nó giống như dòng chữ Vũ khố phụng tạo trên ấn đồng thời Nguyễn và dòng chữ Tân Hợi niên đông tạo trên ấn đồng thời Tây Sơn(3).
So sánh nội dung triện văn của quả ấn mới với ba ấn đã công bố cũng có nhiều điểm giống nhau. Ấn mới có 6 chữ triện (bằng số chữ của 2 ấn ký hiệu LSb 2529 và LSb 2531. Đây là ấn của một viên tướng chỉ huy cấp sở (Tả sở Trường phi) thuộc lực lượng quân đội nhà Mạc như ba ấn đồng trên chỉ khác tên đơn vị. Chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu tìm Tả sở Trường phi thuộc lực lượng quân đội Ngũ quân (Ngũ phủ) hay thuộc lực lượng quân sự địa phương, song chắc chắn đây là một đơn vị không lớn nằm dưới cấp Vệ trong biên chế quân đội nhà Mạc.
Về hình thức, kiểu chữ triện khắc trên ấn mới không khác ba ấn cũ, nhưng nét khắc và bố cục khuôn chữ có điểm khác nhau. Ở ấn mới có nét khắc thô, nét dầy nét mảnh không đều nên khi in trên giấy ta thấy độ tương phản rất rõ và nét chữ không thẳng hàng. Điểm khác biệt quan trọng là kích thước của ba chữ hàng trên không giống ba chữ hàng dưới. Kích thước chiều rộng mỗi chữ là 1,8cm, nhưng chiều dài của 3 chữ hàng trên là 3,1cm, còn chiều dài của 3 chữ hàng dưới lại chỉ có 2,5cm. So sánh kích thước từng chữ của 3 quả ấn cũ thời Mạc và những ấn đồng khác chúng tôi thấy kích cỡ chữ triện trong mỗi một con dấu rất đều nhau, cả chiều dài và chiều rộng nếu xếp theo kiểu đăng đối 3 hàng 6 chữ, 4 hàng 8 chữ… Còn nếu xếp theo kiểu lẻ 3 hàng 7 chữ hoặc 8 chữ(4) thì kích thước bố cục chữ ở mỗi dòng cũng phải bằng nhau không có sự khác biệt. Đấy có lẽ là những quy tắc bất biến của việc chế tác đúc ấn mà các triều đại phong kiến đều đặt làm định lệ.
Mặt khác đo kỹ hình dấu mặt đế ấn ta thấy ấn làm không được vuông vức lắm. Cạnh bên phải và cạnh trên dài 7,7cm, cạnh dưới và bên trái chỉ dài 7,6cm. Do đó khi nhìn hình dấu sẽ thấy ngay điểm lệch không cân đối. Tất cả những khác biệt trên của quả ấn đồng mới này khiến chúng tôi có suy nghĩ: phải chăng đây là quả ấn được làm thủ công không giống ba quả ấn nhà Mạc đã công bố ? Như vậy thì ấn này không phải được tạo tác ở Ty Thượng bảo ? Nhưng ở đây mặt ấn lại khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo! Đấy là điều khó lý giải cho những người làm công tác sưu tầm nghiên cứu ấn chương nói riêng và cổ vật nói chung sẽ mắc phải.
Nhưng may mắn là chúng ta vẫn còn một tiêu chí quan trọng nữa để xét tính chân ngụy của quả ấn mới này, đó là chất liệu của ấn. Ấn Trường phi Tả sở này có chất liệu bằng đồng, Ten đồng có màu xanh lục loang lổ. Trông ngoại hình thì nó rất cổ và cũng giống như bao ấn đồng khác. Tham khảo ý kiến một vài nhà nghiên cứu cổ vật thì chất liệu đồng ở quả ấn này cũng có thể đến vài trăm năm tuổi ? Kiến thức này chỉ có được ở các nhà Khảo cổ học, Bảo tàng học và những người chuyên sưu tầm nghiên cứu cổ vật. Ý kiến đánh giá chất liệu đồng của ấn này sẽ là lời khẳng định giá trị trong việc xác định niên đại của ấn.
Trước tình trạng hiện nay rất nhiều cổ vật bằng đồng, bằng gốm, bằng đá, bằng ngà… và cả tài liệu thư tịch Hán Nôm được làm giả với mục đích kinh tế vụ lợi. Song chúng tôi lại rất mong muốn quả ấn công bố trong bài viết này là ấn có niên đại thật. Như vậy nó không chỉ bổ sung cho số lượng ấn chương thời Mạc nói riêng, cho ấn chương Việt Nam nói chung và cao hơn cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Mong muốn của chúng tôi hy vọng sẽ được các nhà Khảo cổ học và Bảo tàng học giải đáp trong thời gian không xa.
Chú thích: Mặt trên núm ấn và dấu Trường phi Tả sở chi ấn
(1) Xem Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX – Mục Ấn chương Việt Nam thời Mạc Nxb. KHXH, H. 2005, từ tr.135 đến tr.152.
(2) Nhà Mạc lập Ty Thượng bảo theo cơ cấu tổ chức của nhà Lê sơ, mô phỏng theo tổ chức của nhà Minh (Trung Quốc). Ty Thượng bảo là nơi tạo đúc vật dụng kim loại, chủ yếu chế tác từ nguyên liệu đồng; Hầu hết các ấn tín đều được làm từ ty này và theo quy chế nhất định.
Xem. Ấn chương Việt Nam…Sđd, mục Thực trạng về ấn chương triều Quang Trung tr.235-249 và Ấn chương trong các cấp chính quyền địa phương thời Nguyễn, tr.401-252.
(4) Xem H.22 Dấu Phụng mệnh Tuần phủ đô tướng quân ấn (tr.121) và H.176 Quảng Nam Quảng Ngãi Tổng đốc quan phòng tr.418 – trong Ấn chương Việt Nam…Sđd./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.54-57)
Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=99&Catid=42
PS: Cần dùng phương pháp giám định cổ vật bằng máy quang phổ hoặc thiết bị hiện đại hơn để xác minh lại hiện vật này.
Cổ vật xứ Đông – Hơn 500 năm chìm nổi của thanh long đao vua Mạc Đăng Dung
Cổ vật “Định Nam đao”, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) có số phận chìm nổi, lưu lạc hơn 500 năm theo hậu duệ ông trốn chạy khỏi sự truy lùng của kẻ thù.
Vũ Ngọc Khánh
Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/co-vat-xu-dong-hon-500-nam-chim-noi-cua-thanh-long-dao-vua-mac-dang-dung-614431.html
“Lam xám” – dòng gốm độc đáo thời Mạc (TK 16) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Gốm lam xám:
Có thể nói, triều Mạc (`1527-1593) là triều đại để lại nhiều dấu ấn về mặt kinh tế, quân sự, giáo dục và ngoại giao. Nhà Mạc vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo từ thời Lê làm chính thống nhưng không hạn chế tư tưởng phi Nho khác. Do đó Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác được phục hồi khiến cho các công trình tôn giáo cũng được phát triển và thay đổi đáng kể. Cùng với các công trình kiến trúc đình, chùa được xây dựng thì làng nghề gốm sứ chuyên sản xuất những sản phẩm như chân đèn, lư hương…, sử dụng trong nghi lễ tại các không gian tôn giáo cũng phát triển đáng kể. Tiêu biểu phải kể đến một sưu tập vật dụng thờ cúng có màu men lam xám của người nghệ nhân tài hoa Đặng Huyền Thông – ông tổ của nghề làng gốm Chu Đậu (Hải Dương), những sản phẩm của ông mang đậm tính nhân văn và sắc thái riêng thời Mạc.
Thuật ngữ “gốm men lam xám” khởi đầu được các chuyên gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dùng để chỉ một dòng gốm mà toàn bộ bề mặt được phủ một lớp men dày mầu xanh lam sẫm, đôi khi pha lẫn ghi xám hay ngả hanh vàng. Kế thừa kỹ thuật truyền thống của men lam và nâu rỉ sắt của khu vực lò gốm Chu Đậu, Hải Dương vào cuối TK 15, những nghệ nhân đã tạo ra một sắc men lam mới đó là lam xám. Chất đất tạo xương gốm dầy, thô và nặng. Theo các chuyên gia nghiên cứu, người thợ gốm này phải rất giỏi chế ngự ngọn lửa và làm chủ được chất liệu xương gốm thì khi nung sản phẩm có kích thước lớn mà men phủ mới dầy và đều đến vậy.
Bản vẽ: những hình rồng đặc trưng trang trí trên gốm lam xám thời Mạc.
Gốm lam xám được xác lập như một dòng gốm đặc biệt và độc đáo bởi việc kết hợp của việc trang trí bằng men phủ với kỹ thuật chạm nổi, dán – ghép hay khắc chìm trên mỗi sản phẩm. Loại hình sản phẩm gốm này đều có kích thước lớn như chân đèn, lư hương, mô hình tháp. Tất cả đều sử dụng kỹ thuật đúc chạm nổi, có khi phần trang trí được dán hay ghép vào sau. Còn minh văn được khắc chìm sau rồi mới tráng men. Đề tài trang trí trên sản phẩm thường là rồng hoặc các loại cánh sen, được thể hiện với nhiều kiểu khác như: rồng yên ngựa, rồng trong hình tròn, rồng uốn hình hoa 4 cánh, rồng trong hình lá đề, rồng chầu chữ Phúc, rồng có cánh.. ; cánh sen dài trong có hình rồng uốn, cánh sen dài trong có hình mặt trời có tua, cánh sen tả thực…
Từ năm 1991, TS. Nguyễn Đình Chiến – nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – là người đã giành nhiều công phu và tâm huyết để lần lượt giải mã minh văn trên những sản phẩm của người nghệ nhân tài hoa này. Ông đã tập hợp và nghiên cứu khối tư liệu về những tác phẩm gốm lam xám ở các bảo tàng trong nước và quốc tế, từ đó xác lập một hệ thống tiêu chuẩn về dòng gốm này qua các mặt niên đại, kiểu dáng, hoa văn. Điều thú vị là những tác phẩm thuộc loại men này đều thuộc về một tác giả đó là Sinh đồ Đặng Huyền Thông, tên thật là Đặng Mậu Nghiệp và vợ là bà Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh người xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Những sản phẩm thuộc dòng gốm lam xám chỉ được sản xuất đơn chiếc hoặc trọn bộ theo đơn đặt hàng, chính vì thế mỗi sản phẩm của ông đều được coi là những tác phẩm quý giá mang giá trị trên thương trường cổ vật trong nước và quốc tế.
Dưới đây là một số hiện vật tiêu biểu cho dòng gốm độc đáo này.
1.Chân đèn gốm men lam xám thời Mạc
LSb.17248
Kích thước: 74cm
Niên đại: tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588).
Phần trên tạo dáng một bông hoa sen nở gồm 3 phần, trang trí nổi rồng đuổi, rồng uốn, bông hoa 8 cánh nhọn, dải hoa lá trong ô chữ nhật, rồng trong lá đề. Hai tai gắn trên miệng và thân là hia tượng rồng có cánh. Phần dưới có vai và thân phình chạm nổi băng cánh sen bên trong có bông hoa, băng vạch đứng song song, đính nổi những bông hoa 8 cánh nhọn. Thân trên chạm nổi 4 rồng “yên ngựa” trong khung viền “nhĩ bôi”.Thân dưới chạm nổi băng cánh sen bên trong có bông hoa hay 2 vành trăng khuyết. Men phủ mầu lam xám, tô men nâu trên tai rồng và dải quai. Minh văn khắc hai dòng chữ Hán, có nghĩa: “Tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588) đời vua Mạc Mậu Hợp. Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.
2.Lư hương gốm lam xám
LSb.17276
Kích thước:
Cao: 25cm
Đkm: 26,5cm
Niên đại: tháng 8, niên hiệu Diên Thành 5 (1582).
Lư có miệng loe, thân hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Xung quanh bụng có 2 dải quai lớn và 4 dải quai nhỏ đối xứng nhau. Trang trí nổi hình rồng có cánh trên dải quai, rồng yên ngựa. rồng hình tròn, vạch đứng song song, hoa 8 cánh nhọn, cánh sen bên trong có nửa bông hoa. Men phủ mầu vàng xám và xanh xám. Minh văn được khắc và đúc nổi trên các dải quai, vành miệng trong và ngoài của lư hương: ‘Lư chế tạo vào tháng 8, năm niên Thành 5(1582), Đàm Chân Phúc Lam cùng lớn nhỏ toàn xã Thượng Thụy, huyện Đan Phượng đều nhận phúc. Đặng Huyền Thông xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Lam Sách chế tạo. Tín thí quán Viên Dương. Khói hương thấu chín tầng trời; một niệm thông khắp ba giới. Đàm chân Phúc Lam cung tiến gủi các tổ tiên đến cõi cực lạc”.
-
Lư hương gốm lam xám
LSb.13537
Kích thước:
Cao: 23 cm
Đkm: 37 cm
Niên đại: khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 – 1591) đời vua Mạc Mậu Hợp.
Lư có cấu tạo 3 phần: miệng đấu phía trên có viền nổi, cổ hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Xung quanh miệng chạm nổi cặp rồng yên ngựa trong khung chữ nhật chầu vào chữ “Phật”. Cổ đắp nổi 2 rồng cuốn trong có nửa bông hoa, răng cưa, vạch đứng song song có đính bông hoa nổi. Men phủ mầu lam xám ngả vàng.
4 Lư hương gốm lam xám và nâu vàng
LSb.12817
Kích thước:
Cao: 33,5cm
ĐkM: 22,5cm
Niên đại: niên hiệu Đoan Thái (1585 – 1588).
Lư có cấu tạo gồm 3 phần rõ rệt, miệng tròn dấu, cổ hình trụ, bụng tròn dẹt. Xung quanh cổ có gắn 6 dải quai: 2 to và 4 nhỏ. Đối xúng từng đôi một. Miệng lư chạm nổi 2 cặp rồng yên ngựa trong khung chữ nhật chầu vào khung chữ “Tam bảo”. xung quanh co gắn 4 hình rồng cuộn tròn, 2 dải quai lớn chạm rồng yên ngựa đối nhau, rìa chạm 2 bông hoa nổi. Mỗi quai đính hai bông hoa nhỏ. Bụng lư chạm nổi hoa văn gồm các loại hoa cánh nhọn trong chạm nổi bông hoa; bông hoa nổi và rồng yên ngựa. Băng hoa văn này gồm 6 hình bằng nhau, đặt theo chiều kim đồng hồ. Men phủ trong 4 ô rồng tròn mầu nâu vàng, còn lại là mầu lam xám. Trong lòng và dưới đáy để mộc, mầu sét xám. Minh văn đúc nổi trên miệng lư 2 ô chữ tam bảo. Trên 4 dải quai nhỏ khắc 8 chữ Hán, nghĩa là ” Thiên hạ thái bình nhân dân yên vui”.
-
Lư hương gốm lam xám
LSb. 13536
Kích thước:
Cao: 38cm
Đkm: 24,2 cm
Niên đại: niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Đời vua Mạc Mậu Hợp chế tạo.
Lư có miệng loe, viền gờ nổi phía ngoài, cổ hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng, 4 chân quỳ. Xung quanh cổ lư có 2 dải quai và 4 dỉa quai nhỏ. Thành ngoài miệng, hàng trên chạm 2 cặp rồng nổi, chầu chữ Phúc , hàng dưới chạm nổi cánh sen to cánh sen nhỏ xen nhau. Cổ lư chạm băng dây lá và rồng uốn trong hình nhĩ bôi. Diềm dưới cổ chạm băng văn răng cưa. Bụng lư chạm 5 băng văn gồm cánh sen bên trong có bông hoa, răng cưa, bông hoa 8 cánh nhọn trong ô chữ nhật. Chân quỳ chạm nổi mặt thú và vạch đứng song song, răng cưa và 2 vành trăng khuyết. Men phủ lam xám.
Minh văn khắc chìm và đúc nổi 10 dòng chữ Hán trên các dải quai và gờ miệng, sau mới phủ men lên trên. “Đặng huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện thanh Lâm chế tạo. Định Hương, Huệ Hương. Giảo thoát hương. Nguyễn Truyền, Nguyễn Nhân Phó, Hoàng Đức Đức Thọ, Nguyễn Đình Lân, Nguyễn Ư ở xã Thượng Ốc.
-
Hai phần dưới chân đèn gốm lam xám
LSb. 13783 a&b
Niên đại: tháng 2, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589).
Cao: 60cm.
Phần trên chân đèn trang trí nổi bông hoa trong cánh sen, vạch đứng song song, hình rồng trong ‘nhĩ bôi”, băng cánh sen. Phần dưới cả hai chân đèn đều có vai và thân trên phình thân dưới eo, chân đế choãi. Vai có băng hoa văn nổi 8 cánh nhọn. Thân trên có băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ, phía dưới có 4 rồng uốn trong mặt tròn. Thân dưới hàng trên chia nhiều cánh cánh sen đứng , bên trong có hình rồng cuốn, hàng dưới có dải lá dải hoa trong ô chữ nhật. Chân đế chia nhiều tầng cấp, chạm nổi văn răng cưa, vạch đứng song song, bông hoa trong cánh sen. Men lam xám phủ cả phần trên và dưới có mầu vàng xám, xanh xám.
Minh văn khắc ở thân trên thuộc phần dưới có 14 dòng chữ Hán. Chữ được khắc chìm trong ô giữa các hình rồng, có nghĩa: “Chùa Tô Lai, thôn Thanh Kiểu, xã Thượng Ốc, huyện Từ Liêm. Tín chủ và thập phuowng công đức cùng những người cung tiến lớn nhỏ đều hưởng phúc. Chế tạo vào tháng 2 niên hiệu Hưng Trị 2(1589). Tín chủ là thái Bảo Đà Quốc Công cùng thiện tín Nguyễn Quỳnh, Vũ Duy Phiên. Xã Biện Hàn gồm các ông Nguyễn Nhân Mỹ, Nguyễn Văn Ban, Nguyễn Trung, Vũ Bạt Tụy, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Hạnh An. Người chế tạo là Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm.
Hiện nay, những tác phẩm thuộc dòng gốm lam xám được trưng bày và lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, như: BT Hải Dương, BT Hà Tây, BT Hải Phòng, BT Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, BT Mỹ thuật Việt Nam; và một số các bảo tàng ở Hàn Quốc, Mỹ, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng thực sự là khối di sản vô cùng quý giá để chứng minh cho bạn bè năm châu về một dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời đã sản sinh ra những người con ưu tú. Vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân thôn Hùng Thắng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ông tổ nghề gốm tài hoa Đặng Huyền Thông tại đền thờ ông tại làng Hùng Thắng, xã Minh Tân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vào ngày 10/2/2004 Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích đền thờ Đặng Huyền Thông là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)
Chú thích ảnh:
- Ảnh 1 (Số đăng ký: LSb.17248): chân đèn, minh văn khắc cho biết sản phẩm do “Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.
- Ảnh 2 (Số đăng ký LSb. 17276): Lư hương hai tai rồng trang trí rồng có cánh.
- Ảnh 3(Số đăng ký: LSb.13537): lư hương, quanh miệng chạm hai rồng chữ Phật.
- Ảnh 4(số đăng ký: 12817): Lư hương, minh văn khắc“Thiên hạ thái bình nhân dân yên vui”.
- Ảnh 5 (Số đăng ký LSb.13536): lư hương, minh văn cho biết sản phẩm doĐặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng chế tạo”.
- Ảnh 6 (Số đăng ký LSb. 13783): phần dưới chân đèn, minh văn cho biết sản phẩm do “Đặng Huyền Thông , xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.
- Bản vẽ: những hình rồng đặc trưng trang trí trên gốm lam xám thời Mạc.
Nguồn: http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Chuyen-khao/2015/04/3A9245FD/